Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM HAI PHÁP
PHẦN BA
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô vì muốn lừa gạt chúng sinh, vì cầu danh tiếng phóng đại chỗ hiểu biết của mình, vì cầu lợi dưỡng và sự cung kính mà xuất gia, thì Bí Sô ấy không được gọi là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh. Bí Sô nào vì nhàm chán, vì lìa dục mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp Như Lai tu hành phạm hạnh.
Vì sao?
Vì các Bí Sô này, do nhàm chán, do lìa dục mà xuất gia nên sau khi xuất gia xong, có thể nhàm chán đúng như thật, ly dục.
Ly dục xong, liền được giải thoát. Giải thoát xong, tự nhận biết sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Thế nên Bí Sô nào vì nhàm chán, vì ly dục mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Vì danh tiếng dối trá
Lợi dưỡng và cung kính
Chẳng phải chân phạm hạnh
Là xuất gia giả dối.
Là nhàm chán, ly dục
Mau chứng nghĩa tối thượng
Chân thật tu phạm hạnh
Là xuất gia chân thật.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Tất cả pháp môn do các Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng, lược có hai loại.
Đó là:
1. Đối với điều ác phải biết rõ, đúng.
2. Đối với điều ác càng phải nhàm chán.
Tất cả pháp môn do các Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng lược có hai loại như vậy.
Vì sao?
Vì những người tu hành đối với các pháp ác phải nhận biết đúng đắn.
Đối với các pháp ác đã nhận biết đúng đắn rồi thì nhàm chán, đã nhàm chán thì ly dục. Đã ly dục thì giải thoát.
Đã giải thoát thì tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Người tu hành như vậy, đoạn hẳn các ái dục và các thứ trói buộc, hiện quán một cách đúng đắn, chấm dứt cảnh khổ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Nên biết chư Như Lai
Bậc Ứng Chánh Đẳng Giác
Thương xót khắp quần sinh
Thuyết giảng hai pháp môn.
Biết rõ các điều ác
Nhàm chán và ly dục
Được giải thoát tự tại
Chấm dứt cảnh giới khổ.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại pháp, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì có thể đoạn trừ được hai pháp.
Hai pháp gì mà tu tập, tu tập thường xuyên thì có thể đoạn trừ hai pháp?
Đó là quán Bất tịnh và quán từ bi, có thể đoạn trừ tham dục và sân hận.
Vì sao?
Vì tất cả việc đã tham, đang tham, sẽ tham đều do tác y tư duy về tướng tịnh. Tất cả việc đã sân, đang sân, sẽ sân đều do tác ý tư duy về tướng oán. Tất cả tham dục hiện có đã đoạn, đang đoạn, sẽ đoạn đều do tác ý tu quán Bất tịnh.
Tất cả sân hận hiện có, đã đoạn, đang đoạn, sẽ đoạn đều do tác ý tu từ bi quán. Đối với quán Bất tịnh, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì nhất định đoạn được tất cả tham dục.
Đối với quán từ bi, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì nhất định đoạn được tất cả sân hận. Ai muốn quyết định đoạn trừ tham dục thì phải siêng năng tu tập quán bất tịnh. Ai muốn quyết định đoạn trừ sân hận thì phải siêng năng tinh tấn tu quán từ bi. Tu quán bất tịnh thì không có tham dục nào là không thể đoạn được. Tu quán từ bi thì không có sân hận nào là không thể đoạn được.
Như vậy gọi là có hai loại pháp, ai tu tập, tu tập thường xuyên thì có thể đoạn được hai pháp.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Tu tập, siêng tu tập
Hai pháp đoạn hai pháp
Bất tịnh đoạn tham dục
Từ bi đoạn sân hận.
Thế nên người có trí
Quán sát để tự lợi
Tu bất tịnh, từ bi
Đoạn tham dục, sân hận.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết!
Cảnh giới Niết Bàn lược có hai loại, đó là:
1. Cảnh giới Niết Bàn hữu dư y.
2. Cảnh giới Niết Bàn vô dư y.
Thế nào là cảnh giới Niết Bàn hữu dư y?
Nghĩa là các Bí Sô đắc quả A La Hán, các lậu đã sạch, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, đã xả bỏ gánh nặng, đã tự đạt mục đích, đã sạch các kết sử, đã nhận biết đúng đắn, tâm giải thoát hoàn toàn, đã được biết khắp. Do nghiệp đời trước làm duyên đưa đến các căn nên còn tiếp tục sống.
Tuy các căn hoạt động đang tiếp xúc với vô số cảnh giới tốt, xấu nhưng luôn luôn nhàm chán, xả bỏ, không chấp trước gì cả, không bị sự trói buộc của yêu, ghét vì đã đoạn hẳn tất cả yêu, ghét… cho nên người đó, đối với các sắc khi muốn thấy, tuy dùng sắc quán sát chúng nên không pháp sinh tham, sân, si… tuy có mắt và có tốt xấu, nhưng không tham dục cũng không sân hận.
Vì sao?
Vì đã đoạn hẳn sự trói buộc của yêu, ghét. Người kia đối với các âm thanh khi muốn nghe, tuy dùng tai để nghe chúng nhưng không phát sinh tham, sân, si… tuy có tai và âm thanh hay dở, nhưng không tham dục, cũng không sân hận.
Vì sao?
Vì đã đoạn trừ trói buộc của yêu ghét… người kia đối với các hương không muốn ngửi, tuy dùng mũi ngửi chúng, nhưng không phát sinh tham, sân, si… tuy có mũi và có hương thơm, mùi hôi, nhưng không tham dục, cũng không sân giận.
Vì sao?
Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của yêu, ghét… người kia đối với các vị khi muốn nếm, tuy dùng lưỡi để nếm chúng nhưng không sinh tham, sân, si… tuy có lưỡi và vị ngon, dở, nhưng không tham dục, cũng không sân hận.
Vì sao?
Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của yêu, ghét. Người kia đối với các xúc, khi muốn va chạm, tuy dùng thân để tiếp xúc chúng nhưng không phát sinh tham, sân, si… tuy có thân và có xúc vừa ý, không vừa ý, nhưng không tham dục, cũng không sân hận.
Vì sao?
Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của yêu, ghét.
Người kia khi muốn đối với các pháp, khi muốn biết, tuy dùng ý để biết các pháp, nhưng không phát sinh tham, sân, si… lìa các tham dục, chứng đắc Niết Bàn, hoàn toàn vắng lặng, nên nghĩ thế này: Đức Thế Tôn vì những chúng sinh có sự sợ hãi kia, vì những người thường bị đoạn kiến trói buộc kia khiến họ nhận biết nghiệp quả không hư mất.
Chánh pháp được thuyết giảng, giải thoát ngay nơi hiện tại, đúng lúc và có thể chứng đắc được, có lợi ích, người trí tự chứng, là pháp chân thật để đối trị với thế gian, có thể diệt trừ được tâm kiêu mạn, khát ái, tổn hại cho chúng sinh, chấm dứt các đường luân hồi, chứng tánh chân không, lìa các tham dục, chứng đắc Niết Bàn tịch diệt rốt ráo.
Như vậy gọi là người có tuệ nhãn, có thể quán sát đúng đắn. Như vậy gọi là hai thứ trói buộc nên làm cho các hàng Trời, Người, một loại thì khiếp nhược, một loại lại dũng mãnh.
Người có tuệ nhãn có thể quán xét đúng đắn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Do hai thứ trói buộc
Khiến các chúng Trời, người
Một loại sinh khiếp nhược
Một loại lại dũng mãnh.
Thanh văn có tuệ nhãn
Luôn quán sát như thật
Chán lìa trừ được mạn
Chứng Niết Bàn viên mãn.
Lại nhận biết như thật
Chánh Pháp Phật giảng dạy
Diệt đoạn kiến, thường kiến
Hai ái không còn gì.
Long Vương có tuệ nhãn
Rưới mưa pháp cùng khắp
Diệt các lửa phiền não
Được mát mẻ hoàn toàn.
Tuy có ý và pháp tốt xấu nhưng không tham dục, cũng không sân hận.
Vì sao?
Vì đã đoạn trừ hẳn sự trói buộc của ái, sân, cho đến người đó vẫn tiếp tục sống ở thế gian chưa Bát Niết Bàn, thường được hàng Trời, Người chiêm ngưỡng, lễ bái, cung kính, cúng dường. Đó gọi là cảnh giới Niết Bàn hữu dư y.
Thế nào là cảnh giới Niết Bàn Vô dư y?
Nghĩa là các Bí Sô đắc quả A La Hán, các lậu đã sạch, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã đạt đến mục đích, đã hết hữu kết, đã nhận biết đúng đắn, đã giải thoát hoàn toàn, đã được biết khắp.
Người đó ngay khi ấy tất cả những gì đã cảm thọ không làm nhân để đưa đến ái, nên không còn mong cầu, diệt hẳn tất cả, nên hoàn toàn vắng lặng, hoàn toàn mát mẻ, nên ẩn mất không còn hiện nữa.
Chỉ do thanh tịnh, thể của nó là không hý luận. Sự thanh tịnh này, thể của nó hoàn toàn vượt khỏi hý luận, nên không thể gọi đó là có, không thể gọi là không, không thể gọi là cũng vừa có, cũng vừa không, không thể gọi là cũng không có, cũng không không.
Chỉ có thể nói rằng: Niết Bàn cứu cánh là không thể nêu bày. Đó gọi là cảnh giới Niết Bàn vô dư y.
Bí Sô nên biết! Như vậy gọi là lược nêu về Niết Bàn có hai loại.
Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Lậu hết tâm giải thoát
Duy trì thân sau cùng
Gọi Niết Bàn hữu dư
Các hành còn tiếp nối.
Các thọ đã diệt xong
Như nước trong mát mẻ
Gọi Niết Bàn vô dư
Ở ngoài sự bàn luận.
Hai thứ Niết Bàn này
Tối thượng, không đâu bằng
Là pháp nay và sau
Vắng lặng thường an vui.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Do hai thứ trói buộc nên làm cho hàng Trời, Người một loại thì khiếp nhược, một loại lại dũng mãnh. Người có Tuệ nhãn nên quán sát đúng đắn.
Hai triền là gì?
Đó là có kiến trói buộc và không có kiến trói buộc.
Thế nào là một hạng Trời, Người khiếp nhược?
Nghĩa là có hạng Trời, Người khát ái, yêu thích hữu, say đắm về hữu.
Vì để diệt hữu nên khi nghe thuyết pháp không chịu cung kính lắng tai nghe nhận, cũng không chịu vâng theo lời dạy bảo, không chịu tùy thuận tu tập theo đúng chỗ thật, đúng, chỉ sinh khiếp nhược, sợ hãi thoái lui: Bấy giờ chúng ta phải làm sao đối với hữu?
Bấy giờ chúng ta phải như thế nào đối với hữu?
Như vậy gọi là một hạng Trời, Người khiếp nhược.
Thế nào là một hạng Trời, Người dũng mãnh?
Nghĩa là có hạng Trời, Người sợ hữu, nhàm chán hữu, mong cầu không có hữu và vô số pháp khổ bức bách nên thâu nhận, chấp trước những việc như vậy.
Đối với các ác kiến, họ nghĩ thế này: Ta nên đoạn trừ và làm cho chúng diệt mất, không còn xuất hiện nữa. Bấy giờ, mới gọi là tịch tĩnh vi diệu. Như vậy gọi là một hạng Trời, Người dũng mãnh.
Thế nào gọi là có Tuệ nhãn có thể quán sát đúng đắn?
Nghĩa là hàng Thánh Thanh văn quán sát đúng như thật, sau khi quán sát xong, không đối với việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn, không nương vào việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn, không nhận nơi việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn, không ỷ vào việc như thật đó mà sinh lòng kiêu mạn. Sau khi thấy đúng như thật rồi liền sinh nhàm chán. Sau khi nhàm chán liền lìa dục, lìa dục xong, được giải thoát.
Giải thoát xong tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa và nghĩ thế này: Đức Thế Tôn vì các hữu tình yêu thích hữu kia, vì các hữu tình thường bị thường kiến trói buộc kia khiến diệt trừ hữu, nên đã thuyết giảng chánh pháp vi diệu sâu xa, khó thấy, khó ngộ, tịch tĩnh thắng, không phải là các cảnh giới của suy nghĩ, tư duy, đó là chỗ chứng đắc chắc chắn của những bậc có trí tuệ.
Vế pháp đối trị chân thật cho tất cả thế gian, nghĩa là có thể diêt trừ tâm kiêu mạn, khát ái, tổn hại cho chúng sinh, đoạn các đường luân hồi, chứng tánh chân không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba