Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Hai - Phẩm Thọ Lượng Thế Tôn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM THỌ LƯỢNG THẾ TÔN  

Trong Thành Vương Xá có vị Bồ Tát tên Diệu Tràng, đã ở nơi quá khứ vô lượng Chư Phật phụng sự, hiến cúng, trồng các thiện căn.

Bấy giờ Bồ Tát Diệu Tràng một mình ở chỗ thanh vắng, nghĩ rằng, vì lý do nào mà Đức Thích Ca Thế Tôn thọ lượng ngắn ngủi, chỉ tám mươi năm.

Lại nghĩ, như Đức Thế Tôn dạy, có hai lý do được thọ lượng lâu dài. Hai lý do ấy là gì, một là không hại sinh mạng, hai là hiến cho ẩm thực.

Mà Đức Thích Ca Thế Tôn thì đã vô số đại kiếp không hại sinh mạng, làm mười thiện nghiệp. Lại thường đem ẩm thực hiến cho chúng sinh đói khát, thậm chí máu thịt xương tủy của mình cũng đem mà cho, huống chỉ ẩm thực.

Khi Bồ Tát Diệu Tràng nghĩ về Đức Thế Tôn như vậy thì, do uy lực của Ngài, phòng ông bỗng nhiên rộng lớn, đẹp và sạch, với những thứ ngọc Đế Thanh Lưu Ly màu sắc xen nhau mà trang hoàng, in như Tịnh Độ của Chư Phật.

Có hơi thơm tuyệt diệu, quá hơn hương liệu Chư Thiên, thơm tho khắp cả. Bốn phía phòng ấy có bốn Bảo Tọa Sư Tử, thượng hạng và tinh hảo, được tạo thành bởi bốn loại ngọc.

Ở trên bảo tọa trải vải quí của Chư Thiên. Bốn bảo tọa đều xuất hiện hoa sen tuyệt diệu, trang sức bằng những thứ ngọc quí, tầm cỡ tương xứng với các Đức Thế Tôn.

Trên bốn hoa sen có bốn Đức Thế Tôn: Bất Động Thế Tôn ở phương Đông, Bảo Tướng Thế Tôn ở phương Nam, Vô Lượng Thọ Thế Tôn ở phương Tây, Thiên Cổ Âm Thế Tôn ở phương Bắc.

Mỗi Đức Thế Tôn cùng ngồi xếp bằng trên một bảo tọa, phóng ánh sáng lớn chiếu rực cả Thành Vương Xá, cả đại Thiên Thế Giới, cả mười phương hằng sa Cõi Phật.

Thiên hoa mưa xuống, Thiên nhạc tấu lên. Bấy giờ trong Thiệm Bộ Châu và đại thiên Thế Giới, bao nhiêu chúng sinh đều nhờ uy lực của chư vị Thế Tôn mà hưởng được cái vui siêu việt, tinh tế, không thiếu gì cả. Ai cơ thể bất toàn thì toàn hảo.

Ai mù thì thấy đuợc. Ai điếc thì nghe được. Ai ngọng thì nói được. Ai ngu thì khôn. Ai điên thì tỉnh. Ai rách rưới thì được y phục. Ai bị khinh ghét thì được kính trọng. Ai dơ bẩn thì được thanh khiết. Thế Giới này, bao chuyện hiếm có đều diễn ra.

Bấy giờ Bồ Tát Diệu Tràng thấy bốn Đức Thế Tôn và bao điều hiếm có thì vui mừng hết sức, chắp tay, nhất tâm, chiêm ngưỡng tướng hảo thù thắng của các Ngài.

Bồ Tát lại nghĩ đến công đức vô lượng của Đức Thích Ca Thế Tôn, chỉ hoài nghi về thọ lượng của Ngài, rằng tại sao Thế Tôn công đức vô lượng mà thọ lượng ngắn ngủi, chỉ có tám thập kỷ?

Lúc ấy bốn Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Diệu Tràng, thiện nam tử! Ông không nên nghĩ Thích Ca Như Lai thọ lượng dài ngắn.

Tại sao?

Vì, thiện nam tử, Chư Như Lai không thấy Chư Thiên, nhân loại, Phạn Vương, Ma Vương, Sa Môn, Bà La Môn, tất cả nhân loại và phi nhân loại, có ai tính mà biết được giới hạn thọ lượng của Đức Thích Ca Như Lai, trừ ra các bậc vô thượng biến giác.

Bốn Đức Thế Tôn muốn nói thọ lượng của Đức Thích Ca Thế Tôn. Do uy lực của các Ngài, Chư Thiên Cõi Dục và Cõi Sắc, Tám Bộ Long Thần, vô số Bồ Tát cùng đến vân tập trong cái phòng tuyệt diệu của Bồ Tát Diệu Tràng.

Đối với Đại hội như vậy, bốn Đức Thế Tôn muốn hiển thị thọ lượng của Đức Thích Ca Thế Tôn nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Biết được số giọt

Nước các biển cả,

Mà không thể biết

Thọ lượng Thích Tôn.

Nghiền núi Tu Di

Thành những hạt cải,

Số hạt cải ấy

Có thể biết được,

Mà không biết được

Thọ lượng Thích Tôn.

Có thể biết được

Số bụi đại địa,

Không thể đếm biết

Thọ lượng Thích Tôn.

Lường tính không gian

Biết được biên tế,

Mà không lường nổi

Thọ lượng Thích Tôn.

Nếu ai sống đến

Trăm ngàn đời kiếp,

Tận lực thường xuyên

Dùng toán mà tính,

Cũng không biết được

Thọ lượng Thích Tôn.

Không hại sinh mạng,

Hiến cho ẩm thực,

Chính do hai loại

Diệu nhân như vậy

Làm cho đạt được

Thọ lượng lâu dài.

Do đó thọ lượng

Của bậc Đại Giác

Khó có người nào

Biết được số lượng.

Tựa như thì gian

Vô cùng vô tận,

Thọ lượng Thích Tôn

Cũng y như thế.

Diệu Tràng, nên biết:

Không nên hoài nghi.

Thọ lượng các Đấng

Siêu việt bậc nhất,

Không một người nào

Biết được số lượng.

Lúc ấy Bồ Tát Diệu Tràng nghe bốn Đức Thế Tôn nói thọ lượng bất tận của Đức Thích Ca Thế Tôn, thì tác bạch như vậy, kính bạch chư vị Thế Tôn, tại sao Đức Thích Ca Thế Tôn thị hiện thọ lượng ngắn ngủi?

Bốn Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Diệu Tràng, thiện nam tử, khi Đức Thích Ca Thế Tôn xuất hiện trong giai đoạn đủ cả năm thứ dơ bẩn, thì thọ lượng nhân loại chỉ trên dưới bách kỷ, bẩm tính thấp hèn, thiện căn kém mỏng, không tin hiểu gì.

Nhân loại như vậy đa số quan niệm bản ngã, quan niệm sinh thể, quan niệm linh hồn, quan niệm tồn tại những quan niệm bồi dưỡng, quan niệm sai lầm quan niệm bản ngã và sở hữu của bản ngã, quan niệm vĩnh hằng, quan niệm hư vô.

Để lợi ích cho những kẻ dị sinh và dị giáo như vậy, làm cho họ phát sinh lý giải chính xác, mau chóng đạt đến tuệ giác tối thượng, nên Đức Thích Ca Như Lai thị hiện thọ lượng ngắn ngủi.

Thiện nam tử, Đức Thích Ca Như Lai muốn làm cho chúng sinh thấy Ngài Niết Bàn để sinh ý tưởng khó gặp, ý tưởng lo lắng, đối với Kinh Pháp Ngài nói, họ lo cấp tốc tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc cho thông suốt, đem nói cho người, không hề khinh thường. Vì muốn như vậy mà Đức Thích Ca Như Lai thị hiện thọ lượng ngắn ngủi.

Lý do ở đây là, chúng sinh như đã nói ở trước, nếu thấy Đức Thích Ca Như Lai không nhập Niết Bàn, thì không có ý tưởng kính trọng, khó gặp, đối với Kinh Pháp sâu xa mà Ngài tuyên thuyết cũng không lo tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc cho thông suốt, và đem nói cho người. Tại sao như vậy, vì thường xuyên thấy Phật thì không kính trọng nữa.

Thiện nam tử, ví như có kẻ thấy cha mẹ mình có lắm của cải vàng ngọc thì, đối với tài sản ấy, người con không sinh ý tưởng hiếm có, khó gặp, tại sao, vì đối với cha mẹ, và tài sản của cha mẹ, người con có ý tưởng còn mãi.

Thiện nam tử, chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy Đức Thích Ca Như Lai không nhập Niết Bàn thì không sinh ý tưởng hiếm có, khó gặp, lý do là vì thường thấy.

Thiện nam tử, ví như có kẻ cha mẹ nghèo nàn, thiếu thốn tài sản, người con nghèo thiếu đến cung vua chúa hay đến dinh Đại Thần, thấy tài sản tràn đầy, thì sinh ý tưởng hiếm có, khó gặp. Người con này muốn có tài sản nên làm lụng đủ cách, siêng năng không nhác, lý do là để hết nghèo nàn, hưởng an lạc.

Thiện nam tử, chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy Đức Thích Ca Như Lai nhập vào Niết Bàn mới có ý tưởng khó gặp, ý tưởng lo lắng.

Họ nghĩ, vô số kiếp Phật mới xuất hiện, như hoa ô đàm lâu lắm mới có một lần. Nghĩ vậy nên họ có ý tưởng hiếm có, ý tưởng khó gặp. Và gặp Phật thì tôn kính, tin tưởng, nghe Ngài thuyết pháp thì có ý tưởng nói thật, bao nhiêu Kinh Pháp đều tiếp nhận, ghi nhớ, chớ không khinh thường.

Thiện nam tử, vì lý do đã nói trên đây mà Đức Thích Ca Như Lai không ở đời lâu dài, Niết Bàn mau chóng.

Thiện nam tử, như thế đó, chư vị Như Lai áp dụng phương tiện khéo léo mà tác thành chúng sinh. Nói như vậy rồi, bốn Đức Thế Tôn bỗng nhiên ẩn mất.

Bấy giờ Bồ Tát Diệu Tràng cùng với vô lượng Bồ Tát, và vô số chúng sinh, cùng nhau đi đến trên đỉnh Thứu Phong, chỗ Đức Thích Ca Thế Tôn, đảnh lễ ngang chân Ngài rồi đứng qua một bên. Bồ Tát Diệu Tràng đem sự thể trên đây trình bạch đầy đủ với Đức Thế Tôn.

Lúc ấy bốn Đức Thế Tôn cũng đã đến Thứu Phong, chỗ Đức Thích Ca Thế Tôn.

Tùy phương hướng của mình, các Ngài đến bảo tọa mà ngồi, rồi bảo vị Bồ Tát thị giả, rằng thiện nam tử, ông hãy đến chỗ Đức Thích Ca Như Lai, thay lời Như Lai lời Như Lai mà vấn an Ngài, rằng Ngài ít bệnh ít phiền, cử động linh hoạt, sống yên vui chăng.

Ông lại tác bạch như vậy: Lành thay Đức Thế Tôn, xin Ngài nay có thể tuyên thuyết Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, pháp yếu cực sâu, để lợi ích chúng sinh, loại bỏ đói khát, làm cho yên vui. Đức Thế Tôn của con xin tùy hỷ việc này.

Các vị thị giả cùng đến chỗ Đức Thích Ca Thế Tôn, đảnh lễ hai chân của Ngài, rồi đứng qua một bên, cùng tác bạch rằng, bạch Đức Thế Tôn, đức thầy Trời người của chúng con vấn an vô lượng, rằng Ngài ít bệnh ít phiền, cử động linh hoạt, sống yên vui chăng.

Các vị thị giả lại tác bạch như vậy: Lành thay Đức Thế Tôn, xin Ngài nay có thể tuyên thuyết Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, pháp yếu cực sâu, để lợi ích chúng sinh, loại bỏ đói khát, làm cho yên vui. Đức thầy Trời người của chúng con xin tùy hỷ việc này.

Bấy giờ Đức Thích Ca Thế Tôn, bậc Như Lai, bậc Ứng Cúng, bậc Chánh Đẳng Giác, nói với các vị Bồ Tát thị giả, rằng lành thay, bốn đức Nha Lai muốn làm cho chúng sinh lợi ích yên vui mà khuyến cáo Như Lai tuyên dương pháp yếu!

Ngài nói mấy lời chỉnh cú sau đây.

Như Lai thường trú

Trên đỉnh Thứu Phong,

Tuyên thuyết Kinh Bảo

Ánh Sáng Hoàng Kim,

Nhưng vì tác thành

Cho bao chúng sinh,

Như Lai thị hiện

Nhập vào Niết Bàn.

Chúng sinh phàm phu

Quan niệm lầm lẫn,

Nên không tin được

Lời Như Lai nói.

Chính vì tác thành

Chúng sinh như vậy,

Như Lai thị hiện

Nhập vào Niết Bàn.

Bấy giờ trong đại hội có một vị Bà La Môn họ Kiều Trần Như, tên Pháp Sư thọ ký, cùng vô số Bà La Môn hiến cúng Đức Thế Tôn rồi, nghe Ngài nói nhập vào Niết Bàn, thì nước mắt nước mũi xen nhau chảy ra, bước tới lạy chân Ngài, thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thật Đức Thế Tôn có lòng đại từ bi đối với chúng sinh, thương xót ích lợi, làm cho yên vui, in như cha mẹ không ai sánh bằng.

Ngài làm chỗ nương tựa cho cả Thế Giới, in như vầng thái âm tròn đầy. Ngài soi sáng bằng tuệ giác lớn lao, in như vầng thái dương mới mọc. Ngài nhìn khắp cả, thương tưởng đồng đều, coi ai cũng như Tôn Giả La Hô La thì con xin Ngài ban cho con một điều ước nguyện.

Nghe thưa như vậy, Đức Thế Tôn chỉ im lặng. Nhưng do uy lực của Ngài, trong đại hội có một vị Đồng Tử Lê Xa Tì tên ai cũng thích nhìn, nói với Bà La Môn Kiều Trần Như.

Rằng thưa đại Bà La Môn: Ông muốn xin Đức Thế Tôn điều ước nguyện gì, tôi có thể thỏa mãn cho ông. Bà La Môn Kiều Trần Như nói, Đồng Tử, tôi muốn hiến cúng Đức Thế Tôn tối thượng, nên cầu xin Ngài cho tôi một chút Xá Lợi chỉ bằng hạt cải.

Tại sao tôi cầu xin như vậy?

Vì tôi từng nghe nói, nếu thiện nam hay thiện nữ nào được Xá Lợi của Đức Thế Tôn chỉ bằng hạt cải thôi, để tôn kính hiến cúng, thì sẽ sinh lên tầng Trời Đao Lợi mà làm Đế Thích.

Nghe như vậy, Đồng Tử Lê Xa Tì nói với Bà La Môn, nếu ông muốn sinh lên Đao Lợi hưởng thụ quả báo hơn người, thì hãy dốc lòng mà Nghe Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim.

Kinh này hơn hết các Kinh khác, khó lý giải, khó hội nhập. Thanh Văn, Độc Giác không thể hiểu nổi. Kinh này sinh ra vô biên quả báo phước đức, cho đến hoàn thành tuệ giác vô thượng. Tôi nay chỉ nói cho ông vắn tắt như vậy.

Bà La Môn nói, lành thay Đồng Tử. Nhưng Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim cực sâu, tối thượng, khó lý giải, khó hội nhập, Thanh Văn, Độc Giác không thể hiểu nổi, huống chi chúng tôi, những kẻ biên dã, trí tuệ kém cỏi, làm sao hiểu được.

Do vậy, hôm nay tôi chỉ cầu xin Xá Lợi của Đức Thế Tôn bằng hạt cải thôi, để đem về bản xứ, tôn trí vào trong hộp ngọc, tôn kính hiến cúng. Thì mạng chung rồi được làm Đế Thích, thường hưởng yên vui.

Tại sao Đồng Tử không thể từ đấng đủ sự sáng cầu xin cho tôi môt điều ước nguyện như vậy?

Bà La Môn nói rồi, đồng tử Lê Xa Tì liền nói cho ông nghe những lời chỉnh cú sau đây.

Dòng nước chảy xiết

Của sông Hằng Hà

Có thể mọc lên

Hoa sen bạch liên,

Loài chim màu vàng

Có thể thành trắng,

Hay chim màu đen

Có thể thành đỏ,

Hoặc cây thiệm bộ

Sinh trái đa la,

Cây khát thụ la

Sinh trái yêm la,

Sự vật hiếm có

Có thể chuyển biến,

Xá Lợi Thế Tôn

Cũng không thể có.

Giả sử lông rùa

Dệt thành áo đẹp,

Áo đó có thể

Mặc vào mùa lạnh,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Giả sử chân muỗi

Đỡ được lầu đài

Vô cùng kiên cố

Không thể lay động,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Giả sử miệng đỉa

Mọc lên răng trắng

Đã dài lại lớn

Sắc như mũi nhọn,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Giả sử sừng thỏ

Làm thành cái thang

Và leo thang ấy

Lên đến Cung Trời,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Chuột leo thang ấy

Lên đánh Tu La

Che khuất Mặt Trăng

Ở trong không gian,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Ruồi uống rượu say

Bay khắp làng xóm

Dựng lên bao nhiêu

Là những nhà cửa,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Giả sử mõm lừa

Đỏ lên in như

Trái cây tần bà

Lại khéo ca vũ,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Quạ với cú mèo

Đứng được một chỗ

Và cả hai bên

Thuận tùng với nhau,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Nếu lá Ba La

Thành được tàn lọng

Có thể che được

Cơn mưa to lớn,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Giả sử thuyền lớn

Chở đầy vàng ngọc

Mà lại lướt đi

Trên mặt đất liền,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Và nếu chim ri

Mỏ ngậm Hương Sơn

Tùy theo ý muốn

Bay đâu cũng được,

Thì mới tìm được

Xá Lợi Thế Tôn.

Bà La Môn Pháp Sư thọ ký nghe những lời chỉnh cú ấy, thì cũng đem chỉnh cú mà đáp lại Đồng Tử Ai cũng thích nhìn.

Lành thay Đồng Tử

Bậc đại Cát Tường,

Khéo léo sử dụng

Tuệ giác phương tiện,

Nên được Thế Tôn

Thọ Vô Thượng ký.

Uy Đức Thế Tôn

Cực kỳ vĩ đại,

Đầy cả năng lực

Cứu hộ Thế Giới,

Ông hãy nghe tôi

Tuần tự nói đến.

Lĩnh vực Thế Tôn

Rất khó nghĩ thấu,

Toàn thể Thế Giới

Không ai đồng đẳng.

Pháp Thân của Ngài

Thể tánh thường trú,

Tu hành cũng không

Làm cho sai biệt.

Chư vị Thế Tôn

Thể tánh đồng nhất,

Pháp các Ngài nói

Cũng là như vậy,

Nên Chư Thế Tôn

Vốn phi tạo tác,

Lại nữa cũng là

Vốn phi sinh khởi.

Thân thể kim cương

Của Chư Thế Tôn

Quyền biến thị hiện

Thân thể ứng hóa,

Thế nên Xá Lợi

Của Chư Thế Tôn

Cũng vốn không có

Bằng một hạt cải.

Thân Chư Thế Tôn

Không phải máu thịt,

Làm sao mà có

Linh cốt Xá Lợi.

Thế nhưng phương tiện

Lưu lại linh cốt,

Là để lợi ích

Bao loại chúng sinh.

Pháp thân là Phật,

Pháp giới cũng Phật.

Pháp thân mới thật

Là thân của Phật,

Pháp của Phật nói

Là pháp giới ấy.

Trong đại hội có ba mươi hai ngàn Thiên Tử, nghe nói như vậy về thọ mạng bất diệt Đức Thế Tôn, ai cũng phát tâm vô thượng bồ đề, hoan hỷ, phấn chấn, cảm được sự thể chưa bao giờ có, nên khác miệng mà đồng tiếng, nói mấy lời chỉnh cú sau đây.

Phật không nhập diệt,

Pháp cũng bất diệt,

Chỉ vì ích lợi

Cho bao chúng sinh,

Nên Phật thị hiện

Có sự diệt tận.

Phật thì đích thị

Bất khả tư nghị,

Thân mầu của Phật

Không hề biến đổi,

Nhưng vì ích lợi

Cho bao chúng sinh

Mà Phật thị hiện

Mọi sự trang nghiêm.

Bấy giờ Bồ Tát Diệu Tràng đích thân đối trước Đức Thế Tôn, trước bốn Đức Thế Tôn, trước hai vị Đại Nhân và bao nhiêu Thiên Tử, nghe nói thọ lượng của Đức Thế Tôn, thì lại từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính mà thưa với Ngài: Rằng bạch Đức Thế Tôn, nếu thật chư vị Thế Tôn không nhập Niết Bàn, không có Xá Lợi, thì tại sao trong các Kinh trước đây nói Ngài có Niết Bàn, và có Xá Lợi để cho nhân loại và Chư Thiên tôn kính hiến cúng?

Chư vị Thế Tôn đã quá khứ rồi, hiện có linh cốt phân bố trong đời, người Trời hiến cúng phước được vô hạn. Vậy mà ngày nay lại nói không có, gây ra hoài nghi. Con thỉnh cầu Đức Thế Tôn thương mà giải thích phong phú cho chúng con.

Vào lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Diệu Tràng, và cả đại hội, rằng các người phải nhận thức, nói có Niết Bàn và có Xá Lợi là nói theo ý nghĩa bí mật. Ý nghĩa như vậy hãy chuyên nhất tâm trí mà nghe.

Thiện nam tử, Bồ Tát Đại Sĩ nên biết như vậy: Có mười sự thể có thể lý giải ý nghĩa chân thật của Như Lai nói có Niết Bàn vĩ đại và cứu cánh.

Thế nào là mười?

Một là Chư Như Lai cứu cánh diệt hết phiền não chướng và sở tri chướng nên nói là Niết Bàn.

Hai là Chư Như Lai khéo léo thấu triệt nhân vô tánh và pháp vô tánh nên nói là Niết Bàn.

Ba là Chư Như Lai có thể chuyển thân y và pháp y nên nói là Niết Bàn.

Bốn là Chư Như Lai đối với chúng sinh, một cách tự nhiên, tạm ngừng hóa độ khi cơ duyên hóa độ đã hết, nên nói là Niết Bàn.

Năm là Chư Như Lai chứng được pháp thân không có sai biệt nên nói là Niết Bàn.

Sáu là Chư Như Lai thấu triệt cái tánh bất nhị của sinh tử với Niết Bàn nên nói là Niết Bàn.

Bảy là Chư Như Lai thấu triệt căn bản của các pháp, thực hiện thanh tịnh nên nói là Niết Bàn.

Tám là Chư Như Lai khéo léo tu hành sự bất sinh diệt của các pháp nên nói là Niết Bàn.

Chín là Chư Như Lai chứng được chánh trí đối với chân như nên nói là Niết Bàn.

Mười là Chư Như Lai chứng được sự không sai biệt của tánh các pháp và tánh Niết Bàn nên nói là Niết Bàn.

Như thế đó là mười sự thể nói có Niết Bàn.

Thiện nam tử, Bồ Tát Đại Sĩ nên biết như vậy: Có mười sự thể nữa có thể lý giải ý nghĩa chân thật của Như Lai nói có Niết Bàn vĩ đại và cứu cánh.

Thế nào là mười?

Một là mọi thứ phiền não lấy ưa muốn làm gốc, từ ưa muốn mà sinh, Chư Như Lai dứt ưa muốn nên nói là Niết Bàn.

Hai là Chư Như Lai dứt hết ưa muốn, không thủ đắc một pháp nào cả: Vì không thủ đắc mà không đi không đến nên nói là Niết Bàn.

Ba là vì không đi đến, không thủ đắc, thế là pháp thân bất sinh diệt: bất sinh diệt nên nói là Niết Bàn.

Bốn là sự bất sinh diệt thì không phải ngôn ngữ nói thấu: ngôn ngữ loại bỏ nên nói là Niết Bàn.

Năm là không có bản ngã và sinh thể, tư duy sự sinh diệt của các pháp mà được chuyển y nên nói là Niết Bàn.

Sáu là phiền não là khách, pháp tánh là chủ, không đến không đi: Chư Như Lai thấu triệt như vậy nên nói là Niết Bàn.

Bảy là chân như là thật, ngoài ra là giả: Chân như là Như Lai nên nói là Niết Bàn.

Tám là thật tế thì không hý luận: Chỉ có Như Lai chứng pháp thật tế, vĩnh diệt hý luận nên nói là Niết Bàn.

Chín là vô sinh thì thật, sinh thì dối: Người ngu chìm đắm sinh tử, còn thật thể Như Lai thì không giả dối nên nói là Niết Bàn. Mười là cái pháp không thật thì do duyên sinh, cái pháp chân thật thì phi duyên sinh, mà pháp Thân Như Lai là chân thật nên nói là Niết Bàn. Như thế đó là mười sự thể nói có Niết Bàn.

Thiện nam tử, Bồ Tát Đại Sĩ nên biết như vậy: Có mười sự thể nữa có thể lý giải ý nghĩa chân thật của Như Lai nói có Niết Bàn vĩ đại và cứu cánh.

Thế nào là mười?

Một là Như Lai khéo biết bố thí và quả báo của bố thí là không bản ngã và sở hữu của bản ngã, đối với bố thí và quả báo của bố thí, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Hai là Như Lai khéo biết trì giới và quả báo của trì giới là không bản ngã và sở hữu của bản ngã, đối với trì giới và quả báo của trì giới, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Ba là Như Lai khéo biết nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục là không bản ngã và sở hữu của bản ngã, đối với nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Bốn là Như Lai khéo biết tinh tiến và quả báo của tinh tiến là không bản ngã và sở hữu của bản ngã, đối với tinh tiến và quả báo của tinh tiến, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Năm là Như Lai khéo biết thiền định và quả báo của thiền định là không bản ngã và sở hữu của bản ngã, đối với thiền định và quả báo của thiền định, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Sáu là Như Lai khéo biết trí tuệ và quả báo của trí tuệ là không bản ngã và sở hữu của bản ngã, đối với trí tuệ và quả báo của trí tuệ, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Bảy là Như Lai khéo biết chúng sinh phi chúng sinh, các pháp phi các pháp, sự phân biệt không chính xác vĩnh viễn loại trừ nên nói là Niết Bàn.

Tám là thương mình thì đeo đuổi, theo đuổi thì đau khổ. Như Lai dứt thương mình, hết theo đuổi: hết theo đuổi nên nói là Niết Bàn.

Chín là các pháp hữu vi thì toàn có số lượng, pháp tánh vô vi thì số lượng loại kết. Như Lai rời hữu vi, chứng vô vi, không số lượng nên nói là Niết Bàn.

Mười là Như Lai thấu triệt chúng sinh và các pháp toàn không: Không tánh là pháp thân chân thật nên nói là Niết Bàn. Như thế đó là mười sự thể nói có Niết Bàn.

Lại nữa, thiện nam tử, đâu phải chỉ có cái việc không nhập Niết Bàn của Như Lai là hiếm có, mà còn có mười sự hiếm có nữa là việc Như Lai làm.

Thế nào là mười?

Một, sinh tử thì tội lỗi, Niết Bàn thì vắng lặng, thế nhưng Như Lai chứng được sự bình đẳng của sinh tử với Niết Bàn, nên không ở sinh tử, không ở Niết Bàn, không chán bỏ phản bội chúng sinh, đó là việc Như Lai làm.

Hai, đối với chúng sinh, Như Lai không nghĩ họ là ngu phu, đi theo quan niệm thác loạn, bị phiền não ép buộc, Như Lai phải khai thị cho họ siêu thoát.

Thế nhưng do sức mạnh của từ bi quá khứ, nên đối với chúng sinh vẫn tùy trình độ, ý thích và nhận định của họ mà tự nhiên cứu độ, chỉ thị và huấn dụ cho họ lợi ích và hoan hỷ mà không phân biệt gì hết, cùng tận thì gian, không có kết thúc, đó là việc Như Lai làm.

Ba, Như Lai không nghĩ Như Lai phu diễn mười hai thành phần của giáo pháp, lợi ích chúng sinh. Thế nhưng do sức mạnh từ bi quá khứ, vẫn tuyên thuyết phong phú cho chúng sinh, cho đến cùng tận thì gian, không có kết thúc, đó là việc Như Lai làm.

Bốn, Như Lai không nghĩ đi đến thị thành, thôn quê, những nơi dân cư, vào Nhà Vua chúa, Đại Thần, bốn giai cấp xã hội mà khất thực. Nhưng do sức mạnh huân tập của thân miệng ý quá khứ mà tự nhiên đi đến, vì lợi ích cho họ mà khất thực, đó là việc Như Lai làm.

Năm, Như Lai thì thân không đói khát, cũng không đại tiểu, nên tuy khất thực mà không thọ thực. Nhưng vì tự nhiên ích lợi chúng sinh nên hiện có ăn uống, đó là việc Như Lai làm.

Sáu, Như Lai không nghĩ chúng sinh có cao vừa thấp, tùy trình độ của họ mà thuyết pháp cho. Nhưng Như Lai không phân biệt mà vẫn tự nhiên tùy trình độ chúng sinh, khéo ứng theo cơ duyên mà thuyết pháp cho họ, đó là việc Như Lai làm.

Bảy, Như Lai không nghĩ có người không tôn kính Như Lai, thường phát ngôn phỉ báng, Như Lai không thể đối thoại. Có người tôn kính Như Lai, thường phát ngôn ca tụng, Như Lai có thể đối thoại. Thế nhưng Như Lai thường có tâm từ bi, bình đẳng bất nhị, đó là việc Như Lai làm.

Tám, Như Lai không có thương ghét, kiêu ngạo, tham tiếc, và mọi thứ phiền não đồng đẳng như vậy. Mà Như Lai thường thích vắng lặng, khen thiểu dục, tách rời huyên náo, đó là việc Như Lai làm.

Chín, Như Lai không có một pháp nào không biết và không khéo thông suốt, đối với toàn bộ các pháp thì cảnh trí như ở trước mắt và không có phân biệt. Thế nhưng Như Lai vẫn thấy công việc của chúng sinh, tùy ý họ mà phương tiện dẫn dụ cho họ siêu thoát, đó là việc Như Lai làm.

Mười, Như Lai thấy ai giàu thịnh thì không mừng, thấy họ suy bại cũng không lo. Nhưng thấy họ làm theo chánh hạnh thì vô ngại đại bi tự nhiên gia hộ, thấy họ làm theo tà hạnh thì vô ngại đại bi tự nhiên cứu hộ, đó là việc của Như Lai làm.

Thiện nam tử! Nên biết Như Lai nói có vô lượng diệu hạnh như vậy, và đó là sắc thái thật của Niết Bàn. Còn có khi các người thấy Như Lai nhập Niết Bàn, thì đó là phương tiện thích nghi. Các người lại thấy lưu lại Xá Lợi thì đó là để cho chúng sinh tôn kính hiến cúng.

Những việc như vậy toàn là do sức mạnh từ bi của Như Lai, để ai hiến cúng Xá Lợi thì vị lai xa rời tám nạn, gặp được chư vị Như Lai, gặp được các bậc thiện tri thức, thiện tâm liên tục chứ không mất, phước báo vô cùng, mau được siêu thoát, không bị sinh tử trói buộc. Diệu hạnh như vậy các người nên nỗ lực mà làm, đừng có phóng dật.

Bồ Tát Diệu Tràng nghe Đức Thế Tôn đích thân nói đến sự không nhập Niết Bàn và những diệu hạnh cực sâu, thì chắp tay, cung kính mà thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ngày nay con mới biết bậc thầy cao cả không nhập Niết Bàn và lưu lại Xá Lợi, nhưng vì lợi ích một cách rộng lớn cho chúng sinh mà thị hiện Niết Bàn và lưu lại Xá Lợi.

Cả cơ thể và tâm trí đều phấn chấn, vui đẹp, Bồ Tát Diệu Tràng than rằng thật là sự thể chưa bao giờ có. Khi phẩm thọ lượng Thế Tôn được tuyên thuyết hoàn tất thì vô số chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề. Và bốn Đức Thế Tôn đều ẩn mất. Bồ Tát Diệu Tràng đảnh lễ ngang chân Đức Thế Tôn, rồi đứng dậy trở về chỗ cũ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần