Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn - Phẩm Bốn - Phẩm Vấn Bảo Nữ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BẢO NỮ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM VẤN BẢO NỮ
Bấy giờ, Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Thế Tôn: Vị Bảo Nữ này phát đạo ý chánh chân vô thượng đến nay đã lâu chưa?
Ở chỗ Đức Phật nào mà phát tâm cầu đạt đại đạo?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Về đời lâu xa trong quá khứ, vô số kiếp chẳng thể tính biết, bấy giờ có vị Phật hiệu là Duy Vệ Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời là Bậc Minh Hạnh thành Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu Thế Tôn.
Thế Giới ấy gọi là cõi Phật Thanh tịnh, y phục, thức ăn uống, nhà ở, lầu gác vườn hoa đều như chúng Bồ Tát ở trời thứ tư là Đâu Thuật. Vào thời Đức Phật ấy, chỉ có thuần một hạng là chúng Bồ Tát, gồm đến có bảy mươi sáu ức vị đều là bậc không thoái chuyển, chứng đắc các tổng trì, biện tài hiện rõ.
Phật nói với Hiền giả Xá Lợi Phất: Thời Duy Vệ Như Lai Chí Chân, có Chuyển Luân Vương tên là Phước Báo Thanh Tịnh làm chủ cả ngàn Thế Giới, kho tàng châu báu không thể kể xiết. Nơi cung của Vua Phước Báo Thanh Tịnh, có tám vạn bốn ngàn phu nhân thể nữ, đều là ngọc nữ xinh đẹp ở trong nước.
Nhà Vua có ngàn người con đều là lực sĩ, sức mạnh khó bàn. Nhà Vua cúng dường cho Đại Thánh Duy Vệ tất cả thứ cần dùng trong ba mươi sáu ức năm. Còn các Bồ Tát thì nhà Vua dâng cúng các thứ y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc chữa bệnh.
Hiền giả Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đại Thánh! Như Lai Duy Vệ thọ bao nhiêu tuổi?
Thế Tôn bảo: Thọ mười trung kiếp.
Vua Phước Báo Thanh Tịnh cúng dường Như Lai Duy Vệ không thể nêu bày hết.
Hoàng Tử, quyến thuộc, họ hàng gồm chín mươi hai ức triệu ở trong cung vây quanh theo hầu Vua, đi đến chỗ Phật Duy Vệ, đảnh lễ sát chân, dâng cúng Thế Tôn ngọc minh nguyệt vô giá, rồi vòng tay bạch Phật Duy Vệ: Kính bạch Đại Thánh! Những gì con hiện có, con đều cúng dường đầy đủ.
Có ai cúng dường Như Lai vượt hơn sự cúng dường này chăng?
Phật bảo Hiền giả Xá Lợi Phất: Như Lai Duy Vệ đáp lời Vua Phước Báo Thanh Tịnh: Đại Vương muốn biết có sự cúng dường nào khác tôn quý hơn hết, không gì sánh bằng mà Vua chưa thực hiện phải không?
Có một thứ cúng dường vượt hơn vật Vua đã cúng dường ở trước gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn, gấp ức, trên cả ức vạn lần.
Vua hỏi: Thứ gì?
Như Lai Duy Vệ biết rõ tâm của vị Đại Vương kia nghĩ, liền nói kệ:
Ức ngàn các cõi Phật
Vô số như hằng sa
Đến trăm ngàn ức kiếp
Thí châu báu đầy khắp.
Để cúng dường Như Lai
Phước đức ấy dồn lại
Chẳng bằng thương chúng sinh
Mà phát khởi đạo ý.
Phụng sự ngàn ức Phật
Số nhiều như hằng sa
Cúng vô số ức kiếp
Giống như cát Sông Hằng.
Lòng Từ Phật hơn hết
Bảy bước là thù thắng
Cúng dường Chư Phật ấy
Là tôn quý vô thượng.
Cúng dường này siêu vượt
Dạy thượng nhẫn vô lượng
Tinh tấn này kiên cường
Tuệ định ý không động.
Người phát đạo ý ấy
Chí nguyện hướng Đạo Sư
Phước ấy là vô hạn
Chứa nhóm không thể hết.
Tiếng tốt được truyền xa
Quyến thuộc, đông vui đẹp
Giàu của báu, uy lực
Tâm niệm luôn an lành.
Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Thế lực như Đế, Phạm.
Nếu chí tánh hoan hỷ
Các thông tuệ đều đạt
Tiêu trừ các đường ác
Đều không sợ tám nạn
Đạo thanh tịnh lợi lạc
Thường ở chốn Trời người.
Nếu người kiến lập chí
Đạo vô thượng lìa cấu
Các căn luôn thấu tỏ
Thánh thông không bế tắc.
Gặp Chư Phật phụng sự
Để lắng nghe Kinh Điển
Chuyên cầu trí tuệ Thánh
Thường biết khởi đạo tâm.
Tâm không hề nghi kết
Thường chất trực, lìa nịnh.
Thương xót giúp chúng sinh
Đạo ý chí nguyện ấy.
Chẳng ưa các dục lạc
Chí chỉ thích pháp lạc
Suốt đời không tham chấp
Như hoa sen trong nước.
Không chán tuệ phước đức
Chí cầu độ vô cực.
Phát đạo tâm như thế
Ai chẳng lập đại đạo.
Nên dùng ngọn đuốc lớn
Chiếu giúp các quần sinh
Là Minh Sư tối thượng
Đạo sư của chúng sinh.
Là tối thượng ở đời
Cho thuốc trừ các bệnh
Ngài kiến lập đạo ý
Vô lượng vô tận ức.
Đức Phật bảo Hiền giả Xá Lợi Phất: Vua Phước Báo Thanh Tịnh nghe Như Lai Duy Vệ tán thán về công đức của sự phát khởi phát đạo ý là không thể hạn lượng nên vô cùng, hoan hỷ, bèn phát khởi đạo ý chánh chân vô thượng.
Khi ấy nhà Vua vì Thái Tử, trăm quan, quần thần trong cung và các tiểu vương, quyến thuộc cùng đi với mình nói kệ tụng:
Nay đây kiến lập,
Đạo ý tối tôn
Phát khởi tâm
Từ thương xót chúng sinh.
Nếu muốn được ta
Cung kính tôn trọng
Thì phát đạo ý
Khiến được kiên cố.
Cội nguồn sinh tử
Mà không thể biết
Ngồi làm việc quấy
Đọa vào khổ não.
Cần mẫn, tinh tấn
Chí giữ Phật Đạo
Chỉ vì chúng sinh
Làm lành, thương xót.
Thì được thêm ích
Trí tuệ, biện tài
Cúng dường đầy đủ
Bậc Thánh như thế.
Đức Phật Duy Vệ
Đấng không thể lường
Vì tâm thông tuệ
Chốn hành như vậy.
Muốn cho Trời, Người
Được sự an ổn.
Đế Thích, Phạm Thiên
Chuyển Luân Thánh Vương.
An ổn hữu vi
Diệu lạc vô vi
Thì phải tu hành
Theo đạo ý này.
Tư duy giữ định
Chẳng thể hạn lượng
Vượt qua bờ kia
Đạo cũng như thế.
Trí tuệ Thánh Thông
Chỗ nào chẳng đạt
Các nhất thiết trí
Chỗ hành như thế.
Mười Lực Chư Phật
Chẳng thể nghĩ bàn
Bốn vô sở úy
Như Lai sẵn có.
Pháp của Chư Phật
Rộng lớn vô biên
Từ tâm thanh tịnh
Nên có thể đạt.
Giả sử muốn động
Ức ngàn cõi nước
Âm thanh vang khắp
Thảy đều nghe biết.
Tu hạnh thanh tịnh
Lớn rộng, không dơ
Có người thông đạt
Sẽ phát đạo ý.
Tức với mười lực
Cung kính làm theo
Thì Chư Như Lai
Thảy đều khen ngợi.
Vì các chúng sinh
Là bạn không mời
Có người thông tuệ
Sẽ phát đạo ý.
Giả sử Phật Đạo
Hiện tuệ vô tưởng
Nói công đức ấy
Vô số ức kiếp.
Đạo ý của Phật
Công đức hiện có
Không thể cùng tận
Không thể hạn lượng.
Bấy giờ, Đại Vương Phước Báo Thanh Tịnh vừa nói kệ này xong, có chín mươi hai triệu na do tha dân chúng và ngàn người con ở hậu cung của Vua đều phát đạo ý chánh chân vô thượng. Tam thiên đại thiên Thế Giới hiện đủ sáu thứ chấn động.
Mười bốn ức vị trời nêu bày sự khuyến trợ cho việc phát tâm cầu đạt đại đạo. Sau đó, Chuyển Luân Thánh Vương ấy, trải qua mười ức năm, cung kính cúng dường Đấng Như Lai Duy Vệ, bố thí cho tất cả được an lành, tịnh tu phạm hạnh, giới luật thanh tịnh, thường nghe Như Lai thuyết Kinh Điển, hàng quyến thuộc cũng đều đến thưa thỉnh lãnh thọ giáo pháp.
Vua bèn lập trưởng tư làm quốc chủ, rồi xuống tóc xuất gia, rời nhà tu đạo, hành hạnh Sa Môn. Làm Sa Môn rồi, tìm học bốn chươmg cú vô tận, lần lượt khen ngợi tán dương chỗ hướng cầu.
Những gì là bốn?
Đó là chương cú chí thành, chương cú pháp điển, chương cú diệu nghị, chương cú luật lệnh. Nhà Vua xuất gia học đạo như vậy, về sau, suốt ngàn ức năm luôn hội nhập phương tiện thiện xảo, ở nơi ngàn Thế Giới, dùng tam muội Chánh thọ để độ thoát chúng sinh và lam Sa Môn ở chỗ Như Lai Duy Vệ.
Phật bảo Hiền giả Xá Lợi Phất: Nên biết, Chuyển Luân Thánh Vương Phước Đức Thanh Tịnh lúc bấy giờ đâu phải người nào khác mà chính là Bảo Nữ. Bảo Nữ này ở chỗ Đức Phật Duy Vệ đã phát khởi đạo ý chánh chân vô thượng.
Hiền giả Xá Lợi Phất hỏi Thế Tôn: Vì tội chướng gì mà thọ thân nữ nhân?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Bồ Tát Đại Sĩ không vì tội chướng mà thọ thân nữ.
Vì sao?
Vì Bồ Tát Đại sĩ dùng tuệ thần thông theo phương tiện thiện xảo Thánh minh, hiện thân nữ nhân để giáo hóa quần sinh.
Theo ý của Hiền giả Xá Lợi Phất thì sao?
Bảo Nữ này là nữ nhân chăng?
Chớ nghĩ tưởng như thế! Nương nơi diệu lực Thánh Thông mà có sự biến hóa, đó là chân Bồ Tát.
Nên khởi quán như thế này thì không có pháp nam thì không có pháp nữ, đầy đủ tất cả các pháp yếu thì không đến không đi. Bảo Nữ này ở cõi Diêm Phù Đề giáo hóa, truyền trao cho chín vạn hai ngàn các chúng đồng nữ đều phát đạo ý chánh chân vô thượng.
Khi ấy, Bảo Nữ nói với Hiền giả Xá Lợi Phất: Thưa Trưởng lão! Trưởng lão đâu có thể hiện thân nữ để nói pháp cho chúng sinh?
Hiền giả Xá Lợi Phất nói: Như tôi hiện giờ không ưa thích thân nam, huống là trở lại thọ thân nữ!
Bảo Nữ hỏi: Thầy đã chán ghét thân uế trược của mình rồi sao?
Đáp: Thật nhàm chán!
Bảo Nữ nói: Vì vậy Bồ Tát siêu vượt tất cả chủng loại chúng sinh mà không có bạn lữ.
Hiền giả Xá Lợi Phất hỏi: Vì sao?
Bảo Nữ đáp: Thưa Hiền giả Xá Lợi Phất! Ngôi nhà của hàng Thanh Văn là nơi ô uế đáng chán, nhưng các Bồ Tát không cho là hoạn nạn.
Nhà của Thanh Văn có những chỗ nào là uế trược đáng chán?
Đó là năm ấm, bốn đại, sáu nhập là hoạn nạn của Thanh Văn. Nhưng Bồ Tát nắm giữ các hành của năm ấm, bốn đại, sáu nhập, không cho đó là hoạn nạn.
Thanh Văn nhàm chán sự sống xoay vần và thọ nhận mọi thứ tôi, ta còn Bồ Tát không nhàm chán việc thọ thân để độ sinh. Các chúng Thanh Văn ghét việc thọ sinh tử còn Bồ Tát thì đi vào vô lượng nên sinh tử đầu cuối hề không chán ghét không chán ghét.
Thanh Văn chán ghét các khổ nạn phát sinh còn Bồ Tát thì không như thế. Thanh Văn chán bỏ việc làm công đức. Bồ Tát tích lũy các công đức, không thấy đủ, cũng khong cho là hoạn nạn. Thanh Văn chán ghét chúng hội. Bồ Tát khai khai hóa nhiều người, chẳng nề khó khăn trở ngại.
Thanh Văn chán ghét thôn xóm, làng xã, quận huyện, đất nước. Bồ Tát thì vào khắp thôn xóm làng xã, quận huyện, đất nước để giáo hóa không chán ghét. Thanh Văn thì nhờm tởm thân mình đầy những phiền não còn Bồ Tát thì không chán bỏ tất cả ái dục phiền não của chúng sinh.
Thưa Hiền giả Xá Lợi Phất! Nhà của Thanh Văn là nơi ô uế đáng chán nhưng các Bồ Tát Đại Sĩ không cho là hoạn nạn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Một - Phẩm Hình Phạt
Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Một - Phẩm Pháp Sa Môn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Mười Năm - Phẩm Như Lai Thọ Lượng