Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Tám - Phẩm Hằng Già đề Bà

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM HẰNG GIÀ ĐỀ BÀ  

Lúc bấy giờ, trong hội có người nữ tên Hằng Già Ba Đề từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối phải chấm đất, chăp tay hướng về Đức Phật bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đối với việc này con không lo sợ, trong đời tương lai con sẽ nói những điều thiết yếu này cho chúng sinh.

Vừa dứt lời, người nữ dùng hoa vàng tung lên cúng Phật, những cánh hoa ấy trụ trong hư không ngay đỉnh đầu Đức Phật. Bấy giờ Đức Phật mỉm cười.

A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải, quỳ gối phải chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật rồi thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì Ngài mỉm cười, pháp thường của Chư Phật là không có nhân duyên thì không mỉm cười?

Đức Phật bảo A Nan: Này A Nan! Kiếp Tinh Tú đời vị lai, người nữ Hằng Già Đề Bà này được thành Phật, hiệu Kim Hoa. Nay chuyển thân nữ được thành thân nam sinh ra ở cõi của Phật A Súc.

Ở cõi của Đức Phật kia, Hằng Già Đề Bà thường tu phạm hạnh, sau khi mạng chung, từ một Cõi Phật này đến một Cõi Phật khác… cũng luôn tu phạm hạnh cho đến khi đắc vô thượng bồ đề vẫn không xa lìa Chư Phật.

Thí như Chuyển luân thánh vương đi từ lâu đài này đến lâu đài khác, từ khi sinh đến mạng chung chân không giẫm đất. Người nữ này cũng vậy, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác thường tu phạm hạnh cho đến đắc vô thượng bồ đề vẫn không xa lìa Chư Phật.

A Nan liền nghĩ: Lúc ấy hội chúng Bồ Tát đi đến hội Chư Phật.

Biết ý nghĩ của A Nan, Đức Phật liền bảo: Đúng vậy, đúng vậy! Nên biết khi ấy hội chúng Bồ Tát đi đến hội Chư Phật.

Này A Nan! Thời Phật Kim Hoa, chúng Thanh Văn vào Niết Bàn số đến vô lượng, không thể tính kể, trong thế giới ấy không có các nạn ác thú, oán tặc cũng không bị tai họa đói khát, bệnh tật. Khi Phật Kim Hoa đắc vô thượng bồ đề không có các sự lo sợ như vậy.

A Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ban đầu người nữ ấy gieo trồng thiện căn vào thời nào?

Này A Nan! Ban đầu người nữ ấy gieo trồng thiện căn vào thời Phật Nhiên Đăng, dùng thiện căn ấy hồi hướng lên ngôi vô thượng bồ đề và cũng dùng hoa vàng rải lên cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu vô thượng bồ đề.

A Nan! Khi ấy, ta dùng năm cánh hoa rải lên cúng dường Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng biết thiện căn ta thành tựu liền thọ ký vô thượng bồ đề. Bấy giờ, người nữ này nghe ta được thọ ký liền phát nguyện vào đời vị lai mình cũng được thọ ký như vậy. Như nay, người nữ ấy được thọ ký vô thượng bồ đề.

Như vậy, này A Nan! Ban đầu người nữ ấy gieo trồng thiện căn vào thời Phật Nhiên Đăng và phát tâm vô thượng bồ đề.

A Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như thế người nữ ấy tu tập lâu dài hạnh vô thượng bồ đề.

Phật dạy: Đúng vậy.

Này A Nan! Người nữ ấy tu tập lâu dài hạnh vô thượng bồ đề.

Khi ấy, Tu Bồ Đề hỏi Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ Tát muốn hành bát nhã Ba la mật phải tu tập không như thế nào?

Phải vào không tam muội như thế nào?

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật phải quán sắc không, phải quán thọ, tưởng, hành, thức không, nên dùng nhất tâm để quán pháp không thể thấy, cũng không thể chứng.

Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói Bồ Tát chẳng chứng không, thế nào là Bồ Tát vào không tam muội mà chẳng chứng Không?

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát vốn đã sinh tâm quán không đầy đủ, nhưng quán không mà chẳng chứng không, đây là thời gian Bồ Tát học chứ chẳng phải thời gian để chứng và không buộc tâm vào duyên thâm sâu ấy. Khi đó Bồ Tát không thoái lui tâm hộ trì đạo pháp và không diệt tận lậu hoặc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đó có trí tuệ lớn và thiện căn thâm sâu, nên nghĩ đây là thời gian học chứ chẳng phải thời gian chứng và chỉ vì đắc bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Ví như người nam khỏe mạnh, không thể bị quật ngã, dung nghi nghiêm chánh, mọi người đều kính mến. Người nam ấy hiểu rõ binh pháp, vũ khí tinh nhuệ, đầy đủ sáu mươi bốn thứ và cũng thông suốt các kỹ thuật khác. Được mọi người kính mến nên làm bất cứ việc gì cũng thành công, do có điều kiện thuận lợi nên làm nhiều lợi ích, càng làm mọi người thêm cung kính, tăng thêm sự vui vẻ.

Người đó có nhân duyên là phải đưa cha mẹ, vợ con vượt qua đường nguy hiểm, thoát khỏi chỗ khó khăn, được an ổn và khuyên cha mẹ, vợ con chớ sợ hãi, nói rằng con đường này tuy nhiều nguy hiểm, có oán tặc nhưng chắc chắn được an ổn, không bị người khác làm trở ngại và gây khó khăn.

Trí lực của người ấy, thành tựu trước đây không có ai địch nổi, có thể đưa cha mẹ, vợ con thoát khỏi các tai nạn này, được vui vẻ đến thành ấp xóm làng, nhà cửa không bị tổn thương, oán tặc thấy không dám sinh ác tâm.

Vì sao?

Vì người này thông suốt tất cả kỹ nghệ, ngay trong đường hiểm biết hóa ra nhiều người tay cầm vũ khí đông hơn giặc làm bọn giặc khiếp sợ rã đám. Vì thế biết chắc người này được an ổn, không bị các họa hoạn.

Như vậy này Tu Bồ Đề! Bồ Tát duyên tất cả chúng sinh nên buộc tâm vào từ tam muội, vượt qua các kết sử và pháp hỗ trợ kết sử, vượt qua các ma và kẻ giúp đỡ ma, vượt qua Thanh Văn, Bích Chi Phật địa, trụ vào không tam muội mà không trừ lậu hoặc.

Này Tu Bồ Đề! Khi ấy, Bồ Tát hành pháp môn giải thoát không mà không chứng vô tướng cũng không rơi vào hữu tướng. Ví như con chim đang bay trên hư không, không bị rơi giữa đường, ở trong hư không mà không trụ vào hư không.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng vậy, hành không, học không, hành vô tướng, học vô tướng vô tác, học vô tác, chưa đầy đủ pháp của Chư Phật nhưng không rơi vào không, vô tướng, vô tác.

Ví như người bắn tên giỏi, bắn tên lên hư không, mũi này nối tiếp mũi kia, tùy ý nối tiếp nhau mà không rớt xuống đất.

Như vậy, Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, nhờ phương tiện hộ trì nên không chứng thật tế đệ nhất mà chỉ muốn thành tựu thiện căn vô thượng bồ đề. Khi chứng vô thượng bồ đề thì mới chứng thật tế đệ nhất.

Cho nên, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên suy tư về thật tướng của các pháp như thế mà không chịu chứng.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Việc làm của Bồ Tát rất khó khăn, rất là hiếm có, có thể học được như vậy mà cũng không giữ lấy sự chứng đắc.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát ấy không bỏ tất cả chúng sinh nên phát đại nguyện như vậy.

Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát phát tâm không bỏ tất cả chúng sinh và độ họ vào không tam muội giải thoát môn, vô tướng, vô tác tam muội giải thoát môn, khi ấy Bồ Tát không chứng thật tế nửa chừng.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nhờ phương tiện hộ trì.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn vào định thâm sâu như thế, đó gọi là không tam muội giải thoát môn, vô tướng, vô tác tam muội giải thoát môn, thì trước hết Bồ Tát ấy nên suy nghĩ đã từ lâu chúng sinh chấp vào tướng chúng sinh, chấp có sự chứng đắc, vô thượng bồ đề, vậy ta nên vì họ thuyết pháp đoạn các kiến chấp này.

Khi đó Bồ Tát liền vào không tam muội giải thoát môn. Đó là Bồ Tát dùng tâm ấy và nhờ năng lực phương tiện ban đầu nên không chứng đắc nửa chừng, cũng không mất tam muội từ, bi, hỷ, xả.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nhờ thành tựu năng lực phương tiện nên thiện pháp tăng trưởng gấp bội, các căn thông lợi và cũng tăng trưởng các lực, các giác chi.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nghĩ đã từ lâu chúng sinh hành theo ngã tướng, cho rằng ta chứng đắc vô thượng bồ đề, ta nên thuyết pháp đoạn tướng ấy. Khi đó Bồ Tát vào vô tướng tam muội giải thoát môn, đó là Bồ Tát dùng tâm ấy và nhờ năng lực phương tiện ban đầu nên không chứng đắc nửa chừng, cũng không mất tam muội từ, bi, hỷ, xả.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nhờ thành tựu năng lực phương tiện nên thiện pháp tăng trưởng gấp bội, các căn thông lợi và cũng tăng trưởng các lực, các giác chi.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nghĩ đã từ lâu chúng sinh sống theo thường tưởng, lạc tưởng, tịnh tưởng, ngã tưởng và cho những tưởng ấy đắc vô thượng bồ đề, vậy ta nên thuyết pháp đoạn trừ những tưởng ấy, đó là pháp vô thường chẳng phải thường, là khổ chẳng phải vui, là bất tịnh chẳng phải tịnh, là vô ngã chẳng phải ngã.

Đó là Bồ Tát dùng tâm ấy và nhờ năng lực phương tiện ban đầu, tuy chưa đắc tam muội Phật, chưa đầy đủ Phật Pháp, chưa chứng vô thượng bồ đề nhưng Bồ Tát có thể vào vô tác tam muội giải thoát môn, không chứng đắc nửa chừng.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát nghĩ đã từ lâu chúng sinh hành theo hữu tướng, đã có sở đắc, nay cũng có sở đắc. Trước hành theo hữu tướng, nay cũng hành theo hữu tướng. Trước hành điên đảo, nay cũng hành điên đảo. Trước hành hòa hợp, nay hành sống hòa hợp.

Trước hành hư vọng, nay cũng hành hư vọng. Trước hành tà kiến, nay cũng hành tà kiến. Nên Bồ Tát siêng năng hành tinh tấn, đắc vô thượng bồ đề và thuyết pháp trừ các tướng ấy của chúng sinh.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nghĩ đến tất cả chúng sinh nên dùng tâm và năng lực phương tiện để quán pháp tướng thâm sâu hoặc không, hoặc không tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, vô sở hữu.

Tu Bồ Đề! Không có việc Bồ Tát thành tựu trí tuệ như vậy mà còn rơi vào sinh tử trong ba cõi.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát muốn đắc vô thượng bồ đề nên hỏi các Bồ Tát khác học các pháp ấy như thế nào.

Sinh tâm như thế nào?

Vào không chẳng chứng không, vào vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô sở hữu, không chứng vô sở hữu nhưng có thể tu tập bát nhã Ba la mật. Các Bồ Tát đáp chỉ niệm không, niệm không tướng, không tạo tác, không khởi, không sinh, vô sở hữu, mà không dạy về tâm ban đầu, nói về tâm ban đầu, nên biết Bồ Tát đó ở vào thời Phật quá khứ chưa được thọ ký vô thượng bồ đề, chưa trụ vào địa vị không thoái chuyển.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đó không thể nói, không thể trình bày, không thể trả lời tướng bất cộng của Bồ Tát không thoái chuyển, nên biết Bồ Tát đó chưa đến địa vị không thoái chuyển.

Bạch Đức Thế Tôn! Làm thế nào để biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển?

Tu Bồ Đề! Bồ Tát nghe hay không nghe đều có thể đáp đúng như vậy, nên biết đó là Bồ Tát không thoái chuyển.

Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên đó nên có nhiều chúng sinh hành bồ đề, nhưng ít có Bồ Tát đáp đúng như vậy.

Tu Bồ Đề! Ít có Bồ Tát được thọ ký không thoái chuyển, nếu được thọ ký thì có thể đáp đúng, nên biết Bồ Tát đó có thiện căn minh mẫn, thanh tịnh, tất cả thế gian, Trời, Người, A Tu La đều không thể sánh kịp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần