Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm ác Hạnh - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM ÁC HẠNH  

TẬP MỘT  

Chớ làm điều ác

Hãy làm điều lành

Giữ ý thanh tịnh

Là lời Phật dạy.

Chớ làm điều ác: Chư Phật, Thế Tôn dạy người đời sau về đạo ba thừa. Không phải làm điều ác mà đạt được đạo, mà phải làm điều lành mới đạt được đạo mầu.

Cho nên nói: Chớ làm điều ác.

Hãy làm điều lành: Người tu hành tu mọi điều lành. Chỉ tự làm đẹp mình bằng cách thực hạnh đầy đủ các công đức. Thấy điều ác thì tránh, thường làm việc lành. Lành là dùng món thuốc hay chỉ quán mà chữa bệnh loạn tưởng.

Cho nên nói: Hãy làm điều lành.

Giữ ý thanh tịnh: Tâm là gốc mọi hành động, vời lấy nhiều gốc tội. Cả một trăm lẻ tám món kết sử cội gốc nặng nề khó thoát, chúng trói chặt tâm người. Dục, nộ, si lẫy lừng, kiêu mạn, bỏn sẻn, ganh ghét là các phiền não, khi mắc những thứ bệnh đó thì tâm bất tịnh. Người tu hành nắm chắc ý mình, tự rèn luyện tâm ý, không khởi loạn tưởng. Cứ thực hành như thế không ngừng nghỉ thì thành tựu gốc đạo.

Cho nên nói: Giữ ý thanh tịnh.

Là lời Phật dạy: Như Lai giảng dạy giới cấm khác nhau. Giới để xem xét thân, nhiếp phục tâm. Đức Phật ra đời này rất khó gặp, như hòa Ưu Đàm Bát ngàn muôn ức kiếp mới nở một lần. Cho nên Như Lai để lời răn dạy giáo hóa, các Bậc Thánh nối nhau cho đến ngày nay. Không thể không tu giới cấm, bố thí không thể không làm. Ta thành Phật làm Vua Thế Giới ba ngàn đều nhờ giới cấm, bố thí mà nên.

Cho nên nói: Là lời Phật dạy.

Bố thí được phước báo

Không có tâm giận dữ

Dùng lành dứt bỏ ác

Dục, nộ, si không còn.

Thuở xưa, em song sinh của Ngài Mục Kiền Liên là người giàu có, nhiều tài sản vật quý, bảy báu đầy đủ. Vàng bạc, châu ngọc, xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách, kho lẫm tràn đầy, kẻ ăn người ở nhiều không kể xiết.

Khi ấy Ngài Mục Liên đến nhà người em bảo: Nghe nói em là người bỏn sẻn, không thích bố thí.

Đức Phật thường nói: Ai bố thí thì được phước báo vô lượng. Nay, em nên bố thí để hưởng phước vô lượng.

Nghe vậy, người em mở kho bố thí. Đồng thời cũng cất một kho mới để mong được quả báo tốt. Nhưng bố thí chưa đầy mười hôm thì của cải hết sạch. Kho cũ trống trơn, kho mới chẳng có gì.

Người em buồn khổ đến hỏi anh: Trước, nghe lời anh dạy bố thí thì được phước báo lớn, không dám trái lời, em đã bố thí hết của kho rồi. Mọi người nghèo thiếu đều được ban cho cùng khắp, nhưng tài sản vật báu không còn, kho cũ trống trơn, kho mới không có gì.

Há không phải anh đã gieo nghi ngờ cho em sao?

Ngài Mục Liên nói: Thôi, thôi! Hỡi con người có dòng họ cao quý kia, đừng thở than kể lể, chớ để cho những kẻ dị học tà kiến nghe được những lời thô thiển ấy. Nếu phước đức mà có hình tướng thì cả không gian này cũng không chứa hết, giờ đây, ta tạm dung phương cách để chỉ cho em thấy quả báo nhiệm mầu. Nếu muốn thấy, hãy đi theo ta.

Khi ấy Ngài Mục Liên dùng năng lực thần thông, nắm tay người em dẫn lên tầng Trời thứ sáu. Ở đó có cung điện bằng bảy chất báu, trước sau có ao tắm, gió thoảng đưa hương. Kho tàng đầy ngập không thể kể xiết, ngọc nữ hầu hạ mấy ngàn muôn người.

Toàn là người nữ, không có nam giới, các cô gái này không có chồng.

Người em thưa với Mục Liên: Vì sao cung điện nguy nga như thế, mà không thấy bong người nam nào hết, chỉ thuần là người nữ như thế?

Mục Liên đáp: Em hãy đến hỏi họ thì sẽ tự biết.

Ông liền đến hỏi: Các thiên nữ nên biết, ta có điều muốn hỏi, xin nói cho ta biết.

Các thiên nữ nói: Ông cần hỏi điều gì?

Người ấy hỏi: Vì sao cung điện do bảy báu hợp thành này, nguy nga lộng lẫy giữa Trời, ai có công đức gì được hưởng phước ấy?

Xin giải thích cho tôi để dứt hẳn thắc mắc.

Thiên Nữa đáp: Ông có biết không?

Chúng tôi ở đây đã nhiều năm rồi, được hưởng phước tự nhiên, không nơi nào hơn, ông muốn biết chồng của chúng tôi là ai thì hãy phát tâm bố thí.

Giờ đây tôi xin nói cho biết: Cõi Diêm Phù Lợi, ở nước Ca Tỳ, vị đệ tử thần thông của Đức Phật Thích Ca Tên là Mục Liên. Ông ấy có người em là một trưởng giả giàu có. Người em này ưa bố thí giúp kẻ nghèo nàn không thiếu sót ai. Sau khi chết, người ấy sẽ sinh lên đây để làm chồng chúng tôi. Cung điện bảy báu này và bọn chúng tôi đây chính là quả báo của sự bố thí.

Nghe vậy, người này vui mừng, liền sinh tâm lành. Ông trở về chỗ Ngài Mục Liên kể hết sự việc.

Ngài Mục Liên bảo người em:

Thế nào, con người thuộc dòng dõi cao quý kia, bố thí có quả báo hay không có quả báo?

Người em lấy làm hổ thẹn, xin sám hối. Khi trở về nhân gian, ông thực hành bố thí không ngừng nghỉ.

Cho nên nói: Bố thí được phước báo.

Không có tâm giận dữ: Người ta ngầm chứa chất độc bên trong, rình hại kẻ làm ác, phá rối người làm lành. Hạng người như vậy, chớ nên gần gũi họ, giống như tro phủ lửa, tuy mắt không thấy, nhưng đạp nhằm thì phỏng chân. Họ không giữ thân, ngang nhiên hủy phá giới cấm.

Đời hiện tại chỉ sống theo ý mình, không hay sự thương tổn, sự thương tổn cho con người đã có từ xưa. Hoặc trước hiềm hận, hoặc chợt sinh giận dữ, chợt sinh giận dữ thì còn tha thứ được. Chứ kẻ trước ôm lòng hiềm thù thì không nên gần gũi họ.

Vì sao?

Bởi kẻ có âm mưu thì chắc chắn họ gây thương tổn ngay sau đó. Những người ngu mê cứ theo nhau và gây tai họa. Bên ngoài họ khoe khoang trắng trợn, bên trong âm mưu với nhau. Họ tâng bốc khen ngợi nhau, kết thành bạn ác. Không đạt ý muốn còn phải mất mạng, gia nghiệp tài sản đều sung công. Họ bị ai nấy ghét bỏ, không ưa nghe tên họ.

Cho nên nói: Không có tâm giận dữ.

Dùng lành dứt bỏ ác, dục, nộ, si không còn: Thiện là đạo phẩm của Hiền Thánh. Nương vào đạo phẩm này thì giống như bốn dòng nước đã bị ngăn lấp, không còn lo sợ nữa. Diệt và vượt qua các thứ tà ác không để chúng sống lại nữa. Khi gặp tai họa nói ra lời độc ấy, dâm, nộ, si phát sinh.

Nhổ bứt ba gốc ác, trồng ba nghiệp lành, ham tu, tâm kính tin tu hành đạo lý quán sát, bước vào bốn quả Thánh có khó gì?

Cho nên nói:

Dùng lành dứt bỏ ác,

Dục, nộ, si không còn.

Riêng mình, chớ theo ngu

Kết bạn, theo người trí

Người trí dứt điều ác

Như ngỗng chọn sữa uống.

Riêng mình, chớ theo ngu: Riêng mình là ở một mình nơi thanh vắng, tâm không phân tán. Suy nghĩ gốc lành, buộc niệm trước mặt. Nếu muốn có bạn sống chung thì nên theo người lành, chớ theo kẻ ác.

Cho nên nói: Riêng mình, chớ theo ngu.

Kết bạn, theo người trí: Ở thế gian có nhiều người kính mến Bậc Hiền Thánh cao thượng, luôn theo người có trí tuệ, giữ giới, tinh tấn, biện tài sâu sắc thì có khả năng giảng dạy đạo giáo không mệt mỏi.

Cho nên nói: Kết bạn, theo người trí.

Người trí dứt điều ác: Người có trí tuệ biết rõ chuyện xưa nay. Lời nói ra đều mang lợi ích cho người. Thế nên, đêm ngày chuyên chú suy nghĩ đạo mầu, tiếp nhận trí sáng. Khi nói năng dạy bảo phải bằng công đức lành, dứt bỏ các điều ác.

Cho nên nói: Người trí dứt điều ác.

Như ngỗng chọn sữa uống: Thuở xưa, có người bắt được nhiều ngỗng từ trứng mới nở, nuôi lớn dần. Lần hồi ngỗng sinh sản vô số. Cách nuôi ngỗng là hòa sữa với nước cho uống. Khi ăn, theo thói quen của nó là dùng mũi thổi cho nước qua một bên, còn lại chất sữa, bèn uống chất sữa ấy. Loài chim không có răng nhưng vẫn phân biệt, loại bỏ nước, chỉ uống sữa.

Nay, các Tỳ Kheo có thể không được như vậy được sao?

Nên lựa chọn điều lành, dứt bỏ điều ác, như ngỗng biết rõ ngon dở.

Cho nên nói:

Như ngỗng chọn sữa mà uống.

Quán thế gian biến đổi

Biết dấu pháp sinh diệt

Hiền Thánh không thích đời

Ngu không sống với hiền.

Quán thế gian biến đổi: Có ba thứ thế gian: Một là khí thế gian, hai là ấm thế gian, ba là chúng sinh thế gian.

Ba thứ thế gian này là căn nhà vững chắc để chứa bệnh. Trong ngoài vững chắc không có thuốc nào chữa khỏi. Bên trong thì bốn trăm lẻ bốn bệnh cùng lúc phát sinh. Bên ngoài thì những loài có chất độc như rắn rít trăm chân, bò cạp, sói, cọp cắn, mổ, chích.

Nhiều thứ biến đổi, mỗi việc khác nhau. Các loại nước, lửa, giặc cướp, oán thù, thầm đến gây tổn hại.

Cho nên nói: Quán thế gian biến đổi.

Biết dấu pháp sinh diệt: Biết dấu sinh diệt có hai: Một là dấu kết sử, hai là dấu năm ấm. Ai diệt được hai thứ đó thì tương ưng với vô vi.

Cho nên nói: Biết dấu pháp sinh diệt.

Hiền Thánh không thích đời, ngu không sống với hiền: Bậc Hiền Thánh dứt hẳn các điều ác, không sống với kẻ tục. Chim hạc bay cao không ham thích gò nổng. Loài tinh tinh ưa sạch, không ở chuồng dơ. Bậc Thánh Hiền cũng như vậy, không ở chung với kẻ tục để hưởng thú vui với họ.

Kẻ ngu ưa điều ác, không sống với các Bậc Hiền.

Cho nên nói:

Hiền Thánh không thích đời,

Ngu không sống với hiền.

Biết rõ vị niệm đãi

Suy nghĩ nghĩa dừng nghỉ

Không còn tưởng nóng, đói

Thì phải uống pháp vị.

Biết rõ vị niệm đãi: Trải qua vô số kiếp sinh tử cho đến nay, chưa từng được vị niệm đãi này. Trên thế gian có nhiều mùi vị ngon ngọt đặc biệt, như đường mía, nho tươi, những thứ như thế nhiều không kể hết. Thưởng thức bất cứ khi nào không hề thỏa mãn, nhưng không thể nhờ đó mà đạt được vô vi. Vị niệm đãi này miệng chưa hề nếm, một khi gặp được thì hoàn toàn không còn đói khát.

Những vị khác cứ xoay vần trong sinh tử, rơi vào ba đường, muốn được thoát ra thật khó.

Cho nên nói: Biết rõ vị niệm đãi.

Suy nghĩ nghĩa dừng nghỉ: Người tu hành giữ ý chuyên nhất, lắng tâm thiền định, tâm nghĩ về pháp không hề lầm loạn, từ đầu đến cuối, không biết manh mối.

Cho nên nói: Suy nghĩ nghĩa dừng nghỉ.

Không còn tưởng nóng, đói: Tham dục nóng, tức giận là nóng, ngu si là nóng, đói khát là nóng. Nếu dứt trừ được cái nong đói khát này thật là việc rất khó, nếu uống hết nước bốn biển lớn mà mong hết khát là việc chưa từng thấy.

Nhưng muốn dứt cơn khát kia, không bao giờ còn phát sinh nữa thì chỉ có tám vị giải thoát lắng trong, mới tiêu trừ được cái gốc của những sự đói khát.

Cho nên nói: Không còn tưởng nóng bức, đói khát.

Thì phải uống pháp vị: Trong các thứ bố thí thì pháp thí là hơn hết, trong các vị thì pháp vị là hơn hết. Ai được pháp vị này thì pháp thân họ không lìa gốc lành, dứt trừ các khổ đói khát của thế tục.

Người muốn tu học để cầu giải thoát mà không được vị cam lộ chí yếu, lại ngồi không chẳng tu tập, không tự siêng năng mà muốn đạt đạo là việc rất khó.

Cho nên nói:

Thì phải uống pháp vị.

Ai không hại tâm mình

Cũng không hủy ý chí

Dùng lành dứt hẳn ác

Không sợ đọa đường ác.

Ai không hại tâm mình, cũng không hủy ý chí: Người mới lập hạnh thì trước phải tu pháp lành. Ban đầu, ý còn do dự vừa tin, vừa không tin. Ý mạnh mẽ nên khi nghe liền tin hiểu, còn ý nghi ngờ thì không đạt được pháp, người ấy chắc chắn phải trải qua sinh tử, ức Phật qua đi cũng không mong gì được độ.

Nếu không làm hại tâm mình, không hủy ý chí mình thì muốn được chí đạo là việc rất dễ, người muốn tu học mà chuyên tâm nhiếp ý thì đạt kết quả. Như người ít học nghe người kia có pháp, bèn đi đến đó tham học, nhưng giữa đường gặp nhiều hoạn nạn, không thể vượt qua được.

Nhưng người này một lòng nhớ nghĩ người kia thì thân tâm thong đạt nhau.

Vì sao?

Vì người kia đã có thần thông, tâm niệm và than hình theo nhau.

Cho nên nói: Ai không hại tâm mình, cũng không hủy ý chí.

Dùng lành dứt hẳn ác, không sợ đọa đường ác: Người tu hành tôn sùng đạo nghiệp, thấy được cội gốc thế tục thì mọi chuyện hiện ra trước mắt, dù có căn lành thì đó cũng là hạnh hữu lậu của thế tục, nếu không khởi ý tưởng đắm nhiễm mà cầu pháp tu cao hơn thì người ấy không bao giờ sợ đọa vào đường ác.

Cho nên nói:

Dùng lành dứt hẳn ác,

Không sợ đọa đường ác.

Người muốn luyện tinh thần

Cần phải thường tu sửa

Người trí dễ khắc điểm

Gọi người hùng trên đời

Nếu gần gũi người ấy

An ổn, không lo buồn.

Người muốn luyện tinh thần, cần phải thường tu sửa: Người học đạo lâu ngày thì bên ngoài có vẻ tầm thường ngờ nghệch nhưng bên trong thì đạo lực vững vàng. Hoặc có người ẩn tu nơi núi rừng, hoặc có người giả điên khùng đi khắp nơi. Hành động dù khác nhau nhưng tâm cứu đời thì như nhau.

Ấy là không quan tâm đến hình tướng bên ngoài, là luyện thuần tinh thần định ý, không lầm lẫn. Người tu hành quyền hiện thiên biến vạn hóa, mục đích là tìm cách dẫn dắt chúng sinh đến ngôi nhà Trăm luyện.

Nhà ở đây chỉ cho Kinh Thành vắng lặng vô vi Niết Bàn.

Cho nên nói: Người muốn luyện tinh thần, cần phải thường tu sửa.

Người trí dễ sửa đổi, gọi người hùng trên đời: Người có căn tánh bén nhạy, lanh lợi, nói ra là thành khuôn mẫu, chắc chắn muốn cho các chúng sinh được mình hóa độ có được bốn biện tài: Luận nói thông thạo về ý nghĩa, luận nói thông thạo về pháp, luận nói thông thạo về sử dụng ngôn từ, luận nói thông thạo về ứng đối.

Hai thứ luận nói thông thạo về ý nghĩa và luận nói thông thạo về pháp thuộc về nội pháp.

Còn hai thứ luận nói thông thạo về sử dụng ngôn từ, luận nói thông thạo về ứng đối thuộc về ngoại pháp.

Cho nên nói: Người trí dễ sửa đổi, gọi người hùng trên đời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần