ĐẠP MIỆNG ÔNG TRƯỞNG GIẢ
Kinh Bách Dụ ghi : Xưa có ông trưởng giả rất giàu có. Mọi người chung quanh muốn tỏ ý cung kính để lấy lòng ông, nên mỗi lần ông khạc đàm xuống đất, người chung quanh dành nhau chà cho hết.
Bấy giờ có người quê mùa không đạp kịp lên đàm đã nhổ, mới nghĩ thầm: “Nếu đợi đàm ông rơi xuống đất rồi thì ta không cách gì đạp kịp. Chi bằng khi ông vừa muốn khạc, ta liền đạp thẳng vào miệng ông. Chắc chắn sẽ đạp được”. Nghĩ rồi, người quê mùa liền thực thi ngay những gì vừa nghĩ khi thấy ông trưởng giả có ý muốn khạc đàm. Kết quả là … trưởng giả dập môi và gãy răng.
Lời bình:
Đời nay kiếm được một người lanh lợi cỡ đó không phải dễ! Nhưng ngẫm cho cùng thì không khéo mình cũng có ít nhiều hơi hám của chàng ngố đó.
Làm việc gì mà chỉ chú trọng đến hình thức còn tinh thần chính của sự việc lại bỏ mặc thì mọi việc xảy ra đều như vậy. Anh chàng quê mùa kia nếu biết việc đạp lên đàm chỉ là hình thức biểu trưng cho lòng tôn kính đối với trưởng giả, không chỉ đơn thuần là đạp làm sao cho được đàm, thì anh không tính chuyện nhanh nhẫu như thế. Song vì chỉ chú trọng đến hình thức, không nắm được tinh thần mà hình thức ấy muốn nói, nên việc đáng tiếc mới xảy ra. Bạn nghĩ xem, liệu người ta có để bạn yên không, khi bạn đạp dập miệng gãy răng người ta? Dù trưởng giả có lòng từ bi cao cả bao nhiêu thì đám người kia cũng không để cho chàng quê mùa này yên. Đàm vừa khạc ra chúng còn tranh nhau chà như thế, huống là kẻ làm tổn thương đến ngài trưởng giả? Bị bề hội đồng là cái chắc. Nát thân chứ chẳng phải chơi.
Đạo Phật cũng vậy. Hình thức phương tiện thì rất nhiều, nhưng nếu ta chỉ chú ý đến hình thức mà quên đi tinh thần Phật muốn nói thì sẽ như chàng quê mùa kia, vừa làm bầm dập Phật pháp, vừa làm phương hại bản thân mình.
chơn lý,giác ngộ,lời Phật day
“Thầy an cư tại Tu viện, con an cư ở đâu?”