Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Mười - Phẩm Các Pháp Yếu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

HOẰNG ĐẠO QUẢNG HIỂN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI

PHẨM CÁC PHÁP YẾU  

Khi ấy Thái Tử của Long Vương A Nậu Ðạt tên là Cảm Ðộng đến trước bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con dùng tâm vô tham, tự quy Tam Tôn, con muốn khiến cho Kinh này được tồn tại lâu dài ở đời để hộ trì chánh pháp.

Thưa Thế Tôn! Tâm chí con phát đạo Vô Thượng Chánh Chân, nguyện tạo hạnh này là muốn được thành tựu, được rõ bổn tâm, hiểu rõ gốc đạo và các gốc pháp, nhờ đó được thành Chánh Giác tối cao của Phật, rồi con sẽ tuyên giảng đạo rộng rãi để hóa độ chúng sanh.

Lại nữa, thưa Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát nghe phẩm pháp đại đạo thanh tịnh này mà không tin thích, không phụng hành, nên biết các Bồ Tát ấy bị ma sai khiến, họ cũng không mau gần được hạnh tâm Phổ Trí.

Vì sao vậy?

Vì trì phẩm pháp yếu nghĩa nầy của Thế Tôn, xuất sanh ra Bồ Tát. Nhờ đó được thành Phật và hàng phục ma, ngoại đạo. Các Đức Phật ở quá khứ, vị lai và hiện tại đều như pháp này mà thành.

Bấy giờ, Hiền Giả Tu Bồ Đề bảo Thái Tử Cảm Ðộng: Ðúng như vậy! Nhân Hiền Giả hiểu rõ bổn tâm, sáng tỏ suốt gốc đạo và các gốc pháp.

Nếu để thành người giác ngộ các pháp, vậy phải dùng tâm bổn gì để được biết rõ?

Ðáp rằng: Bổn ấy, thưa Tu Bồ Đề, là các gốc, lấy tâm làmm gốc.

Tu Bồ Đề hỏi: Tâm là gốc của cái gì?

Ðáp: Tâm là gốc của dâm, nộ, si.

Dâm, nộ, si là gốc của cái gì?

Lấy niệm, vô niệm làm gốc.

Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào, này Hiền Giả, gốc của dâm nộ, si là từ niệm, khởi sanh sao?

Thưa Tu Bồ Đề! Gốc của dâm, nộ, si không phải từ niệm, vô niệm khởi, nó cũng vô sanh. Lại nữa, cái gốc ấy lấy không khởi làm gốc.

Lại nữa, thưa Tu Bồ Đề! Ðiều có thể nói, đó là gốc của tâm gì?

Vì gốc của tâm nó vốn thanh tịnh, gọi đó là gốc tâm.

Như vốn thanh tịnh, nó không có dâm dục, nhuế nộ và si cấu?

Ðáp rằng:

Này Tộc Tánh Tử: Dục sanh khởi, cái sanh ấy từ đâu sanh, mà thường sanh mãi, không gián đoạn sao?

Thưa Tu Bồ Đề, cái dục sẽ sanh, nên đã được sanh, đối với bổn tâm, không có đắm trước sanh.

Thưa Tu Bồ Đề! Nếu bổn tâm gốc ấy có sự đắm trước thì hoàn toàn không đạt đến sự không tịnh. Cho nên gốc của tâm hoàn toàn không có đắm trước. Do đó biết rằng dục cũng là thanh tịnh.

Tu Bồ Đề nói: Này Tộc Tánh Tử! Làm sao để biết rõ dục?

Do sự khởi sanh của nhân duyên. Nếu không có nhân duyên thì không có sanh khởi.

Thưa Tu Bồ Đề! Người tu tịnh niệm biết rõ dục không có.

Tu Bồ Đề hỏi: Lại nữa, này Tộc Tánh Tử! Vì sao Bồ Tát phải tu tịnh niệm?

Thưa Tu Bồ Đề! Bồ Tát đối với hành mà tu các hạnh. Ðó là Bồ Tát tu tịnh hạnh vậy.

Thưa Tu Bồ Đề! Nếu có Bồ Tát hoàn toàn vì chúng sanh, mặc áo giáp đại đức, hóa độ đến Nê Hoàn, đó là Bồ Tát tu hạnh tịnh niệm.

Thưa Tu Bồ Đề! Bồ Tát ấy vì các Thanh Văn, Duyên Giác tùy thuận, thuyết pháp, nhưng không theo sự hóa độ. Ðó là Bồ Tát tu hạnh tịnh niệm.

Thưa Tu Bồ Đề! Lại nữa, Bồ Tát ấy tự mình vắng bặt các dục, làm cho dục của chúng sanh được thanh tịnh. Ðó gọi là Bồ Tát tu tịnh hạnh.

Lại nữa, Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Bồ Tát ấy tại nơi tịnh niệm mà thấy không tu. Lại đối với bất tịnh mà thấy tu tịnh. Ðó gọi là Bồ Tát tu tịnh hạnh.

Bấy giờ Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với Thái Tử của Long Vương cảm động rằng: Lại nữa, này Tộc Tánh Tử, thế nào là Bồ Tát đối với tịnh mà thấy không tu?

Với người không tu mà thấy tu niệm thanh tịnh?

Ðáp rằng: Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Người tu tịnh niệm là tu con mắt đối với sắc, lỗ tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị. Thân đối với cánh xúc tâm đối với pháp kiến sở thọ, thảy đều không tu, không đắm trước ba cỏi, gọi là Bồ Tát trụ, trụ nơi phương tiện thiện xảo, gọi đó là tu niệm. Bồ Tát làm hạnh này thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề, gọi là tu hạnh tịnh niệm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn khen ngợi Thái Tử rằng: Lành thay, Lành thay! Như lời Chánh Sĩ cảm động gã nói, tu sự thanh tịnh là như vậy. Ðó là Bồ Tát cần phải tu tịnh hạnh, Nay như lời Thái Tử đã nói, đều nhờ oai thần của Phật. Nếu có Bồ Tát tu hành như vậy, mới là hưng khởi hạnh của Đại Thừa. Nên biết những vị ấy có phổ trí kiên cố.

Khi ấy Thái Tử cảm động bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát được tâm vô dục, cần phải tự quy y Phật?

Ðức Phật bảo: Này Tộc Tánh Tử! Nếu có Bồ Tát biết rõ các pháp vô ngã, nhân, thọ, mạng, không sắc, không tưởng, cũng không pháp tướng, nến không đối với pháp tánh mà thấy Như Lai. Bồ Tát như vậy là tương ương với vô dục, tự quy y Phật.

Như pháp của Như Lai, ấy là pháp tánh, như pháp tánh ấy, là phổ biến cùng khắp. Nếu ai đật được pháp tánh ấy, thì biết các pháp. Ðó gọi là Bồ Tát nhờ tâm vô dục tương ưng với sự quy y Pháp.

Cái pháp tánh ấy, nó là vô tập, cái vô số ấy chính là Thanh Văn. Lại như Bồ Tát đều thấy vô số, ở nơi vô số mà không có vô số, nó cùng là bất nhị. Ðó gọi là Bồ Tát dùng tâm vô dục tương ưng với tự quy y chúng.

Khi Đức Phật nói lời ấy, Thái Tử cảm động được nhẫn nhu thuận. Những người đến dự hội, Chư Thiên Sắc Giới, Dục Giới, loài Rồng, người, nghe phẩm pháp này là hai vạn chúng, thảy đều pháp đạo ý Vô Thượng Chánh Chân.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần