Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Hai Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN HAI MƯƠI  

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo nêu bày về Đệ nhất nghĩa đế.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Thành tựu pháp nhẫn vô sinh.

2. Thành tựu pháp diệt.

3. Thành tựu pháp chẳng hoại.

4. Thành tựu pháp không tạo tác.

5. Pháp cứu cánh.

6. Thành tựu pháp không xứ sở.

7. Thành tựu pháp không ngôn ngữ.

8. Thành tựu pháp dứt mọi đùa cợt.

9. Pháp tịch diệt.

10. Pháp Hiền thánh.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì Đệ nhất nghĩa đế là chẳng sinh, chẳng diệt, không hoại, không chỗ tạo tác, cũng không cùng tận, chẳng phải là nơi chốn đạt đến của văn tự, hý luận.

Này thiện nam! Đệ nhất nghĩa đế chẳng phải là con đường của ngôn ngữ, là đối tượng được chứng đắc, giác ngộ của các bậc Hiền Thánh nơi pháp tướng vắng lặng.

Này thiện nam! Đệ nhất nghĩa đế chẳng phải là tướng hư hoại. Chư Phật xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời thì pháp tướng vẫn luôn như thế. Do nhân duyên ấy, nên Bồ Tát cạo bỏ râu tóc, tin nhà thế tục chẳng phải là nhà đích thật, xuất gia học đạo, xuất gia với chánh tín, thân mặc ca sa, choàng y hoại sắc, tinh tấn tu đạo như cứu lửa cháy đầu, lìa bỏ các thứ hư vọng, chí cầu pháp thật.

Này thiện nam! Nếu không pháp thật thì không có xuất gia, Chư Phật, Như Lai cũng không xuất hiện ở đời. Do nhân duyên này nên có pháp chân thật.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát khéo lãnh hội về Đệ nhất nghĩa đế.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo nhận biết về mười hai nhân duyên.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Khéo nhận biết về thể tướng là không.

2. Khéo nhận biết về pháp sát na.

3. Khéo nhận biết về pháp không kiên cố.

4. Khéo nhận biết pháp như ảnh tượng.

5. Khéo nhận biết pháp như trăng trong nước.

6. Khéo nhận biết pháp như âm vang của tiếng gọi.

7. Khéo nhận biết pháp như huyễn.

8. Khéo nhận biết pháp như ánh chớp.

9. Khéo nhận biết pháp như dợn nắng.

10. Pháp do nhân duyên sinh nên thảy là không, pháp chuyển biến trong từng sát na nên không kiên cố.

Như vậy, cho đến nhân duyên sinh pháp, thì pháp ấy sinh cũng thấy sinh, trụ cũng thấy trụ, dị, hoại cũng thấy dị, hoại.

Bồ Tát tư duy như vầy: Do nhân duyên gì sinh, do nhân duyên gì diệt?

Bồ Tát lại tư duy: Nhân nơi vô minh nên có thể sinh các pháp. Do sức mạnh của vô minh nên các pháp được sinh ra. Hết thảy các pháp đều do vô minh dẫn dắt, đều nương tựa nơi vô minh. Dựa nơi vô minh nên có thể sinh ra hành. Dựa nơi hành nên sinh ra thức.

Thức là nhân duyên sinh ra danh sắc… cho đến tử là nhân duyên sinh ưu bi khổ não, các khổ tụ tập. Do nhân duyên ấy nên sinh khổ ấm lớn. Dùng trí tuệ sâu xa, theo phương tiện khéo léo sẽ đoạn trừ vô minh, nhổ bật gốc rễ của vô minh, diệt trừ vô minh. Vô minh tương ưng với các pháp, nên vô minh được diệt trừ thì tất cả cũng được diệt tận. Ví như khi mạng căn dứt thì các căn đều dứt.

Khi vô minh dứt thì dựa nơi pháp vô minh, tất cả đều dứt tận. Vô minh diệt nên các phiền não diệt. Phiền não diệt nên nhân của sinh tử đều diệt. Sinh tử diệt nên tiếp cận với Niết Bàn.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát khéo nhận biết về mười hai nhân duyên.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo nhận biết về ngã.

Những gì là mười?

Bồ Tát quan sát như vầy: Ta sinh nơi nhà nào?

Là nhà của hàng Bà La Môn, là nhà của hàng Sát Lợi, là nhà của hàng trưởng giả, hay là nhà của tầng lớp hạ tiện?

Bồ Tát tuy sinh nơi nhà của tộc họ lớn, mà không có tưởng khác nhau.

Nếu sinh nơi nhà thuộc hàng hạ tiện, nên suy nghĩ: Ta vốn từng tạo các nghiệp bất thiện, do nghiệp ác nên nay sinh nơi nhà thuộc hàng hạ tiện. Vì thế nên tu tập nhiều pháp chán bỏ điều ác. Do chán bỏ điều ác, nên muốn được xuất gia.

Đã xuất gia rồi, nên suy niệm: Ta vì sự việc gì mà cầu xuất gia?

Phàm pháp xuất là tự độ thoát và cũng độ thoát cho người khác. Do vậy mà chẳng được bê trễ, biếng nhác. Ta nay xuất gia là dốc đoạn trừ pháp bất thiện. Nếu có một chút xấu ác thì phải mau chóng dứt bỏ. Nơi các pháp thiện, phải dấy khởi sự ưa thích, hoan hỷ sâu xa, không chán. Chỗ ác chưa đoạn trừ thì phải dùng phương tiện để trừ diệt.

Lại nên quan sát: Chúng ta là người xuất gia, làm thế nào để các pháp thiện được tăng trưởng rộng khắp?

Pháp thiện được tăng trưởng nên càng yêu thích gấp bội, thâm tâm hoan hỷ. Pháp thiện chưa tăng trưởng thì khiến cho tăng trưởng rộng khắp. Ta nay nên dựa vào các bậc Thầy trong đạo để phát triển pháp thiện.

Do vậy, đối với chư vị Hòa Thượng, hoặc trì giới, hoặc phá giới, hoặc đa văn, hoặc không đa văn, hoặc thông minh, hoặc không trí, thảy đều cung kính, sinh tưởng về Đức Thế Tôn. Nơi các Đức Thế Tôn luôn cung kính, cúng dường, hoan hỷ, tin, vui.

Nơi chư vị Hòa Thượng cũng lại như vậy. Đối với các A Xà Lê lại sinh cung kính. Ta dựa nương nơi các bậc A Xà Lê nên pháp thiện tăng trưởng rộng khắp, pháp phần bồ đề chưa được viên mãn sẽ khiến viên mãn, các thứ kết sử chưa đoạn trừ sẽ khiến đoạn trừ.

Nơi chư vị A Xà Lê lại sinh tưởng như Hòa Thượng, cung kính như trước, yêu thích hoan hỷ, làm tăng trưởng pháp hữu, tổn giảm pháp tả, pháp tả như thế chẳng khiến phát triển. Bồ Tát lại quán xét.

Ai là Đức Thế Tôn của ta?

Bậc nhất thiết chủng trí là Đức Thế Tôn của ta. Bậc ấy có thể hiểu biết tất cả, có thể thuyết giảng tất cả, cứu vớt thế gian, thương xót chúng sinh, đầy đủ tâm đại bi, là ruộng phước lớn, là Đức Thế Tôn của ta, bậc Thầy của hàng Trời, Người. Do nhân duyên ấy, do hình tướng ấy nên sinh tin kính, yêu thích hoan hỷ.

Bồ Tát lại khởi suy nghĩ: Ta được lợi lạc lớn là gặp Đức Thế Tôn Như Lai, Phật chế ra giới luật. Ta nay thà bỏ thân mạng, trọn không hủy phạm giới luật do Đức Như Lai chế. Đó gọi là khéo thọ trì giáo pháp của Phật.

Ta nay phải nên theo những thành phần nào để thọ nhận sự cúng dường?

Như ta hiện tại, phải nhờ vào các hàng Sát Lợi, Bà La Môn nơi những làng mạc, thành ấp, thọ nhận sự cung cấp bố thí của họ, khiến cho phước báo của họ được tôn quý, giàu có, an lạc. Ta cũng không nên dối thọ nhận sự cúng dường của mọi người.

Như vậy thì các hàng Sát Lợi, Bà La Môn nơi những làng mạc, thành ấp đều dấy khởi tưởng gì?

Ta nay suy xét, có công đức gì mà được nhận các thức ăn uống bố thí?

Hàng Sát Lợi, Bà La Môn nơi những tụ lạc, thành ấp sẽ nghĩ ta là vị Sa Môn, tạo tưởng về ruộng phước. Vậy ta nay phải nên thực hiện đầy đủ đúng theo đạo pháp thuộc nẻo hành trì của bậc Sa Môn.

Công đức của hàng Tỳ Kheo, công đức của các Sa Môn, ruộng phước, hành nghiệp thanh tịnh, phải xứng hợp với tên gọi. Ta nay ở trong cõi sinh tử phải tự xuất ly ra khỏi. Đã được thiện lợi là xuất gia, là bước đầu đạt được lợi lạc lớn, không gì hơn.

Ta được xuất gia tức là có được lợi lớn, vô thượng, có thể xứng hợp với pháp xuất gia, cũng là đại lợi, không gì hơn. Thế nên ta nay phải siêng năng tinh tấn, xa lìa bê trễ, cũng phải mau chóng ra khỏi nẻo sinh tử khổ hoạn.

Thiện Nam! Bồ Tát xuất gia thường nên giữ niệm, suy xét như vậy.

Này thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát khéo nhận biết về ngã.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là khéo nhận biết về pháp thế gian.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đối với người cao ngạo khởi tưởng thấp kém.

2. Nơi người kiêu mạn khởi tưởng cung kính.

3. Nơi người tà, nịnh, khởi tưởng chất trực.

4. Đối với kẻ vọng ngữ, khởi tưởng chân thật.

5. Nơi kẻ ghét bỏ, khởi tưởng yêu thích.

6. Nơi kẻ cứng cỏi, khởi tưởng dịu dàng, hòa nhã.

7. Nơi người không nhẫn khởi tưởng nhẫn nhục.

8. Nơi kẻ sân hận, khởi tưởng tâm từ.

9. Nơi người khổ não, khởi tưởng tâm bi.

10. Nơi kẻ nhiều tham khởi tưởng bố thí.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát khéo nhận biết về pháp thế gian.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là có thể sinh vào quốc độ Phật thanh tịnh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Trì giới thanh tịnh, không thiếu sót, không hiềm nghi.

2. Nơi tất cả chúng sinh tâm luôn bình đẳng.

3. Cùng chung sự nghiệp tu tập, đầy đủ các công đức.

4. Xa lìa mọi thứ tiếng tăm, khen ngợi, lợi dưỡng. Không nhiễm tám pháp nơi thế gian.

5. Luôn có tâm tin tưởng sâu xa, không nghi ngờ.

6. Siêng năng tinh tấn tu tập, không hề bê trễ.

7. Thâu giữ tâm, hành thiền định, dứt mọi tán loạn.

8. Khéo tu học về đa văn, xa lìa hàng vô trí.

9. Căn trí lanh lợi, thông tuệ, diệt trừ ngu tối.

10. Nơi các chúng sinh sân hận, não hại luôn tu tập tâm từ.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Nếu mười pháp ấy không gồm đủ thì có thể sinh vào cõi tịnh không?

Phật đáp: Này thiện nam! Nếu có thể nơi một pháp hành trì đầy đủ không thiếu sót thì nên biết mười pháp kia thảy đều thanh tịnh. Do ý nghĩa ấy, nên gọi là gồm đủ mười pháp, được sinh nơi cõi tịnh.

Thiện Nam! Đầy đủ mười pháp ấy, đó gọi là Bồ Tát có thể sinh vào cõi tịnh của Phật.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là không cấu nhiễm theo thai sinh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Tạo các hình tượng.

2. Chùa, tháp Phật nếu bị hư hoại thì nên tu sửa, tạo sự trang nghiêm.

3. Dùng các thứ hương thích hợp để tô, thếp các hình tượng Như Lai, sơn sửa lại các tháp Phật.

4. Thường dùng các loại nước thơm để rưới, tẩy nơi các tháp Phật.

5. Luôn quét dọn sạch sẽ các nơi kể trên.

6. Luôn cung kính, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.

7. Đối với các bậc Hòa Thượng, A Xà Lê, các vị đồng phạm hạnh, tâm luôn cung kính, cúng dường, chẳng phải chỉ là tài thí.

8. Đem các thiện căn này hồi hướng cho các chúng sinh.

9. Nguyện đều được thai sinh không bị cấu nhiễm.

10. Tâm luôn ân cần, tôn trọng, tư duy như vậy.

Thiện Nam! Gồm đủ mười pháp ấy, gọi là Bồ Tát không bị cấu nhiễm theo thai sinh.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là lìa bỏ nhà xuất gia.

Đó là:

1. Không có nơi chốn thọ dụng.

2. Đối với nơi chốn có thể bị cấu nhiễm, trọn không gần gũi.

3. Quay lưng với năm thứ dục.

4. Trừ bỏ các thứ khao khát về ái.

5. Đối với các giới cấm do Như Lai chế ra, hoàn toàn không hủy phạm.

6. Ít ham muốn, biết đủ.

7. Y phục, thức ăn uống, giường nằm tòa ngồi, chính là để giữ lấy mạng sống, trọn không tham tích chứa.

8. Nơi chốn của năm dục luôn sinh sợ hãi.

9. Thường nhớ nghĩ đến việc chán lìa.

10. Dốc tu tập pháp thiện.

Thiện nam! Gồm đủ mười pháp ấy, đó là Bồ Tát lìa bỏ nhà, xuất gia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần