Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN BẢY  

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện không bị người khác giáo hóa?

Bồ Tát trọn đời chẳng nhận người khác giáo hóa mà chỉ tự phát tâm bồ đề vô thượng, tự mình dùng trí tuệ quan sát Thế Giới chúng sinh thọ vô lượng khổ, vì cứu độ họ mà Bồ Tát phát tâm cầu đạt đạo quả bồ đề vô thượng. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện không bị người khác giáo hóa.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện vô biên?

Bồ Tát phát nguyện không vì những duyên nhỏ. Bồ Tát chỉnh đốn y phục, gối phải quỳ chấm đất, chắp tay, sinh tâm nhàm chán pháp ác, hướng về Chư Bồ Tát khắp mười phương Thế Giới ngồi ở đạo tràng dốc tu khổ hạnh mới thành Phật, hoặc chuyển pháp luân đều đang quán sát soi thấy tâm con. Con tùy hỷ kính thỉnh Chư Phật chuyển pháp luân.

Các vị Bồ Tát khắp mười phương, lúc mới phát tâm hành sáu pháp Ba la mật đều hành vô lượng hạnh khổ khó, cho đến ngồi ở đạo tràng hàng phục ma chướng, thành Phật và chuyển pháp luân. Đối với mỗi một niệm thiện này, con đều tùy hỷ phát tâm bồ đề vô thượng. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện vô biên.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện không lo sợ?

từ lúc mới phát tâm, nghe diệu pháp sâu xa, Bồ Tát không sinh kinh sợ. Nghe vô lượng bản hạnh, công đức của Phật, Bồ Tát không sinh kinh sợ. Nghe pháp thần thông diệu dụng sâu xa của Chư Bồ Tát, Bồ Tát không sinh kinh sợ. Nghe phương tiện thiện xảo sâu rộng của Chư Bồ Tát, Bồ Tát không sinh kinh sợ.

Bồ Tát nghĩ: Trí tuệ của Phật là vô lượng, vô biên, Thế Giới là vô lượng, vô biên, Phật đã thành thục cho chúng sinh là vô lượng, vô biên, trí tuệ của ta không đủ sức hiểu biết được, chỉ có Phật với Phật mới hiểu được một cách rốt ráo. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện không lo sợ.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện không ưu buồn?

Bồ Tát thấy các chúng sinh si mê không có mắt trí tuệ, phá giới, biếng nhác, làm đủ mọi điều ác, cứng cỏi khó điều phục.

Vì những việc như vậy mà các Bồ Tát khởi tâm chán ngán, chỉ cầu sinh về tịnh độ: Nguyện cho chúng con thực hành được đầy đủ từ bi, trí tuệ và không còn nghe những danh từ xấu ác như vậy.

Bồ Tát phát tâm liền nghĩ: Trong hết thảy các Thế Giới, chúng sinh trí kém, ngu si, ám độn, không có phần trong Niết Bàn, không sinh tín tâm, không có duyên với Chư Phật và Bồ Tát. Những chúng sinh như vậy ta đều điều phục cho đến ngồi nơi đạo tràng đắc bồ đề vô thượng.

Khi Bồ Tát phát tâm này thì tất cả cung điện của ma đếu chấn động, Chư Phật mười phương khen ngợi: Tịnh độ trang nghiêm, sớm thành Chánh Giác. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện không ưu buồn.

Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện đầy đủ?

Bồ Tát phát tâm thệ nguyện hàng phục ma chướng, đắc thành bồ đề vô thượng. Đây gọi là Bồ Tát phát nguyện đầy đủ. Ví như bát dầu, nếu đã tràn đầy mà nhỏ thêm một giọt nhỏ nữa thì chẳng thể được. Bồ Tát thành Phật, các hạnh nguyện đầy đủ viên mãn cũng lại như vậy, chẳng giảm thiểu một mảy may.

Này thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát phát nguyện với phương tiện đầy đủ.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là lực đầy đủ.

Đó là:

1. Lực của Bồ Tát, người chẳng khinh thường.

2. Lực chẳng bị người khác hàng phục.

3. Đầy đủ lực phước nghiệp.

4. Đầy đủ lực trí tuệ.

5. Đầy đủ lực nơi đồ chúng.

6. Lực thần thông.

7. Lực tự tại.

8. Lực Đà La Ni.

9. Lực của Bồ Tát định trì bất khả động.

10. Lực của lời nói vô nhị.

Thế nào gọi là lực của Bồ Tát không ai dám khinh thường?

Hết thảy lực của ngoại đạo, Thanh Văn nhị thừa không thể hơn lực của Bồ Tát. Hết thảy chúng sinh cũng không có ai bằng lực của Bồ Tát. Đây gọi là lực của Bồ Tát không ai dám khinh thường.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ lực phước nghiệp?

Không có phước đức trang nghiêm nào của sự tu tập theo thế gian và xuất thế gian mà có thể sánh bằng phước lực của Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực phước nghiệp.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ lực trí tuệ?

Trí lực của Bồ Tát hoạt động suy xét trước sau không có sai lầm.

Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực trí tuệ.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ lực nơi đồ chúng?

Đồ chúng của Bồ Tát không hoại chánh kiến, không phạm oai nghi, thường tu tịnh mạng. Đại chúng đều cùng Bồ Tát thu giữ hạnh chánh trực. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực nơi đồ chúng.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ lực thần thông?

Bồ Tát dùng năm thông theo thế tục vượt thắng cả năm thông của hàng Thanh Văn nhị thừa, có thể lấy một vi trần dung chứa cả Cõi Diêm Phù Đề và bốn cõi thiên hạ, hoặc ngàn Thế Giới, hai ngàn Thế Giới, ba ngàn Thế Giới, cho đến hằng hà sa số tam thiên đại thiên Thế Giới mà vi trần không tăng, Thế Giới không giảm.

Chúng sinh trong ấy cũng không cảm thấy chật chội, không có tưởng, giác, tri. Không có tướng ngăn ngại. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ lực thần thông.

Thế nào gọi là Bồ Tát đạt được lực tự tại?

Bồ Tát có lực tự tại muốn làm cho các loại châu báu đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới thì liền được như ý. Đây gọi là lực tự tại của Bồ Tát.

Thế nào gọi là Bồ Tát đạt được lực Đà La Ni?

Như Chư Phật thuyết pháp với vô lượng, vô biên âm thanh khác nhau, văn tự khác nhau. Chỉ trong một niệm, Bồ Tát có khả năng nghe được các loại âm thanh đó, tư duy, thọ trì, tu hành. Đây gọi là Bồ Tát chứng đắc lực Đà La Ni.

Thế nào gọi là Bồ Tát chứng đắc lực định trì không khuynh động?

Tất cả chúng sinh không thể quấy nhiễu làm cho tâm của Bồ Tát loạn động. Đây gọi là Bồ Tát chứng đắc lực định trì không khuynh động.

Thế nào gọi là Bồ Tát đạt lực nói không hai lời?

Bồ Tát nghĩ trước rồi mới nói, nói ra không khác với ý nghĩ. Chỉ trừ phương tiện vì làm lợi ích, Bồ Tát mới nói khác ý. Đó gọi là Bồ Tát đạt lực nói không hai lời. Nếu có thọ ký, Bồ Tát trọn không sai lầm. Trí tuệ của tất cả chúng sinh không thể vượt qua Bồ Tát.

Thiện nam! Đầy đủ mười việc này gọi là Bồ Tát chứng đắc lực đầy đủ.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là đầy đủ trí.

Đó là:

1. Đầy đủ trí biết nhân vô ngã.

2. Đầy đủ trí biết pháp vô ngã.

3. Đầy đủ trí biết khắp các phương.

4. Đầy đủ trí thông hiểu cảnh giới thiền định.

5. Đầy đủ trí thọ trì.

6. Đầy đủ trí không gì hơn.

7. Đầy đủ trí thông hiểu căn hạnh của chúng sinh.

8. Đầy đủ trí vô tác.

9. Đầy đủ trí thông hiểu hết thảy pháp tướng.

10. Đầy đủ trí thông hiểu xuất thế gian.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết nhân vô ngã?

Bồ Tát quán năm ấm không bền chắc, hư vọng, không thật, cho đến diệt mất cũng không thấy có mất.

Bồ Tát suy nghĩ: Năm ấm ấy không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không dưỡng dục, không nhân. Phàm phu ngu si vì cho là có thật ngã nên vọng chấp về ngã. Giống như sự đắm chấp mê vọng của ma quỷ, chúng sinh vọng chấp cũng lại như vậy.

Hoặc cho ấm tức là ngã, ngã tức là ấm, hoặc ấm tức là ngã sở, ngã sở là ấm. Hư vọng chấp ngã không thấy đúng thật, nên mãi quanh quẩn trong sinh tử như vòng lửa quay tròn, hư vọng không thật. Bồ Tát giỏi biết việc ấy một cách như thật, gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết nhân vô ngã.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết quán pháp vô ngã?

Bồ Tát thấy tướng sinh tướng diệt đúng như thật, biết hết thảy vật giống như giả mượn, chỉ có danh, có dụng, giả tạo ra có sinh mà không có thật thể, giả bày ra các pháp cũng chẳng đoạn, chẳng thường, do duyên mà sinh, do duyên mà diệt. Biết các pháp một cách như thật đúng đắn gọi là Bồ Tát quán pháp vô ngã đầy đủ.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết khắp mọi nơi?

Người biết khắp mọi nơi chẳng phải biết trong một sát na, chẳng phải không biết trong một sát na, chẳng phải biết phương này mà không biết phương kia. Bồ Tát có khả năng đạt được trí vô ngại nhận biết khắp mười phương. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết khắp mọi nơi.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết xứ sở cảnh giới của thiền định?

Bồ Tát biết định của Thanh Văn, biết định của Bích Chi Phật, biết định của Bồ Tát, biết định của Chư Phật. Bồ Tát biết rõ tất cả các định như vậy, còn Thanh Văn nhị thừa chỉ biết phần cảnh giới của mình, ngoài ra thì không biết.

Định của Bồ Tát là biết cảnh giới của mình, cảnh giới của nhị thừa và biết luôn cả tướng thiền định cứu cánh của Như Lai. Do nhờ Phật lực nên Bồ Tát biết được tất cả. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí biết xứ sở, cảnh giới của thiền định.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thọ trì?

Bồ Tát thông hiểu sự thọ trì của Thanh Văn, sự thọ trì của Bích Chi Phật và sự thọ trì của Chư Bồ Tát, huống gì là các loại thọ trì của chúng sinh mà Bồ Tát không biết sao?

Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thọ trì.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí không gì hơn?

Chỉ trừ nhất thiết chủng trí của Như Lai, ngoài ra các trí của hết thảy ngoại đạo, nhị thừa, không trí nào có thể sánh bằng trí của Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí không gì hơn.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông hiểu căn hạnh của chúng sinh?

Bồ Tát có khả năng dùng trí tịnh vô ngại quán khắp Thế Giới, thấy có chúng sinh có khả năng phát sinh bồ đề, có chúng sinh không thể phát sinh bồ đề, có chúng sinh đầy đủ bồ đề, có chúng sinh chưa đầy đủ bồ đề.

Có chúng sinh trụ nơi Địa thứ nhất cho đến Địa thứ mười, có vị chuyển pháp luân cho đến nhập Niết Bàn, có vị nhập Niết Bàn Thanh Văn Thừa, có vị đạt Niết Bàn Bích Chi Phật thừa, có người sinh cõi lành, có người sinh cõi ác. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông hiểu căn hạnh của chúng sinh.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí vô tác?

Trong bốn oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi, Bồ Tát niệm niệm không tạo tác, tâm hằng thành tựu. Ví như có người hít vào thở ra cho đến lúc ngủ thường không tạo tác. Bồ Tát tâm không tư duy, không tạo tác cũng như vậy, thì trí vô ngại tự nhiên được thành tựu. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí vô tác.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông hiểu hết thảy pháp tướng?

Bồ Tát thấu đạt các pháp đều đồng một tướng.

Thế nào là một tướng?

Tất cả tận cùng đều là tướng không, tướng huyễn, tướng hư vọng. Đấy gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông hiểu hết thảy pháp tướng.

Thế nào gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông hiểu pháp xuất thế gian?

Bồ Tát biết trí vô lậu vượt ra ngoài hết thảy các trí thế gian. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ trí thông hiểu pháp xuất thế gian.

Thiện Nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát đầy đủ nhất thiết trí.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là chứng đắc địa tam muội.

Đó là:

1. Như đất rộng lớn vô biên.

2. Như đất là nơi tất cả chúng sinh nương vào để tồn tại.

3. Như đất là nơi tất cả chúng sinh đều mang ân dưỡng dục nhưng trọn đời đất không kể ân.

4. Như đất rộng lớn dung chứa tất cả mây lớn, mưa lớn.

5. Đất là nơi có khả năng làm cho tất cả chúng sinh nương tựa.

6. Đất hay sinh giống lành và tất cả các hạt giống.

7. Đất như vật báu lớn.

8. Đất hay sinh ra hết thảy đại dược.

9. Đất chẳng thể khuynh động.

10. Chẳng kinh, chẳng sợ.

Thế nào gọi là Bồ Tát như đất rộng lớn vô biên?

Chu vi mười phương vô biên vô lượng. Công đức, trí tuệ trang nghiêm, nguyện hạnh của Bồ Tát cũng vô biên vô lượng như vậy. Đây gọi là Bồ Tát như đất rộng lớn vô biên.

Thế nào gọi là Bồ Tát như đất, là nơi tất cả chúng sinh nương tựa, tồn tại?

từ đất, tất cả chúng sinh đều được tồn tại theo ý muốn của mình. Đất cung cấp, cứu sống tất cả chúng sinh không ngăn ngại. Bồ Tát cũng vậy, ban phát tất cả pháp thí, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, cho đến những gì Bồ Tát có đều đem thí hết mà tâm không bị ngăn ngại. Đây gọi là Bồ Tát như đất, là nơi tất cả chúng sinh nương tựa, tồn tại.

Thế nào gọi là Bồ Tát ban ân dưỡng dục mà không mong đền đáp?

Giống như đại địa bình đẳng, không phân biệt tốt xấu. Bồ Tát cũng vậy, đối với việc gia ân cũng không mừng, vong ân cũng không hận. Đây gọi là Bồ Tát ban ân dưỡng dục mà không mong đền đáp.

Thế nào gọi là Bồ Tát như đại địa, có khả năng dung chứa mây pháp mưa pháp lớn?

Tất cả những cơn mưa như trút nước, đại địa đều có khả năng dung nạp. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, có khả năng thọ trì hết thảy những cơn mưa pháp lớn dày của Chư Phật đổ vào. Đây gọi là Bồ Tát như đại địa, có khả năng dung chứa mây pháp mưa pháp lớn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần