Phật Thuyết Kinh Bảo Nữ Sở Vấn - Phẩm Sáu - Phẩm Mười Loại Lực
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BẢO NỮ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM SÁU
PHẨM MƯỜI LOẠI LỰC
Bấy giờ, Bảo Nữ bạch Phật: Gọi là mười lực của Như Lai thì dùng những lực nào để thành tựu được mười Lực?
Phật bảo Bảo Nữ: Nếu khiến cho Bồ Tát hành đạo Bồ Tát, chưa từng trở lại thành lập thừa thấp hơn thì chẳng bao giờ khởi tạo nghiệp bất thiện, vị ấy dùng sức kiên cố này để theo đó đi đến Đạo Tràng.
Bảo Nữ lại hỏi: Mười lực là gì?
Phật bảo Bảo Nữ: Lực đạt xứ xứ vì đâu đâu cũng có lực, xét kỹ thì nhận biết. Hữu hạn hay vô hạn, xét kỹ thì nhận biết như thật.
Này Bảo Nữ! Như Lai với trí lực nhận biết về xứ phi xứ. Hữu hạn hay vô hạn, xét ky thì biết như thật. Đó là lực thứ nhất của Như Lai.
Như Lai dùng lực này, ở giữa hội chúng gầm tiếng gầm của Sư Tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, biết rõ điều cốt yếu mà không chấp trước, uy đức nổi bật của các Sa Môn, Phạm chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên, người đời đều không thể sánh, vì thường như pháp.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, muốn khiến cho quả báo về tội phước, còn sót lại là chưa từng có. Vị ấy nhờ vào năng lực tuân tu mà thành Phật Đạo, đối với tội, phước ở quá khứ, tương lai, hiện tại đều biết căn nguyên của nó. Giả sử Như Lai muốn biết tội phước báo ứng, chỗ đến của việc thiện ác ở quá khứ, vị lai, hiện tại thì xét ky sẽ biết như thật.
Đó là lực thứ hai của Như Lai. Lực của Như Lai ấy, ở trong chúng hội, gầm tiếng gầm của Sư Tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, giảng giải chỗ không chấp trước. Uy đức nổi bật của các hàng Sa Môn, Phạn chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên, người đời đều không thể sánh kịp.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, quán xét căn cơ của chúng sinh để thuyết pháp, biết rõ nguồn cội để độ thoát họ. Nếu để thích ứng với căn cơ của các chúng sinh, dùng đầy đủ việc ấy để thành tựu Phật quả thì vì các chúng sinh, dùng căn tinh tấn, biết rõ quần sinh, xét kỹ sẽ biết như thật.
Này Bảo Nữ! Như Lai hiện biết rõ căn cơ của chúng sinh để gầm lên tiếng gầm của Sư Tử, đó là lực ứng hợp với pháp thứ ba của Như Lai.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, vào trong cảnh giới người, vật của chúng sinh, tùy theo sự ưa thích của muôn loài mà thiết lập sự tương ưng như thế. Nhờ sức rốt ráo nhập vào cảnh giới ấy, thành Phật quả mà hiểu rõ về vô số hình tướng, vô lượng chủng loại trong thế gian. Nếu Như Lai vào cảnh giới chúng sinh, tùy theo sự tin ưa của họ mà mở bày, dẫn dắt, đó là lực thứ tư của Như Lai thích ứng với pháp.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, nếu các loài chúng sinh chí muốn giải thoát thì dựa vào niềm tin của họ mà khuyên bảo, cứu giúp, tìm cầu tuệ kiến. Thấy niềm tin như thế mà không ghét bỏ thì họ sẽ dùng niềm tin về diệu lực giải thoát trọn vẹn để thành Phật quả. Nhưng muốn biết về bao nhiêu niềm tin, vô lượng sự ưa thích của quần sinh thì xét kỹ sẽ nhận biết như thật.
Này Bảo Nữ! Nếu Như Lai biết rõ về các Tiên Nhân, chúng sinh có bao nhiêu niềm tin, vô lượng sự ưa thích thì xét kỹ sẽ biết như thật. Đó là lực thứ năm của Như Lai. Như Lai với lực ấy, ở trong chúng, gầm tiếng gầm của Sư Tử, đức nổi bật của các hàng Sa Môn, Phạm Chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên đều không thể sánh bằng.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, làm hiển phát trí tuệ, thấu đạt, tất cả các pháp hữu vi vô vi, hữu hình vô hình. Cầu thừa Thanh Văn, thừa Duyên Giác, hoặc Đại Thừa, vị ấy dùng đầy đủ sức của trí tuệ ấy để thành tựu Phật Đạo, tất cả đều nhập vào trí tuệ cứu cánh, xét kỹ sẽ biết như thật.
Này Bảo Nữ! Nếu Như Lai nhập vào hết các tuệ thì thấu đạt tất cả, xét kỹ sẽ biết như thật. Một mình đi vào trong chúng, gầm tiếng gầm của Sư Tử, các loại đức vời vợi trong thế gian, trên Cõi Trời đều không thể sánh, thường thích ứng như pháp. Đó là lực thứ sáu của Như Lai.
Lai nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, nếu chưa bỏ mất gốc đức nơi thuở xưa và chẳng buông lung vượt qua bản nguyện, vị ấy dùng gốc đức lâu xa này, không khiến lực bị quên mất, đầy đủ rốt ráo, thành Phật Đạo, tâm nhớ nghĩ sự việc nơi vô số kiếp quá khứ, xét kỹ sẽ nhận biết như thật.
Này Bảo Nữ! Nếu Như Lai muốn biết các sự việc lâu xa vô lượng không kể xiết của mình và của chúng sinh thì đều tưởng niệm và biết rõ như thật, nên ở trong đại chúng, gầm tiếng gầm của Sư Tử. Đó là lực thứ bảy của Như Lai, các hàng Sa Môn, Phạm Chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên đều chẳng thể bì kịp, vì thường thích ứng như pháp.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, vâng tu thiền định tam muội Chánh thọ, tâm không sinh khởi, lìa ái dục phiền não, điều hòa nhu thuận. Vị ấy dùng sức nhu hòa này một cách đầy đủ để thành tựu Phật Đạo, hiểu rõ tất ca các hành của phiền não, kết sử và các môn thiền tư giải thoát, định ý chánh thọ của chúng sinh, tất cả đều nhận biết như thật.
Này Bảo Nữ! Nếu Như Lai thấu tỏ tất cả các môn thiền tư giải thoát, tam muội Chánh Thọ, phiền não kết sử của chúng sinh đều nhận biết đúng như thật đó là lực thứ tám của Như Lai, nên ở trong đại chúng, gầm tiếng gầm của Sư Tử, đức nổi bật của các hàng Sa Môn, Phạm Chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên đều không thể sánh bằng.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, chưa từng che lấp công hạnh của chúng sinh, không khinh người chưa học, không xem thường người không bằng mình, đạt đến sự sáng tỏ, soi chiếu khắp chúng sinh. Vị ấy dùng ánh sáng rộng lớn, cứu cánh, này mà thành tựu Phật Đạo, với thiên nhãn nhìn thấu rõ nên nhận biết như thật.
Này Bảo Nữ! Nếu đạo nhãn của Như Lai Chí Chân thấu suốt, không có gì là không trông thấy thì đó là lực thứ chín của Như Lai, nên một mình vào trong đại chúng, gầm tiếng gầm của Sư Tử. Đức sáng của hàng Sa Môn, Phạm Chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên đều không thể bì kịp.
Lại nữa, Bảo Nữ! Hành đạo Bồ Tát, không đưa chúng sinh đến pháp hữu lậu mà vì chúng sinh nói pháp lậu tận. Không trưởng dưỡng các lậu, dùng đạo vô lậu để cứu độ chúng sinh, chỉ rõ đường chánh, sức thuần tín vô lậu của mình và người đều đầy đủ rốt ráo, thành Phật Đạo, thấu đạt tất cả trí tuệ, dứt hết các lậu, xét kỹ thì sẽ biết rõ như thật.
Này Bảo Nữ! Như Lai có trí tuệ diệt hết các lậu, mở bày tất cả trí tuệ vô lậu, đó là lực thứ mười của Như Lai. Như Lai dùng lực chân chánh này vào trong chúng hội, gầm tiếng gầm của Sư Tử, chuyển pháp luân thanh tịnh, thấu tỏ chỗ không chấp trước. Các hàng Sa Môn, Phạm Chí, Trời, Rồng, Ma Vương, Phạm Thiên, người đời đều không thể sánh.
Này Bảo Nữ! Đó là mười lực của Như Lai. Như Lai dùng mười Loại lực này để thành tựu trọn vẹn, nên được gọi là Chánh Giác. Giả sử Bồ Tát được nghe lực này, thì dùng mười lực của Bồ Tát để thành tựu mười lực của Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba