Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM BA

PHẨM BA PHÁP  

PHẦN HAI  

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ba thắng sinh Cõi Dục

Thường nhận các dục lạc

Là Dục Trụ, Lạc Hóa

Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Sinh ba chỗ như vậy

Tuy thọ hưởng phước lớn

Nhưng luân hồi sinh tử

Không thể sinh cõi trên.

Ngay trong các dục này

Ai biết được lỗi lầm

Bỏ các nẻo Trời, Người

Chứng Niết Bàn vô thượng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở thế gian có một loại các Bí Sô ác, tạo tác ba pháp, nhưng giống như con lừa chỉ biết kêu.

Ba pháp đó là: Có một loại các Bí Sô ác không cung kính, không vâng lời. Không hổ, không thẹn, biếng nhác, quên chánh niệm. Một loại các Bí Sô ác như vậy, tạo tác đầy đủ ba pháp như vậy, nhưng giống như con lừa chỉ biết kêu.

Nghĩa là thật có đức, nhưng đi theo Chúng Tăng nói thế này: Cụ thọ biết cho, tôi cũng là Sa Môn Thích Tử chân chánh.

Nhưng một loại các Bí Sô ác này không có giới, định, tuệ, học tăng thượng như các Bí Sô tăng chân thật, thanh tịnh khác, mà theo tăng chúng nói thế này: Cụ thọ biết cho, tôi cũng là Sa Môn Thích tử chân chánh.

Như ở thế gian có bầy lừa đi theo sau bầy bò, lớn tiếng nói: Tôi cũng là bò đích thực, nên đoái tưởng, tiếp đãi nhau, nhưng thân lừa đầu, tai, móng, mõm, màu lông, tiếng kêu đều khác hẳn với bò mà cứ đi theo sau, lớn tiếng bảo: Tôi cũng là bò đích thực, nên đoái tưởng, tiếp đãi nhau.

Một loại các Bí Sô ác như vậy, thật không có đức nhưng đi theo tăng chúng xướng lên thế này: Cụ thọ biết cho, tôi cũng là Sa Môn Thích tử chân chánh.

Nhưng một loại các Bí Sô ác này nương vào xóm làng, thôn ấp để ở. Vào buổi sáng, sửa soạn y phục, đấp y, mang bình bát đi vào những nơi kia để khất thực. Không thể hộ trì, thân, ngữ, ý nghiệp, không trụ chánh niệm, không giữ gìn các căn, đi đến nhà thí chủ có tâm tịnh tín.

Vì lợi dưỡng nên ngồi ở chỗ thấp thuyết pháp, cho bạch y ngồi chỗ cao nghe. Ta bảo các loại Bí Sô ác này có giảng nói điều gì đều giống như lừa chỉ biết kêu.

Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Cạo tóc, mặc áo nhuộm

Tay nắm cầm bình bát

Thật không giới, định, tuệ

Nhưng tự xưng Sa Môn.

Như lừa ở thế gian

Hình tướng khác với bò

Nhưng theo sau bầy bò

Tự xưng chính là bò.

Bí Sô ác như vậy

Thành các pháp không kính

Tuy xen chúng thanh tịnh

Nhưng không chứng Bồ Đề.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có ba loại học, ai ở trong đó lìa các phóng dật, ngày đêm siêng năng, dứt các sự duyên, một mình ở chỗ vắng vẻ, không tu học điên đảo thì các lậu chưa sinh, làm cho vĩnh viễn không sinh, các lậu đã sinh làm cho dứt sạch hẳn.

Ba pháp đó là:

1. Giới học tăng thượng.

2. Tâm học tăng thượng.

3. Tuệ học tăng thượng.

Thế nào là giới học tăng thượng?

Nghĩa là các Bí Sô đầy đủ giới thanh tịnh, an trụ, giữ gìn giới biệt giải thoát, thực hành theo phép tắc hoàn toàn viên mãn. Đối với tội nhỏ, vi tế, thấy rất sợ hãi. Có thể học tập tất cả điều đáng học tập. Thành tựu hai nghiệp thân, ngữ thanh tịnh. Thành tựu mạng thanh tịnh. Thành tựu kiến thanh tịnh. Như vậy gọi là giới học tăng thượng.

Tâm học tăng thượng là gì?

Nghĩa là các Bí Sô có thể chinh thức lìa pháp dục ác, bất thiện, có tầm, có từ, ly sinh hỷ lạc, an trụ hoàn toàn vào tĩnh lự thứ nhất. Nói rộng ra cho đến an trụ hoàn toàn nơi Tĩnh lự thứ tư. Như vậy gọi là tâm học tăng thượng.

Tuệ học tăng thượng là thế nào?

Nghĩa là các Bí Sô nhận biết đúng như thật: Đây là Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về sự diệt trừ khổ và Thánh đế về con đường tu tập để diệt trừ khổ. Như vậy gọi là Tuệ học tăng thượng.

Ba pháp học này, ai ngay trong đó lìa các phóng dật, ngày đêm siêng năng, dứt hẳn các sự duyên, mình ở chỗ vắng vẻ, không tu học điên đảo thì các lậu sinh làm cho vĩnh viễn không sinh, các lậu đã sinh làm cho diệt trừ hẳn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Giới, tâm, tuệ ba học

Người trí nên tu tập

Tinh tấn thường an ổn

Giữ các căn nghiêm mật.

Thường ở chỗ vắng vẻ

Dứt các duyên ở đời

Siêng tu giới, tâm, tuệ

Như cứu lửa cháy đầu.

Là học Thánh học xứ

Học đạt đến tận cùng

Thoát, chốn thoát trọn vẹn

Thành tựu trí thanh tịnh.

Được giải thoát bất động

Đoạn hẳn các lậu xong

Dứt nẻo khổ sinh tử

Không còn tái sinh nữa.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có ba pháp học, người nào siêng tu tập, chắc chắn được kết quả, đến cứu cánh, được cam lồ chứng đắc Niết Bàn, ba pháp học đó là:

1. Giới học tăng thượng.

2. Tâm học tăng thượng.

3. Tuệ học tăng thượng.

Thế nào là giới học tăng thượng?

Nghĩa là các Bí Sô tôn trọng giới Thi La làm tăng thượng, không tôn trọng định đẳng trì chẳng tăng thượng, không tôn trọn tuệ bát nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm.

Vì sao?

Ta nói vị đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh.

Đối với các học xứ, có thể trụ vào Thi La, có thể trụ vào chỗ đã học, vị đó nhất định dứt hẳn ba kết, chứng quả Dự Lưu, đắc pháp không đọa, nhất định hướng đến bồ đề, cùng lắm là bảy lần qua lại trong Cõi Trời, Người, dứt các cảnh giới khổ. Như vậy gọi là giới học tăng thượng.

Thế nào là tâm học tăng thượng?

Nghĩa là các Bí Sô tôn trọng giới Thi La làm tăng thượng, tôn trọng định đẳng trì làm tăng thượng, không tôn trọng tuệ bát nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm.

Vì sao?

Ta nói vị đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh.

Đối với các học xứ, có thể trụ vào đẳng trì, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt năm kết hạ phần, chứng quả Bất Hoàn, đắc pháp Bất Hoàn, sẽ nhận hóa sinh vào nơi thế gian khác và sẽ Bát Niết Bàn. Như vậy gọi là tâm học tăng thượng.

Thế nào là Tuệ học tăng thượng?

Nghĩa là các Bí Sô tôn trọng giới Thi La làm tăng thượng, tôn trọng định đẳng trì làm tăng thượng, tôn trọng tuệ bát nhã làm tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm.

Vì sao?

Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh. Đối với các học xứ, có thể trụ nơi bát nhã, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt hẳn các lậu, đắc chân vô lậu. Tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn. Hiện tại an trụ hoàn toàn.

Tự chứng thông tuệ, tự nhận biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là tuệ học tăng thượng.

Ai đối với ba pháp học đã nói trên đây, siêng năng tu tập ta nói người đó nhất định không có quả nào là không chứng. Chắc chắn đạt đến cứu cánh, có thể được pháp cam lồ, chứng đắc Niết Bàn. Như vậy gọi là có ba loại học. Ai siêng năng tu tập, không có quả nào là không chứng nhất định đạt đến cứu cánh, có thể được pháp cam lồ, chứng đắc Niết Bàn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Siêng tu Giới tăng thượng

Trụ giới, trụ sở học

Dứt sạch hết ba kết

Quyết chứng quả Dự Lưu.

Siêng tu tâm tăng thượng

Trụ định, trụ sở học

Dứt năm kết hạ phần

Quyết chứng quả Bất Hoàn.

Siêng tu tuệ tăng thượng

Trụ tuệ, trụ sở học

Dứt hết tất cả kết

Quyết chứng quả vô sinh.

Tam học không bỏ phế

Quyết chứng quả tối thượng

Nên tôn trọng Tam Học

Quyết định học pháp tánh.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có ba loại học, ai tu tập phần nhỏ được quả phần nhỏ. Ai tu tập viên mãn được quả viên mãn.

Ba loại đó là:

1. Giới học tăng thượng.

2. Tâm học tăng thượng.

3. Tuệ học tăng thượng.

Giới học tăng thượng là sao?

Nghĩa là các Bí Sô tôn trọng giới Thi La làm tăng thượng, không tôn trọng định đẳng trì chẳng tăng thượng, không tôn trọng bát nhã tuệ chẳng tăng thượng, vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn, không cho hủy phạm, có trái phạm liền từ bỏ ngay.

Vì sao?

Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh.

Đối với các học xứ đã chế, có thể trụ nơi Thi La, có thể trụ vào chỗ đã học. Vị ấy nhất định dứt sạch ba kết, chứng quả Dự Lưu, đắc pháp không đọa, nhất định hướng đến bồ đề, cùng lắm là bảy lần qua lại trong Cõi Trời, Người, dứt hết cảnh giới khổ.

Hoặc lại có người có thể làm cho tham, sân, si Cõi Dục mỏng bớt, chứng quả Nhất Lai, còn trở lại thế gian này một lần nữa, sẽ dứt hết cảnh giới khổ. Như vậy gọi là giới học tăng thượng.

Thế nào là tâm học tăng thượng?

Nghĩa là các Bí Sô tôn trọng giới Thi La làm tăng thượng, tôn trọng định đẳng trì làm tăng thượng, không tôn trọng tuệ bát nhã chẳng tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm. Có trái phạm liền từ bỏ ngay.

Vì sao?

Ta nói người đó hoàn toàn không phá hủy học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh.

Đối với các học xứ, có thể trụ định đẳng trì, có thể trụ vào chỗ đã học. Người đó nhất định dứt hết năm kết hạ phần, chứng quả Bất Hoàn, đắc pháp Bất Hoàn, sẽ nhận hóa sinh nơi cõi khác, sẽ Bát Niết Bàn. Như vậy gọi là tâm học tăng thượng.

Thế nào là Tuệ học tăng thượng?

Nghĩa là các Bí Sô tôn trọng giới Thi La làm tăng thượng, tôn trọng định đẳng trì làm tăng thượng, tôn trọng tuệ bát nhã làm tăng thượng. Vị ấy đối với những giới nhỏ nhặt đã học, hộ trì hoàn toàn không cho hủy phạm. Có trái phạm, liền từ bỏ ngay.

Vì sao?

Ta nói người đó hoàn toàn không hủy phạm học xứ đã chế, không bị hổ thẹn, nhất định tùy thuận phạm hạnh thanh tịnh, nhất định thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh.

Đối với các học xứ, có thể trụ nơi bát nhã, có thể trụ vào chỗ đã học, người đó nhất định dứt sạch các lậu, đắc nhân vô lậu. Tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn. Ngay nơi pháp hiện tại này, an trụ hoàn toàn, tự chứng thông tuệ.

Có thể tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là tuệ học tăng thượng.

Như vậy, gọi là có ba loại học. Nếu ai tu tập chút ít phần, được quả chút ít phần. Nếu ai tu tập viên mãn sẽ được quả viên mãn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Luôn trụ tôn trọng giới

Là tu tập thiểu phần

Thường tinh tấn mạnh mẽ

Liền được quả thiểu phần.

Luôn trụ tôn trọng định

Gọi tu tập thiểu phần

Thường tinh tấn mạnh mẽ

Cũng được quả thiểu phần.

Luôn trụ tôn trọng tuệ

Gọi tu tập mãn phần

Thường tinh tấn mạnh mẽ

Luôn được quả viên mãn.

Tu ít và viên mãn

Đều được quả theo loại

Biết hơn kém như vậy

Nên bỏ ít tu nhiều.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần