Phật Thuyết Kinh Năm Phật đảnh Tam Muội đà La Ni - Phẩm Bảy - Phẩm Pháp Thành Tựu Của Năm đảnh Vương

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

NĂM PHẬT ĐẢNH TAM MUỘI

ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM PHÁP THÀNH TỰU

CỦA NĂM ĐẢNH VƯƠNG  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại vì dạy bảo lợi ích cho các hữu tình, cho nên nói Đại Thành Tựu Đảnh Vương Pháp, hữu tình trí nhỏ tham pháp của thế gian, tâm chẳng tinh chuyên. Người trí y theo pháp tu tập quyết định sẽ thành hướng.

Mỗi ngày, khi Triệu Thỉnh Chư Thần, Không Thần, Tinh Thần, Thần tùy theo chỗ trụ của thế gian… một lòng niệm tụng, tùy hô gọi đến trụ. Thường nên kết Ấn hộ thân, tụng Chú, làm Pháp.

Nếu chẳng hộ thân, kết giới tức bị quỷ đoạt tinh khí con người cướp đoạt sức của Chú, sáu phần thâu mất năm phần, hoặc thâu đoạt hết cả. Hoặc bị Quỷ Trà Chỉ Ni cướp đoại sức của Chú. Nếu sợ bị thâu đoạt liền tụng Nhất Thiết Đảnh Vương Chú, Nan Thắng Vương Chú quyết định khiến giữ toàn vẹn Chú vốn đã trì.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lại quán hết thảy người Trì Chú ở đời vị lai: Kẻ đức mỏng, phước kém ưa thích ham vui đùa, đồng bạn chẳng tốt lành, đam mê nữ sắc, nơi giới bị thiếu sót chảy rỉ… nên vì kẻ ấy nói giáo pháp, tức tâm suy nghĩ, tánh giữ bền chặt sáu niệm, cột buộc tu Chú pháp, phát tâm bồ đề tức được thành tựu.

Này Mật Tích! Lìa Tâm Bồ Đề Bodhi citta, bên ngoài liền không có thành biện được.

Tại sao thế?

Do tâm bồ đề có oai lực lớn hay giữ cho người Trì Chú toàn vẹn, mau được thành tựu.

Người Trì Chú chẳng ăn nhóm vật có màu đen, xanh. Cũng chẳng ngồi nằm ở giường của Đức Phật, giường của pháp, giường của Tăng, giường của Hòa Thượng A Xà Lê, cha mẹ…

Khi ăn, cũng chẳng ăn nhồm nhoàm như nghi pháp của Tỳ Nại Gia Vinaya: Luật cho đến chẳng được vừa ăn vừa nói, trao thức ăn cho nhau. Chẳng được lấy ngón tay xỉa răng. Người trí nên biết, ngồi Kiết Già ngay ngắn, như pháp yên lặng ăn.

Nếu khi niệm tụng, hoặc lúc làm pháp, hoặc lúc thỉnh triệu tu pháp thời, nên dứt hết thảy lời nói tốt không tốt, như pháp tụng niệm. Cũng đừng cùng kẻ khác nằm ngồi chung một cái giường, trao đổi quần áo giầy dép cho nhau. Vật khí đựng thức ăn, thuần dùng cái bát nhỏ bằng đồng trắng, đỏ để ăn.

Nếu đã ăn xong, liền lấy nước rửa sạch. Lại dùng tro đất lau khô bên trong bên ngoài. Thường chẳng được làm các thứ đùa bỡn giễu cợt, hý luận. Nêu vui thích vi phạm thì tùy theo tội cùng sanh.

Luôn chọn: Năm, tháng, ngày, giờ của Tinh Tú… y theo pháp dựng làm ba loại pháp.

Tháng Thần Thông của Phật, tu là bậc nhất, thành tựu Tất Địa rộng lớn của Đảnh Vương.

Hai kỳ Bạch Nguyệt,

Hắc Nguyệt, vào ngày 8, ngày 14 ăn ba loại thức ăn màu trắng, như dùng hương hoa, thức ăn sạch mới cầm hiến cúng dường, như pháp niệm tụng gấp đôi thì mau thành chứng.

Lại có Biến Tượng. Khiến dạy Đồng Nữ dùng nước nóng thơm tắm gội, thọ nhận tám trai giới, cầm tơ se dệt vải đúng theo độ lượng, đừng dùng dao chặt cắt. Vào giờ tốt thời bắt đầu ra công mô phỏng vẽ, hoặc dùng tấm ván. Người vẽ tượng, thời thời tắm gội sạch sẽ, mặc áo sạch mới, thọ nhận tám trai giới.

Ngay chính giữa, vẽ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi Kiết Già trên tòa Sư Tử, đủ mọi tướng tốt, đảnh phóng ánh sáng, bày tướng thuyết pháp, thân có hào quang tròn.

Tiếp theo, bên phải Đức Phật vẽ Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi Kiết Già, thân màu trắng vàng, đầu đội mão báu, trong mão có vị Hóa Phật, mặt mắt giận dữ, một tay cầm cây phất trắng, một tay cầm tràng hạt sổ châu. Lại ở my gian tam tinh vẽ một con mắt dựng đứng, dùng quần áo của Cõi Trời, mọi loại trang nghiêm, ngồi trên tòa hoa sen.

Tiếp theo bên trái Đức Phật vẽ Kim Cang Mật Tích Chủ Bồ Tát, ngồi Kiết Già, thân tướng màu xang, đầu đội mão báu, mặt mắt giận dữ, một tay cầm chày Kim Cang, một tay cầm cây phất trắng, ngồi trên hoa sen báu.

Tiếp theo, phía sau Tòa vẽ Tối Thắng Minh Vương Kim Cang, vẽ Đại Độ Để Sứ Giả, vẽ Khả Úy Kim Cang, vẽ Hoàng Nhãn Kim Cang, vẽ Đại Tiếu Kim Cang, vẽ Đại Quyền Kim Cang đều có đại lực, tối thắng điều phục, đều cầm khí trượng, ngồi trên tòa hoa sen, nên dùng mọi loại quần áo, Anh Lạc, đều trang sức màu nhiệm trang nghiêm.

Tiếp theo, phía sau Quán Thế Âm Bồ Tát vẽ Mã Đầu Quán Thế Âm Vương, vẽ Ý Lạc Viên Mãn Vương, vẽ Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát Mẫu, vẽ Đa La Bồ Tát, vẽ Tỳ Cu Ni Bồ Tát, vẽ Phệ Lộ Giả Na Bồ Tát… nhóm Bồ Tát này đều cầm khí trượng của bổn sở, ngồi trên tòa hoa sen. Nên dùng mọi quần áo màu nhiệm, Anh Lạc đều trang nghiêm màu nhiệm.

Tiếp theo, bên dưới tòa của Đức Phật, phía bên trái vẽ Nan Thắng Đại Phấn Nộ Thần, vẽ Đại Tự Thần.

Tiếp theo, bên dưới tòa của Đức Phật, phía bên phải vẽ Phật Nhãn Thần, vẽ Tướng Hảo Thần.

Bốn vị Thần này đều có thân màu vàng ròng, ngồi trên tòa hoa sen.

Biến Tượng này gọi là Như Lai Thân Tối Thắng Luân Vương Đại Thành Tựu Tượng, hết thảy thông dụng đều vẽ thành chứng.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử: Xưa kia, khi ông chưa chứng Địa thời tụng dùng Chú này cúng dường tượng này. Tượng phóng ánh sáng lớn chiếu ba cõi này, chúng sanh Thượng Trung ý sanh ưa thích vui vẻ.

Mạn Thù Thất Lợi! Ông được ánh sáng chiếu soi, vượt lên chứng Tam Địa được năm Thần Thông. Thế nên nói Tượng Bất Khả Tư Nghị Đại Tam Ma Địa là thân của Như Lai. Ta dùng dức Tam Ma Địa này rộng khắp Ba Cõi, vì các hữu tình, lợi ích thành tựu Thần Thông biến hóa. Thân của Đảnh Luân Vương này như báu Như Ý.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử: Ông khéo hay dùng Đại Bi Giáp Trụ, phương tiện khéo léo an trụ hữu tình, hiển bày cứu giúp hữu tình vô lượng biến hóa. Hiện ra thân Phật, thân Bồ Tát, thân Duyên Giác, thân Thanh Văn… nhiếp lấy chúng sanh, nói các thắng pháp giác ngộ hữu tình.

Khi ấy, Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử chắp tay, cung kính bạch rằng: Thế Tôn! Đức Phật có bao nhiêu tên gọi, hiện Đảnh Luân Đại Tam Ma Địa lưu tuyền ở Thế Giới này?

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử: Tên gọi của Đảnh Luân Vương.

Ấy là: Ấn Nại La Indra gọi là hàng Đế Thích, cho đến trong loài hữu tình tại sáu nẻo của ba cõi, dựng lập tên gọi sai biệt tùy theo loại làm chủ, đều vì điều phục cho nên tùy theo loại dựng lập pháp danh sai biệt vô lượng, đều vì thành thục chúng sanh cho nên thế gian không có một pháp, một tên gọi, một tướng chẳng phải là nơi biến lập của Như Lai.

Này Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử! Có một loại người, biết ta chẳng sanh chẳng diệt, chân như, thật tế, thật pháp, pháp giới Niết Bàn, thật trí, không có hai, không có tướng, ý sanh, nhu đồng, người làm, người thọ nhận, người biết, người thấy… làm sự hiểu biết như vậy.

Này Đồng Tử! Chúng sanh trong Thế Giới Sa Ha này xưng gọi ta là Đại Ly Dục Như Lai Phật Thiên Nhân Sư.

Này Đồng Tử! Ta thường ở thế gian này, thành thục chúng sanh, bày tên gọi như vậy, mới có năm A tăng kỳ trăm ngàn số tên gọi. Hết thảy Thanh Văn, chúng sanh ngu si tuy xưng tên gọi của ta cũng chẳng biết tên gọi khác như vậy của ta.

Này Đồng Tử! Ta làm như vậy thành thục hết thảy hữu tình, cũng ở trong các Kinh nói tên gọi khác này.

Này Đồng Tử! Như vậy lại có một loại hữu tình biết ta ở trong căng già sa đẳng Thế Giới có vô lượng tên gọi, xưng khác nhau. Như Lai nói pháp như như, chúng sanh nói là đi, đến khứ lai. Như Lai cũng chẳng có đi, đến khứ lai, phân biệt hiện ra sắc tướng.

Này Đồng Tử! Do chẳng đi, lại, không có tạo làm phân biệt, tức hay hiện ra vô lượng Phật Sự, Đà La Ni Môn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử: Nếu có người tu trì Đảnh Vương Pháp này, nên đợi đến giờ tốt.

Vào ngày 5.

Ngày 8.

Ngày 13.

Ngày 14.

Ngày mười năm của kỳ Bạch Nguyệt… lúc có Tinh Tú tốt thì tắm rửa sạch sẽ, mặc áo sạch mới.

Nếu là người thế tục tục nhân thọ nhận tám trai giới, y theo pháp quỹ trụ, tu tạo thanh tịnh, xoa bôi, kết Đàn Tràng, bảy hiến hương hoa, thiết đốt Hỏa Thực. Nên cúng dường Đức Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Kim Cang Mật Tích Thủ Bồ Tát, Ma Ha Bà La Thần với các Bồ Tát, hết thảy Thanh Văn, Bích Chi Phật, Chư Thiên… như cúng dường này liền được hết thảy Đại Oai Đức Thiên, Đại Oai Chú Thần, Đại Minh Chú Thần vui vẻ quán nhìn.

Nhóm Chư Thiên tuy lại ngày ngày như Pháp cúng dường, nhưng đối với Phật Bộ chẳng nên lễ bái.

Tại sao thế?

Vì sức của năm Đảnh Vương Chú chẳng thể nghĩ bàn. Thế nên người Trì Chú cũng chẳng được đến nhà có tang lễ, nhà có người mới sanh, nhà của người bất tịnh, nhà của Chiên Đà La… đi đến thăm viếng, ở qua đêm, nhận cúng dường của kẻ khác… cũng chẳng đem thức ăn dư thừa hôi hám, thức ăn để qua đêm… cúng dường với tự mình ăn.

Người Trì Chú, mỗi ngày ba thời tự thề quy y Phật, Pháp, Đại Bồ Tát Tăng. Phát tâm Bồ Đề, tịnh trị ba nghiệp. Niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên… thường vào lúc sáng sớm thọ nhận tám trai giới, chẳng giết chóc, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, dùng son phấn xoa bôi thân, ngồi nằm trên giường to lớn, chẳng ăn quá giờ Ngọ. Dùng trí chân như, tâm không có tạo làm cái ta vô tác ngã, thành kính tu tập, liền được thành biện.

Khi ấy, Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn lại bảo Kim Cang Mật Tích Chủ: Lại có Chuyển Luân Vương Tượng đối với tượng của hết thảy Chú thuộc thế gian xuất thế gian là tối thượng, không có gì ngang bằng. Dựa theo ngày, tháng lúc trước, người vẽ đoan chánh nghiêm túc, giữ đủ thập thiện mười điều tốt lành, dùng vải trắng mịn vuông khoảng ba khuỷu tay, hoặc hai khuỷu tay.

Ngay chính giữa, vẽ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đầy đủ mọi tướng, thân màu vàng ròng, bày tướng thuyết pháp, hào quang bao quanh thân, ngồi tại hoa sen trắng trên tòa Sư Tử, trên đảnh phóng ánh sáng.

Ở sau lưng Đức Phật, vẽ ngọn núi bảy báu.

Ở bên dưới tòa của Đức Phật, vẽ cái ao hoa sen.

Ở bê phải Đức Phật, vẽ dáng mạo của người Trì Chú, quỳ thẳng lưng, chiêm ngưỡng Đức Phật, tay bưng lư hương.

Này Mật Tích! Đảnh Luân Vương Tượng này, hết thảy Phật nói, bảo cho người đang Trì Chú được lợi ích lớn.

Lược nói Tượng này. Nếu có người nhìn thấy, tùy vui cúng dường thời tùy diệt mọi tội, được công đức lớn, được các Trời Rồng vui vẻ nhìn ngắm, sẽ quyết định thành tựu sức của hết thảy Dõng Mãnh Đảnh Vương. Được mọi loại ca tán, cúng dường công đức của vô số Phật.

Vô lượng vô số hết thảy Chư Phật thường đều khen ngợi Diệu Biến Tượng này.

Nếu có người tin mến, ngày đêm tinh tấn cung kính, cúng dường liền được một lúc tiêu diệt được tội chướng, nghiệp của thân thanh tịnh, thành tựu biển trí công đức của Đảnh Vương, vượt qua hết thảy tối thắng thù đặc, dược các người Trời cúng dường, cúng kính, khen ngợi vô lượng, sẽ chứng Phật Địa, liền không có chuyển lùi.

Người thành Chú này, trợn mắt, giận quát thì hết thảy tám Bộ Trời Rồng, Quỷ Thần đều hoảng sợ, bỏ chảy tứ tán. Thiên Đế Thích ấy thấy người này đi đến thì chia Tòa ngồi chung. Các Đại Thiên ấy cũng đều chia tòa ngồi. Chư Thiên trong ba cõi thấy người này đi đến mà kiêu ngạo chẳng đứng dậy nghênh đón, đưa tiễn thành kính. Liền đều bị vỡ nát cái đầu như cành Lan Hương.

Nếu Ta ở một ức cu chi đại kiếp khen nói Chú này cũng chẳng thể hết được.

Người thành Chú này thì người đó gọi là chứng Tất Địa tối thượng, sẽ được sống lâu làm Vua trong cõi Tam Thập Tam Thiên, mạng thường an ổn, chẳng bị chết vì tai vạ, sống thọ như thân Trời. Hết thân Trời xong, biến thân như Phật, chứng năm thần thông, nương theo Cõi Trời này, dùng vô lượng Thiên trước sau vây quanh, đi đến các Cõi Phật, biến hóa các thứ dạy đạo cho chúng sanh.

Tùy theo Cõi Phật: Hiện thân Đế Thích hoặc hiện thân Kim Cang, hoặc hiện thân Đại Phạm Thiên, hoặc hiện thân Y Thủ La Thiên, hoặc thân đồng nam, đồng nữ… vào trong nẻo địa ngục, quỷ, súc sanh… tùy hiện các thân cứu thoát chúng sanh.

Hoặc ở nơi núi rừng, thành ấp, thôn xóm làm các phòng, nhà, mọi loại quần áo, thức ăn cấp cho… thường làm chỗ nương dựa, độ thoát chúng sanh, đủ năm thần thông, thực hành Bồ Tát hạnh, làm bậc tôn quý trong loài người.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần