Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI MỘT  

Này Mãn Từ Tử! Chúng sanh siết chặt lẫn nhau với niệm yêu thương. Do họ chẳng thể rời yêu thương nên cha mẹ con cháu hỗ tương sanh ra chẳng đoạn tuyệt ở thế gian. Căn gốc của những việc này chính là ái dục.

Do bởi yêu thương và tham muốn càng thêm lớn nên sự khao khát chẳng thể đình chỉ. Cho nên tất cả chúng sanh ở thế gian, hoặc sanh từ trứng, sanh từ biến hóa, sanh từ ẩm ướt, hay sanh từ bào thai, tùy vào sức mạnh yếu mà lần lượt ăn nuốt lẫn nhau. Căn gốc của những việc này chính là giết hại.

Giả sử có người giết dê để ăn thịt. Sau khi chết, con dê sẽ sanh làm người. Còn kẻ sát sanh kia sẽ sanh làm dê. Như vậy cho đến mười loại chúng sanh, họ ăn nuốt lẫn nhau ở trong vòng sanh tử và nghiệp ác cùng khởi sanh cho đến hết biên tế của vị lai. Căn gốc của những việc này chính là trộm cắp.

Giả sử anh nợ tôi một mạng. Tôi tất sẽ muốn đòi mạng của anh. Bởi nhân duyên ấy nên chúng sanh phải trải qua trăm ngàn kiếp sanh tử.

Giả sử bạn thương yêu tâm tánh của tôi, hoặc tôi nhung nhớ sắc đẹp của bạn. Bởi nhân duyên ấy nên chúng sanh luôn bị siết trói đến suốt trăm ngàn kiếp.

Căn gốc của tất cả những việc này chính là giết hại, trộm cắp, và ái dục. Bởi nhân duyên ấy nên nghiệp quả tương tục mãi chẳng ngừng.

Này Mãn Từ Tử! Ba loại điên đảo tương tục này đều là do bởi thêm sự hiểu biết vào bổn giác minh liễu. Nhân bởi thêm vào sự hiểu biết nên cái thấy sai lầm khởi sanh. Kể từ đó, sơn hà đại địa và tất cả tướng hữu vi đều lần lượt đổi dời. Nhân bởi sự hư vọng đó nên khi vừa kết thúc rồi lại bắt đầu nối tiếp.

Ngài Mãn Từ Tử bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu diệu giác này vốn là tuệ giác vi diệu trong sáng và tâm của Như Lai không tăng không giảm, thế thì tại sao vô cớ hốt nhiên sanh ra sơn hà đại địa và tất cả tướng hữu vi?

Như bây giờ Như Lai đã chứng đắc diệu không minh giác, vậy sơn hà đại địa và tập lậu hữu vi sẽ còn khởi sanh chăng?

Phật bảo Ngài Mãn Từ Tử: Ví như có người bị lạc trong một làng nọ và chẳng biết đâu là hướng nam hay hướng bắc.

Người ấy lạc mất phương hướng là do si mê hay là do giác ngộ?

Ngài Mãn Từ Tử thưa rằng: Người lạc đường ấy chẳng phải do si mê và cũng chẳng phải do giác ngộ.

Vì sao thế?

Bởi si mê vốn chẳng có căn gốc.

Thế thì làm sao nó là nguyên nhân của lạc đường?

Giác ngộ tất không sanh si mê.

Thế thì làm sao nó là nguyên nhân của lạc đường?

Đức Phật bảo: Giả sử đương lúc bị lạc, kẻ lạc đường kia bỗng nhiên gặp một người biết đường và được người ấy chỉ cho biết phương hướng.

Này Mãn Từ Tử! Ý ông nghĩ sao?

Lúc trước người ấy đã lạc ở trong làng này, vậy bây giờ người ấy có còn bị lạc nữa chăng?

Dạ không, thưa Thế Tôn!

Này Mãn Từ Tử! Chư Như Lai khắp mười phương thì cũng lại như vậy. Si mê vốn chẳng có căn gốc. Tánh của nó cứu cánh rỗng không. Xưa nay vốn chẳng mê. Nó chỉ tựa như có mê và giác. Một khi giác ngộ từ si mê thì nó liền diệt mất và từ giác ngộ sẽ không còn khởi sanh si mê nữa.

Lại cũng như người bị nhặm nên thấy hoa đốm giữa hư không. Nếu mắt hết nhặm thì hoa đốm liền diệt mất. Giả sử kẻ kia ngu si đến nỗi cứ nhìn ở chỗ hoa đốm biến mất và mong thấy chúng xuất hiện.

Ông sẽ cho kẻ đó là ngu si hay trí tuệ?

Ngài Mãn Từ Tử thưa rằng: Vốn chẳng có hoa ở trong hư không. Do cái thấy hư vọng sanh diệt nên thấy có hoa xuất hiện hay diệt mất ở trong hư không.

Vốn đã là điên đảo mà còn muốn chúng xuất hiện nữa, đây quả thật ngu si điên cuồng?

Làm sao có thể gọi kẻ điên cuồng như thế chỉ là ngu si, huống nữa là có trí tuệ ư?

Đức Phật bảo: Như ông đã hiểu điều đó, vậy tại sao còn hỏi rằng, khi Chư Phật Như Lai đã chứng diệu giác minh không thì sơn hà đại địa sẽ còn khởi sanh nữa chăng?

Lại như quặng mỏ vàng. Quặng mỏ có vàng lẫn lộn với tạp chất. Một khi được nung lọc để thành vàng ròng thì nó sẽ không trở thành như xưa nữa.

Lại như khúc gỗ một khi đã bị đốt thành tro thì nó sẽ không còn trở thành khúc gỗ được nữa.

Đạo tịch diệt của Chư Phật Như Lai thì cũng lại như vậy.

Này Mãn Từ Tử! Ông đã hỏi rằng, nếu bổn tánh của đất nước gió lửa hoàn toàn dung hòa lẫn nhau và trùm khắp pháp giới, thế thì tại sao yếu tố của nước và lửa lại không hủy diệt lẫn nhau?

Ông cũng hỏi rằng, tại sao yếu tố của hư không và đất trùm khắp pháp giới nhưng lại chẳng dung hợp với nhau?

Này Mãn Từ Tử! Ví như thể của hư không chẳng có hình tướng nhưng nó không cản ngăn mọi tướng khác phát huy ở trong nó.

Vì sao thế, Mãn Từ Tử?

Bầu Trời bao la kia sẽ sáng khi mặt trời chiếu soi. Nó sẽ tối khi mây bao phủ. Ở trong nó sẽ có dao động khi gió thổi. Nó sẽ trong thanh khi mưa tạnh. Nó sẽ ô trược khi không khí ngưng đọng. Nó sẽ mù mịt khi gió thổi cuốn bụi. Nó sẽ phản chiếu khi nước lắng trong.

Ý ông nghĩ sao?

Các tướng hữu vi đặc thù như thế là nhân bởi kia sanh hay là có từ hư không?

Này Mãn Từ Tử! Giả sử những hiện tượng kia sanh ra từ hoàn cảnh.

Vậy khi mặt trời chiếu soi, có phải ánh sáng ở trong không sanh ra là do bởi mặt trời chiếu sáng chăng?

Nếu là thế thì mặt trời sẽ ở khắp các Thế Giới trong mười phương.

Tại sao chúng ta chỉ thấy một mặt trời hình tròn ở giữa không trung?

Ngược lại, nếu ánh sáng của bầu Trời đến từ hư không thì lẽ ra tất cả hư không sẽ tự chiếu.

Tại sao nó không tỏa sáng rực rỡ ở giữa đêm, hoặc khi có mây hay sương mù?

Cho nên phải biết rằng, ánh sáng này chẳng do mặt trời hay hư không, nhưng nó cũng không thể có nếu chẳng có mặt trời và hư không.

Chân diệu giác minh thì cũng lại như vậy. Nếu ai phát khởi rằng có hư không ở trong tâm thì hư không sẽ hiện ở trong diệu giác. Đất nước gió lửa, mỗi thứ đều hiện ở trong diệu giác nếu ai phát khởi chúng. Giả như phát khởi tất cả thì chúng cũng đều hiện ra.

Làm sao mà chúng đều có thể hiện ra?

Này Mãn Từ Tử! Việc đó ví như ánh phản chiếu của mặt trời ở trong một vùng nước. Khi hai người cùng nhìn xem ánh phản chiếu đều rời khỏi, người đi về hướng đông và kẻ đi về hướng tây, mỗi người sẽ thấy ánh phản chiếu của mặt trời di chuyển theo họ. Do ánh phản chiếu di chuyển về hướng đông và cũng di chuyển về hướng tây nên nó vốn chẳng có vị trí cố định.

Chớ nên một mực hỏi rằng, làm sao chỉ một ánh phản chiếu của mặt trời mà có thể đi mỗi ngã?

Hoặc làm sao hai ánh phản chiếu mà hiện ra chỉ một?

Đó là bởi chúng là hư vọng quanh co và chẳng thể có căn cứ.

Ông hãy quán sát các tướng trạng này vốn là hư vọng. Bởi vậy nên không thể nào chỉ ra chúng. Nếu cứ khăng khăng đi tìm thì sẽ như cầu mong hoa đốm giữa hư không sẽ kết trái.

Thế thì làm sao ông có thể hỏi về việc các yếu tố có hủy diệt lẫn nhau hay không chứ?

Ông hãy quán sát rằng, tánh bổn nguyên chân thật của chúng chính là diệu giác minh tâm, là tuệ giác trong sáng nhiệm mầu. Nước, lửa và những yếu tố khác vốn không hề có.

Vậy sao ông còn hỏi về việc chúng làm sao có thể tồn tại lẫn nhau?

Này Mãn Từ Tử! Ông cho rằng hình sắc và hư không xâm đoạt lẫn nhau ở trong Như Lai tạng. Nhưng ở trong Như Lai tạng, hình sắc và hư không trùm khắp Pháp Giới. Cho nên sự chuyển động của gió, sự tĩnh lặng của hư không, mặt trời chiếu sáng hay mây u ám, đều hiện ở trong Như Lai tạng. Tuy nhiên, do chúng sanh mê muội nên quay lưng với giác ngộ mà hợp chung với trần lao. Do đó phát khởi các pháp hữu vi của thế gian.

Với diệu minh không sanh không diệt, ta đồng với Như Lai tạng. Như Lai tạng là diệu giác minh liễu và chiếu khắp Pháp Giới. Cho nên ở trong đó, một là vô lượng, vô lượng là một, và lớn hiện ra ở trong nhỏ, như nhỏ hiện ra ở trong lớn.

Ta ngồi bất động ở Đạo Tràng và Pháp Thân của Như Lai bao trùm vô tận hư không khắp mười phương. Chỉ ở trên một đầu sợi lông cũng có thể hiện ra Phật độ trang nghiêm. Rồi ngồi ở trong mỗi vi trần, Như Lai chuyển đại Pháp luân. Do Ta đã diệt trừ trần lao và hợp nhất với giác ngộ nên mới chứng diệu giác minh tánh của chân như.

Vì vậy Như Lai tạng, là tâm nhiệm mầu viên mãn bổn nguyên: Chẳng phải tâm phân biệt, chẳng phải hư không, chẳng phải đất, chẳng phải nước, chẳng phải gió, chẳng phải lửa, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi thân ý, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng phải thức của mắt và cho đến thức của ý. Nó chẳng phải sự hiểu biết, chẳng phải vô minh, và cũng chẳng phải hết vô minh. Cho đến nó chẳng phải già, chẳng phải chết, và cũng chẳng phải hết già chết.

Nó chẳng phải khổ, chẳng phải tập, chẳng phải diệt, chẳng phải Đạo, chẳng phải trí, chẳng phải chứng đắc, chẳng phải bố thí, chẳng phải trì giới, chẳng phải nhẫn nhục, chẳng phải tinh tấn, chẳng phải thiền định, chẳng phải trí tuệ, và các pháp đến bờ kia.

Như vậy cho đến chẳng phải Như Lai, chẳng phải Ứng Cúng, chẳng phải Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng phải đại tịch diệt, chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, và chẳng phải tịnh. Nó đều chẳng phải những thứ ấy, dù là Pháp xuất thế hay pháp thế gian. Tất cả những thứ ấy đều không phải là Như Lai tạng, là tâm nhiệm mầu minh liễu bổn nguyên.

Tuy nhiên Như Lai tạng cũng chính là tâm phân biệt, là hư không, là đất, là nước, là gió, là lửa, là mắt tai mũi lưỡi thân ý, là sắc thanh hương vị xúc pháp, là thức của mắt và cho đến thức của ý. Nó là sự hiểu biết, là vô minh, và cũng là hết vô minh. Cho đến nó là già, là chết, và cũng là hết già chết.

Nó là khổ, là tập, là diệt, là đạo, là trí, là chứng đắc, là bố thí, là trì giới, là nhẫn nhục, là tinh tấn, là thiền định, là trí tuệ, và các pháp đến bờ kia. Như vậy cho đến là Như Lai, là Ứng Cúng, là Chánh Đẳng Chánh Giác, là đại tịch diệt, là thường, là lạc, là ngã, và là tịnh. Nó đều là những thứ ấy, dù là Pháp xuất thế hay pháp thế gian. Tất cả những thứ ấy đều chính là Như Lai tạng, là tâm nhiệm mầu minh liễu bổn nguyên.

Như Lai tạng lìa khỏi phải hay chẳng phải, nhưng nó cũng là phải và chẳng phải.

Làm sao chúng sanh ở trong ba cõi với tâm phân biệt của họ, cho đến hàng Thanh Văn và bậc Duyên Giác đã vượt khỏi thế gian, mà có thể suy lường đạo vô thượng của Như Lai?

Làm sao mà có thể dùng ngôn ngữ của thế gian để vào tri kiến của Phật chứ?

Ví như đàn cầm, đàn hạc, và đàn Tỳ Bà. Tuy chúng có âm thanh tuyệt vời, nhưng nếu chẳng có những ngón tay khéo léo thì chúng sẽ không bao giờ có thể phát ra tiếng đó. Ông và chúng sanh thì cũng lại như vậy. Trong mỗi người đều viên mãn bảo giác chân tâm.

Như khi Ta đưa các ngón tay lên để bắt ấn, thì ánh sáng của Hải Ấn Chánh Định phóng ra. Một khi ông vừa khởi tâm thì trần lao đã khởi sanh trước. Đó là do ông chẳng tinh cần tìm con đường đến tuệ giác vô thượng mà chỉ yêu nhớ Tiểu Thừa và khi được một chút mà cho là đủ.

Ngài Mãn Từ Tử thưa rằng: Con cùng Như Lai đều giống nhau và đầy đủ bảo giác viên minh với chân tâm thanh tịnh nhiệm mầu. Tuy nhiên, con từ vô thỉ xa xưa đã vướng mắc vọng tưởng nên khiến con phải ở rất lâu trong luân hồi. Mặc dù con nay đã trở thành Bậc Thánh, nhưng sự giác ngộ của con vẫn chưa viên mãn. Còn riêng Thế Tôn thì đã diệt trừ mọi vọng niệm và chỉ còn diệu giác chân thật thường hằng.

Con tha thiết xin dám hỏi Như Lai, do bởi nhân gì mà tất cả chúng sanh lại có hư vọng?

Nó che lấp diệu minh của họ và khiến họ trầm luân trong sanh tử.

Phật bảo Ngài Mãn Từ Tử: Tuy ông đã diệt trừ hoài nghi và lậu hoặc thô kệch, nhưng hoài nghi và lậu hoặc vi tế thì vẫn chưa đoạn hết. Ta nay sẽ dùng các việc hiện tại của thế gian để hỏi ông.

Ông há chẳng nghe về câu chuyện của một người tên là Từ Thọ ở trong thành Phong Đức hay sao?

Vào một buổi sáng sớm nọ, anh ta lấy gương soi mặt và say đắm khuôn mặt của mình khi nhìn thấy con mắt và lông mi ở trong gương. Rồi anh ta nổi sân và quở trách cái đầu của mình đã không thấy chúng. Anh ta cho rằng mình đã trở thành yêu tinh, rồi điên cuồng một cách vô cớ và bỏ chạy ra ngoài.

Ý ông nghĩ sao?

Do nhân gì mà kẻ này điên cuồng một cách vô cớ và bỏ chạy ra ngoài?

Ngài Mãn Từ Tử thưa rằng: Tâm của kẻ này cuồng loạn chứ không phải nguyên nhân nào khác.

Đức Phật bảo: Tuệ giác vi diệu trong sáng là viên mãn. Nó vốn nhiệm mầu minh liễu viên dung.

Làm sao có nhân gì để gọi nó là vọng tưởng?

Và dù có nhân gì đi nữa thì làm sao gọi nó là vọng tưởng?

Những vọng tưởng của ông tự triển chuyển làm nhân lẫn nhau. Từ si mê chồng chất thêm si mê và trải qua số kiếp nhiều như vi trần. Mặc dù Phật đã khai thị và chỉ rõ, nhưng cũng không thể đảo ngược lại cho ông.

Từ nhân của si mê như thế nên nhân của si mê vẫn tự có. Ông phải thấu hiểu rằng, si mê chẳng có nhân và vọng tưởng không có chỗ nương.

Chúng còn không có chỗ sanh ra, vậy thì ông còn muốn diệt trừ để làm gì?

Những ai đắc Đạo thì ví như người đã tỉnh giấc và kể lại những chuyện trong mộng. Cho dù bây giờ tâm của người ấy rất sáng suốt, nhưng làm sao người ấy có thể lấy những đồ vật trong mộng chứ. Huống nữa nhân của si mê vốn không chỗ có.

Ví như gã Từ Thọ ở trong thành kia.

Sao lại có nhân duyên gì để khiến anh ta hoảng sợ mà bỏ chạy chứ?

Giả sử sự điên cuồng của y bỗng nhiên dừng nghỉ thì đầu của anh ta cũng không thể có được từ bên ngoài.

Cho dù sự điên cuồng của anh ta vẫn chưa dừng nghỉ thì đầu của y sao lại có thể biến mất chứ?

Này Mãn Từ Tử! Tánh của hư vọng cũng lại như thế.

Nhân của nó ở đâu?

Ông chỉ cần không chạy theo sự phân biệt của ba loại tương tục, gồm có: Thế gian, nghiệp quả, và chúng sanh. Một khi đã đoạn trừ ba nghiệp duyên thì ba nghiệp nhân này sẽ không sanh. Do đó tánh điên cuồng ở trong tâm của ông, tựa như sự cuồng loạn của gã Từ Thọ, sẽ tự nhiên dừng nghỉ. Sự dừng nghỉ đó chính là tuệ giác, là tâm trong sáng, thù thắng thanh tịnh, và vốn luôn trùm khắp pháp giới. Nó không phải từ người khác mà có được.

Thế thì ông hà tất phải lao nhọc đến tận gân cốt để tu chứng làm chi?

Đây ví như có người không hề hay biết ở trong áo của mình có buộc một hạt châu như ý. Do đó kẻ ấy phải chịu bần cùng rách rưới và bôn ba đi xin ăn khắp nơi. Mặc dù kẻ đó thật sự bần cùng nhưng hạt châu vẫn chưa từng bị mất. Nếu hốt nhiên gặp được bậc trí và chỉ ra chỗ hạt châu thì mọi sở nguyện của người ấy sẽ được như ý và trở nên giàu sang vô cùng. Khi đó người ấy mới ngộ ra rằng, hạt châu thần diệu không thể từ bên ngoài mà được.

Lúc bấy giờ Ngài Khánh Hỷ đứng dậy từ giữa đại chúng, rồi đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như Lai mới vừa nói rằng, một khi đoạn trừ ba nghiệp duyên của sát sanh, trộm cắp, và tà dâm, thì ba nghiệp nhân của chúng sẽ không sanh.

Do đó tánh điên cuồng ở trong tâm của chúng ta, tựa như sự cuồng loạn của gã Từ Thọ, sẽ tự nhiên dừng nghỉ. Sự dừng nghỉ đó chính là tuệ giác và nó không phải từ người khác mà có được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần