Phật Thuyết Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Huyền, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghiêm Phật Điều, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH A HÀM KHẨU
GIẢI MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Huyền, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghiêm Phật Điều, Đời Hậu Hán
Muốn đoạn trừ sinh tử, hướng đến đạo độ thế xuất thế gian, giải thoát, phải nên suy niệm, từ bỏ mười hai nhân duyên.
Những gì là mười hai?
Đó là:
1. Gốc là si ám, vô minh.
2. Từ si ám đã tạo ra hành.
3. Từ hành đã tạo ra thức.
4. Từ thức có danh sắc.
5. Từ danh sắc có lục nhập.
6. Từ lục nhập suy tạo xúc.
7. Từ xúc cánh sinh thọ.
8. Từ thọ có ái.
9. Từ ái sinh thủ.
10. Từ thủ có đắc.
11. Từ đắc có sinh.
12. Từ sinh có lão bệnh tử.
Đó là mười hai sự nhân duyên.
Mười hai sự này sắp khởi, nên dùng bốn phi thường hành bốn đế để diệt trừ.
Những gì là bốn phi thường?
Đó là:
1. Nhận biết về khổ.
2. Xả bỏ tập.
3. Biết rõ về tận diệt.
4. Hành đạo.
Lại nói về niệm sinh, niệm lão, niệm bệnh, niệm tử. Niệm về bốn sự này liền loại trừ mười hai nhân duyên ấy. Đạo thành tựu là nhờ niệm về bốn sự như thế.
Người hành đạo muốn đạt được giải thoát phải đoạn trừ mười hai sự nhân duyên, đó là đoạn trừ gốc của sinh tử.
Mười hai nhân duyên có trong, ngoài:
1. Trong là si, ngoài là địa.
2. Trong là hành, ngoài là thủy.
3. Trong là thức, ngoài là hỏa.
4. Trong là danh sắc, ngoài là phong.
5. Trong là lục nhập, ngoài là không.
6. Trong là tài xúc, ngoài là chủng tử.
7. Trong là thống thọ, ngoài là căn.
8. Trong là ái, ngoài là thân.
9. Trong là thọ thủ, ngoài là lá.
10. Trong là hữu, ngoài là nhánh.
11. Trong là sinh, ngoài là hoa.
12. Trong là lão tử, ngoài là quả.
Sinh tử của con người theo mười hai nhân duyên bên trong. Sinh tử của muôn vật theo mười hai nhân duyên bên ngoài.
Những gì là si vô minh?
Nghĩa là không lễ kính cha mẹ, không phân biệt trắng đen thiện ác.
Từ nhân duyên ấy nên có thống thọ không muốn từ bỏ, không tin về đời nay cũng như đời sau. Đã tạo sự như vậy là liền tùy theo hành, không tạo cũng không được.
Do đấy có si liền có hành.
Đã có hành nên có thức.
Đã có thức liền có danh sắc.
Đã có danh sắc nên có lục nhập.
Đã có lục nhập nên có tài xúc.
Đã có tài xúc nên có thống thọ.
Đã có thống thọ nên có ái.
Đã có ái nên có thọ thủ.
Đã có thọ thủ nên có hữu.
Đã có hữu nên có sinh.
Đã có sinh nên có lão tử.
Vì thế đời sống của con người nhận lấy mười hai nhân duyên, theo mười hai nhân duyên sinh khởi, không nhân duyên thì cũng không sinh.
Muôn vật cũng như vậy. Không đoạn trừ mười hai nhân duyên thì không thoát khỏi sinh tử. Hành tập ba mươi bảy phẩm Kinh ba mươi bảy phẩm trợ đạo là từ đấy được đạo.
Mười hai nhân duyên có ba sự:
Là si vô minh.
Là sinh tử thuần hành.
Là nhân duyên của đời trước.
Là thức, từ thức thọ thân sinh.
Là danh sắc. Sắc thân lại thành năm ấm, là nhân duyên của đời nay.
Là lục suy lục nhập.
Lại tạo sinh tử thuần hành, chủng tài xúc là nhân duyên của đời sau. Ba đời trước, sau chuyển cùng nhân duyên nên có ba sự.
Mười hai nhân duyên, gốc từ mười sự nghiệp của thân, xuất sinh mười sự của thân, bảy sự thành một, ba sự từ bốn.
Bảy sự thành một là: Sát, đạo trộm, dâm, lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ, cùng theo sắc làm một.
Ba sự từ bốn là: Ganh ghét tham sân nhuế sân si, theo thống dương thọ, tư tưởng tưởng, sinh tử hành, thức thức, là mười sự hợp làm năm ấm, nên làm mười hai nhân duyên.
Địa gọi là si, hành là thạnh ấm, nên tạo hành sinh tử. Từ chủng tài xúc gọi là hành, đã có hành nên có thức, thọ nhận thân sinh tử.
Có thức nên có danh sắc, thân lại tạo mười sự nghiệp, thành năm ấm đã có. Đã có danh sắc nên có lục nhập, lại tạo thạnh ấm.
Hành, chủng tài xúc sau sẽ lại thọ nhận chuyển cùng nhân duyên sinh tử, nên gọi là nhân duyên.
Mười sự của thân là mười hai nhân duyên:
Ganh ghét tham là si vô minh.
Sân giận là sinh tử hành.
Thuần nghi là thức.
Sát sinh là danh sắc.
Trộm cắp là lục suy lục nhập.
Dâm là cánh xúc.
Lưỡng thiệt nói hai lưỡi là thống thọ.
Nói dối là ái.
Nói lời thô ác là thành.
Nói lời thêu dệt là nguyện.
Sinh có không nên là hữu.
Nơi mười hai nhân duyên, vì sao dâm tham là si vô minh sân giận là sinh tử hành, thuần nghi là thức, ba sự nghiệp bên trong là gốc.
Đã có ba sự nên có bảy sự, thành năm thạnh ấm. Ganh ghét tham là gốc của năm ấm, nên là si vô minh.
Hành của năm ấm hợp ý là vui vẻ, không hợp ý là giận, liền tạo sinh tử hành, thuần nơi mười sự. Bên ngoài từ thân, bên trong từ ý.
Si là không phân biệt thiện ác, không biết sinh tử nên có thức. Người hành đạo muốn đoạn trừ mười hai nhân duyên, trước nên đoạn mười sự của thân.
Do từ si vô minh, từ si năm ấm diệt nên mười hai nhân duyên cũng diệt.
Đoạn mười sự của thân, là bên ngoài từ thân, bên trong từ ý.
Nói giữ thân, ý nghĩa là không sát hại, cũng gọi là bên ngoài từ nơi miệng, bên trong từ nơi ganh ghét tham.
Đoạn trừ, nghĩa là đối với muôn vật, tất cả ý không khởi, nên giận dữ dứt, giận dữ dứt nên sát hại dứt. Sát hại dứt nên tham dục dứt.
Tham dục dứt nên dâm dứt.
Bên ngoài từ miệng là âm thanh.
Dứt âm thanh thì nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói dối, nói lời thêu dệt cũng dứt.
Không có si nên nhập đạo, đó là trở lại đoạn trừ năm ấm là gốc của mười hai nhân duyên.
Thọ thân người có ba thứ riêng:
Thứ nhất là năm ấm, thạnh ấm.
Thứ hai là mười tám chủng giới.
Thứ ba là hành mười hai nhân duyên.
Đó là ba sự được thân có ba riêng biệt.
Thứ nhất là năm ấm, thạnh ấm là:
Năm ấm từ mười sự của thân xuất sinh.
Từ mắt là sắc ấm.
Từ tai là thống dương thọ ấm.
Từ mũi là tư tưởng tưởng ấm.
Từ miệng là sinh tử hành ấm.
Từ ý là thức ấm.
Tâm chủ niệm đối là căn bản của sáu sự.
Đó là địa của năm ấm.
Thứ hai là mười tám chủng nhập, mười chín căn.
Mười tám chủng giới là hành của năm ấm, là thạnh ấm.
Có đối có nhập, là gốc của mười hai nhập, cùng với sáu tình căn là mười tám chủng nhập, có thức nên là mười chín căn.
Nói mười tám chủng giới, tức thức không sinh nên là mười tám chủng giới.
Là nói hành của thạnh ấm sinh mười tám chủng giới, mười chín căn.
Thứ ba là mười hai nhân duyên: Nghĩa là hành của năm ấm, năm thạnh ấm cầu thủ mười hai nhân duyên, nên có thân, là đồng mười sự của thân, cùng phân biệt. Từ sắc được thân, từ bốn ấm được danh tự.
Từ danh sắc được ái, thọ thủ. Từ thọ thủ hành si vô minh, hành si nên thành mười hai nhân duyên.
Người hành đạo nên đoạn trừ sắc, không tạo thân ngã, chỉ danh tự tạo thân.
Tuy có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng cũng lại là phi thân vô ngã.
Vì sao?
Vì nếu tai là người, nên có thể nghe tất cả, theo hình tướng được danh tự. Ví như gọi là vàng.
Ví như dùng vàng tạo ra các vật. Nhân từ đấy được đặt tên.
Đất, nước, lửa, gió, không, là năm sự tạo thân, cũng lại phi thân vô ngã.
Vì sao thân nhận biết tế hoạt xúc.
Người đã chết như đất, không nhận biết tế hoạt xúc, nên biết đất, nước, lửa, gió, không, là phi thân vô ngã.
Thân cũng không, ý cũng không, đều không, vô sở hữu, cũng không có thống dương thọ.
Vì sao?
Vì người đã chết cũng không còn biết thọ. Như thế là không.
Ý đã lìa thân, cũng không có thọ.
Chỉ là nhân duyên cùng hòa hợp, nên trở lại quy về không có.
Trong thân có mười hai thứ gió là:
Gió thượng khí gió hạ khí.
Gió nơi mắt gió nơi tai gió nơi mũi.
Gió nơi lưng.
Gió nơi sườn.
Gió nơi rốn.
Gió nơi cánh tay.
Gió nơi chân.
Gió quanh co.
Gió đao.
Gió đao đến bệnh nhân.
Gió đao sát sinh.
Gió đao đoạn dứt mạng người.
Nói về sinh già bệnh chết. Sinh là đầu tiên lúc vào trong bụng mẹ nhập thai, rồi sau sinh ra. Đã sinh nên có già. Chỉ là dừng trong ý, dùng chỉ nên diệt hơi thở ra vào, thấy rõ gốc của thân, là kết hợp mười sự để diệt.
Năm sự trong thân:
1. Là đất.
2. Là nước.
3. Là lửa.
4. Là gió.
5. Là không.
Cứng chắc là đất. Mềm mại là nước. Nóng là lửa. Hơi là gió. Ăn uống được ra vào là không.
Cũng cần có nhân duyên khác hợp làm người, tự cho là thân ta.
Hoặc muốn cùng nhận biết muôn vật nên đối chiếu cho là có thân, cũng có năm nhân duyên cùng hợp:
1. Sắc.
2. Thống dương thọ.
3. Tư tưởng tưởng.
4. Sinh tử hành.
5. Thức.
Mười sự ấy cùng hợp nên thấy sinh tử. Sự nghiệp có thiện, ác.
Hành thiện có hai loại: Không phạm, thân có ba, miệng có bốn, ý có ba, đó là một thiện.
Hai thiện là: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, không nghi, đó là hai thiện.
Ác cũng có hai loại: Phạm, thân có ba, miệng có bốn, ý có ba, cùng uống rượu, đó là một ác.
Nghi, ganh ghét, tham lam, keo kiệt, đó là hai ác.
Giữ gìn thân miệng ý, đó là người hành đạo.
Từ phước được sinh.
Từ hành có già, bệnh, chết, thân liền bị hủy hoại.
Lúc con người nhập định, ý lìa thân tại nhân duyên của địa.
Vì sao không chết?
Vì bốn sự hợp giữ chưa tan hoại.
Người hành mười sự nghiệp theo ba sự.
Người hành ba sự theo hai sự. Người hành hai sự theo một sự.
Những gì là mười sự?
Đó là mười ác, nên có ba sự của thân miệng ý.
Đã có ba sự nên có hai sự danh, sắc. Đã có danh sắc, nên bị rơi vào si vô minh luân chuyển hàng trăm kiếp mới được làm người, khó đầy đủ.
Đời người thuần tạo địa thức làm chủng, thức của năm đường, tên gọi khác, hợp làm một thức, nhập nơi một thức nên mất chỗ gốc đã nhận biết.
Như người sinh lên Cõi Trời, mang thức người thọ nhận thức trời, nên quên sự việc của nhân gian. Người từ không sinh, từ có chết.
Không vì sao sinh?
Không nhận biết về không nên sinh.
Có vì sao chết?
Không nhận biết về có nên chết. Nhận biết về không, chẳng còn sinh. Nhận biết về có, chẳng còn chết.
Ý có chỗ niệm, do diệt, nên đạt đến xứ đã sinh.
Ý niệm không diệt, cũng không thể hành sinh trên ý.
Ý đầu khởi do diệt, nên lại niệm chỗ niệm tuy nhiều, nên trở lại từ trên đầu ý thọ nhận nhân duyên.
Người sinh gốc từ người vợ. Vợ chồng bất tịnh, nhiễm ô hiện bày được thân.
Lớn lên liền bị tri thức ác dẫn dắt, là năm ấm, sáu chỉ, mười hai suy nhập lừa dối, nên có già bệnh chết sầu khổ.
Sinh tử là si, người trí tuệ nên đoạn trừ sáu chỉ, tức là địa, thủy, hỏa, phong, không, thức.
Mười hai suy nhập là sắc, thanh, vị, tế hoạt xúc, niệm dục pháp.
Bên trong có giặc giấu tên. Đó là mười hai suy nhập.
Người sinh có ba nhân duyên:
1. Hội họp.
2. Tụ.
3. Tâm ý thức.
Thống dương thọ, tư tưởng tưởng, sinh tử hành thức, đó là hội hợp. Các ái dục, đó là tụ.
Đầu trên là tâm. Ở giữa là ý.
Đầu sau là thức. Con người, trước hết là nhập thai mẹ, như màu vàng trong trứng gà.
Đến ba mươi bảy ngày tất có đầy đủ đầu mặt tay chân, ngón tay, ngón chân. Bốn ngày trước khi sinh thì quay ngược hướng xuống dưới. Con người ở trong thai mẹ chịu nhiều cực khổ.
Thời gian ở trong thai mẹ, mạng ngày càng tăng, thức ngày càng lớn. Thân hơi cứng cáp một chút, khi đến nửa năm, thân cùng thức ngày một giảm. Được thân là phước, cũng là tội.
Vì sao?
Do được thân người, đó là phước. Do đói khát, lạnh nóng, tham dâm, ganh ghét là tội.
Người sinh con có năm nhân duyên:
1. Có bản nguyện.
2. Đồng nghiệp.
3. Hiểu rõ lễ.
4. Nợ đến.
5. Trả nợ.
Những gì là bản nguyện?
Nghĩa là từ đời trước, lúc trông thấy con của người khác đẹp đẽ, nên nguyện nói con của ta cũng như vậy.
Đồng nghiệp: Là đồng suy tính, so sánh được lợi cùng gọi.
Hiểu rõ lễ: Là nên cùng ái kính.
Nợ đến: Là cha mẹ chủ trị việc sinh, người con dùng không thuận hợp.
Trả nợ: Là người con chủ trị việc sinh, giao phó cho cha mẹ.
Người con do ba nhân duyên nên sinh:
1. Cha mẹ nơi đời trước mắc nợ con tiền bạc.
2. Người con đời trước nợ cha mẹ tiền bạc.
3. Oan gia đến làm con.
Cha mẹ khó nhọc để tạo ra tài sản, đã đạt được liền chết, người con thừa hưởng sử dụng. Đó là cha mẹ đời trước mắc nợ con tiền bạc.
Người con làm việc tạo ra tài sản, đã có được liền chết, cha mẹ sử dụng. Đó là người con đời trước nợ cha mẹ tiền bạc.
Có khi sinh con được trăm ngày v.v… liền chết, cha mẹ buồn khổ, sầu não. Đó là oan gia cùng theo sinh.
Sinh con có ba loại:
1. Con phước.
2. Con chân chánh.
3. Con không chân chánh.
Thế nào là con phước?
Nghĩa là cha mẹ trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn hành đạo. Người con cũng thế. Đó là con phước.
Con chân chánh: Là cha mẹ không tin đạo, riêng người con thì phụng hành Đạo Giáo. Đó là con chân chánh.
Con không chân chánh: Là cha mẹ theo đạo nghiệp, theo pháp hành, người con chỉ biết uống rượu, làm ác. Đó là con không chân chánh.
Con từ cha mẹ sinh, có đồng ý, có đồng hành, có đồng niệm. Cùng sống lâu, giàu sang, đoan nghiêm, đó là đồng hành.
Tham dục, giận dữ, đó là đồng ý. Tinh tấn hành đạo, đó là đồng niệm.
Hành gốc tại nơi cha, đa phần giống cha. Hành gốc tại nơi mẹ, đa phần giống mẹ.
Không đồng hành nên không cùng loại. Người sinh ra, chạm đất, chưa có nhận biết, liền vui mừng hướng tới mẹ, là do gốc của ý thức làm nhân duyên, nên như thế.
Lúc con người sinh trở lại, có nhân duyên, thân có thể ra vào không gián đoạn, đến bảy ngày lại có bọc mang thân, cũng có địa, thủy, hỏa, phong, không, chỉ rất nhỏ, khó thấy.
Người tuổi già, nhận biết ít, quên nhiều, thức chuyển ít dần, hướng tới xứ sinh sau.
Vì sao?
Vì không dự biết về xứ sẽ sinh, do chưa đến. Người khác sinh, người khác lại, người khác đến chỗ người khác, người khác lo lắng về chỗ của người khác. Theo đến lâu xa thành quen v.v… nên không học.
Thân có ba thống thọ, ý cũng có ba thống thọ.
Ba thọ của thân là:
1. Bị đao, gậy, ngói gạch, đá đạp.
2. Bệnh tật gầy ốm.
3. Chết.
Ba thọ của ý là:
1. Lo lắng về cha mẹ, anh em, vợ con nhận biết.
2. Lo lắng về tài sản, vật báu, oan gia.
3. Lo lắng về thọ mạng.
Thế nào là thọ ấm?
Nghĩa là năm ấm không điều hòa nên thọ khổ.
Thế nào là tử ấm?
Là chín muồi, hoại nên là chết. Tất cả bệnh đều do ý tạo tác, thân không nhận biết, nên không tạo ra bệnh ấy.
Thân đó vì sao bị bệnh?
Do bốn nhân duyên không bình đẳng.
Thế nào là lo lắng?
Là hết thảy không như ý.
Do đâu không định rõ?
Là do bệnh tật đã qua.
Do đâu khiến cấp bách?
Chính là sắp bị hủy diệt.
Do đâu bị tan hoại?
Là do thân già làm hại.
Thế nào là già chết?
Là hủy hoại.
Thế nào là phi thường vô thường?
Là không được tự tại.
Thế nào là khổ?
Là bị bức bách.
Thế nào là không?
Là không có chủ.
Nói ngã tạo tác là như thế nào?
Là do phi thân vô ngã.
Không thể lìa khổ, không cầu thọ khổ, đó là mười sự.
Chỗ mong muốn của con người gồm có ba sự.
Điều tham ái của con người thường muốn đạt được:
1. Mạnh mẽ.
2. An ổn.
3. Sống lâu.
Như thế lại có ba oán:
1. Tuổi già, là oán đối của mạnh mẽ.
2. Bệnh tật, là oán đối của an ổn.
3. Thân chết, là oán đối của sống lâu.
Cũng có ba sự cứu độ:
1. Quy mạng Phật.
2. Quy mạng Pháp.
3. Quy mạng Tỳ Kheo Tăng.
Có bốn sự đáng sợ hãi: Đó là sinh, già, bệnh, chết.
Người mặt đỏ có năm nhân duyên:
1. Gần lửa.
2. Uống rượu.
3. Sợ hãi.
4. Nghĩ giận.
5. Nhiều hổ thẹn.
Đầu bạc có bốn nhân duyên:
1. Nhiều lửa.
2. Nhiều lo lắng.
3. Nhiều bệnh.
4. Chủng loại bạc sớm.
Người bệnh gầy ốm có bốn nhân duyên:
1. Thiếu ăn.
2. Có lo lắng.
3. Nhiều sầu muộn.
4. Có bệnh.
Thân chưa điều hòa, có bốn sự không nói trước với người:
1. Đầu bạc.
2. Già.
3. Bệnh.
4. Chết.
Bốn sự này không thể tránh, cũng không thể lìa, cũng không thể từ khước.
Có bốn sự không thể nhẫn:
1. Đói.
2. Khát.
3. Lạnh.
4. Nóng.
Thân lại có bốn sự:
1. Không chân.
2. Không đầy đủ.
3. Không ăn no.
4. Không chán.
Thân lại có bốn khổ:
1. Khổ lúc sinh.
2. Khổ lúc già.
3. Khổ lúc bệnh.
4. Khổ lúc chết.
Tất cả vị không quá tám thứ:
1. Đắng.
2. Không ngọt trơn.
3. Cay.
4. Mặn.
5. Lạt.
6. Ngọt.
7. Chua.
8. Không nhận rõ về vị.
Đắng tăng thêm lạnh nóng. Không ngọt trơn tăng thêm nhiều gió trừ lạnh. Cay trừ nước. Chua trừ gió, khiến người mắt mờ tối.
Ăn có ba nhân duyên, đều vào trong huyết mạch xương tủy:
1. Mỡ béo.
2. Chất độc.
3. Rượu.
Ba thứ này đều vào khắp trong thân, không có nơi nào không đến.
Các thức ăn uống đều có chất béo, chỉ dày mỏng, nhiều, ít thôi.
Người có bốn chủng tánh:
1. Trưởng giả.
2. Đạo thuật.
3. Sư vu thầy cúng.
4. Điền gia nông phu.
Sinh có bốn loại:
1. Sinh từ bụng thai sinh.
2. Nóng lạnh hòa hợp sinh thấp sinh.
3. Sinh từ biến hóa.
4. Sinh từ trứng.
Sinh từ bụng là con người cùng súc sinh. Nóng lạnh hòa hợp sinh như loài trùng, ngài v.v…
Sinh từ biến hóa như Chư Thiên, địa ngục.
Sinh từ trứng như chim bay, cá.
Đầu người có bốn mươi lăm xương. Từ lưng trở lên có năm mươi mốt xương.
Bốn chi có một trăm lẻ bốn xương, hợp lại là hai trăm xương.
Thân người có bảy mươi vạn mạch máu, chín mươi chín lỗ chân lông.
Có thể quán tất tự thấy, phân biệt, nhận biết.
Có bậc A La Hán, dùng thiên nhãn thấy rõ, thấy người nữ bị đọa trong địa ngục rất là nhiều, liền hỏi Phật vì sao như thế.
Đức Phật bảo: Do bốn nhân duyên:
1. Tham châu báu, vật dụng như y phục, luôn muốn được nhiều.
2. Cùng ganh ghét nhau.
3. Nhiều miệng lưỡi.
4. Tạo hình dáng đẹp đẽ, dâm dục nhiều.
Do đó nên bị đọa trong địa ngục nhiều.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Bảy - Phẩm địa Viễn Hành
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Mười - Niệm Bảy đức Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Ba - Phẩm Vô Sự
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Tinh Tấn Ba La Mật đa - Tập Mười