Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM HAI PHÁP
PHẦN HAI
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Có những người ngu si
Luôn tạo ba hạnh ác
Không tạo ba hạnh lành
Dẫn đến sinh nhiều lỗi.
Người kia khi lâm chung
Nhất định sẽ lo buồn
Chết đọa các nẻo ác
Sinh trong chốn địa ngục.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Người nào thành tựu hai pháp thì lúc lâm chung không sinh lo buồn, sau khi qua đời thẳng lên nẻo thiện, sinh lên Cõi Trời. Hai pháp đó là làm và không làm.
Thế nào là làm?
Nghĩa là thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Đó là làm.
Thế nào là không làm?
Nghĩa là thân không làm việc ác, miệng không nói lời ác, ý không nghĩ điều ác. Đó gọi là không làm.
Người nào thành tựu hai pháp như đã nói thì lúc lâm chung không sinh lòng lo buồn, sau khi qua đời thẳng lên nẻo thiện, sinh lên Cõi Trời.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Những người có trí tuệ
Thường làm ba hạnh thiện
Không tạo ba hạnh ác
Dẫn đến đức phát sinh.
Khi thọ mạng sắp hết
Nhất định không lo buồn
Qua đời, lên nẻo thiện
Sinh ngay trong Cõi Trời.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai diệu trí nên tu tập và làm cho phát sinh, sẽ thường chứng đắc điều chưa chứng đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết Bàn.
Hai pháp đó là:
1.Pháp trí.
2. Loại trí.
Khi Pháp trí phát sinh thì không còn điên đảo, biết khắp rõ các pháp hữu vi. Đối với pháp hữu vi đã biết rõ khắp rồi thì làm cho người kia đối với nhân của đời sau không thể phát sinh cùng tăng trưởng rộng lớn.
Khi Loại trí phát sinh thì có thể như đoạn diệt vô minh. Diệt vô minh nên không còn hý luận. Không còn hý luận nên không tầm, từ.
Không tầm, từ nên không dục lạc. Không dục lạc nên không yêu ghét. Không yêu ghét nên không keo kiệt, ganh ghét. Không keo kiệt, ganh ghét nên không còn những việc cầm nắm dao gậy đánh đập, làm tổn hại và mắng nhiếc lẫn nhau.
Không nói những lời không chân thật, những lời ly gián nhau, những lời nhơ nhớp cùng vô lượng pháp ác, bất thiện khác. Do không có những pháp ác, bất thiện khác nên nghiệp đưa đến đời sau không tăng trưởng. Khi nghiệp đưa đến đời sau không tăng trưởng thì các nghiệp diệt tận. Các khổ diệt tận nên chấm dứt đường sinh tử.
Đường sinh tử đã chấm dứt thì tự thấu tỏ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Như vậy gọi là có hai Diệu trí phải tu tập làm cho phát sinh, sẽ thường chứng đắc điều chưa chứng đắc, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết Bàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Có hai loại diệu trí
Tu tập cho phát sinh
Chứng được đều chưa chứng
Là pháp trí, loại trí.
Khi pháp trí phát sinh
Biết khắp pháp hữu vi
Làm cho đời vị lai
Không tăng nhân tái sinh.
Khi loại trí phát sinh
Vô minh liền đoạn diệt
Do đấy sẽ lần lượt
Dứt sinh tử luân hồi.
Tự biết sinh đã dứt
Và phạm hạnh đã lập
Việc đáng làm đã làm
Không còn tái sinh nữa.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại diệu trí nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng, vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh, đạt cam lồ, chứng đắc Niết Bàn. Hai trí đó là trí thế gian và trí xuất thế gian.
Trí thế gian là đối với sắc uẩn có thể nhận biết đúng đắn đây là sắc uẩn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức uẩn cũng như vậy. Đối với địa giới có thể nhận biết đúng đắn đây là địa giới. Đối với thủy, hỏa, phong và không, thức giới cũng như vậy.
Đối với nhãn giới có thể nhận biết đúng đắn đây là nhãn giới. Đối với sắc giới và nhãn thức giới cũng vậy. Đối với nhĩ giới có thể nhận biết đúng đắn đây là nhĩ giới. Đối với thanh giới và nhĩ thức giới cũng như vậy.
Đối với tỷ giới có thể nhận biết đúng đắn đây là tỷ giới. Đối với hương giới và tỷ thức giới cũng như vậy. Đối với thiệt giới có thể nhận biết đúng đắn đây là thiệt giới. Đối với vị giới và thiệt thức giới cũng như vậy. Đối với thân giới có thể nhận biết đúng đắn đây là thân giới. Đối với xúc giới và thân thức giới cũng như vậy. Đối với ý giới có thể nhận biết đúng đắn đây là ý giới.
Đối với pháp giới và ý thức giới cũng như vậy. Trong các thế tục như vậy cũng nhận biết đúng như thật là như vậy, như vậy… với trí kiến nơi thông tuệ hiện quán và giác ngộ, tất cả chiếu soi cùng khắp thì gọi đó là trí thế gian.
Các Thánh đệ tử đối với trí thế gian đã nói này, nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ trí thế gian này ngay trong khi tu tập thí có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia thoát hẳn sinh không?
Có thể làm cho hữu tình bị pháp lão kia thoát hẳn lão không?
Pháp bệnh, tử, ưu sầu, khổ não, không an ổn cũng như vậy?
Sau khi xét kỹ rồi thì có thể nhận biết đúng đắn trí thế gian này ngay khi tu tập có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia thoát hẳn sinh, không thể làm cho hữu tình bị pháp lão kia thoát hẳn lão. Pháp bệnh, tử, sầu ưu, khổ não, không an ổn cũng như vậy.
Vì sao?
Vì Trí thế gian này không phải là pháp của Hiền Thánh, không thể thoát khỏi hẳn, không thể hướng đến Niết Bàn, không thể nhàm chán hẳn, lìa bỏ hẳn, diệt trừ hẳn, không thể hoàn toàn vắng lặng, không thể thông tuệ đích thực, không phải Chánh Đẳng Giác, không thể chứng Niết Bàn.
Vì đó là pháp đưa đến sinh, là pháp đưa đến lão, bệnh, tử, ưu sầu, khổ não không an ổn. Người kia đối với pháp như vậy nên suy xét, quán sát, lường tính kỹ, đối với pháp thế gian sinh ra tư tưởng sợ hãi. Đối với pháp xuất thế sinh ra tư tưởng an ổn.
Do đối với pháp thế gian sinh tưởng sợ hãi nên hoàn toàn không chấp thọ. Do không chấp thọ nên không khát ái. Không khát ái nên tự chứng Niết Bàn cứu cánh tận cùng bên trong.
Chứng Niết Bàn xong, tự nhận biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Đó gọi là đối với trí thế gian này nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ.
Trí xuất thế gian nghĩa là đối với tất cả uẩn xứ giới có thể nhận biết đúng đắn các pháp này là tánh vô thường, tánh khổ, tánh bệnh, tánh ung nhọt, tánh như mũi tên, tánh phiền não, tánh độc hại, tánh sợ hãi, tánh nhiệt não, tánh phá hoại, tánh tiêu diệt, tánh tai nạn, tánh ngang ngạnh, tánh bệnh tật, tánh hư huyễn, tánh ngụy tạo, tánh trống rỗng, tánh hư vọng, tánh không có thật ngã, tánh khó tin tưởng.
Đối với tánh các pháp như vậy cũng nhận biết đúng như thật là như vậy, như vậy. Với trí kiến, thông tuệ, hiện quán và giác ngộ, tất cả chiếu soi cùng khắp, thì gọi đó là trí xuất thế.
Các Thánh Đệ Tử đối với trí xuất thế đã nói này, nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ về trí xuất thế này ngay trong khi tu tập thì có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia có thể thoát hẳn sinh không?
Có thể làm cho hữu tình bị pháp lão kia có thể thoát hẳn lão không?
Pháp bệnh, tử, ưu sầu, khổ não, không yên ổn, cũng như vậy?
Sau khi xét kỹ rồi thì có thể nhận biết đúng đắn trí xuất thế này ngay trong khi tu tập, nhất định có thể làm cho hữu tình bị pháp sinh kia thoát hẳn sinh. Nhất định làm cho hữu tình bị pháp lão kia thoát hẳn lão, pháp bệnh, tử, ưu sầu, khổ não, không an ổn cũng như vậy.
Vì sao?
Vì Trí xuất thế này là pháp của Hiền Thánh, là có thể ra khỏi hẳn, là thẳng đến Niết Bàn, là nhàm chán hẳn, xa lìa hẳn, diệt trừ hẳn, hoàn toàn vắng lặng, là thông tuệ đích thực, là Chánh Đẳng Giác, có thể chứng Niết Bàn, không phải là pháp đưa đến sinh, lão, bệnh, tử, ưu sầu, khổ não không an ổn.
Người kia đối với pháp như vậy khi suy xét, lường tính quán sát kỹ, đối với pháp xuất thế sinh tưởng tôn quý, đối với pháp thế gian sinh tưởng thấp kém. Đối với pháp xuất thế sinh tưởng tôn quý nên sinh hoan hỷ. Do hoan hỷ nên tâm người đó an vui. Tâm an vui nên thân được nhẹ nhàng. Thân nhẹ nhàng nên cảm thọ sự hỷ lạc.
Cảm thọ hỷ lạc nên tâm được tịch định. Tâm tịch định nên tri kiến đúng đắn. Tri kiến đúng đắn nên càng nhàm chán chối từ. Càng nhàm chán, chối từ nên ngay khi ấy lìa tham dục. Lìa tham dục nên được giải thoát.
Được giải thoát nên tự nhận biết rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không con tái sinh nữa. Đó gọi là đối với trí xuất thế này nên suy nghĩ đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ.
Như vậy gọi là có hai loại diệu trí nên suy xét đúng đắn, nên lường tính kỹ, quán sát kỹ thì có thể đắc điều chưa đắc, thông điều chưa thông, chứng điều chưa chứng điều chưa chứng. Có thể vượt khỏi ưu sầu, diệt hết khổ não, hội nhập chánh lý, đạt cam lồ, chứng đắc Niết Bàn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Có hai loại diệu trí
Người trí nên suy xét
Là thế và xuất thế
Diệt trừ ngay các khổ.
Quán sát trí thế gian
Phát sinh tưởng sợ hãi
Hoàn toàn không chấp giữ
Lần lượt chứng Niết Bàn.
Quán sát trí xuất thế
Phát sinh tưởng tôn quý
Do đấy sinh hoan hỷ
Liền được thân khinh an.
Khinh an nên hỷ lạc
Hỷ lạc nên tâm định
Do tâm được tịch định
Liền phát sinh giác chi.
Giác chi quán Thánh Đế
Lược nghi được trừ diệt
Không nghi, không chấp giữ
Thoát hẳn cảnh giới khổ.
Bài kệ tóm tắt phần Kinh Bản Sự ở trước:
Hai căn, hai tiêu não
Hai hạnh, hai giới, kiến
Hai làm và chẳng làm
Hai trí có hai loại.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô nào vì muốn dối gạt các chúng sinh vì cầu danh tiếng, phóng đại chỗ hiểu biết của mình, cầu lợi dưỡng và sự cung kính mà xuất gia thì Bí Sô ấy không được gọi là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh. Bí Sô nào mà thông đạt, vì biết khắp mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh.
Vì sao?
Vì các Bí Sô này do thông đạt, biết khắp nếu sau khi xuất gia tức có thể thông tỏ đúng như thật về chỗ thông đạt, nhận biết về chỗ biết khắp. Đã có thể thông tỏ đúng như thật về chỗ thông đạt, nhận biết về chỗ biết khắp thì có thể đoạn trừ đúng như thật về chỗ nên đoạn trừ, tu chỗ nên tu, chứng pháp nên chứng.
Đã có thể đoạn, tu và chứng đúng như thật rồi thì tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Thế nên người nào đã thông đạt, biết khắp mà xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai mà tu hành phạm hạnh.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Vì danh tiếng dối gạt
Lợi dưỡng và cung kính
Chẳng phải chân phạm hạnh
Là xuất gia giả dối.
Vì thông đạt, biết khắp
Mau chứng đắc tối thượng
Tu phạm hạnh chân thật
Là xuất gia chân thật.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô nào vì muốn dối gạt các chúng sinh, vì cầu danh tiếng, phóng đại chỗ hiểu biết của mình, vì cầu lợi dưỡng mà cung kính xuất gia, thì Bí Sô đó không được gọi là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hanh phạm hạnh. Bí Sô nào vì luật nghi, vì chánh đoạn mà xuất gia, thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh.
Vì sao?
Vì các Bí Sô này do luật nghi, do chánh đoạn mà xuất gia, nên sau khi xuất gia xong, có thể giữ gìn đúng như thật về sáu căn, không phá hủy giới cấm mau chóng chứng đắc chánh đoạn tối thượng. Đã có thể giữ gìn đúng như thật về sáu căn, phá hủy giới cấm và mau chứng đắc chánh đoạn vô thượng thì lập tức có thể đoạn trừ đúng như thật điều nên đoạn trừ, tu điều nên tu, chứng điều nên chứng.
Đã có thể đoạn, tu, chứng rồi thì tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Thế nên, Bí Sô nào vì luật nghi, vì chánh đoạn mà xuất gia thì gọi đó là xuất gia chân thật, ở trong giáo pháp của Như Lai tu hành phạm hạnh.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Vì danh tiếng dối trá
Lợi dưỡng và cung kính
Chẳng phải chân phạm hạnh
Là xuất gia giả dối
Vì luật nghi, chánh đoạn
Mau chứng đắc tối thượng
Tu phạm hạnh chân thật
Là xuất gia chân thật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba