Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lợi Dưỡng - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM LỢI DƯỠNG  

TẬP MỘT  

Cây chuối vì lõi chết

Lõi lau, trúc cũng vậy

Lừa, la mang thai, chết

Người do tham bỏ mạng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca Lan Đà, thuộc thành La Duyệt. Lúc ấy, có vị Tỳ Kheo tên Điều Đạt, thông minh học rộng, ngồi thiền nhập định mười hai năm, tâm không lay động, mười hai hạnh Đầu Đà không hề thiếu sót như lúc bắt đầu.

Khởi tu pháp quán bất tịnh, hơi thở ra vào rõ ràng, từ pháp bậc nhất thế gian cho đến pháp Đảnh đều phân biệt sáng tỏ. Tụng Kinh Phật sáu muôn lần, voi chở cũng không hết. Nhưng về sau, lui sụt, dần dần sinh ác niệm. Ý mong được cúng dường, tham đắm lợi dưỡng thế gian, Điều Đạt đến chỗ Thế Tôn, trán lạy sát chân Phật rồi đứng qua một bên.

Trong giây lát, Điều Đạt bước đến bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, cúi xin Ngài giảng về phương pháp để tu chứng được thần túc cho con nghe. Nghe được phương pháp ấy con sẽ khéo tu hành để chứng được thần túc, sau đó con sẽ đến các nơi khác để giáo hóa.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tỳ Kheo Điều Đạt: Hôm nay sao thầy lại nói về vấn đề thần túc, sao thầy không học tập về ý nghĩa của bốn pháp vô thường: Ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ, ý nghĩa của không, ý nghĩa của vô ngã?

Lúc ấy Tỳ Kheo Điều Đạt liền suy nghĩ: Lý do mà Như Lai không nói cho ta về ý nghĩa thần túc là vì Ngài sợ có kẻ sẽ hơn mình, xấu hổ vì thua người ta.

Điều Đạt liền bỏ đi, đến chỗ Ngài Xá Lợi Phất thưa với Xá Lợi Phất: Dạ thưa Hiền Giả, cúi xin Ngài nói về phương pháp tu để chứng được thần túc cho tôi nghe. Nghe được phương pháp ấy tôi sẽ khéo tu hành để chứng được thần túc, sau đó tôi sẽ đến các nơi khác để giáo hóa.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất bảo Tỳ Kheo Điều Đạt: Hôm nay sao thầy lại nói về vấn đề thần túc, thầy học thần túc để làm gì?

Sao thầy không học về ý nghĩa của bốn pháp vô thường: Ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ, ý nghĩa của không, ý nghĩa của vô ngã?

Lúc ấy, Tỳ Kheo Điều Đạt trong tâm suy nghĩ: Tỳ Kheo Xá Lợi Phất tự xưng là trí tuệ bậc nhất, nhưng theo ta xét thấy thì trí tuệ của ông ta khác gì lửa đom đóm so với mặt trời, mặt trăng, sự tụng tập Kinh Phật của ta không có ai bằng mà còn chưa biết được phương pháp tu để chứng được thần túc, huống gì Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, làm sao ông ta biết được.

Nghĩ xong, Điều Đạt bỏ đi, đến chỗ Ngài Mục Kiền Liên, thưa với Ngài: Tôi nghe dòng họ cao quý của Ngài, thần đức vô lượng, thần túc biến hóa không gì ngăn ngại được. Cúi xin Ngài nói về phương pháp tu để chứng được thần túc cho tôi nghe. Nghe được phương pháp ấy tôi sẽ vang theo mà tu hành, rồi đến các nơi khác để giáo hóa.

Ngài Mục Liên bảo Điều Đạt: Thôi đi Điều Đạt! Thầy nghe phương pháp tu để chứng được thần túc ấy làm gì?

Tôi nghe người bắt đầu tu hành thì trước phải học ý nghĩa của bốn pháp vô thường: Ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ, ý nghĩa của không, ý nghĩa của vô ngã. Lại còn phải tinh tấn tu hành Tứ Thiền thì mới có được thần túc.

Nghe nói vậy, Điều Đạt sinh tâm tức giận, nghĩ: Ông Mục Liên này tự khoe khoang thần túc của mình không ai bằng. Sở dĩ ông ta không nói phương pháp tu để chứng được thần túc cho ta nghe, vì sợ rằng thần túc của người khác sẽ hơn mình, nếu ta có được thần túc thì ông ấy sẽ mất hết tiếng khen. Thế nên, ông ấy không nói phương pháp để tu chứng được thần túc cho ta nghe.

Tỳ Kheo Điều Đạt trong tâm suy nghĩ: Hôm nay, ta đã đi xin học phương pháp để tu chứng được thần túc khắp nơi nhưng không ai chịu dạy ta cả. Ta có đứa em là A Nan, nó học rộng, nghe nhiều, đầy đủ mọi công đức. Nó có bốn tâm vô lượng như đại từ… bao trùm khắp tất cả, rõ xưa, biết nay, ba đời đều thấu suốt, bây giờ ta sẽ đến hỏi về phương pháp tu để chứng được thần túc. Nếu A Nan chỉ cách cho ta, ta sẽ khéo tu hành.

Rồi Điều Đạt liền đến chỗ Tôn Giả A Nan, bảo A Nan: Anh nghe em biết rành về phương pháp tu để chứng được thần túc phải không?

Hãy nói cho anh biết với, anh được thần túc rồi, sẽ đến các nơi khác để giáo hóa.

Bấy giờ Ngài A Nan liền nói phương pháp để tu chứng được thần túc cho Điều Đạt nghe. Nghe xong, Điều Đạt tìm nơi thanh vắng, chuyên tâm nhất ý, từ thô đi vào tế, lại từ tế trở lại thô, dung tâm cất thân lên, rồi dùng thân điều khiển tâm, thân tâm hòa hợp, từ từ rời khỏi mặt đất.

Lúc đầu tưởng tượng thân mình nhỏ xíu như hạt mè, rồi lớn dần như hạt hồ đào, rồi dần dần cất lên, khỏi mặt đất. Từ mặt đất lên giường, từ giường lên nóc nhà, từ nóc nhà lên đến lưng Trời.

Giữa lưng Trời, Điều Đạt hiển hiện mười tám thứ thần biến, ẩn hiện tự do, phía trên thân thì phun lửa, phía dưới thân phun nước, phía dưới thân ra lửa, phía trên thân ra nước. Hiện ra ở phía Đông, ẩn mất ở phía Tây, hiện ra ở phía Tây, ẩn mất ở phía Đông.

Bốn phương đều cũng như thế. Hoặc chia thân vô số, rồi nhập lại thành một thân.

Lúc bấy giờ, Điều Đạt tự nghĩ: Giờ đây, ta đã được thần túc. Vách đá ta còn qua được thì không còn gì ngăn ngại. Bây giờ ta hãy hóa thành một đứa trẻ với hình tướng xinh đẹp, năm chỗ trên đầu, gương mặt tươi hồng như hoa đào. Rồi đứa bé đến ngồi trên gối của Thái Tử A Xà Thế, lúc cười, lúc khóc, với tính chất của một đứa trẻ. Nhưng chỉ có A Xà Thế biết đó chính là Điều Đạt mà thôi.

Suốt ngày, Thái Tử vui chơi với nó không biết chán. Hoặc hát ru cho nó ngủ, hay tung mình nó lên rồi đưa hai tay hứng.

Lúc ấy, Thái Tử A Xà Thế thầm nghĩ: Thần túc của Điều Đạt hơn Sa Môn Cù Đàm kia, có khả năng thực hiện vô số phép biến hóa. Lúc ấy, mỗi ngày A Xà Thế cấp cho Điều Đạt năm trăm nồi thức ăn, thường xuyên cúng dường, không để thiếu thốn.

Bấy giờ, có rất đông Tỳ Kheo thấy Thái Tử A Xà Thế mỗi ngày cung cấp cho Điều Đạt năm trăm nồi thức ăn như vậy, các thầy bèn cùng nhau đến chỗ Thế Tôn, lễ lạy sát chân Ngài rồi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, vừa rồi chúng con đi khất thực trông thấy Thái Tử A Xà Thế cung cấp cho Điều Đạt năm trăm nồi thức ăn.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo các thầy chớ khởi lên ý nghĩ ấy.

Điều Đạt tham lợi cúng dường, vì sao?

Vì Điều Đạt được cúng dường thì chẳng những tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi, mà còn giam hãm người khác vào vòng tội lỗi, rơi vào vực sâu tội lỗi, cả hai đều mắc tội. Các Tỳ Kheo nên biết, nói là tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi là giống như cây chuối kia, kẻ ngu tìm cái lõi không bao giờ được.

Cây trúc, cây lau cũng lại như vậy. Con lừa, con la mang thai cả hai cùng bỏ mạng. Người đời vì ham của cải mà sau đó mất mạng. Tỳ Kheo Điều Đạt cũng lại như thế, tham đắm lợi dưỡng, do lợi dưỡng ấy mà tự mất mạng.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Giờ đây ta sẽ nói thí dụ cho các thầy nghe, người có trí tuệ dựa vào trí tuệ mà tự hiểu.

Xưa, có bầy kên kên sống trong núi sâu, chúng đều còn bú.

Kên kên bảo con nó rằng: Nếu con muốn học bay lơ lửng trong hư không, hễ nhìn xuống mà thấy đất như cái mâm thì thôi, đừng bay lên cao nữa.

Vì sao?

Vì trên cao ấy có những luồng gió chướng làm hại các con, đầu não và tứ chi của các con sẽ tản mác khắp nơi.

Lúc ấy, bầy chim non này không nghe theo lời dạy bảo của bố mẹ chúng. Chúng bay vượt quá cao, bị gió chướng thổi mất mạng, lông cánh vương vãi khắp chốn.

Tỳ Kheo các thầy chớ sinh khởi ý tưởng ấy. Tỳ Kheo Điều Đạt sẽ đón nhận tai ương như thế trong ngày gần đây chứ không xa.

Các Tỳ Kheo lại nên biết, như có bầy rùa, rùa cha mẹ bảo các con rằng: Các con hãy tự giữ mình, chớ đến chỗ ấy. Nếu đám thợ săn bắt được các con, họ sẽ phanh thây các con làm năm phần.

Nhưng đám rùa con này không nghe lời cha mẹ dạy, cứ kéo đến chỗ nọ vui chơi, nên bị thợ săn bắt hết. Có một con thoát nạn trở về được.

Rùa cha hỏi: Các con từ đâu trở về vậy?

Các con không đến chỗ ấy chứ?

Rùa con đáp: Chúng con rủ nhau đến chỗ ấy chơi, nhưng không thấy thợ săn đâu cả, chỉ thấy một sợi dây dài cột ở sau đuôi thôi.

Rùa cha bảo con: Sợi dây ấy đuổi theo sau các con vốn có từ lâu rồi, chứ không phải ngày nay mới có. Tổ tiên, cha mẹ của các con, đều bởi sợi dây ấy mà mất mạng.

Các Tỳ Kheo nên biết, như loài chồn hoang lúc nào cũng rình chờ giống thú nuôi bài tiết ra phân, chúng lấy đó làm thức ăn.

Chúng ăn xong, lại đại tiện ra đó rồi bỏ đi. Tỳ Kheo Điều Đạt vì tham lam nhận lấy của cúng dường cũng lại như vậy, chẳng những tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi mà còn giam hãm kẻ khác vào vòng tội lỗi. Các thầy Tỳ Kheo chớ tham đắm cúng dường, như Tỳ Kheo Điều Đạt kia.

Đức Phật lại dẫn thêm thí dụ nữa: Thuở xưa, ở nước Đại Nguyệt Chi theo phong tục, lễ nghi thông thường là người ta nấu lúa mì với bơ cho heo ăn.

Lúc ấy con ngựa tài giỏi trong cung nói với mẹ nó: Chúng con luôn luôn hết mình giúp vua, không kể xa gần, không tiếc mạng sống, nhưng chỉ ăn cỏ, chỉ uống nước vũng.

Ngựa mẹ bảo ngựa con: Các con cẩn thận, chớ khởi lên ý nghĩ ấy, chớ ưa thích món lúa mì nấu bơ kia, như thế, không bao lâu sẽ có sự linh nghiệm.

Rồi thời tiết nóng bức, năm mới sắp đến, nhà nào cũng trói heo cho vào chảo nước sôi, chúng kêu la thảm thiết.

Ngựa mẹ bảo các con: Các con còn nhớ chăng, cái món lúa mì nấu bơ ấy?

Muốn chứng nghiệm sự thật, các con hãy đến đó xem. Các ngựa con đều xét biết, hiểu ra những ý nghĩ trước kia là sai lầm. Giờ tuy vẫn ăn cỏ, khi gặp lúa mạch thì từ chối không ăn.

Lúc bấy giờ các Tỳ Kheo bạch Phật: Tỳ Kheo Điều Đạt là người có công đức như thế nào mà lại được cúng dường như thế?

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các thầy chớ khởi lên ý nghĩa ấy, chớ tham đắm lợi dưỡng, như thế không bao lâu sẽ thấy sự hiệu nghiệm mà Tỳ Kheo Điều Đạt phải gánh chịu.

Khi ấy Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa này, vì muốn thị hiện ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng muốn làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Ngài nói bài kệ trên trước đại chúng.

Cây chuối vì lõi chết

Lõi lau, trúc cũng vậy,

Lừa, la mang thai, chết

Dũng sĩ tham bỏ mạng.

Cây chuối vì lõi chết: Bẹ nọ bao bẹ kia, lớp này nối lớp kia, muốn kiếm cái lõi nó sẽ không bao giờ được. Cây chuối, hễ nhảy con là cây chuối mẹ sắp chết. Trúc, lau cũng giống như vậy.

Cho nên nói: Cây chuối vì lõi mà chết. Lõi lau, trúc cũng vậy.

Dũng sĩ tham bỏ mạng: Dũng sĩ là vị đại tướng mạnh mẽ, có khả năng đẩy lùi giặc bên ngoài, kẻ gian tà bên trong không dám nổi dậy. Người như vậy mới gọi là đại tướng. Nhưng vị đại tướng kia cứ lo nghĩ rằng mình không là người nổi bật hơn mọi người, rồi vì tham, ông đi vào trận sâu không ra khỏi được phải tự bỏ mạng.

Hoặc có kẻ, bên trong thì yếu hèn, nhưng bên ngoài thì tỏ ra mạnh dạn. Nếu gặp lúc chiến đấu, thấy địch thì trong tâm sợ hãi. Nhưng khi Vua ban thưởng thì cứ nghĩ mình là người có công lớn nhất, Tỳ Kheo Điều Đạt cũng lại như vậy, thọ nhận của tín thí mỗi ngày năm trăm nồi thức ăn mà tự xưng là mạnh mẽ, cho là mình có khả năng chiến đấu với các quân địch kết sử, nhưng trái lại là rước họa vào thân.

Cho nên nói: Dũng sĩ tham bỏ mạng.

Lừa, la mang thai, chết: Như con lừa, con la dâm dục quá mạnh, cố tình giao hợp tự gây ra tai họa. Đã tự giết mình lại giết cả con trong bụng.

Chính mình không được an lạc thì làm sao đem an lạc lại cho ai?

Tỳ Kheo Điều Đạt, do lợi dưỡng ấy, nên sau khi chết sẽ đọa vào ngục A Tỳ, đó gọi là tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi.

Thế nào gọi là làm cho kẻ khác cũng bị giam hãm vào vòng tội lỗi?

Đó là Điều Đạt đã khiến A Xà Thế bố thí của cải không kể xiết, nhưng không đưa đến quả báo tốt, không được phước đức. Cho nên nói làm cho kẻ khác cũng rơi vào vòng tội lỗi. Hai tội gộp lại đưa đến bỏ mạng.

Cho nên nói:

Lừa, la mang thai, chết.

Như vậy, tham không lợi

Phải biết từ si sinh

Ngu vì thế hại Hiền

Đứng đầu ở địa ngục.

Như vậy, tham không lợi: Tỳ Kheo Điều Đạt học được phép thần túc, là tự rước họa vào mình. Nếu Điều Đạt không được thần túc thì tội lỗi kia không đáng kể. Đã tham lợi dưỡng thì không thể đến chỗ rốt ráo.

Cho nên nói: Như vậy, tham không đưa đến ích lợi.

Phải biết từ si sinh: Hầu hết người phàm phu đều không có ý chí vững chắc, hoặc từ chánh chuyển sang tà mà không tự hay biết. Nếu được của tín thí thì tự lấy làm sung sướng mà không nghĩ đến sau này sẽ chịu quả báo ra sao.

Cho nên nói: Phải biết việc ấy từ ngu si sinh ra.

Ngu vì thế hại Hiền: Các pháp lành đều là pháp tu tập của Hiền Thánh, người ngu không thể tu tập được.

Cho nên nói: Ngu vì thế làm hại Hiền Thánh.

Đứng đầu ở địa ngục: Tỳ Kheo Điều Đạt đã thông suốt hơi thở ra, hơi thở vào, khởi lên ý tưởng bất tịnh, cho đến pháp đảnh cũng lại như thế, vì thần thông, tham đắm lợi dưỡng mà tự giam hãm mình vào vòng tội lỗi.

Cho nên nói:

Đứng đầu ở địa ngục.

Người ngu ham lợi dưỡng

Cầu mong được tiếng khen

Tại gia thì ganh tị

Đi tu, mong cúng dường.

Người ngu ham lợi dưỡng: Không thể phân biệt rõ pháp lành. Bên trong sinh tâm ganh tị, bên ngoài mong cúng dường, muốn làm cho bốn bộ chúng lúc nào cũng cung kính mình.

Cho nên nói: Người ngu ham lợi dưỡng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần