Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Hai - Phẩm đạo - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM ĐẠO  

TẬP BỐN  

Ba niệm hãy niệm lành: Lúc nào cũng khởi niệm ngay khi ăn, khi ngủ cũng không quên. Thường phải nghĩ đến điều lành, đầy đủ cội gốc các công đức. Dần dần vượt thứ lớp, được các quả chứng, dứt hết cội gốc sinh tử, dứt hết pháp hữu lậu thành pháp vô lậu.

Cho nên nói: Ba niệm hãy niệm lành.

Ba niệm phải lìa ác: Lìa được niệm ác thì sẽ được công đức gì?

Đáp: Không bị nhiễm ô bởi tâm dơ, dứt bỏ các kết sử đắm nhiễm, không còn bị kết sử sai khiến nữa.

Cho nên nói: Ba niệm phải lìa ác.

Từ niệm mà có hành: Có giác có quán thì rong chơi từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền. Dứt bỏ tâm xấu ác và các pháp bất thiện. Mỗi ngày hạnh càng tiến, không bao giờ lui sụt.

Cho nên nói: Từ niệm mà có hành.

Dứt đó là dứt đúng: Dùng đoạn trí, trí tuệ để dứt bỏ niệm ác.

Thế nào là dứt bỏ?

Hoặc bị loạn tưởng đè nén tâm lành, không thực hành theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo, che lấp các đạo quả không hiển bày được, như gió bụi thình lình nổi lên che khuất mặt trời, mặt trăng, không thấy được ánh sáng, rồng rưới nước cam lộ rửa sạch bụi kia thì liền thấy được ánh sáng mặt trời, mặt trăng.

Ở đây cũng như vậy, dùng cam lộ của Bậc Hiền Thánh diệt tâm bụi nhơ, hoát nhiên đại ngộ không còn chút che mờ. Đạo quả Thánh Hiền thảy đều hiển lộ.

Cho nên nói:

Dứt đó là dứt đúng.

Ba quán là chuyển niệm

Sớm được đạo vô thượng

Được ba, trừ ba tai

Vô lượng tu giữ niệm.

Ba quán là chuyển niệm: Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ.

Lúc bấy giờ Ngài bảo các Tỳ Kheo: Thuở xưa, khi chưa thành đạo, ta đã khởi lên ba ý nghĩ không tốt là nghĩ tham dục, nghĩ giận dữ, nghĩ hại kẻ khác.

Hỏi: Tại sao lúc ấy Bồ Tát nghĩ tham dục, nghĩ giận dữ, nghĩ hại kẻ khác?

Đáp rằng: Bồ Tát tu khổ hạnh sáu năm, vì khổ nhọc nên sinh ra lui sụt, tự nhớ lại những ngày trước kia. Nhớ lại những kỹ nhạc ca xướng vui chơi. Từ đó bèn sinh ý tưởng tham dục, lại nghe Điều Đạt khởi ý tưởng tham dục chiếm đoạt các thể nữ trong hoàng cung. Chính lúc ấy, ta khởi lên ý nghĩ tức giận. Hai ý nghĩ nhơ bẩn ấy hòa nhau trong nội thức, liền sinh ý nghĩ hại kẻ khác.

Hơn nữa, khi Bồ Tát tu khổ hạnh, có hai cô gái Nan Đà và Nan Đà Bà La đem bơ dầu mè đến thoa thân Bồ Tát. Thân hai cô gái này mềm mại như Thiên Nữ, lúc ấy, ta liền sinh ý tưởng ái dục.

Lúc ấy Bồ Tát nghĩ như vậy: Dù năm người kia cung cấp cho ta không bỏ nhưng ta vẫn ra đi, vì đâu khiến mục nữ kia lấy dầu thoa lên mình ta. Lúc ấy Bồ Tát liền sinh ý nghĩ giận tức và ý nghĩ hại kẻ khác.

Hai ý nghĩ nhơ bẩn cùng sinh trong nội thức.

Lúc ấy Bồ Tát nghĩ như vậy: Nay, ta đã sinh ý nghĩ tham dục, tự làm hại mình cũng làm hại kẻ khác, hai việc đều bị tổn. Tự tổn là mọi công đức lành đều mất. Đó gọi là tự tổn.

Còn làm tổn thương người khác là sao?

Nếu nhận của tín thí các thứ ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc men trị bệnh, không thể tiêu hóa, làm tăng thêm trần lao, không đạt kết quả, các công đức đều thiếu khuyết. Đó gọi là làm tổn hại người khác. Tóm lại, cả hai ý nghĩ nhơ bẩn hòa nhau liền sinh ý nghĩ hại người khác.

Lúc bấy giờ Bồ Tát nhàm chán hai việc ấy, muốn dứt bỏ ý nghĩ không tốt ấy, bèn dùng sức mạnh nhẫn nhục hàng phục ma khổ nhọc oán hận, dứt bỏ hẳn loạn tưởng, không sinh ý nghĩ ác thì mới mau thành đạo quả.

Cho nên nói: Ba quán là chuyển niệm.

Sớm chứng đạo vô thượng: Thế nào là đạo vô thượng?

Được gọi là đạo vô thượng là chí cầu xuất ly, không có ý tưởng tham dục, không có ý tưởng giận tức.

Cho nên nói: Ba quán là chuyển niệm. Sớm được đạo vô thượng là Bồ Tát khi ngồi dưới gốc cây, Ngài bỏ được ba mươi bốn ý niệm, thành đạo vô thượng. Được gọi là đạo vô thượng là vượt qua Trời, người, ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, các loài bò bay máy cựa, trong các loài đó thì đạo này trên hết, không còn đạo nào hơn.

Như trong Kinh nói: Bảy vi là một hốt.

Vi không dài, không ngắn, không tròn, không vuông, không cao, không thấp, không hình tướng, không thể nhìn thấy, nhã thức không thể thấy được.

Vì sao?

Vì nó vi tế, không thể thấy được. Chỉ có Chuyển Luân Thánh Vương, Bồ Tát Bổ xứ, Hiền Thánh có thiên nhãn mới thấy được. Dù cho có pháp nào nhỏ hơn vật thể rất vi tế này đi nữa, thì Đức Như Lai vẫn biết một cách rõ ràng.

Cho nên nói: Chứng được đạo vô thượng.

Được ba, dứt ba tai: Trụ trong Tứ Thiền, nhập định thanh tịnh, không khởi lên ý tưởng dính mắc kết sử, vắng lặng buộc niệm, không quên tiến tu, không biếng trễ. Tập trung ý chí, chuyên nhất dứt bỏ kết sử.

Cho nên nói: Được ba, dứt ba tai.

Vô lượng tu giữ niệm: Trụ trong Sơ Thiền, suy nghĩ giữ niệm, hoặc ở Tứ Thiền, thu nhiếp pháp trong ngoài, cũng có giữ niệm.

Trong Sơ Thiền có ý tưởng bất định, có giác, có quán, lẫy lừng giống như lửa đốt cháy pháp thể. Bên ngoài có ý tưởng bất định bị lửa đốt cháy. Trong Nhị Thiền có tư tưởng bất định, tâm ái giống như nước.

Bên ngoài có tư tưởng bất định, bị nước phá vỡ. Trong thiền thứ ba có tư tưởng bất định, giống như gió có hơi thở ra, hơi thở vào. Bên ngoài có tư tưởng bất định liền bị gió lay động.

Trong thiền thứ tư, bên trong không có tư tưởng bất định, không thuộc các pháp bên ngoài. Đã được niệm giữ thì dứt bỏ được vô lượng tư tưởng bất định bên trong. Đối với các Sơ Thiền địa, vô lượng địa mà đi sâu vào tam muội này cũng lại như vậy. Nó vô lượng, vô hạn, không thể tính kể. Vô số người đầy đủ các hạnh.

Cho nên nói:

Vô lượng tu giữ niệm.

Dứt bỏ cấu ba cõi

Gom định, để buộc ý

Sức trí tuệ thiền định

Đã định, gom loạn ngoài.

Dứt bỏ cấu ba cõi: Từ cõi dục đến cõi sắc, cõi vô sắc đều gọi là ngôi nhà đầy nhơ bẩn, là nơi an trụ của chúng sinh. Tìm cách khéo léo thoát ra ba cõi, đó chính là đạo cao thượng, trên hết, vượt ra ba cõi.

Cho nên nói: Dứt bỏ cấu uế ba cõi.

Gom định, để buộc ý: Không để tâm thô tháo rong ruổi bên ngoài, thường chuyên nhất tâm ý, không để trần cảnh bên ngoài xâm nhập. Vì tam muội khó phá hoại được.

Cho nên nói: Gom định, để buộc ý.

Sức trí tuệ thiền định: Dùng gươm bén trí tuệ mà cắt đứt các kết sử đến tận nguồn gốc.

Cho nên nói: Sức trí tuệ thiền định.

Đã định, gom loạn ngoài: Thân mình đã vào định thì có công năng nhiếp phục người bên ngoài.

Cho nên nói:

Đã định, gom loạn ngoài.

Chứa lành được hạnh lành

Đâu đâu cũng khen ngợi

Được tám phẩm Hiền Thánh

Tu đạo, quả cam lộ.

Chứa lành được hạnh lành: Người muốn học đạo thì phải dụng công từ từ, như Sơ Thiền thực hành Nhị Thiền là vi diệu, Nhị Thiền thực hành Tam Thiền là vi diệu, Tam Thiền thực hành Tứ Thiền là vi diệu.

Cho nên nói: Chứa lành được hạnh lành.

Đâu đâu cũng khen ngợi: Như ban ngày, Đức Phật hóa độ dưới gốc cây Thọ Vương, mà Kinh đã nói, thì Chư Thiên Cõi Đao Lợi quán sát thế gian từ xa, họ biết được các đệ tử Phật ở làng kia xóm kia, đệ tử tên gì, bởi lòng tin vững chắc mà xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba y pháp, sinh tử đã hết, việc phải làm đã làm xong, phạm hạnh đã lập, không còn vào thai, biết đúng như thật.

Cho nên nói: Đâu đâu cũng đều khen ngợi.

Được tám phẩm Hiền Thánh: Như người học đạo kia, một lòng hướng về con đường tám phẩm của Hiền Thánh, đến được cảnh giới Niết Bàn dứt hết phiền não, vô vi vô tác.

Cho nên nói: Được tám phẩm Hiền Thánh.

Tu đạo, quả cam lộ: Người tu hành kia chính mình hành đạo, là muốn đến cảnh giới an ổn vô thượng, uống nước cam lộ vô thỉ vô chung. Cam lộ ở đây chính là Niết Bàn dứt hết phiền não. Nếu người học đạo chứng được Niết Bàn ấy, thì không sinh, không già, không bệnh, không chết.

Cho nên nói: Tu đạo, đạt quả cam lộ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần