Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Ba - Phẩm Ba Pháp - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM BA
PHẨM BA PHÁP
PHẦN SÁU
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có ba Bậc Đại Sư xuất hiện ở thế gian, làm lợi ích, an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót đại chúng Trời, Người nơi thế gian làm cho họ được lợi ích an lạc vô lượng.
Ba Bậc Đại Sư đó là:
1. Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc già phạm, xuất hiện nơi thế gian, vì các chúng sinh mà mở bày, xiển dương chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, chỉ dạy phạm hạnh thuần nhất viên mãn.
Nghĩa là: Đây là sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về diệt trừ khổ và sự thật về con đường tu tập để diệt khổ. Đó gọi là Bậc Đại Sư thứ nhất, xuất hiện ở thế gian, tạo lợi ích, an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót đại chúng Trời, Người nơi thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.
2. Lại có đệ tử vô học của Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, là A La Hán các lậu đã hết, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, tự đạt lợi ích, dứt các hữu kết, đã chân chánh phụng hành Thánh Giáo của Như Lai, đã được giải thoát, đã chứng biết khắp, xuất hiện ở thế gian, vì các chúng sinh giảng dạy chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, chỉ dạy phạm hạnh thuần nhất viên mãn.
Nghĩa là: Đây là sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về diệt trừ khổ và sự thật về con đường tu tập để diệt khổ. Như vậy gọi là Bậc Đại Sư thứ hai xuất hiện ở thế gian, tạo lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sinh, thương xót đại chúng Trời, Người ở thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.
3. Lại có bậc đệ tử Hữu học của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, tu phạm hạnh đầy đủ, được học tập chân chánh đầy đủ.
Nghĩa là được học chân chánh về Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Biệt, Già Tha, Vô Vấn Tự Thuyết, Bản Sự, Bản Sinh, Phương Quảng, Hy Pháp, hiểu rõ về ý nghĩa, xuất hiện ở đời vì các chúng sinh chỉ dạy chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, chỉ dạy phạm hạnh thuần nhất, viên mãn.
Nghĩa là: Đây là sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về diệt trừ khổ và sự thật về con đường tu tập để diệt khổ. Như vậy gọi là Bậc Đại Sư thứ ba xuất hiện ở thế gian, tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh, thương xót đại chúng Trời, Người ở thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.
Như vậy gọi là có ba Bậc Đại Sư xuất hiện ở thế gian tạo lợi ích an lạc cho chúng sinh, thương xót đại chúng Trời, Người ở thế gian làm cho họ được lợi ích, an lạc vô lượng.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Có ba Bậc Đại Sư
Nếu xuất hiện ở đời
Làm lợi ích an vui
Trời, người khắp thế gian.
Một là Bậc Như Lai
Hai, đệ tử Vô học
Ba, đệ tử Hữu học
Đủ tịnh giới đa văn.
Ba Bậc Đại Sư này
Trời, Người đều cúng dường
Giảng thuyết pháp chân chánh
Rộng mở cửa cam lồ.
Làm vô lượng chúng sinh
Dứt hẳn các hữu kết
Thoát khỏi khổ sinh tử
Chứng Niết Bàn thường lạc.
Ví như Đạo Sư giỏi
Chỉ đường tốt cho người
Người chân chánh đi theo
Chắc chắn được an vui.
Ba Đại Sư như vậy
Dạy chúng sinh bốn đế
Tu hành không phóng dật
Quyết vượt cảnh sinh tử.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có Chư Thiên nhóm họp trong ba thời, hoan hỷ bàn luận rõ ràng, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.
Thế nào là ba?
Đó là:
1. Đệ tử của ta, hoặc ít của cải, ít quyến thuộc, nhiều quyến thuộc, dòng họ tôn quý, hoặc dòng họ thấp kém, mới phát tâm tịnh tín, nhàm chán pháp tại gia, ưa thích pháp xuất gia, khi ấy Chư Thiên hoan hỷ nhóm họp cùng bàn với nhau: Thiên Tiên nên biết!
Nay đệ tử của Phật, cùng quân ma ác sắp chiến đấu, chúng ta phải thống suất chúng Chư Thiên đi đến nhân gian, âm thầm gia hộ, hỗ trợ thêm tín tâm cho người kia, làm cho chư vị không bị chướng nạn. Nghĩ xong, đi đến nhân gian làm việc nên làm. Như vậy gọi là Chư Thiên nhóm họp, trong lần thứ nhất, hoan hỷ bàn luận, cùng khuyến khích nhau đi đến nhân gian.
2. Đệ tử của ta, khi cạo bỏ râu tóc đắp mặc ca sa với tâm chánh tín, từ bỏ pháp tại gia, hướng đến chỗ không nhà, cùng các Bí Sô đồng tu hòa kính, an trụ giữ gìn giới Biệt giải thoát, tu hành mẫu mực, đều được viên mãn, đối với lỗi nhỏ cũng thấy rất sợ hãi. Học tập tất cả học xứ, thành tựu thân, ngữ, ý nghiệp thanh tịnh, thành tựu mạng thanh tịnh, thành tựu kiến thanh tịnh.
Bấy giờ Chư Thiên hoan hỷ nhóm họp, cùng bảo với nhau: Thiên Tiên nên biết! Nay đệ tử của Phật, cùng quân ma ác đang chiến đấu, chúng ta phải thống suất chúng Chư Thiên đi đến nhân gian, âm thầm gia hộ, hỗ trợ thêm oai lực cho người kia, làm cho chư vị thắng quân ma.
Nghĩ như vậy, đi đến nhân gian làm điều nên làm. Như vậy gọi là Chư Thiên nhóm họp trong lần thứ hai hoan hỷ bàn luận, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.
3. Đệ tử của ta, các lậu đã dứt, chứng nhân vô lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, ngay nơi hiện tại tự chứng thông tuệ, hoàn toàn an trụ, tự biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.
Khi ấy Chư Thiên hoan hỷ, nhóm họp cùng bàn với nhau: Thiên Tiên nên biết! Nay đệ tử của Phật, cùng quân ma ác đã chiến đấu xong rồi, đã diệt trừ quân ma, đã đập tan quân ma, tự nói: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa.
Chúng ta phải nên thống suất chúng Chư Thiên, cầm hương hoa đẹp đi đến nhân gian lễ bái cúng dường, khen ngợi tán thán, thỉnh thuyết giảng chánh pháp độ thoát sinh, già, bệnh, chết của mình.
Nói như vậy xong, đi đến nhân gian, làm việc nên làm. Như vậy gọi là Chư Thiên nhóm họp trong lần thứ ba hoan hỷ bàn luận, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.
Bí Sô nên biết! Nếu có quốc độ, thành ấp, xóm làng có người có tâm tịnh, tín cầu xuất gia, có người đang cạo bỏ râu tóc xuất gia, có người xuất gia rồi, các lậu đã dứt, thì ngay trong quốc độ, thành ấp đó.
Các Đại Thiên Tiên và các Thiện Thần đều đi đến, siêng năng gia trì bảo vệ, làm cho nơi đó vui vẻ, được mùa, mưa thuận gió hòa, không có các bệnh tật, chúng sinh trong đó, tâm từ hướng đến với nhau đồng tu nghiệp thiện, đời này đời sau, ngày đêm an ổn, mau chứng Niết Bàn thường lạc vô thượng. Như vậy gọi là trong ba lần Chư Thiên nhóm họp, hoan hỷ luận bàn, khuyến khích nhau đi đến nhân gian.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Chư Thiên trong ba đời
Hoan hỷ cùng nhóm họp
Bàn luận khuyên xuất binh
Đi đem cõi nhân gian.
Lần đầu cầu xuất gia
Thứ hai cạo râu tóc
Thứ ba lậu đã dứt
Hàng phục các quân ma.
Chư Thiên thấy xuất gia
Dứt sạch hẳn các lậu
Cùng cung kính cúng dường
Như vậy khen ngợi rằng.
Quy mạng bậc thù thắng
Quy mạng Tối Thượng Sĩ
Quy mạng dẹp chúng ma
Nhận được tiếng khen lớn.
Chư Thiên tâm hoan hỷ
Thầm giúp ta cúng dường
Cầu mong cạo râu tóc
Dứt lậu, chứng vô sinh.
Thế nên, phải siêng năng
Hệ niệm ưa tĩnh lự
Dũng mãnh, không phóng dật
Hàng phục các ma quân.
Ngay trong pháp luật Phật
Người chánh tín xuất gia
Giải thoát được các lậu
Dứt hẳn mọi cảnh khổ.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Trời hơn người lược có ba việc.
Đó là:
1. Sống lâu.
2. Xinh đẹp.
3. Hoan lạc.
Như vậy gọi là ba việc Trời hơn người gấp trăm ngàn vạn lần không thể tính kể.
Vì sao?
Vì cứ năm mươi năm ở cõi nhân gian thì bằng một ngày một đêm ở Cõi Trời Tứ Thiên Vương. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm. Thọ mạng nơi Cõi Trời Tứ Thiên Vương là năm trăm năm.
Với số năm ấy sẽ bằng chín trăm vạn năm ở nhân gian. Một trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày ở Cõi Trời Tam Thập Tam. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm.
Thọ mạng nơi Cõi Trời Tam Thập Tam là một ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng ba ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian. Hai trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở Cõi Trời Dạ Ma. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm.
Trời Dạ Ma thọ mạng là hai ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng một ức bốn ngàn bốn trăm vạn năm ở gian. Bốn trăm vạn năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở Cõi Trời Đổ Sử Đa. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm.
Trời Đổ Sử Đa thọ mạng là bốn ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng năm ức bảy ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian. Tám trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở Cõi Trời Lạc Biến Hóa. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm.
Trời Lạc Biến Hóa thọ mạng là tám ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng hai mươi ba ức bốn trăm vạn ở nhân gian. Một ngàn sáu trăm năm ở nhân gian sẽ bằng một ngày một đêm ở Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Một ngày một đêm cho đến ba mươi ngày đêm như vậy là một tháng, mười hai tháng là một năm.
Trời Tha hóa tự tại thọ mạng là một vạn sáu ngàn năm, với số năm ấy sẽ bằng chín mươi hai ức một ngàn sáu trăm vạn năm ở nhân gian.
Ở cách tính này thì vạn vạn là ức. Như vậy gọi là tuổi lâu dài của Chư Thiên. Xinh đẹp của Chư Thiên, hoan lạc của Chư Thiên, tất cả những gì ở thế gian đều không thể thí dụ. Như vậy gọi là Chư Thiên có ba việc thù thắng.
Nhưng tất cả đều là vô thường không bền chắc, không bảo đảm, là pháp biến đổi, hư hoại, bị sức mạnh của thần chết thâu nuốt, hệ thuộc vào sự chết.
Chúng Chư Thiên kia khi lâm chung thì có chúng Chư Thiên khác đến chỗ của họ nêu truyền chỉ dẫn: Các Thiên Tiên xin nguyện cho các ông sinh đến nẻo thiện. Sinh nẻo thiện rồi, đạt lợi ích tốt. Được lợi ích tốt có sự hoàn thành.
Chư Thiên ấy đi đến nẻo thiện nào?
Được lợi ích gì?
Thành tựu việc gì?
Nghĩa là Chư Thiên kia sau khi qua đời, sinh vào cõi người, được làm người, gọi là đi đến nẻo lành. Đến nẻo người xong, đối với pháp luật của Phật đã thuyết giảng có được chánh tín, nên gọi là đạt lợi ích tốt.
Chánh tín như vậy được tăng trưởng rộng lớn, vững chắc, sâu xa. Sa Môn và Bà La Môn, Chư Thiên, Ma, Phạm ở thế gian không pháp nào có thể làm cho thoái chuyển, nên gọi là thành tựu đầy đủ.
Do thành tựu hoàn toàn nên đối với Phật Pháp làm được nhiều việc, nghĩa là phát tâm tịnh tín, xuất gia, thọ giới tu Thiền chỉ, Thiền quán, quán xét bốn Thánh đế, đoạn hẳn các lậu, chứng đắc Niết Bàn, dứt hết cảnh khổ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Trời có ba việc hơn
Sống lâu, vui xinh đẹp
Đem so với người đời
Tính toán rất khó kịp.
Ba việc hơn như vậy
Không thường, không bền chắc
Pháp biến hoại khó giữ
Bị ma chết trói buộc.
Trời khi sắp ra đời
Trời khác đến một bên
Khéo nêu trao chỉ dẫn
Khiến sinh tâm hoan hỷ.
Xin nguyện cho Thiên Tiên
Vãng sinh đến nẻo thiện
Được sinh làm loài người
Sinh giữa nước, thông minh.
Ở trong pháp luật Phật
Đạt được tâm chánh tín
Tăng trưởng tâm kiên cố
Tà giáo không thể chuyển.
Dùng phương tiện xả bỏ
Hạnh ác thân, ngữ, ý
Những lỗi lầm đã sinh
Cũng phương tiện trừ diệt.
Thân, ngữ, ý thường tu
Ba nghiệp là thù thắng
Như lý, chánh tư duy
Làm rộng lớn vô lượng.
Tu các sự phước nghiệp
Là thí, giới, đa văn
Ngay trong chánh pháp Phật
Xuất gia tu phạm hạnh.
Chánh tín tu phạm hạnh
Thường nhẫn nhục, nhu hòa
Hoặc sinh trong Trời, Người
Hoặc chứng Niết Bàn lạc.
Như vậy các Thiên Tiên
Đến nêu truyền, chỉ dẫn
Chư Thiên khi lâm chung
Như mẹ thương xót con.
Chư Thiên thường phát nguyện
Được tăng ích Cõi Thiện
Làm cho chúng Tu La
Tan rã, không tăng trưởng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Giác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Viên Châu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười - Phẩm tiên Du
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Hai - Kinh Pháp Cú - Chương Hai - Phẩm không phóng dật
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Tiểu Không
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Văn Tự