Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM BA

PHẨM BA PHÁP  

PHẦN NĂM  

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thánh đệ tử hữu học

Trong chánh pháp của ta

Tu thuận theo chánh đạo

Gọi là căn thứ nhất.

Biết đúng Thánh đế khổ

Và khổ tập, khổ diệt

Hướng đến đường khổ diệt

Gọi là căn thứ hai.

Nên biết căn thứ ba

Các lậu đều diệt hết

Chứng đắc chân vô lậu

Tâm, tuệ đều giải thoát.

Biết ta sinh đã dứt

Và phạm hạnh đã lập

Việc đáng, đã làm xong

Không còn tái sinh nữa.

Thân tâm thường vắng lặng

Khéo thâu giữ các căn

Ngay nơi thân tối hậu

Hàng phục hết các ma.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Lược có ba hạng người, vì lợi ích nên phải thân cận.

Ba hạng đó là:

1. Có một hạng người, thành tựu giới, định, tuệ kém cỏi.

2. Có một hạng người, thành tựu giới, định, tuệ trung bình.

3. Có một hạng người, thành tựu giới, định, tuệ trội hơn.

Hạng người thành tựu giới, định, tuệ kém cỏi, vì lợi ích gì mà thân cận họ?

Nghĩa là đối với hạng người này không mong cầu, chỉ rất thương xót, khuyên giúp cho họ tinh tấn hơn. Vì lợi ích này nên phải gần gũi.

Hạng người thành tựu giới, định, tuệ trung bình, vì lợi ích gì mà thân cận họ?

Nghĩa là đối với hạng người này, nên suy nghĩ: Người ấy sẽ thuyết giới cho ta, ta cũng sẽ thuyết giới cho người ấy, cùng nhau nghe, khiến được tiếp nối liên tục.

Có làm việc gì cũng nên suy nghĩ: Người kia thuyết định cho ta, ta cũng thuyết định cho người kia, cùng nhau nghe, khiến được tiếp nối.

Ra làm việc gì cũng nên suy nghĩ: Người kia thuyết tuệ cho ta, ta cũng sẽ thuyết tuệ cho người kia, cùng nhau nghe, khiến được tiếp nối, làm được nhiều việc. Vì sự lợi ích này nên sẽ thân cận.

Có một hạng người thành tựu giới, định, tuệ trội hơn, vì lợi ích gì nên phải thân cận họ?

Nghĩa là đối với hạng người này, nên suy nghĩ: Ta sẽ nương vào giới uẩn của người kia, nếu chưa viên mãn, tu tập làm cho viên mãn. Nếu đã viên mãn, thâu giữ chánh niệm, bên trong duy trì vững chắc.

Suy nghĩ: Ta sẽ nương vào định uẩn của người kia, nếu chưa viên mãn, tu tập làm cho viên mãn. Nếu đã viên mãn, thâu giữ chánh niệm bên trong, duy trì vững chắc.

Suy nghĩ: Ta sẽ nương vào tuệ uẩn người kia, nếu chưa viên mãn, tu tập làm cho viên mãn. Nếu đã viên mãn, thâu nhiếp chánh niệm bên trong, duy trì vững chắc. Vì sự lợi ích này nên sẽ thân cận.

Như vậy, gọi là lược có ba hạng người nên thân cận.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Từ bi gần kẻ kém

Lợi ích cho kẻ vừa

Vì đức gần người hơn

Kiên trì hay viên mãn.

Gần hạ sĩ đức kém

Gần trung sĩ đức trung

Gần thượng sĩ đức trội

Nên phải gần thượng sĩ.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Phải quán bất tịnh đối với thân này, nên niệm hơi thở đối với hơi thở, nên quán vô thường, khổ, vô ngã đối với các hành. Ai tu quán bất tịnh trên thân này thì sẽ đoạn trừ tham dục đối với cảnh giới sạch đẹp.

Ai niệm hơi thở trên hơi thở, đoạn những chướng ngại do tầm tư theo ngoài. Ai quán vô thường, quán khổ, vô ngã trên các hành, đối với các hữu đoạn được hữu ái, đoạn hữu ái nên ngay nơi thế gian không chấp thọ, không chấp thọ nên không sợ hãi, nên bên trong tự chứng Niết Bàn cứu cánh.

Chứng Niết Bàn rồi, tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Quán bất tịnh nơi thân

Theo niệm trụ hơi thở

Quán các hành vô thường

Cùng với khổ, vô ngã.

Hiểu các hành tánh không

Được tịch tĩnh tối thắng

Ái dứt, không chấp thọ

Chứng Niết Bàn cứu cánh.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Thân của các loài hữu tình thường bị ba thứ oán tặc mạnh mẽ đuổi theo làm hại.

Ba loại đó là:

1. Oán tặc mạnh mẽ: Già yếu.

2. Oán tặc mạnh mẽ: Bệnh tật.

3. Oán tặc mạnh mẽ: Vô thường.

Ba loại oán tặc mạnh mẽ này thường theo làm hại thân của các hữu tình.

Trong thân các hữu tình lược có ba pháp:

1. Tuổi thọ.

2. Hơi nóng.

3. Tâm thức.

Ba pháp này khi xa lìa thân gọi là chết. Thi hài hôi hám vứt tại gò mả, thật vô dụng.

Vì sao?

Vì thân này hư giả, do các pháp hiện thành, phần tốt nhất trong đó là tuổi thọ, hơi ấm và thần thức. Nhưng các pháp này nương vào nhân duyên mà sinh ra, vô thường không vững, không bền, không có khả năng, hư diệt nhanh chóng, giặc già, bệnh, chết luôn theo sát không rời. Nhưng các ngu phu bị vô minh che lấp nên tham ái, đắm chấp, không có tâm nhàm chán xả bỏ.

Thánh đệ tử của ta, đối với thân giả hợp thành này luôn nhận biết đúng như thật: Nhiều các lỗi lầm, đối với tất cả phần nội, ngoại trong thân càng nhàm chán, từ bỏ.

Càng nhàm chán, từ bỏ, nên lìa tham dục, lìa tham dục nên đắc giải thoát, đắc giải thoát nên liền tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thân tất cả hữu tình

Ba giặc oán theo hại

Đó là già, bệnh, chết

Chưa có lúc nào rời.

Các pháp hợp thành thân

Hư ngụy không chắc thật

Xả thọ, thức, hơi ấm

Vứt ở ngoài gò mả.

Người ngu không hiểu biết

Thường tham ái đắm chấp

Hiền Thánh có trí kiến

Ghét hơn là hầm phẩn.

Tu Thánh đạo vô lậu

Đoạn nhân duyên ba giặc

Chứng Niết Bàn thường lạc

Thoát hẳn ba loại giặc.

Người có trí ở đời

Càng nhàm chán thân mình

Cầu Niết Bàn thường lạc

siêng năng chớ phóng dật.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các sự phước nghiệp, lược có ba loại nên tu tập, nên tu tập nhiều.

Ba loại đó là:

1. Thí.

2. Giới.

3. Tu.

Thế nào là sự phước nghiệp về thí?

Nghĩa là có các Thiện Nam, Thiện Nữ, với tịnh tín thường bố thí các loại thức ăn ngon bổ, hương liệu, y phục, xe cộ, đồ nằm, nhà cửa, phòng ốc, đèn lớn… tức các thứ cần thiết trong đời sống. Như vậy gọi là sự phước nghiệp về thí.

Thế nào là sự phước nghiệp về giới?

Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ với tịnh tín không sát sinh, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không trộm cắp, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn.

Không tà hạnh, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không nói dối, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Không uống rượu, không sống chỗ phóng dật, thanh tịnh không phạm, hoàn toàn viên mãn. Như vậy gọi là sự phước nghiệp về giới.

Thế nào là sự phước nghiệp về tu?

Nghĩa là có các thiện nam, thiện nữ tịnh tín, tu đủ tâm từ khắp một phương, an trụ hoàn toàn nơi hai phương, ba phương, bốn phương, cho đến phương trên, phương dưới bốn hướng, tất cả Thế Giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm từ quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ trọn vẹn.

Tu đủ tâm bi khắp cả một phương, an trụ hoàn toàn nơi hai phương, ba phương, bốn phương cho đến phương trên, phương dưới bốn hướng, tất cả Thế Giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm bi quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ trọn vẹn.

Tu đủ tâm hỷ khắp cả một phương, an trụ hoàn toàn hai phương, ba phương, bốn phương, trên dưới, bốn hướng, tất cả Thế Giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm hỷ quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ trọn vẹn.

Tu đủ tâm xả khắp cả một phương, an trụ hoàn toàn nơi hai phương, ba phương, bốn phương, trên dưới, bốn hướng, tất cả Thế Giới đều được đủ khắp, an trụ trọn vẹn, làm cho tâm xả quảng đại vô lượng, không oán, không hại, an trụ viên mãn. Như vậy gọi là sự phước nghiệp tu.

Đối với ba sự phước nghiệp này nên tu, nên tập, nên tu tập nhiều.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có ba pháp nên tu

Tu tập, tu tập nhiều

Đạt được ba pháp vui

Đó là thí, giới, tu.

Tu phước được nhiều của

Tu giới được trường thọ

Tu từ, bi, hỷ, xả sẽ sinh

Trời thanh tịnh.

Người có trí ở đời

Muốn cầu vui thù thắng

Nên tu ba phước này

Quyết chắc sẽ đạt được.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở đời lược có ba hạng tối thắng.

Ba hạng đó là:

1. Đối với tất cả các hữu tình không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng và phi tưởng phi phi tưởng thì Phật là tối thắng.

Đó là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc Già Phạm. Ai đối với Phật phát tâm tịnh tín là tối thắng đối với các tín. Tịnh tín như vậy, nhận được quả báo trong Cõi Trời, Người là tối thắng.

2. Đối với tất cả pháp môn đã có: Thế gian, xuất thế gian, hữu vi, vô vi… trong các pháp môn Niết Bàn là tối thắng, nghĩa là lìa kiêu mạn, dứt khát ái, diệt A lại da, đoạn các con đường luân hồi, dứt ái, ly dục đạt Niết Bàn tịch tĩnh. Ai đối với pháp Niết Bàn như vậy phát tâm tịnh tín là tối thắng đối với các tín. Tịnh tín như vậy nhận được quả báo trong Cõi Trời, Người là tối thắng.

3. Đối với tất cả đồ chúng, bạn bè ở trong ấp, trong các hội chúng, thì Thánh đệ tử của Phật tức Tăng là tối thắng.

Đó là bốn hướng, bốn quả, tám Bổ Đặc Già La, ở trong các hữu tình là chân, là diệu, là tối thắng, nên cung kính mời thỉnh, cung kính cúng dường, khen ngợi, tán thán không tiếc thân mạng, tài sản là phước điền vô thượng của chúng Trời, người trong thế gian.

Ai đối với Hiền Thánh Tăng như vậy, phát tâm tịnh tín, đối với các sự tịnh tín đây là tối thắng. Tịnh tín như vậy, nhận được quả báo ở trong Cõi Trời, người là tối thắng.

Như vậy gọi là ba hạng tối thắng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Có ba hạng tối thắng

Đó là Phật, Pháp, Tăng

Tâm tịnh tín quy y

Thấy được pháp tối thắng.

Nương Phật sinh tịnh tín

Biết Lưỡng Túc Trung Tôn

Chứng bồ đề vô thượng

Trời, Người đồng cúng dường.

Nương pháp sinh tịnh tín

Biết Ly Dục Trung Tôn

Chứng Niết Bàn vô thượng

Tịch tĩnh thường an lạc.

Nương Tăng sinh tịnh tín

Biết các Chúng Trung Tôn

Chứng Phước điền vô thượng

Trời, Người đồng cúng dường.

Gieo ruộng tốt tối thắng

Sinh công đức tối thắng

Được an lạc tối thắng

Trong nhân gian, thiên thượng.

Thí Tam Bảo phước điền

Gọi là thí tối thắng

Hiện tại thường an lạc

Đời sau chứng Niết Bàn.

Tóm tắt lại nơi bài kệ phần Kinh Bản Sự ở trước:

Tử, tôn, trọng, nhị học

Phước, kiến, văn, bổn la

Bất tịnh đẳng cấp oán

Phước nghiệp, sự tối thắng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần