Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám Mươi Sáu - Phẩm Bình đẳng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM TÁM MƯƠI SÁU

PHẨM BÌNH ĐẲNG  

Ngài Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Người thấy thiệt chẳng cấu, chẳng tịnh. Người thấy chẳng thiệt cũng chẳng cấu, chẳng tịnh.

Tại sao?

Vì tất cả pháp tánh vô sở hữu.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong vô sở hữu không có cấu, không có tịnh. Trong sở hữu cũng không có cấu, không có tịnh.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong vô sở hữu, trong hữu sở hữu cũng không có cấu, không có tịnh.

Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao người như thiệt ngữ chẳng cấu, chẳng tịnh, người chẳng thiệt ngữ cũng chẳng cấu, chẳng tịnh?

Đức Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Tướng các pháp bình đẳng ấy ta nói là tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Những gì là các pháp bình đẳng?

Đó là như, bất dị, bất cuồng, pháp tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, thiệt tế. Có Phật hay không Phật, pháp tánh thường trụ, đó gọi là tịnh. Đây là vì thế đế mà nói, chớ chẳng phả đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa vượt qua tất cả ngữ ngôn, luận nghị, âm thanh.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp rỗng không, chẳng thể nói được như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa.

Tại sao?

Đại Bồ Tát dùng những pháp như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa.

Làm sao phát được tâm vô thượng bồ đề mà nguyện rằng: Tôi sẽ đầy đủ sáu Ba la mật, tôi sẽ đầy đủ thần thông Ba la mật, tôi sẽ đầy đủ Trí Ba la mật, tôi sẽ đầy đủ bốn thiền, bốn tâm, bốn vô sắc định, bốn niệm xứ nhẫn đến tám phần Thánh đạo.

Tôi sẽ đầy đủ giải thoát môn, tám bội xả, chín định thứ đệ, tôi sẽ đầy đủ mười trí lực nhẫn đến đầy đủ mười tám pháp bất cộng, tôi sẽ đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, tôi sẽ đầy đủ các môn Đà La Ni.

Các môn Tam Muội, tôi sẽ phóng quang minh chiếu khắp mười phương, biết tâm niệm chúng sanh thuyết pháp thích ứng?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Các pháp của ông nói có như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Vâng.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như mộng đến như hóa, thì làm sao Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật?

Như mộng đến như hóa là hư vọng chẳng thiệt, chẳng nên dùng pháp hư vọng chẳng thiệt để được đầy đủ Đàn Na Ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng.

Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy. Pháp hư vọng chẳng thiệt chẳng có thể được đầy đủ Đàn Na Ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng. Hành pháp hư vọng chẳng thiệt ấy chẳng thể được vô thượng bồ đề.

Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp ấy đều là pháp tạo ác ức tưởng tư duy. Dùng pháp tạo tác ức tưởng tư duy ấy chẳng có thể được nhất thiết chủng trí.

Này Tu Bồ Đề! Tất cả pháp ấy có thể trợ giúp đạo pháp mà chẳng có thể thêm ích cho quả, các pháp ấy không có sanh, không có xuất, không có tướng. Từ lúc ban sơ phát tâm đến nay, Đại Bồ Tát thật hành nghiệp lành như là bố thí Ba la mật nhẫn đến nhất thiết chủng trí.

Tại sao?

Vì Đại Bồ Tát ấy biết các pháp như mộng nhẫn đến như hóa, các pháp như vậy chẳng có được bố thí Ba la mật nhẫn đến nhất thiết chủng trí, chẳng thành tựu chúng sanh được, chẳng được vô thượng bồ đề.

Đại Bồ Tát ấy thật hành nghiệp lành bố thí Ba la mật nhẫn đến nhất thiết chủng trí, biết như mộng nhẫn đến biết như hóa, cũng biết tất cả chúng sanh như đi trong mộng nhẫn đến như đi trong hóa. Đại Bồ Tát ấy chẳng nắm lấy bát nhã Ba la mật là pháp có.

Do vì chẳng nắm lấy như vậy nên được nhất thiết chủng trí, biết các pháp như mộng, không chỗ nắm lấy được, nhẫn đến biết các pháp như hóa, không chỗ nắm lấy được.

Tại sao vậy?

Vì bát nhã Ba la mật không thể nắm lấy tướng được, Thiền Ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng chẳng thể nắm lấy tướng được. Đại Bồ Tát ấy biết tất cả pháp là chẳng thể nắm lấy tướng được rồi phát tâm cầu vô thượng bồ đề.

Tại sao vậy?

Tất cả pháp chẳng thể nắm lấy tướng được, không có căn bổn định thiệt, nó như mộng nhẫn đến như hóa. Dùng pháp chẳng thể nắm lấy tướng, không thể được pháp chẳng thể nắm lấy tướng. Chỉ vì chúng sanh chẳng biết, chẳng thấy các pháp tướng như vậy, nên Đại Bồ Tát ấy vì chúng sanh mà cầu vô thượng bồ đề.

Từ lúc mới phát tâm đến nay, Đại Bồ Tát ấy chỗ có bố thí là vì tất cả chúng sanh, nhẫn đến chỗ có tu trí huệ đều vì tất cả chúng sanh, chẳng phải vì chính thân mình. Cầu vô thượng bồ đề, Đại Bồ Tát chẳng vì sự khác mà chỉ vì tất cả chúng sanh.

Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát thấy chúng sanh không có chúng sanh mà trụ trong tướng chúng sanh, nhẫn đến không có tri giả, không có kiến giả mà trụ trong tướng tri, tướng kiến.

Đại Bồ Tát ấy làm cho chúng sanh rời xa điên đảo, rời xa rồi an trí chúng sanh trụ trong pháp tánh Cam Lồ không có tướng hư vọng, đó là không có tướng chúng sanh nhẫn đến không có tướng tri giả, tướng kiến giả.

Lúc bấy giờ Bồ Tát ấy đều rời bỏ tâm động, tâm có niệm, tâm hí luận mà thường hành tâm chẳng động, tâm chẳng niệm, tâm chẳng hí luận.

Này Tu Bồ Đề! Do sức phương tiện như vậy, lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát tự mình không chỗ nắm lấy, cũng dạy tất cả chúng sanh cho họ được không chỗ nắm lấy. Đó là thế đế chớ chẳng phải đệ nhất nghĩa đế.

Bạch Đức Thế Tôn! Lúc được vô thượng bồ đề, Đức Thế Tôn được các Phật pháp, đó là do thế đế mà được hay là do đệ nhất nghĩa đế mà được?

Này Tu Bồ Đề! Do vì thế đế mà nói Đức Phật được pháp ấy. Trong pháp ấy không có pháp gì có thể được gọi là người ấy được pháp ấy.

Tại sao?

Vì người ấy được pháp ấy là hữu sở đắc. Nếu dùng pháp nhị thì không có đạo, không có quả.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu hành pháp nhị thì không có đạo, không có quả, còn hành pháp bất nhị thì có đạo, có quả chăng?

Này Tu Bồ Đề! Hành pháp nhị không đạo, không quả, hành pháp bất nhị cũng không đạo, không quả. Nếu không có pháp nhị, không có pháp bất nhị tức là đạo, tức là quả.

Tại sao vậy?

Dùng pháp như vậy đắc đạo, đắc quả, dùng pháp như vậy chẳng đắc đạo, chẳng đắc quả, đó là hí luận. Trong các pháp bình đẳng không có hý luận. Tướng không có hí luận là các pháp bình đẳng.

Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp không có tánh, trong đó những gì là bình đẳng?

Này Tu Bồ Đề! Nếu không pháp có, không pháp không, cũng chẳng nói các pháp tướng bình đẳng, trừ bình đẳng không còn pháp nào khác rời lìa tất cả pháp tướng bình đẳng. Tướng bình đẳng ấy, hoặc phàm phu, hoặc thánh nhân đều không thể đi được, không thể đến được.

Bạch Đức Thế Tôn! Cho đến Đức Phật cũng chẳng thể đi, chẳng thể đến ư.

Này Tu Bồ Đề! Các pháp bình đẳng ấy tất cả Thánh Nhân đều chẳng thể đi, chẳng thể đến, dầu là Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật có sức tự tại đi trong tất cả pháp, sao lại nói Đức Phật cũng chẳng thể đi, cũng chẳng thể đến?

Này Tu Bồ Đề! Nếu các pháp bình đẳng cùng Phật có khác nhau thì nên hỏi như vậy. Nay hàng phàm phu bình đẳng, các Thánh Nhân Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Đại Bồ Tát, Chư Phật và Thánh pháp đều bình đẳng, là bình đẳng duy nhất, không có hai. Nghĩa là hàng phàm phu ấy, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Chư Phật ấy ở trong tất cả pháp bình đẳng ấy đều là bất khả đắc.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu trong các pháp bình đẳng đều chẳng có được phàm phu nhẫn đến Phật, thì hàng phàm phu, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Phật không có sai khác nhau ư.

Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy.

Trong các pháp bình đẳng không có sai khác nhau, là phàm phu, thì làm sao phân biệt có Tam Bảo xuất hiện thế gian?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo cùng các pháp bình đẳng có khác nhau chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Như chỗ tôi được nghe ý nghĩa từ Đức Phật dạy thì Tam Bảo cùng các pháp bình đẳng không khác nhau.

Bạch Đức Thế Tôn! Phật Bảo, pháp Bảo và Tăng Bảo ấy tức là bình đẳng. Pháp ấy đều chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, là nhất tướng, nghĩa là vô tướng.

Đức Phật có trí lực ấy có thể phân biệt được nơi chỗ các pháp vô tướng: Là phàm phu, là Tu Đà Hoàn, là Tư Đà Hàm, là A Na Hàm, là A La Hán, là Bích Chi Phật, là Đại Bồ Tát, là Chư Phật.

Này Tu Bồ Đề! Đúng như vậy.

Ý ông nghĩ sao?

Nếu Chư Phật được vô thượng bồ đề mà chẳng phân biệt các pháp thì sẽ biết là địa ngục, là ngạ quỷ, là súc sanh, là nhân, là Thiên, là Trời Tứ Thiên Vương, nhẫn đến là Trời Phi tưởng phi phi tưởng, là bốn niệm xứ nhẫn đến là tám phần Thánh đạo, là nội không nhẫn đến là vô pháp hữu pháp không, là Phật thập lực nhẫn đến mười tám pháp bất cộng chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Sẽ chẳng biết vậy.

Này Tu Bồ Đề! Vì thế nên biết rằng Đức Phật có đại ân lực, ở trong các pháp bình đẳng chẳng động mà phân biệt các pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Phật ở trong các pháp bình đẳng chẳng độ, người phàm phu ở các pháp bình đẳng cũng chẳng động, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật ở trong các pháp bình đẳng cũng chẳng động.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tướng các pháp bình đẳng tức là tướng Tu Đà Hoàn nhẫn đến Chư Phật, tức là tướng bình đẳng.

Bạch Đức Thế Tôn! Nay các pháp đều riêng tướng. Nghĩa là tướng sắc khác, tướng, thọ, tưởng, hành, thức khác, tướng, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý khác, tướng địa khác, tướng thủy, hỏa, phong, không, thức, khác, tướng tham khác, tướng sân, si khác, tướng tà kiến khác, tướng thiền khác, tướng vô lượng tâm khác, tướng vô sắc định khác, tướng tứ niệm xứ khác.

Nhẫn đến tướng Bát Thánh Đạo Phần khác, tướng bố thí Ba la mật khác, nhẫn đến tướng bát nhã Ba la mật khác, tướng ba giải thoát môn khác, tướng mười tám không khác, tướng Phật thập lực khác, tướng bốn vô úy khác, tướng bốn trí vô ngại khác, tướng mười tám pháp bất cộng khác, tánh pháp hữu vi khác, tánh pháp vô vi khác.

Tướng người phàm phu khác, nhẫn đến tướng Phật khác, các pháp đều riêng tướng khác như vậy, làm thế nào lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát ở trong các pháp tướng sai khác mà chẳng sanh phân biệt.

Nếu chẳng sanh chẳng phân biệt thì chẳng thể hành bát nhã Ba la mật. Nếu chẳng thể hành bát nhã Ba la mật thì chẳng thể từ một địa đến một địa. Nếu chẳng thể từ một địa đến một địa thì chẳng thể vào Bồ Tát vị.

Vì chẳng thể vào Bồ Tát vị nên chẳng thể vượt qua Thanh Văn địa, Bích Chi Phật địa. Vì chẳng vượt qua Thanh Văn, Bích Chi Phật địa nên chẳng đầy đủ được thần thông Ba la mật nên chẳng đầy đủ được bố thí Ba la mật nhẫn đến chẳng đầy đủ được bát nhã Ba la mật, từ một Phật Quốc đến một Phật Quốc cúng dường Chư Phật, ở chỗ Chư Phật gieo các căn lành, dùng căn lành ấy có thể thành tựu chúng sanh, tịnh Phật Quốc Độ.

Này Tu Bồ Đề! Như lời ông hỏi, các pháp tướng ấy cũng là tướng người phàm phu, cũng là Tu Đà Hoàn nhẫn đến Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp ấy đều riêng tướng, nghĩa là tướng sắc khác, nhẫn đến tướng pháp hữu vi, tướng pháp vô vi khác, làm sao Đại Bồ Tát quán nhất tướng chẳng khởi phân biệt?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?

Tướng sắc ấy có rỗng không chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Thiệt rỗng không.

Này Tu Bồ Đề! Trong rỗng không, các pháp tướng riêng khác có thể có được chăng?

Nghĩa là tướng sắc nhẫn đến tướng Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng thể có được.

Này Tu Bồ Đề! Vì lẽ ấy nên phải biết rằng trong các pháp bình đẳng chẳng phải người phàm phu, cũng chẳng rời lìa người phàm phu, nhẫn đến chẳng phải Phật, cũng chẳng rời lìa Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Bình đẳng ấy là pháp hữu vi hay pháp vô vi?

Này Tu Bồ Đề! Chẳng phải pháp hữu vi, chẳng phải pháp vô vi.

Tại sao vậy?

Rời lìa pháp hữu vi thì chẳng có được pháp vô vi. Rời lìa pháp vô vi thì chẳng có được pháp hữu vi.

Này Tu Bồ Đề! Tánh hữu vi, tánh vô vi ấy, cả hai pháp ấy chẳng hiệp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, là nhất tướng, nghĩa là vô tướng.

Đức Phật cũng dùng thế đế để nói chớ chẳng phải lấy đệ nhất nghĩa.

Tại sao?

Trong đệ nhất nghĩa không có thân hành, không có khẩu hành, không có ý hành, cũng chẳng rời lìa thân, khẩu, ý hành mà được đệ nhất nghĩa.

Tướng bình đẳng của các pháp hữu vi, vô vi ấy, tức là đệ nhất nghĩa. Lúc hành bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát ở trong đệ nhất nghĩa chẳng động mà làm việc Bồ Tát làm lợi ích cho chúng sanh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần