Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Nê Hoàn - Tập Hai
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
PHẨM NÊ HOÀN
TẬP HAI
Đói là nạn lớn nhất: Thuở xưa, Vua Bình Sa bị con là A Xà Thế nhốt trong ngục kín, cắt hết mọi tin tức, lương thực. Nhà Vua đói khổ không biết tỏ cùng ai.
Vua chợt nhớ đến Phật, lại nhớ lời Phật dạy, khi ấy Vua liền đọc lên rằng:
Lời dạy cao cả
Lan truyền khắp nơi
Mọi người truyền học
Thật không biết chán.
Không ai bằng Ngài
Lời dạy tốt đẹp
Thân bị khổ ngặt
Không gì hơn đói.
Khổ trong các thứ khổ, không gì hơn đói.
Cho nên nói: Đói là nạn lớn nhất.
Hành là khổ bậc nhất: Người ta ở đời, chí hướng khác nhau, việc làm khác nhau, nhưng ai nấy đều biết đói lạnh, cực khổ là khốc liệt hơn hết đối với thân mình. Từ khi thọ thân là phải chịu cảnh tăm tối trong thai. Nếu bị tội hành hình thì thân thể bị xẻ ra, biết bao khổ não. Nếu giác quan đầy đủ vẫn bị hao mòn với già bệnh, bởi thọ thân thì thần thức đi theo, phải chịu quả báo thiện ác.
Tất cả mọi khổ ấy đều do hành động đã gây ra mà có.
Cho nên nói: Hành là khổ bậc nhất.
Biết như thật điều ấy, Niết Bàn là vui nhất: Người tu hành mong cầu vắng lặng hoàn toàn, lìa hẳn các tai họa, sống an ổn vô vi, không còn phiền não khổ đau.
Cho nên nói: Biết như thật những điều ấy, Niết Bàn vui thứ nhất.
Người hướng lành thì ít
Người theo ác thì nhiều
Biết như thật điều ấy
Cầu mau tới Niết Bàn.
Người hướng lành thì ít: Dù có làm lành đi nữa nhưng cũng không theo ý muốn. Nếu các hạnh nguyện đầy đủ thì lúc ấy các vị Trời cho rằng chỉ có cõi người là cõi thiện. Loài người cho rằng Cõi Trời là ngôi nhà phước.
Như trong các Khế Kinh nói, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các Trời tự biết năm điềm lành ứng hiện, nên họ cùng nhau nhóm họp.
Các vị Trời ấy bảo rằng: Ông chết ở đây, nguyện sinh về cõi lành, đến nơi ấy rất vui sướng, được lợi ích lành, vì được an ổn, vô vi.
Khi ấy, có thầy Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, vì sao các vị Trời ở cõi lành mau được lợi ích lành, an ổn, vô vi?
Nghĩa ba câu này thế nào?
Đức Phật bảo vị Tỳ Kheo: Là căn lành của đạo được đầy đủ. Cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, sống trong chánh pháp, không thích lệ thuộc cuộc sống tại gia mà xuất gia học đạo, đó gọi là cõi lành của Tỳ Kheo và các vị Trời.
Lại hỏi: Thế nào gọi là an ổn vô vi?
Đức Phật bảo vị Tỳ Kheo: Nương vào tứ Thánh đế suy nghĩ phân biệt, đó gọi là an ổn vô vi của Tỳ Kheo và các vị Trời. Ở đời người hành đạo tu thiện thì ít.
Cho nên nói: Người hướng lành thì ít.
Người theo ác thì nhiều: Vì sao?
Vì các loài chúng sinh làm điều ác thì nhiều, không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tăng, cũng không phân biệt được thiện ác tốt xấu, chỉ lo vun trồng cội gốc của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Từ bóng tối bước vào bong tối, không có lúc ra khỏi, giống như người mù cầm đuốc, chiếu sáng mọi nơi mà chính mình thì không thấy được ánh sáng.
Cho nên nói: Người theo ác thì nhiều.
Biết như thật điều ấy, cầu mau tới Niết Bàn: Người có căn tánh lanh lợi thì sự tỉnh ngộ cũng khác nhau. Có người vừa nghe qua là tỉnh ngộ, có người thấy hình tướng mà chợt hiểu.
Thế nên, Bậc Thánh truyền giáo rộng khắp, cho thuốc tùy theo bệnh, không sai lầm. Trong ấy, những người có căn tánh lanh lợi nhìn đời thay đổi muôn vẻ nên họ khó sống chung nhau một nơi, nhưng trên cầu đạo vô vi như cứu lửa cháy đầu.
Vì sao?
Vì họ sống nơi thanh vắng an ổn, hoàn toàn hợp với sự vắng lặng, thần thức lắng trong, bất động.
Cho nên nói:
Biết như thật điều ấy,
Cầu mau tới Niết Bàn.
Có nhân sinh cõi lành
Tạo duyên sinh đường ác
Có tu chứng Niết Bàn
Như vậy, đều có duyên.
Có nhân sinh cõi lành: Thế nào là duyên điều kiện?
Duyên là thí, giới, văn, tuệ, tư duy, oai nghi của thanh tín sĩ, oai nghi của người xuất gia, oai nghi của bậc Đại đạo, xả bỏ dấu vết hạnh lành.
Đó là nền tảng cho nhân duyên đến với đạo.
Cho nên nói: Có nhân sinh cõi lành.
Tạo duyên sinh đường ác: Là vì nguyên cớ nào?
Như người có tâm ôm lòng ganh ghét, không có tâm bố thí, phạm giới sát sinh, ăn trộm. Họ gây mười việc ác như vậy, không thể sửa đổi, đến nỗi đọa vào ba đường ác.
Cho nên nói: Tạo duyên sinh đường ác.
Có tu chứng Niết Bàn: Niết Bàn được tới bằng con đường chân chánh của Thánh Hiền. Dứt bỏ các kết sử, thẳng đến vô vi.
Không đi theo đường Hiền Thánh này thì không thể nào tới đó được.
Như các ngoại đạo Phạm Chí nói với nhau: Trên đời này mọi chuyện không có nhân duyên, cũng không có gốc ngọn. Có là tự nhiên có, không là tự nhiên không.
Làm sao biết được như vậy?
Như ở ngoài đồng rộng mọc nhiều gai nhọn nào thì đâu phải do thợ khéo tay chuốt cho chúng nhọn đâu?
Như nai hay trăm thứ chim thú đậu trên cây, bộ lông xen màu sắc đẹp đẽ khác nhau như vậy, há có phải bởi con người tô vẽ ra hình thể của chúng đâu?
Nói về phẩm loại thì tính chất của chúng khác nhau.
Tính của đất là mềm, tính của đá là cứng, nào phải mềm cứng là bởi người làm ra đâu?
Tất cả đều không có nhân duyên gì cả mà là tự nhiên sinh ra như vậy. Những loại mê chấp như vậy, đã có từ lâu đời. Họ truyền dạy nhau đến bây giờ vẫn không dứt.
Cho nên Đức Thế Tôn nói: Việc ấy có điều kiện cả chứ không phải hoang đường, còn nỗi khổ ngay đây là bởi nhân duyên gì?
Chúng sinh tu mười điều lành thì nơi họ ở đất đai bằng phẳng tốt đẹp, khi ấy hầm hố, bờ cao, gai gốc, cỏ móc, tự nhiên cũng bằng phẳng, không còn gai góc. Còn nếu chúng sinh làm mười điều ác thì khi ấy đâu đâu cũng đầy cỏ gai, bờ cao vực thẳm, rắn rít trùng độc sinh sôi nảy nở vô số. Đó là do đời trước chứa nhóm nhiều tội ác mà có ra như vậy.
Cho nên nói:
Như vậy, đều có duyên.
Nai về đồng cỏ
Chim bay lên Trời
Nghĩa bởi phân biệt
Chân nhân về diệt.
Thuở xưa, Đức Thế Tôn ngự trong hang đá nhân đế, bên cạnh vườn trái ngọt, thuộc nước Ma Kiệt.
Khi ấy Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh trong sạch không chút bợn nhơ thấy có bầy nai đang bị thợ săn rượt, chúng phóng nhanh vào rừng sâu.
Đức Phật lại dùng thiên nhãn nhìn thấy bầy chim tránh lưới, nên chúng bay lên hư không. Đức Như Lai lại dùng thiên nhãn thấy các thầy Tỳ Kheo luận bàn ý nghĩa với thái độ hòa nhã, thông đạt và ngay trong đêm ấy họ lại suy nghĩ về mười hai nhân duyên, suy xét kỹ lưỡng ý nghĩa của sự thuận nghịch, gốc ngọn.
Đức Như Lai cũng dùng thiên nhãn thấy thầy Tỳ Kheo khác suốt đêm nghĩ thật kỹ lại rồi vào thiền định giải thoát. Tới lúc gần sáng thì bao mê lầm tăm tối bị quét sạch hết, nhập vào Niết Bàn vô dư. Ấy bởi thần lực của mắt mà Như Lai thấy hết.
Bấy giờ Đức Thế Tôn quán xét ý nghĩa đó, là nhân duyên sinh khởi, muốn đệ tử giảng nói, truyền bá giáo pháp của Ngài cũng như muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, muốn cho chúng sinh đời sau thấy được ánh sáng rực rỡ ấy, nên Đức Thế Tôn bèn nói bài kệ này:
Nai về đồng cỏ,
Chim bay lên Trời,
Nghĩa theo phân biệt,
Chân nhân về diệt.
Không có tâm biếng nhác
Yếu hèn, có chỗ đến
Muốn đến được Niết Bàn
Đốt cháy mọi trói buộc.
Không có tâm biếng nhác, yếu hèn có chỗ đến: Trong Kinh A Hàm, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu pháp này người tinh tấn tu hành, không biếng nhác. Pháp tu đã có nhưng do biếng nhác nên không tự tiến lên được, làm sao có phương tiện tốt để đến Niết Bàn. Như người có bản tính yếu hèn lại không có hai mắt, thì đâu dám ngủ qua đêm giữa đồng trống, nơi có nhiều tên cướp, đường hiểm trở khó vượt qua.
Muốn vượt qua đoạn đường đầy hiểm nạn đó, phải là những người can đảm, khỏe mạnh, mới tự cứu mình được, yên thân không lo sợ thứ gì. Những kẻ ngu si tà ý, tâm tin theo những kiến chấp điên đảo thì không bao giờ vượt qua chỗ hiểm nạn ấy. Chỉ người có mắt trí tuệ, thấy phương chước hay của Bậc Thánh mới có thể đến được cảnh giới vô vi.
Cho nên nói:
Không có tâm biếng nhác,
Yếu hèn có chỗ đến,
Muốn đến được Niết Bàn,
Đốt cháy mọi trói buộc.
Tỳ Kheo mau tát thuyền
Tát hết thuyền nhẹ trôi
Dứt hẳn tâm tham dục
Thì đến được Niết Bàn.
Ngày xưa, có thầy Tỳ Kheo muốn qua sông. Thầy gặp nhằm chiếc thuyền cũ mục không qua được.
Khi ấy, anh thợ đóng thuyền nói với thầy Tỳ Kheo: Đạo Sĩ muốn có phương tiện đi, thì hãy dùng công sức mình tát hết nước trong thuyền, thuyền nhẹ nổi phiêu thì đi đến đâu cũng được.
Khi ấy thầy Tỳ Kheo dùng hết sức mình tát hết nước trong thuyền ấy, cuối cùng thầy sang được bờ bên kia. Thu vén y áo, chỉnh tề oai nghi, thầy dần dần đến gần bên Phật, thầy lạy trán sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Như Lai biết thầy là người đáng được độ, nhưng Ngài chỉ liếc nhìn kỹ thầy rồi thôi, bậc Bích Chi, La Hán cũng không sánh được thầy Tỳ Kheo này.
Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Tỳ Kheo mau tát thuyền
Tát hết thuyền nhẹ trôi
Dứt hẳn tâm tham dục
Thì đến được Niết Bàn.
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Bây giờ, các thầy hãy suy nghĩ những điều khó khăn trước mắt, lại lo sợ những điều đáng băn khoăn cho đời sau. Thuyền chỉ cho thường pháp của thế gian đầy nguy hiểm, quyền biến độ thoát chúng sinh không lấy đó làm mỏi mệt.
Thân này thật như món đồ đựng chứa toàn chất bất tịnh, sao không vất bỏ nó đi?
Hãy tát cạn hết những tật bệnh hữu lậu, dứt bỏ dâm, nộ, si, ngồi thuyền Thánh Hiền mà đến Niết Bàn.
Của ta vốn là không
Xưa có, mà nay không
Chẳng không, cũng chẳng có
Như nay không thể được.
Của ta vốn là không, xưa có mà nay không: Hàng ngoại đạo dị học thấy biết khác nhau, nhưng ai cũng cho mình là đúng. Ta vốn tên đó, họ đó tuy có mà không, tuy không mà có. Không có mà tự nhiên sinh ra.
Cho nên nói: Của ta vốn là không, xưa có mà nay không.
Chẳng không, cũng chẳng có: Chẳng không chỉ cho quá khứ.
Cũng chẳng có chỉ cho vị lai, như nay không thể được chỉ cho hiện tại. Những kẻ khư khư kiến chấp ngu mê của mình đâu lìa Sa Môn Phạm Chí. Họ đi trên lối mòn tà kiến mà không tự sửa đổi.
Vì sao?
Vì họ không hiểu đạo Niết Bàn là nghĩa bậc nhất, họ tin theo tà kiến chứ không tin Niết Bàn.
Cho nên nói:
Của ta vốn là không,
Xưa có mà nay không,
Chẳng không cũng chẳng có,
Như nay không thể được.
Khó thấy đế bất động
Khéo quán sát phân biệt
Phải xét tận nguồn ái
Đó chính là mé khổ.
Khó thấy đế bất động, khéo quán sát phân biệt: Niết Bàn dứt hết phiền não, rất là vi diệu. Nó không hình tướng nên không thấy được. Pháp hữu vi chuyển động không dừng, còn pháp vô hình thì không chuyển động. Chỉ có Đức Như Lai, Bích Chi Phật và Thanh Văn mới có thể khéo quán sát phân biệt rõ từng thứ một bằng con mắt trí tuệ.
Cho nên nói: Khó thấy đế bất động, khéo quán sát phân biệt.
Phải xét tận nguồn ái, đó chính là mé khổ: Biết rõ cội gốc của ái dục đã gây nên bao nhiêu bệnh thì đối với chúng phải nhổ đứt hết, không để sót chút nào.
Cho nên nói:
Phải xét tận nguồn ái,
Đó chính là mé khổ.
Dứt ái, bỏ tham dục
Sông cạn, không còn chảy
Biết rõ gốc ái này
Đó chính là mé khổ.
Dứt ái, bỏ tham dục: Ái dục là một thứ bệnh, nó là gốc của mọi hoạn nạn. Nhờ nhổ bỏ gốc ái mà cành lá cũng lụi tàn. Đối với chúng phải nhổ dứt hết không để sót chút nào, làm cho gốc ái dục tự tiêu diệt không còn phát sinh trở lại nữa.
Ái nhiễm là đầu mối sinh ra dòng chảy tham dục, như dòng sông chảy xiết, nhận chìm các loài chúng sinh, hằng ức ngàn muôn chúng sinh bị bỏ mạng không thể cứu giúp. Một khi dòng sông khô cạn rồi thì chúng sinh qua lại không hề bị ảnh hưởng đến tính mạng.
Cho nên nói: Dứt ái, bỏ tham dục, sông cạn không còn chảy.
Biết rõ gốc ái này, đó chính là mé khổ: Ái là hình chất, dục là cành lá, si là sự thấm ướt. Nếu người tu hành mà khéo suy nghĩ quán sát thì có khả năng cắt đứt chúng, vượt khỏi mé khổ.
Cho nên nói:
Biết rõ gốc ái này,
Đó chính là mé khổ.
Thấy phải là thật thấy
Nghe phải là thật nghe
Biết phải là thật biết
Đó chính là mé khổ.
Vì sao nói: Thấy phải là thật thấy?
Vì sao nói chẳng phải thấy chẳng phải thấy?
Như có người mắt thấy sắc phân biệt gốc sắc, suy nghĩ biết là do điều kiện nên không khởi ý tưởng mê đắm.
Chẳng phải thấy thật chẳng phải thấy nghĩa là như kẻ ngu kia mắt thấy sắc liền sinh nhãn thức. Như vậy, dù y thấy chẳng bằng thì như không thấy.
Vì sao?
Vì do mắt thấy nên sinh ra nhãn thức.
Cho nên nói: Thấy phải là thật thấy.
Nghe phải là thật nghe: Như người nghe âm thanh vi diệu mà không khởi tâm mê đắm.
Cho nên nói: Nghe phải là thật nghe.
Biết phải là thật biết: Như có người phân biệt rõ thức thân, gieo trồng căn lành, buông bỏ cội gốc không lành. Dứt hẳn các phiền não, không gây ra nghiệp mới nữa.
Cho nên nói:
Biết phải là thật biết,
Đó chính là mé khổ.
Y Ninh Di Nê.
Đà Tỉ Đà La Tỉ.
Ma Tiết Hậu Tiết.
Nhất Thiết Tỳ La Lê.
Đó chính là mé khổ.
Thuở ấy, Đức Phật nói pháp cho bốn vị Vua Trời nghe. Có hai người hiểu tiếng ở vùng Kinh Đô, còn hai người kia không hiểu. Đối với hai người không hiểu này, Đức Phật dùng tiếng nước Đàm Mật La mà nói pháp Tứ Đế cho họ nghe.
Dù nói tiếng Đàm Mật La nhưng chỉ có một người hiểu, còn một người không hiểu.
Phật lại dùng tiếng nước Di Lê Xa nói cho pháp người này nghe: Ma Tiết Hậu Tiết, Nhất Thiết Tỳ La Lê, nhờ vậy mà bốn vị Vua Trời đều thông hiểu pháp Tứ Đế, ngay nơi chỗ ngồi họ chứng được pháp nhẫn nhu thuận.
Không thân, dứt vọng tưởng
Khổ đau được mát mẻ
Các hành đều dứt hẳn
Thức tưởng không còn khởi
Đó chính là mé khổ.
Không thân, dứt vọng tưởng: Thân này không bền chắc mà là pháp bị tiêu diệt. Thân này không bền chắc, nhất định phải ly tán, chỉ có năm phần Pháp Thân là bền chắc. Ý từ vọng tưởng sinh, vọng tưởng sinh ra muôn thứ bệnh. Nếu dứt được vọng tưởng là tương ưng với đạo chân.
Cho nên nói: Không thân, dứt vọng tưởng.
Khổ đau được mát mẻ: Các loài chúng sinh trôi lăn trong biển sinh tử, mà biển ấy có bốn sông hồ đổ vào không bao giờ đầy. Ấy là bởi gốc đau khổ nên phải chịu nhiều nguy khốn. Chúng sinh tương tàn sát hại lẫn nhau, đều do đau khổ mà đưa đến các tai họa ấy. Chỉ có người trí mới không gây ra nỗi đau khổ ấy.
Cho nên nói: Khổ đau được mát mẻ.
Các hành đều dứt hẳn: Sự thọ nhận tâm thức của con người là bởi hành sinh ra. Hành nghiệp càng lớn thì thành muôn thứ bệnh.
Hành động thiện thì đưa đến cõi thiện, hành động ác thì đưa đến cõi ác. Mọi việc làm của người trí không gây ra gốc hành.
Cho nên nói: Các hành đều dứt hẳn.
Thức tưởng không còn khởi: Thức tưởng rong ruổi gây ra muôn thứ bệnh. Cho nên Bậc Thánh giữ gìn tâm ý không để tán loạn. Nếu khởi thức thì sinh nhiều gốc si mê. Dùng ba trăm thứ thuốc chữa trị trăm thức. Buổi mai dùng trăm thứ thuốc, trưa dung trăm thứ thuốc, chiều dùng trăm thứ thuốc, để dứt bỏ vọng tưởng.
Lại dùng đảnh nhẫn thuộc Thánh hạnh vô lậu mà dứt bỏ vọng tưởng.
Cho nên nói: Thức tưởng không còn khởi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Mười Chín - Pháp Vẽ Tượng Năm Dược Xoa
Phật Thuyết Kinh Niệm Tụng được Lược Ra Trong Kim Cương đỉnh Du Già - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Bốn - ðại Phẩm - Phần Bảy - Chư Thiên
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Thiên đế - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Mười Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thập Luân - Phẩm Tám - Phẩm Sát Lợi Y Chỉ Luân Tướng
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Sáu - Phẩm A Di Phá Vỡ Ngờ Vực