Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song - Kinh Tiểu Không

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM SONG  

KINH TIỂU KHÔNG  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá Vệ, tại Đông Viên, Lộc Tử Mẫu giảng đường.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan vào lúc xế, từ thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui đứng sang một bên mà bạch rằng: Một thời Thế Tôn du hành giữa những người họ Thích, trong thành tên là Thích Đô Ấp. Con lúc ấy được nghe Thế Tôn nói nghĩa như vậy, này A Nan, ta phần nhiều hành nơi không tánh.

Thế Tôn!

Phải là con biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ không?

Khi ấy Thế Tôn đáp rằng: Này A Nan, lời nói của ta đó, ông thật sự biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ.

Vì sao?

Vì ta tự bao giờ cho đến hôm nay phần nhiều hành nơi không tánh.

Này A Nan, như giảng đường Lộc Tử Mẫu này trống không, không có voi, ngựa, bò, dê, tài vật, lúa thóc, nô tỳ. Nhưng có cái không trống không. Đó là chỉ có chúng Tỳ Kheo.

Cho nên, này A Nan, nếu trong đó không có gì cả thì chính do đó mà ta thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì ta thấy là chân thật có. Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

Này A Nan, Tỳ Kheo nào nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ Kheo ấy đừng tác đến ý tưởng về xóm làng, đừng tác ý đến ý tưởng về người, mà hằng tác ý đến ý tưởng về duy nhất tánh là ý tưởng về khu rừng.

Vị ấy nhận biết như vậy, trống không ý tưởng về xóm làng, trống không ý tưởng về người, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất tánh do ý tưởng về khu rừng.

Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về xóm làng, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về người, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc là do duy nhất tánh ý tưởng về khu rừng. Nếu trong đó không có gì cả thì, thì chính do đó mà vị ấy thấy đó là trống không.

Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

Lại nữa, này A Nan, Tỳ Kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ Kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về người, đừng tác ý đến ý tưởng khu rừng mà hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về đất.

Tỳ Kheo ấy nếu thấy đất này có cao có thấp, có ổ rắn, có bụi gai, có cát, có đá, núi chởm, sông sâu thì chớ có tác ý đến. Nếu thấy đất này bằng phẳng như lòng bàn tay, chỗ trông ra được rõ ràng, thì hãy thường tác ý đến.

Này A Nan, ví như da bò, lấy một trăm cây đinh mà căng ra. Sau khi căng rất thẳng, nó không nhăn, không rút lại.

Nếu thấy chỗ đất này có cao có thấp, có ổ rắn, có bụi gai, có cát, có đá, núi chởm, sông sâu thì đừng tác ý đến.

Nếu thấy chỗ đất này bằng phẳng như lòng bàn tay, chỗ trông ra được rõ ràng, thì hãy thường tác ý.

Vị ấy biết như vậy, biết rằng, trống không ý tưởng về người, trống không ý tưởng về khu rừng, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về đất.

Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về người, thì ở đây ta không có sự ấy.

Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự ấy.

Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về đất. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy là trống không.

Nếu trong này còn có cái khác thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

Lại nữa, này A Nan, Tỳ Kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ Kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về khu rừng, đừng tác ý đến ý tưởng về đất, mà hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng thuần nhất về vô lượng không xứ.

Vị ấy nhận biết như vậy, trống không ý tưởng về khu rừng, trống không ý tưởng về đất, nhưng có cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về vô lượng không xứ.

Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự đó. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về đất, thì ta không có sự đó.

Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô lượng không xứ. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy là trống không.

Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

Lại nữa, này A Nan, Tỳ Kheo muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ Kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về khu rừng, đừng tác ý đến ý tưởng về đất, đừng tác ý về ý tưởng vô lượng không xứ, hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô lượng thức xứ.

Vị ấy nhận biết như vậy, Trống không ý tưởng về khu rừng, trống không ý tưởng về đất, trống không ý tưởng về vô lượng không xứ, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về vô lượng thức xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự ấy.

Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về đất, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng không xứ, thì ở đây ta không có sự ấy.

Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô lượng thức xứ. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có một cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có.

Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

Lại nữa, này A Nan, Tỳ Kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ Kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về vô lượng không xứ, đừng tác ý đến ý tưởng về vô lượng thức xứ, mà hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô sở hữu xứ.

Vị ấy niệm biết như vậy, Trống không vô lượng không xứ, trống không vô lượng thức xứ, nhưng có một cái không trống không.

Đó là duy nhất ý tưởng về vô sở hữu xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng không xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng thức xứ, thì ở đây ta không có sự ấy.

Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô sở hữu xứ. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong đó còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có.

Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

Lại nữa, này A Nan, Tỳ Kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ Kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về vô lượng thức xứ, đừng tác ý đến ý tưởng về vô sở hữu xứ, mà hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô tưởng tâm định.

Vị ấy nhận biết như vậy, trống không ý tưởng về vô lượng thức xứ, trống không ý tưởng về vô sở hữu xứ, nhưng có cái không trống không, đó là duy nhất tánh do vô tưởng tâm định. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng thức xứ, thì ở đây ta không có sự ấy.

Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô sở hữu xứ, thì ở đây ta cũng không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất là về tưởng tâm định.

Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có.

Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo. Vị ấy lại suy nghĩ như vậy, Vô tưởng tâm định mà ta đã có đây vốn là sở hành, vốn là sở tư. Nếu nó vốn là sở hành, vốn là sở tư thì ta không ái lạc nó, không mong cầu nó, không an trụ trên nó.

Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Giải thoát rồi, thì biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.

Vị ấy biết như vậy, Trống không là dục lậu, trống không là hữu lậu, trống không là vô minh lậu. Nhưng có cái không trống không, đó là chỉ có thân này của ta với sáu xứ cho mạng tồn tại.

Nếu có sự phiền nhọc do dục lậu, thì ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do hữu lậu và vô minh lậu, ta cũng không có sự ấy.

Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do nơi thân này của ta và sáu xứ cho mạng tồn tại. Nếu trong đó không có gì cả thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì vị ấy thấy là chân thật có.

Này A Nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo. Đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

Này A Nan, trong quá khứ, nếu có các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các vị ấy tất cả đều hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này. Đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

Này A Nan, trong vị lai, nếu có các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các vị ấy tất cả đều hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này. Đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

Này A Nan, trong hiện tại, ta là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ta cũng hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này. Đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

Cho nên, này A Nan, hãy học như vậy.

Phật thuyết như vậy, Tôn Giả A Nan và các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường