Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM HAI PHÁP
PHẦN TÁM
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Các Bí Sô hữu học
Lược có ba năng lực
Lựa chọn và tu tập
Dẹp trừ quân ma ác.
Thấy lỗi xấu nên đoạn
Biết diệu đức nên tu
Nhẫn nhục và tư duy
Gọi năng lực lựa chọn.
Y chỉ, chán, lìa, diệt
Và hồi hướng về xả
Để tu bảy giác chi
Gọi năng lực tu tập.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Do hai loại pháp diệt hết, nên chết.
Hai pháp đó là:
1. Nghiệp hiện tại.
2. Tuổi thọ.
Do nghiệp hiện tại chấm dứt và do tuổi thọ chấm dứt nên quyết định chết.
Khi nào nghiệp hiện tại còn, khi ấy tuổi thọ còn. Khi nào tuổi thọ còn, khi ấy nghiệp còn.
Vì sao?
Vì hai pháp này luôn luôn hòa hợp nhau, không lúc nào là không hòa hợp.
Hai pháp này không thể sắp đặt, phân tích, tách rời cho rằng: Hiện tại có nghiệp, lúc khác có thọ, hiện tại có thọ, lúc khác có nghiệp. Nếu nghiệp thì có thọ, nếu thọ thì có nghiệp. Nếu không có nghiệp thì không có thọ, nếu không có thọ thì không có nghiệp. Giống như đốt đèn thì có ngọn lửa và phát ra ánh sáng.
Nếu có ngọn lửa thì có ánh sáng, nếu có ánh sáng thì có ngọn lửa. Nếu không có ngọn lửa thì không có ánh sáng, nếu không có ánh sáng thì không có ngọn lửa.
Nghiệp và thọ cũng như vậy, nếu có tuổi thọ thì có nghiệp. Nếu không có nghiệp thì không có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có nghiệp. Hai pháp này diệt hết thì liền chết.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Hai phát thường theo nhau
Là nghiệp cùng với thọ
Nghiệp có, thọ cũng có
Nghiệp không thọ cũng không.
Nghiệp thọ chưa tiêu mất
Hữu tình chưa thể chết
Nghiệp, thọ nếu diệt tận
Hàm thức sẽ chết ngay.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại hành, chúng sinh ở thế gian cùng nhau tạo tác.
Hai hành đó là:
1. Hành đưa đến chết yểu.
2. Hành đưa đến trường thọ.
Thế nào là hành đưa đến chết yểu?
Nghĩa là có hạng người vì tánh hung bạo, thường ưa sát sinh, sát hại mạng sống các loài vật, thường làm việc sát hại các chúng sinh, không xót thương, hổ thẹn, thường làm việc giết hại các chúng sinh, cho đến giẫm đạp, sát hại các loài trùng kiến. Đó gọi là hành đưa đến chết yểu.
Thế nào là hành đưa đến trường thọ?
Nghĩa là có hạng người xa lìa việc sát sinh, vứt bỏ dụng cụ sát sinh, thương xót, hổ thẹn, thường làm việc giết hại chúng sinh, cho đến giẫm đạp, sát hại các loài trùng kiến. Đó gọi là hành đưa đến trường thọ.
Như vậy gọi là có hai loại hành chúng sinh trong thế gian cùng nhau tạo tác.
Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Hữu tình trong thế gian
Lược có hai loại hành
Do hai hành sai biệt
Mạng sống có dài ngắn.
Thường ưa việc sát sinh
Hung bạo tay vấy máu
Không xót thương, hổ thẹn
Chắc chắn bị chết yểu.
Thường ưa lìa sát sinh
Vứt bỏ các sát cụ
Hổ thẹn và thương xót
Nhất định được trường thọ.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Do hai hành tướng, nên tâm mới chấp giữ tướng.
Hai hành tướng đó là:
1. Hành tướng của đối tượng được duyên.
2. Hành tướng tác ý.
Tất cả những tướng gì mà tâm đã chấp thủ, đang chấp thủ, sẽ chấp thủ, đều do hai loại hành tướng này.
Bí Sô các ông do hai hành tướng này nên cần phải chánh tinh tấn để nắm rõ được hoàn toàn tướng của tâm. Nắm rõ được hoàn toàn tướng của tâm rồi, nên tác ý đúng tướng của tâm.
Tác ý đúng tướng của tâm rồi nên quán sát trọn vẹn. Quán sát trọn vẹn rồi nên an trụ hoàn toàn. An trụ hoàn toàn rồi nên giống như địa giới, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu xót. Nên giống như thủy giới, hỏa giới, phong giới, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu sót.
Bí Sô nên biết! Ví như địa giới, nếu trong đó vứt bỏ đầy các loại phẩn uế, mũi dãi, máu mủ. Các vậy tịnh và bất tịnh tuy vứt đầy trong đó như vậy, nhưng địa giới chưa từng tỏ ra vui buồn, thuận nghịch, cao hay thấp.
Nên giống như địa giới an tâm như vậy, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu sót. Đã giống như địa giới chánh tinh tấn tu tập cùng khắp, không thiếu sót, tuy gặp vô số các duyên thuận nghịch nhưng tâm không phân biệt, tính toán, so đo. Hoàn toàn không do nhân duyên sai biệt ấy mà tâm thành cao hay thấp.
Lại như thủy giới, hỏa giới, phong giới nếu trong đó vứt bỏ đầy các loại phẩn uế, mũi dãi, máu mủ, các vậy tịnh và bất tịnh tuy vứt đầy trong đó như vậy nhưng thủy giới, hỏa giới, phong giới chưa từng tỏ ra vui buồn, thuận nghịch cao hay thấp.
An tâm như thì đồng như nơi thủy giới, hỏa giới, phong giới, chánh tinh tấn tu tập cùng khắp không thiếu sót, tuy gặp vô số các duyên thuận nghịch nhưng tâm hoàn toàn không phân biệt, tính toán, so đo.
Tâm hoàn toàn không do nhân duyên sai biệt này mà trở thành cao hay thấp. Do định này mà đối với thân thể có nhận thức này và trong tất cả những tướng của đối tượng được duyên bên ngoài chấp lấy ngã, ngã sở. Kiến chấp về mạn, phiền não, được điều phục và trừ diệt hoàn toàn. Đối với hai loại kia, tâm vượt khỏi hẳn, lìa tất cả tướng tịch tĩnh, an ổn, hoàn toàn giải thoát.
Đối với sở đắc, danh vang, tiếng khen, sự vui thích, tâm không vui mừng hơn. Đối với cái khổ bị suy kém, hủy nhục, chê bai, tâm người đó cũng không buồn rầu. Đó gọi là vượt qua tám pháp của thế gian. Tâm người đó bình đẳng, giống như đất, nước, lửa, gió ở thế gian, tám pháp thế gian không thể làm cho cấu nhiễm.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Tâm thô động khó điều
Mau lẹ không gì bằng
Chánh tinh tấn, giữ tướng
Là sáng suốt ở đời.
Khéo giữ tướng tâm rồi
Lại tác ý quán sát
Chánh niệm, trụ nơi tâm
Siêng tu, đồng bốn giới.
An trụ đúng như vậy
Vứt bỏ hết các dục
Đối tám pháp thế gian
Hoàn toàn không cấu nhiễm.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại pháp, tuy chống trái nhau, chưa từng hòa hợp, nhưng trong đó không hề thiếu sót, gián đoạn. Hai pháp đó là sinh và tử.
Ví như bóng tối và ánh sáng ở thế gian, tuy trái ngược nhau, chưa từng hòa hợp, nhưng ngay trong đó không thiếu, không gián đoạn. Khi ánh sáng phát sinh thì bóng tối ẩn mất.
Khi bóng tối xuất hiện thì ánh sáng liền lui. Sinh và tử cũng như vậy, chúng thường trái chống nhau chưa từng hòa hợp, nhưng ngay trong đó không thiếu sót, gián đoạn. Khi pháp sinh xuất hiện thì pháp tử ẩn mất. Khi pháp tử xuất hiện thì pháp sinh ẩn mất.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Như ánh sáng, bóng tối
Luôn luôn trái nghịch nhau
Nhưng giữa hai pháp ấy
Chưa từng có gián đoạn.
Sinh tử cũng như vậy
Tuy thường cùng trái nhau
Nhưng giữa hai pháp ấy
Chưa từng có gián đoạn.
Sinh tử gốc vô minh
Thấm ướt do nước ái
Nên sinh tử tiếp nối
Không lúc nào gián đoạn.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai trường hợp chết.
Đó là:
1. Chết không điều phục.
2. Chết có điều phục.
Thế nào là chết không điều phục?
Nghĩa là các hạng phàm phu ngu tối, không hiểu biết, chưa được gần gũi các bậc Thiện sĩ chánh kiến, chưa nhận biết rõ pháp của các bậc thiện sĩ, đối với pháp ấy chưa tự điều thuận.
Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Sắc tức là ngã, sắc thuộc về ngã, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc.
Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Thọ tức là ngã, thọ thuộc về ngã, thọ ở trong ngã, ngã ở trong thọ.
Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Tưởng tức là ngã, tưởng thuộc về ngã, tưởng ở trong ngã, ngã ở trong tưởng.
Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Hành tức là ngã, hành thuộc về ngã, hành ở trong ngã, ngã ở trong hành.
Người đó tùy theo nhận thức, cho rằng: Thức tức là ngã, thức thuộc về ngã, thức ở trong ngã, ngã ở trong thức. Mắt thấy sắc xong, chấp thủ tướng đó, chấp thủ theo cái đẹp, do nhân duyên ấy.
Ngay nơi nhãn căn của người đó không thể chánh niệm, phòng giữ, tự chủ được, nên khởi lên sự tham ưu, nên có vô lượng pháp ác bất thiện theo tâm tuôn ra, không thể ngăn chận. Ngay nơi nhãn căn của người đó không thể phòng giữ, buông thả nhãn căn đi đến các cảnh giới. Tham đắm vị ngọt của sắc, tâm họ bị trói buộc quấy nhiễu.
Vì sự tham đắm này nên họ chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ bến, tăng thêm nhiều thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông, quạnh quẽ, qua lại vô lượng lần trong các nẻo Địa Ngục, Bàng Sinh, Ngạ Quỷ, trong các nẻo Trời, Người, A Tu La, chịu khổ dữ dội, đều do nhãn căn không được điều phục. Hoặc khi tai nghe tiếng xong, mũi ngửi hương xong, lưỡi nếm vị xong, thân xúc giác xong, ý biết pháp xong, chấp giữ nơi tướng đó, chấp giữ cái đẹp.
Do nhân này, ý căn của người đó không thể chánh niệm, phòng hộ, tự chủ, nên phát sinh tham ưu, liền có vô lượng pháp ác bất thiện theo tâm tuôn ra không thể ngăn chận. Ngay nơi ý căn của người đó không thể phòng giữ, buông thả ý căn đến các cảnh giới. Tham đắm vị ngọt của pháp, tâm người đó bị trói buộc quấy nhiễu.
Do tham này nên chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ, tăng thêm nhiều thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông hiu quạnh. Qua lại vô lượng lần sinh trong cõi Địa Ngục, Bàng Sinh, Ngạ Quỷ, trong các nẻo Trời, Người, A Tu La, chịu các khổ kịch liệt… đều do ý căn không được điều phục, nên gọi đó là cái chết chưa được điều phục.
Thế nào là cái chết đã được điều phục?
Nghĩa là các đệ tử đa văn của Hiền Thánh đã gần gũi các bậc thiện sĩ chánh kiến, đã nhận biết pháp của bậc thiện sĩ, đối với pháp của bậc ấy đã tự điều thuận, không tùy thuận theo nhận thức: Sắc tức là ngã, sắc thuộc về ngã, sắc ở trong ngã, ngã ở trong sắc.
Không tùy thuận theo nhận thức: Thọ tức là ngã, thọ thuộc về ngã, thọ ở trong ngã, ngã ở trong thọ.
Không tùy thuận theo nhận thức: Tưởng tức là ngã, tưởng thuộc về ngã, tưởng ở trong ngã, ngã ở trong tưởng.
Không tùy thuận theo nhận thức: Hành tức là ngã, hành thuộc về ngã, hành ở trong ngã, ngã ở trong hành.
Không tùy thuận theo nhận thức: Thức tức là ngã, thức thuộc về ngã, thức ở trong ngã, ngã ở trong thức. Mắt thấy sắc xong, không chắp giữ tướng đó, không chạy theo cái đẹp, do nhân duyên ấy, ngay nơi nhãn căn của người đó chánh niệm hoàn toàn.
Phòng hộ tự chủ nên không sinh tham ưu vô lượng các pháp ác, bất thiện theo tâm tuôn chảy đều có thể ngăn chận không cho theo tâm hiện bày. Nhãn căn của người đó được phòng giữ hoàn toàn, không buông thả đi đến các cảnh giới, không tham vị ngọt của sắc trói buộc, quấy nhiễu tâm.
Không do sự tham này mà chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ, tăng thêm thân bị đâm chảy máu, tăng thêm nẻo đường mênh mông, hiu quạnh, không còn qua lại sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, trong các nẻo Trời, Người, A Tu La, chịu khổ kịch liệt… đều do nhãn căn đã được điều phục hoàn toàn.
Lúc như vậy, tai nghe tiếng xong, mũi ngửi hương xong, lưỡi nếm vị xong, thân xúc chạm xong, ý biết pháp xong, không chấp chặt tướng đó, không chạy theo cái đẹp đó. Do nhân duyên này, ngay nơi ý căn của người đó, chánh niệm hoàn toàn, phòng hộ tự chủ, nên không sinh tham ưu.
Có vô lượng pháp ác, bất thiện theo tâm chảy ra đều bị ngăn chận, ngay nơi ý căn của người đó chánh niệm được phòng giữ hoàn toàn, không buông thả ý căn đi đến các cảnh giới, không tham vị ngọt của pháp, trói buộc, quấy nhiễu tâm họ, không do việc tham này mà chịu khổ lâu dài, chịu khổ mãnh liệt, chịu khổ vô bờ, tăng thêm thân bị đâm chảy máu.
Tăng thêm nẻo đường mênh mông quạnh quẽ, không còn qua lại sinh trong cõi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, trong các nẻo Trời, Người, A Tu La, chịu các khổ kịch liệt… đều do ý căn được điều phục hoàn toàn. Như vậy gọi là cái chết có điều phục.
Bí Sô nên biết! Người chết không được điều phục, chìm đắm trong vô lượng biển khổ sinh tử. Còn người chết có điều phục sẽ vượt qua vô lượng biển khổ sinh tử. Đó gọi là hai cái chết.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này và nói kệ:
Lược nêu các hữu tình
Có hai loại pháp chết
Điều phục, không điều phục
Hoàn toàn không có ba.
Chết mà không điều phục
Quyết định vào các nẻo
Chịu các khổ luân hồi
Qua lại vô lượng lần.
Người chết đã điều phục
Không đọa trong nẻo ác
Ngay trong Cõi Trời, Người
Dứt sạch hết các khổ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba