Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Nhiếp Thọ - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ HAI  

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

PHẨM NHIẾP THỌ  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ, Thiên Ðế Thích bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát thật vô cùng kỳ diệu, hy hữu. Ðối với bát nhã Ba la mật đa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, nhiếp thọ hiện pháp hiếm có như thế, công đức thù thắng, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật.

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật kia, gần gũi phụng sự kính thờ Chư Phật Thế Tôn, đem các căn lành mà mình ưa thích để cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen Chư Phật Thế Tôn.

Tức có khả năng làm cho các căn lành sanh trưởng, sớm được viên mãn. Ở chỗ Chư Phật được nghe chánh pháp, cho đến khi đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trong thời gian ấy từng chẳng quên mất.

Chóng có khả năng nhiếp thọ tộc tánh viên mãn, cha mẹ viên mãn, sanh thân viên mãn, quyến thuộc viên mãn, tướng hảo viên mãn, quang minh viên mãn, thắng nhãn viên mãn, thắng nhĩ viên mãn, âm thanh viên mãn, đẳng trì viên mãn, tổng trì viên mãn.

Lại bằng sức phương tiện khéo léo, Đại Bồ Tát tự biến hóa thân mình như thân của Phật. Từ Thế Giới này tới Thế Giới kia, đến cõi không có Phật, khen nói pháp bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Khen nói nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Khen nói bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc. Khen nói bốn niệm trụ cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Lại bằng sức phương tiện khéo léo, Đại Bồ Tát tuyên nói pháp yếu cho các hữu tình, tùy nghi an lập họ trong pháp tam thừa, khiến cho giải thoát hẳn khổ sanh già bệnh chết, chứng cảnh giới Vô Dư Y bát Niết Bàn. Hoặc lại cứu vớt những chúng sanh khổ trong các cõi ác, khiến cho họ sanh trong Quốc Độ Trời người, hưởng các diệu lạc an vui.

Khi ấy, Thiên Ðế Thích lại bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa như thế thật vô cùng kỳ diệu, hy hữu. Nếu hay khéo nhiếp thọ bát nhã Ba la mật đa như thế, tức là nhiếp thọ đầy đủ sáu Ba la mật đa.

Nói rộng cho đến tức là nhiếp thọ đầy đủ mười tám Pháp Phật bất cộng, cũng là nhiếp thọ đầy đủ quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Ðộc Giác Bồ Đề, tất cả hạnh Đại Bồ Tát, Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Khi ấy, Phật Bảo Thiên Ðế Thích rằng: Này Kiều Thi Ca! Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như ông đã nói, nếu hay khéo nhiếp thọ bát nhã Ba la mật đa như thế, tức là nhiếp thọ đầy đủ sáu món Ba la mật đa. Nói rộng cho đến, tức là nhiếp thọ đầy đủ trí nhất thiết tướng.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân… nào hay khéo đối với bát nhã Ba la mật đa chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì thiện nam tử, thiện nữ nhân… ấy nhiếp thọ đủ loại hiện pháp, đời sau được công đức thù thắng.

Này Kiều Thi Ca! Ông nên nghe kỹ, khéo léo tác ý, Như Lai sẽ phân biệt giải nói cho ông.

Thiên Ðế Thích thưa: Cuối xin Ðại Thánh giảng nói, chúng con đang muốn được nghe.

Phật Bảo: Này Kiều Thi Ca! Nếu có các tộc loại ngoại đạo, hoặc các tự tại thiên ma và quyến thuộc của ma ở Cõi Dục, hoặc các kẻ bạo ác tăng thượng mạn đối với các thiện nam tử, thiện nữ nhân… như thế, muốn khởi tâm tạo việc không lợi ích, khiến cho họ xa lìa, chống nghịch, hủy báng bát nhã Ba la mật đa thì những kẻ ác đó vừa khởi tâm liền bị tai họa, tự phải tiêu diệt, chẳng đạt được sở nguyện.

Vì cớ sao?

Này Kiều Thi Ca! Vì Đại Bồ Tát này vô lượng kiếp đã tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Nếu các hữu tình vì xan tham nên nhiều kiếp tranh đấu thì Đại Bồ Tát này đối với pháp nội ngoại tất cả đều xả, khéo dùng phương tiện dạy cho họ an trụ bố thí Ba la mật đa.

Nếu các hữu tình nhiều kiếp phá giới, thì Đại Bồ Tát này đối với pháp nội ngoại tất cả đều xả, khéo dùng phương tiện dạy cho họ an trụ tịnh giới Ba la mật đa.

Nếu các hữu tình nhiều kiếp giận dữ, thì Đại Bồ Tát này đối với pháp nội ngoại tất cả đều xả, khéo dùng phương tiện dạy cho họ an trụ an nhẫn Ba la mật đa.

Nếu các hữu tình nhiều kiếp biếng nhác, thì Đại Bồ Tát này đối với pháp nội ngoại tất cả đều xả, khéo dùng phương tiện dạy cho họ an trụ tinh tiến Ba la mật đa.

Nếu các hữu tình nhiều kiếp tán loạn, thì Đại Bồ Tát này đối với pháp nội ngoại tất cả đều xả, khéo dùng phương tiện dạy cho họ an trụ tĩnh lự Ba la mật đa.

Nếu các hữu tình nhiều kiếp ngu si, thì Đại Bồ Tát này đối với pháp nội ngoại tất cả đều xả, khéo dùng phương tiện dạy cho họ an trụ bát nhã Ba la mật đa.

Nếu các hữu tình trôi lăn trong sanh tử, nhiều kiếp luôn bị tham sân si…, tùy miên trói buộc, nhiễu loạn thân tâm, tạo tác đủ các việc chẳng lợi ích, thì Đại Bồ Tát này khéo dùng phương tiện dạy cho họ dứt sạch tham, sân, si… tùy miên trói buộc, khiến cho an trụ nơi bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Hoặc khiến cho an trụ nơi bốn niệm trụ, nói rộng cho đến tám chi Thánh đạo.

Hoặc khiến cho an trụ nơi không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn.

Hoặc khiến cho an trụ nơi quả Dự Lưu cho đến quả A La Hán.

Hoặc khiến cho an trụ nơi Ðộc Giác Bồ Đề. Hoặc khiến cho an trụ nơi Bồ Tát Thập Địa.

Hoặc khiến cho an trụ nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Này Kiều Thi Ca! Như vậy gọi là đối với bát nhã Ba la mật đa đây, Đại Bồ Tát chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, nhiếp thọ hiện pháp, công đức thù thắng.

Này Kiều Thi Ca! Ðại Bồ Tát này do nhân duyên đây, nên vào đời vị lai sẽ mau chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chuyển bánh xe diệu pháp, hóa độ vô lượng chúng. Tùy theo bản nguyện, khéo dùng phương tiện an lập chúng nơi Tam thừa, khiến cho tu học rốt ráo thẳng đến chứng được Vô Dư Niết Bàn.

Này Kiều Thi Ca! Như vậy gọi là đối với bát nhã Ba la mật đa đây, Đại Bồ Tát chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, nhiếp thọ đương lai, công đức thù thắng.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đối với bát nhã Ba la mật đa đây, chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh chuyên tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp, thì tại nơi họ ở nếu có ác ma và quyến thuộc của ma, hoặc có các tộc loại ngoại đạo, hoặc các kẻ bạo ác tăng thượng mạn ganh ghét bát nhã Ba la mật đa, muốn gây chướng ngại, phá hoại tiêu mất, gạn hỏi móc méo, lăng nhục chống trái, dù cho có ý muốn này nhưng trọn chẳng thành được.

Vì nơi ấy nhờ nghe qua tiếng bát nhã nên các ác lần tiêu diệt, công đức dần dần sanh trưởng, sau nương vào pháp Tam thừa mà dứt hết khổ, hoặc thoát khỏi cõi ác, sanh trong Trời người.

Này Kiều Thi Ca! Thí như có loại diệu dược tên là mạc kỳ, công lực của thuốc này năng tiêu phá các độc. Bất cứ nơi nào mà diệu dược này có mặt thì các loài trùng độc chẳng dám đến gần. Như có rắn độc lớn đói đi kiếm ăn, thấy sinh trùng muốn ăn. Sinh trùng ấy sợ chết nên chạy tới chỗ có diệu dược, rắn ngửi biết hơi thuốc bèn bò lui.

Vì cớ sao?

Này Kiều Thi Ca! Vì diệu dược này đủ đại oai lực, có ích thân mạng, giải trừ các độc. Nên biết bát nhã Ba la mật đa cũng đủ đại oai lực giống như vậy.

Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp bát nhã Ba la mật đa thì các ác ma… ở chỗ Đại Bồ Tát đây muốn làm việc ác, song do sức oai thần của bát nhã Ba la mật đa này nên khiến việc ác kia ở chỗ ấy tự phải tiêu diệt, không làm gì được.

Vì cớ sao?

Này Kiều Thi Ca! Vì bát nhã Ba la mật đa đây đủ đại oai lực, có thể đẩy lùi các ác, tăng trưởng thiện pháp.

Này Kiều Thi Ca! Vì sao bát nhã Ba la mật đa đây năng đẩy lùi các ác, tăng trưởng các thiện?

Này Kiều Thi Ca! Vì bát nhã Ba la mật đa như thế, năng diệt tham dục, sân nhuế, ngu si vô minh, cho đến trọn nhóm đại khổ ngăn che, tùy miên, trần cấu trói buộc, hoặc ngã kiến, hữu tình kiến, Bổ đặc già la kiến, đoạn kiến, thường kiến, hữu kiến, vô kiến, cho đến các loại đưa đến ác kiến, xan tham, phá giới, giận dữ, biếng nhác, tán loạn, ngu si, tưởng thường, tưởng lạc, tưởng ngã, tưởng tịnh và tất cả tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, hành…

Này Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật đa như vậy có thể diệt chấp sắc cho đến chấp thức.

Có thể diệt chấp nhãn cho đến chấp ý. Có thể diệt chấp sắc cho đến chấp pháp.

Có thể diệt chấp nhãn thức cho đến chấp ý thức.

Có thể diệt chấp nhãn xúc cho đến chấp ý xúc.

Có thể diệt chấp nhãn xúc sanh ra thọ cho đến chấp ý xúc sanh ra thọ.

Có thể diệt chấp bố thí Ba la mật đa cho đến chấp bát nhã Ba la mật đa.

Có thể diệt chấp nội không cho đến chấp vô tánh tự tánh không.

Có thể diệt chấp bốn niệm trụ, nói rộng cho đến chấp mười tám Pháp Phật bất cộng.

Có thể diệt chấp trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Có thể diệt chấp bồ đề, Niết Bàn.

Này Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật đa như vậy, có thể diệt tất cả các ác pháp… như thế và có thể tăng trưởng các pháp đối trị kia. Cho nên, bát nhã Ba la mật đa đủ đại oai lực, tôn quí nhất, thù thắng nhất.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân… đối với bát nhã Ba la mật đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này thường được bốn Đại Thiên Vương, Thiên Ðế Thích, chủ Cõi Kham Nhẫn.

Ðại Phạm Thiên Vương, Tịnh Cư Thiên, Thiên Long, Dược Xoa, A Tố Lạc, cùng các thiện thần… trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều đến ủng hộ, không cho tất cả tai họa xâm phạm não hại. Như pháp mong cầu đều được đầy đủ viên mãn.

Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc trên dưới, hằng hà sa số Thế Giới Chư Phật, tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác cũng thường hộ niệm các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này, khiến cho các ác lần diệt, thiện pháp càng tăng. Nghĩa là khiến cho tăng trưởng Bố Thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa, đem vô sở đắc làm phương tiện.

Cũng khiến cho tăng trưởng quán nội không cho đến quán vô tánh tự tánh không, đem vô sở đắc làm phương tiện.

Cũng khiến cho tăng trưởng bốn niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng, đem vô sở đắc làm phương tiện.

Cũng khiến cho tăng trưởng tất cả môn Tam Ma Địa và tất cả môn Ðà La Ni, đem vô sở đắc làm phương tiện.

Cũng khiến cho tăng trưởng trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, đem vô sở đắc làm phương tiện.

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này do nhân duyên đây, nên lời lẽ oai nghiêm, người nghe đều cung kính ghi nhận, luận nói cân xứng, lời không lầm loạn, khéo biết trả ơn, luôn thờ bạn lành. Chẳng bị san tham, đố kị, giận hờn, phiền não, nịnh dối, kiêu mạn… làm che khuất.

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này tự có khả năng lìa sự giết sanh mạng, cũng khuyên người lìa sự giết sanh mạng, tuỳ thuận xưng dương pháp lìa sự giết sanh mạng, vui mừng ngợi khen người lìa sự giết sanh mạng. Cho đến tự có khả năng lìa bỏ tà kiến, cũng khuyên người lìa bỏ tà kiến, tuỳ thuận xưng dương pháp lìa bỏ tà kiến, vui mừng ngợi khen người lìa bỏ tà kiến.

Tự có khả năng hành bố thí Ba la mật đa, cũng khuyên người hành bố thí Ba la mật đa, tuỳ thuận xưng dương pháp hành bố thí Ba la mật đa, vui mừng ngợi khen người hành bố thí Ba la mật đa. Cho đến tự có khả năng hành bát nhã Ba la mật đa, cũng khuyên người khác hành bát nhã Ba la mật đa, tuỳ thuận xưng dương pháp hành bát nhã Ba la mật đa, vui mừng ngợi khen người hành bát nhã Ba la mật đa.

Tự có khả năng hành nội không, cũng khuyên người khác hành nội không, tuỳ thuận xưng dương pháp hành nội không, vui mừng ngợi khen người hành nội không. Cho đến tự có khả năng hành vô tánh tự tánh không, cũng khuyên người khác hành vô tánh tự tánh không, tuỳ thuận xưng dương pháp hành vô tánh tự tánh không, vui mừng ngợi khen người hành vô tánh tự tánh không.

Tự có khả năng tu tất cả môn Tam Ma Địa, cũng khuyên người khác tu tất cả môn Tam Ma Địa, tuỳ thuận xưng dương pháp tu tất cả môn Tam Ma Địa, vui mừng ngợi khen người tu tất cả môn Tam Ma Địa. Tự có khả năng tu tất cả môn Ðà La Ni, cũng khuyên người khác tu tất cả môn Ðà La Ni, tuỳ thuận xưng dương pháp tu tất cả môn Ðà La Ni, vui mừng ngợi khen người tu tất cả môn Ðà La Ni.

Tự có khả năng tu bốn tĩnh lự, cũng khuyên người khác tu bốn tĩnh lự, tuỳ thuận xưng dương pháp tu bốn tĩnh lự, vui mừng ngợi khen người tu bốn tĩnh lự.

Tự có khả năng tu bốn vô lượng, cũng khuyên người khác tu bốn vô lượng, tuỳ thuận xưng dương pháp tu bốn vô lượng, vui mừng ngợi khen người tu bốn vô lượng.

Tự có khả năng tu bốn định vô sắc, cũng khuyên người khác tu bốn định vô sắc, tuỳ thuận xưng dương pháp tu bốn định vô sắc, vui mừng ngợi khen người tu bốn định vô sắc.

Tự có khả năng tu bốn niệm trụ, cũng khuyên người khác tu bốn niệm trụ, tuỳ thuận xưng dương pháp tu bốn niệm trụ, vui mừng ngợi khen người tu bốn niệm trụ. Cho đến tự có khả năng tu tám chi Thánh đạo, tuỳ thuận xưng dương pháp tu tám chi Thánh đạo, vui mừng ngợi khen người tu tám chi Thánh đạo.

Tự có khả năng tu ba môn giải thoát, cũng khuyên người khác tu ba môn giải thoát, tuỳ thuận xưng dương pháp tu ba môn giải thoát, vui mừng ngợi khen người tu ba môn giải thoát.

Tự có khả năng tu tám giải thoát, cũng khuyên người tu tám giải thoát, tuỳ thuận xưng dương pháp tu tám giải thoát, vui mừng ngợi khen người tu tám giải thoát.

Tự có khả năng thuận nghịch nhập vào chín thứ lớp định, cũng khuyên người khác thuận nghịch nhập vào chín thứ lớp định, tuỳ thuận xưng dương pháp thuận nghịch nhập vào chín thứ lớp định, vui mừng ngợi khen người thuận nghịch nhập vào chín thứ lớp định.

Tự có khả năng tu mười lực Phật, cũng khuyên người khác tu mười lực Phật, tuỳ thuận xưng dương pháp tu mười lực Phật, vui mừng ngợi khen người tu mười lực Phật. Cho đến tự có khả năng tu mười tám Pháp Phật bất cộng, cũng khuyên người khác tu mười tám Pháp Phật bất cộng, tuỳ thuận xưng dương pháp tu mười tám Pháp Phật bất cộng, vui mừng ngợi khen người tu mười tám Pháp Phật bất cộng.

Tự có khả năng tu pháp không quên mất, thường trụ tánh xả, cũng khuyên người khác tu pháp không quên mất, thường trụ tánh xả, tuỳ thuận xưng dương pháp tu pháp không quên mất, thường trụ tánh xả, vui mừng ngợi khen người tu pháp không quên mất, thường trụ tánh xả.

Tự có khả năng tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, cũng khuyên người khác tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, tuỳ thuận xưng dương pháp tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, vui mừng ngợi khen người tu trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, cùng các hữu tình bình đẳng đồng hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này thường nghĩ rằng: Nếu ta chẳng hành Bố Thí Ba la mật đa, thì sẽ phải sanh vào nhà bần tiện, thế lực còn không có, lấy gì để thành thục tất cả hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, huống nữa là được trí nhất thiết trí!

Nếu ta chẳng hộ trì Tịnh Giới Ba la mật đa thì sẽ phải sanh vào các cõi ác, thân người hạ tiện còn chẳng có được, lấy gì để thành thục tất cả hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, huống nữa là được trí nhất thiết trí?

Nếu ta chẳng tu An Nhẫn Ba la mật đa thì các căn sẽ phải tàn khuyết, hình mạo xấu xí, chẳng được đầy đủ sắc thân viên mãn của Bồ Tát.

Nếu được sắc thân viên mãn của Bồ Tát, tu hạnh Bồ Tát thì hữu tình thấy được rất sanh vui mừng, tín thọ lời ta nói, nhất định sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Còn nếu ta chẳng được sắc thân viên mãn đây, thì lấy gì để thành thục tất cả hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, huống nữa là được trí nhất thiết trí?

Nếu ta biếng nhác, không khởi tinh tấn Ba la mật đa thì chẳng được đạo thù thắng của Bồ Tát, lấy gì để thành thục tất cả hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, huống nữa là được trí nhất thiết trí?

Nếu ta loạn tâm, chẳng nhập vào tĩnh lự Ba la mật đa, thì chẳng khởi được định thù thắng của Bồ Tát, lấy gì để thành thục tất cả hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, huống nữa là được trí nhất thiết trí?

Nếu ta vô trí, chẳng học bát nhã Ba la mật đa thì chẳng đạt được phương tiện khéo léo vượt Bậc Nhị Thừa, lấy gì để thành thục tất cả hữu tình, nghiêm tịnh Cõi Phật, huống nữa là được trí nhất thiết trí?

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… này thường khởi nghĩ rằng:

Ta chẳng nên theo thế lực tham lam, nếu theo thế lực tham lam ấy thì bố thí Ba la mật đa của ta chẳng được viên mãn.

Ta chẳng nên theo thế lực phá giới, nếu theo thế lực tham lam ấy thì tịnh giới Ba la mật đa của ta chẳng được viên mãn.

Ta chẳng nên theo thế lực giận dữ, nếu theo thế lực giận dữ ấy thì an nhẫn Ba la mật đa của ta chẳng được viên mãn.

Ta chẳng nên theo thế lực lười biếng, nếu theo thế lực lười biếng ấy thì tinh tấn Ba la mật đa của ta chẳng được viên mãn.

Ta chẳng nên theo thế lực loạn tâm, nếu theo thế lực loạn tâm ấy thì tĩnh lự Ba la mật đa của ta chẳng được viên mãn.

Ta chẳng nên theo thế lực ác tuệ, nếu theo thế lực ác tuệ ấy thì bát nhã Ba la mật đa của ta chẳng được viên mãn. Nếu ta tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa chẳng viên mãn thì quyết chẳng thể được trí nhất thiết trí.

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân… nào tâm chẳng lìa trí nhất thiết trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, đối với bát nhã Ba la mật đa đây chí tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, truyền bá cùng khắp thì nhất định sẽ được hiện pháp, công đức thù thắng như vậy trong đương lai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần