Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Hai - Phẩm đạo - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM ĐẠO  

TẬP MỘT  

Tám đường chánh rất thẳng

Tứ Đế là dấu pháp

Đạo này gọi vô vi

Dùng đèn diệt tối ái.

Tám đường chánh rất thẳng: Sao gọi là chánh thẳng?

Tứ Đế là căn cứ ở nghĩa. Gọi là bốn, vì căn cứ vào nhân quả nên gọi là bốn, vì y cứ vào tụ nên có bốn. Nếu vì ý nghĩa thì nên gọi là ba thay vì bốn. Đã ghi là khổ thì không có tập, đã ghi rằng tập thì không có khổ.

Đó gọi là: Tận. Đạo. Khổ.

Duyên quả là bốn, nữa đó là năm. Từ khổ có duyên nhân cũng như duyên mới có quả. Đạo cũng như thế, Tận Đế là năm. Nếu y cứ tụ là bốn, thì thành tám. Trước hết đoạn khổ ở cõi dục, sau mới đến cõi sắc, vô sắc là hai. Cho đến đạo cũng như thế.

Thành lập nghĩa này lại còn có thuyết khác cho rằng: Nếu từ nghĩa duyên quả thì gọi là năm. Khổ cũng vừa do duyên cũng vừa do quả, khi nó hết thì gọi là dấu khổ, dấu vết của hữu lậu, dấu vết của tham, dấu vết của bỏn sẻn.

Có ngươi vấn nạn rằng: Đạo cũng có duyên, có quả, đều gọi là dấu vết của khổ, cũng gọi là dấu vết của hữu lậu, cũng gọi là dấu vết của bỏn sẻn, vì sao?

Ở đây không lập hai đế?

Đáp rằng: Vì muốn ngăn dứt lối lập luận trên, nên cũng có nhân duyên. Đối với khổ, tập kia sinh ra hai luận, vừa không có khổ, vừa không có tập. Vì muốn ngăn dứt hai luận này, nên nói có khổ, có tập.

Đạo: Có duyên, có quả thì sinh ra lập luận cho rằng: Không có đạo. Để ngăn dứt lối lập luận này, nên nói có đạo. Thế nên nói có Tứ Đế, mà chẳng phải ngũ đế. Lại có thuyết y cứ vào tụ, nên lập luận này, nói có tám.

Đáp rằng: Y cứ vào một tướng của nghĩa tụ thì khổ ở cõi dục, khổ ở cõi sắc, vô sắc đều tụ rồi. Hành duyên của cõi dục, hành duyên của cõi sắc, vô sắc thì sau khi nhóm họp thì phát sinh ra tướng.

Hành uẩn của cõi dục đã hết, hành uẩn của cõi sắc và vô sắc đã hết, sau khi nhóm họp thì gọi là tướng hưu tức chấm dứt. Hành đối của cõi dục, hành đối của cõi sắc, vô sắc đã hết, sau khi nhóm họp thì gọi là tướng xuất yếu. Vì thế nên gọi là Tứ Đế.

Như người có trí tuệ quán sát biết có phiền lụy hay không phiền lụy, suy nghĩ biết được chỗ xuất ly. Cho nên nói Tứ Đế là dấu vết của pháp pháp tích. Đạo này gọi vô vi Niết Bàn an ổn, vô vi, dứt hết các phiền não, các khổ đều không còn.

Cho nên nói: Đạo này gọi vô vi.

Dùng đèn diệt tối ái: Ái hữu cũng có ba thứ là: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

Tâm ái bền chắc ấy trói buộc người có tâm ái, sinh ra các loạn tưởng, nhiều thứ khổ não, làm sao cắt đứt?

Đáp: Tám con đường của Hiền Thánh cắt đứt hẳn, không cho tái sinh.

Cho nên nói:

Dùng đèn diệt tối ái.

Tuệ lìa vực thẳm

Như gió thổi mây

Đã diệt mọi tưởng

Đó là tuệ kiến.

Tuệ lìa vực thẳm: Không phải là có một số vực thẳm ghi trong bản đồ. Có chỗ nói phong trần, nói sông sâu. Trần bụi làm nhơ thân thể con người, bất kể là già trẻ. Nó khiến người ta không nhìn thấy được vết bẩn dính trên áo. Trên thì che khuất mặt trời, mặt trăng, không thấy ánh sáng, nó làm trở ngại khiến cho người không thể nhìn xa, không phân biệt được thật giả.

Bấy giờ vua rồng xót thương kẻ thế gian ngu mê, muốn cho họ thoát khỏi các nạn ấy, bèn rưới xuống một cơn mưa phùn với gió mát thoảng qua quét sạch hết bụi hồng trần, phá tan hết lớp sương mù u ám cho vầng thái dương xuất hiện.

Cho nên nói: Có trí tuệ lìa vực thẳm, như gió thổi tan mây. Người giữ hạnh ấy chuyên tinh nhất tâm trần tưởng bên trong.

Có ba thứ tưởng là: Tưởng tham dục, tưởng giận dữ, tưởng ngu si. Ba thứ tưởng này cũng không bị bụi trần làm phát sinh loạn niệm, làm bại hoại trí tuệ, không tới chỗ rốt ráo. Nó che mắt trí tuệ, không thấy được Tứ Đế, làm nhuốm bẩn pháp thân, khiến không được sáng suốt. Chế ngự được tâm ý, không sinh các tưởng nghĩ. Cho nên nói nó đã diệt mọi tưởng, đó là tuệ kiến.

Trí làm thế lâu

Điềm nhiên vô vi

Trí nhận chánh giáo

Hết sinh, già, chết.

Trí làm thế lâu: Là trên hết, là nhiệm mầu, cũng gọi là ba nghĩa.

Ba nghĩa: Một là nghĩa sự, hai là nghĩa kiến, ba là nghĩa duyên, cũng gọi là nghĩa thủ, nghĩa nhãn, nghĩa đạo, nghĩa giác, nghĩa Hiền Thánh xuất ly, dùng trí tuệ này soi khắp các pháp, giống như vật bên ngoài được soi sáng, vật bên ngoài là mặt trời, mặt trăng, các sao, y phục, cung điện.

Gọi là nhập một thế giới, nhập một nhập, nhập một ấm, nhập một đạo, nhập một thế giới là cõi sắc. Nhập một nhập là sắc nhập.

Nhập một ấm là sắc ấm. Nhập một đạo là đạo hiện tại. Dùng ánh sáng trí tuệ này soi chiếu mười tám giới, hai mươi nhập, năm ấm. Và trí tuệ này còn soi khắp cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, làm cho được nhiều lợi ích, được nhiều thành tựu.

Cho nên nói: Trí tuệ làm cho thế gian được lâu dài.

Điềm nhiên vô vi: Nương trí tuệ này mà thoát khỏi sinh tử, khéo phân biệt được, không còn do dự. Hơn nữa, còn phân biệt được Tứ Đế, không có ngờ vực. Cho nên nói đưa đến vui điềm nhiên vô vi.

Trí nhận chánh giáo, hết sinh, già, chết: Sở dĩ chịu khổ là do có sinh, nếu không sinh thì đâu có khổ?

Như mô đất là mục tiêu cho bao mũi tên thi nhau bắn vào, thân này đắm nhiễm các khổ cũng như thế.

Cho nên nói: Trí nhận được chánh giáo, không còn sinh, già, bệnh, chết nữa.

Đạo là tám đường thẳng

Bốn câu Thánh đế trên

Pháp vô dục tối thượng

Mắt sáng Nhị Túc Tôn.

Đạo là tám đường thẳng: Ngoại đạo dị học muốn học đạo bằng cách không ăn cơm gạo cho đó là tịnh hạnh, hoặc nằm trên tro, phân, không trang sức thân thể, hoặc khỏa thân không che đậy, hoặc nằm trên chông gai, gối đầu trên đá cho rướm máu, hoặc bện tóc làm áo, hoặc xem cây lá để bói toán, chú thuật, hoặc thờ nước, lửa, trời, trăng, các sao, hoặc lên núi cao, hoặc xuống dưới song sâu rồi cho rằng mình đã thành đạo.

Đức Thế Tôn dạy: Đó không phải là đạo chân chánh, không phải là chỗ chí yếu, không phải là điều mà thiện tri thức tu tập. Đạo ấy không có gì hay, không phải là đạo mà Hiền Thánh học tu tập.

Đối với các đạo như thế, thì tám phẩm đạo của Thánh Hiền là cao cả hơn hết.

Cho nên nói: Đạo là tám đường thẳng.

Bốn câu Thánh Đế trên: Giống như có rất nhiều ngoại đạo dị học đều tu theo vọng đế, ngày đêm tu khổ hạnh ở nơi thanh vắng, hoặc thờ chim trọc đầu, chim kiêu cú dữ cú tai mèo trên núi, hoặc thờ mèo, nai, chó, gà, rắn rít, cho đó là chân thật, được đến cảnh diệt độ, vô vi, vô tác, được đến Niết Bàn, được đến cửa giải thoát, lìa hẳn lo buồn khổ não.

Đức Thế Tôn nói: Đó không phải là đạo chân thật, không phải là chỗ chí yếu. Chân thật đế chính là pháp Tứ Đế, được đến chỗ vô vi, dứt hết các phiền não.

Cho nên nói: Bốn câu Thánh Đế là trên hết.

Pháp vô dục tối thượng: Như Khế Kinh nói: Có ba việc là bậc nhất trên hết: Một là Phật, hai là Pháp, ba là Thánh Chúng. Gọi là pháp thì có pháp hữu vi, pháp vô vi. Ái nhiễm hết không còn tham dục, dứt hết phiền não là Niết Bàn. Pháp chân thật là cao quý hơn hết, không còn pháp nào hơn.

Cho nên nói: Pháp vô dục tối thượng.

Mắt sáng Nhị Túc Tôn: Có các chúng sinh không chân, hai chân, bốn chân và nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, cho đến chẳng phải có tưởng, chẳng phải không có tưởng, trong số ấy thì Đức Như Lai là Bậc Tối Tôn, Tối Thượng, không còn ai hơn.

Cho nên nói:

Mắt sáng Nhị Túc Tôn.

Tất cả hành vô thường

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành vô thường: Thay đổi không dừng, không thể nương cậy, như ánh chớp qua mắt, như đập đá thấy xẹt lửa rồi tắt ngay.

Cho nên nói: Tất cả hành vô thường.

Trí tuệ mới quán thấy: Biết tất cả hành pháp đều là ô uế hữu lậu, không phải chân thật, là pháp bị hoại diệt, đều trở về với sự tiêu diệt mất hết.

Cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Chán ngán nỗi khổ này, không có ý ưa thích nó, nhớ nghĩ cầu giải thoát, lìa bỏ hẳn tham dục.

Cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: Thường nhớ nghĩ sự tu trì chánh đạo vô thượng, điều mà thấy đế dứt trừ được, có công năng làm sạch hết mọi dấu vết.

Cho nên nói:

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành là khổ

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành là khổ: Từ cõi dục lên đến Hữu đỉnh, đó là mé khổ. Ở cõi dục thì mong ra khỏi nạn khổ. Ở cõi sắc thì thường bị khổ biến dịch. Ở cõi vô sắc thì bị khổ thọ hành.

Thế nên Đức Thế Tôn nói: Sinh tử lẫy lừng, tất cả đều là khổ, trôi lăn trong năm đường, không thoát khỏi khổ ấy.

Ai là kẻ thích sống trong các khổ ấy?

Cho nên nói: Tất cả hành là khổ.

Trí tuệ mới quán thấy: Người học rộng biết nhiều việc xưa nay, thấy rõ ba đời như nhìn hạt châu trong lòng bàn tay, đều được rõ ràng.

Cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Vì biết khổ này cho nên muốn dứt bỏ. Ý thường nhàm chán, không muốn chung sống với nó.

Cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: Chỉ có đạo Thánh Hiền mới có khả năng làm sạch hết dấu vết khổ đau.

Cho nên nói:

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành là không

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành là không: Các hành pháp đều thay đổi, không thể nương cậy. Nó không đứng yên, sinh liền diệt, trôi chảy không dừng nghỉ. Khổ, không, vô ngã, đều không có tự tánh, tự nó như vậy cũng không phải không như vậy.

Cho nên nói: Tất cả hành là không.

Trí tuệ mới quán thấy: Như người nhìn xuống mặt nước sạch thì thấy bóng hình mình một cách rõ ràng. Người tu hành cũng lại như vậy, quán sát các hành pháp sinh ra rồi diệt mất, không có gì trở ngại.

Cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Như từ lúc bắt đầu, chứa nhóm nhiều công hạnh cho đến khi thành đạo, trong thời gian ấy, trải qua gian khổ mà không tự biết. Bị khổ làm mê lầm nên không đến được chỗ rốt cùng. Như ngày nay ta được thành thân người, được gặp Phật ra đời và các Hiền Thánh.

Ngày nay mới tự giác biết thân năm ấm lẫy lừng mãi mãi đắm nhiễm, chẳng phải chân thật. Như ngày nay ta quán sát thân năm uẩn lẫy lừng là chỗ nhóm họp bao khổ lụy.

Cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: Dùng trí chưa biết khổ để diệt hết dấu vết, đến chỗ trong sạch rốt ráo, không chút bợn nhơ. Dứt hết cội gốc các khổ, để được thanh tịnh hoàn toàn.

Cho nên nói:

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành vô ngã

Trí tuệ mới quán thấy

Nếu giác ngộ khổ này

Hành đạo sạch dấu vết.

Tất cả hành vô ngã: Vì không còn tham dục, không còn tạo tác nên tất cả hành pháp đều vô ngã. Vì không có gì bền chắc nên tất cả đều vô ngã, vì không có tự do cho nên tất cả pháp đều vô ngã.

Cho nên nói: Tất cả hành vô ngã.

Trí tuệ mới quán thấy: Đối tượng mà trí tuệ quán sát là pháp ba mươi bảy phẩm đạo. Khi soi gương thì người ta thấy rõ hình bóng mình trong ấy, không có gì trở ngại. Ở đây cũng giống như thế, dùng trí tuệ quán sát thì đều thấy rõ ràng.

Cho nên nói: Trí tuệ mới quán thấy.

Nếu giác ngộ khổ này: Người tu hành mãi sống trong tối tăm, bị thân năm ấm lẫy lừng này lừa gạt, chấp là ta có, ta là chỗ kia. Nếu quán sát chân thật thì sinh nhàm chán, mong muốn xa lìa, được giải thoát.

Cho nên nói: Nếu giác ngộ khổ này.

Hành đạo sạch dấu vết: An trụ trong mười lăm tâm, dùng đạo do kiến đế có được để dứt bỏ vô thường, vô ngã, khổ, không, hết sạch không còn sót chút nào. Bởi bốn hành này từ khổ mà sinh ra khổ đế. Khổ đã biết được dứt bỏ bởi trí chưa biết khổ.

Cho nên nói:

Hành đạo sạch dấu vết.

Ta đã nói đạo

Dùng tên yêu bắn

Phải tự gắng sức

Vâng lời Như Lai.

Ta đã nói đạo: Hoặc có chúng sinh buông lung biếng nhác, họ tự nói với nhau rằng: Nếu thần lực Như Lai được tự tại thì tại sao Ngài không giúp chúng ta sớm chứng được đạo quả?

Hơn nữa, Ngài đích than không chấp nhận hình thể của ngã trong đạo.

Như Khế Kinh nói: Có vị Phạm Chí lạ đến chỗ Thế Tôn hỏi nghĩa này bằng bài kệ như sau:

Tôi thấy Trời, đời người

Phạm Chí hành thanh tịnh

Nay tôi lại quay về

Xin giải thích tôi hiểu.

Bài kệ này có ý nghĩa gì?

Đáp rằng Phạm Chí kia là người bẩm sinh đần độn, lười biếng, ngoan cố, nhưng lại muốn Sa Môn Cù Đàm nói đạo cho mình nghe để sớm đạt được đạo quả như Ngài, khiến cho mọi kết sử trong bản thân ông chóng được dứt bỏ hoàn toàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần