Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẦN MƯỜI BA  

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát khéo trụ nơi không xứ.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là trụ nơi vô tướng.

Đó là:

1. Trừ tướng bên ngoài.

2. Trừ tướng bên trong.

3. Trừ tướng hý luận.

4. Trừ hết thảy tướng tính toán.

5. Trừ hết thảy tướng cảnh giới.

6. Trừ hết thảy tướng cử động.

7. Trừ hết thảy tướng hướng tới xứ sở.

8. Trừ hết thảy tướng tạo tác.

9. Trừ hết thảy tướng của thức.

10. Trừ hết thảy tướng nơi đối tượng duyên của thức.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát đã trụ vào vô tướng như vậy thì Phật trụ nơi vô tướng sẽ như thế nào?

Đức Phật đáp: Cảnh giới của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn.

Vì sao?

Vì chẳng phải trí có thể suy lường được. Nếu muốn tư duy về cảnh giới ấy thì tâm hẳn cuồng loạn. Hết thảy chúng sinh dò xét, suy lường cùng tận cũng chẳng thể biết được chốn bờ kia của Như Lai.

Vì sao?

Vì cảnh giới của Như Lai sâu xa không thể nghĩ bàn, giống như hư không, vượt qua tất cả mọi hiển hiện các số lượng. Người giữ chặt lấy kiến chấp tâm thường điên đảo. Cũng chẳng phải là xét tính của toán số.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con có nghi vấn, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Phật đáp: Này thiện nam! Tùy theo ý ông hỏi, Như Lai sẽ phân biệt giảng nói, hết thảy Chư Phật cũng đều tùy hỷ.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu chấp vào ngã sở thì chẳng phải là pháp của người trí.

Thế Tôn là đại Pháp chủ, tại sao còn tự khen mình?

Phật khen: Hay lắm! Hay lắm! Này thiện nam! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe ta giảng nói.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Con xin nghe, bạch Thế Tôn!

Phật nói: Chư Phật Như Lai không vì kiêu mạn để tự khen ngợi, không vì lợi dưỡng, không vì danh tiếng, không vì khiến kẻ khác biết, không hư vọng tự khen, không tà nịnh, dối trá.

Vì sao?

Chỉ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh, vì muốn chúng sinh đạt được pháp tu hành an lạc.

Vì sao?

Vì muốn khiến chúng sinh kính tin sâu sắc đối với Như Lai, muốn chúng sinh thâm tâm hoan hỷ, có khả năng làm bậc pháp khí luôn được yên ổn, đạt được thiện lợi, thường thọ an lạc, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề vô thượng.

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Chúng sinh lẽ nào không biết Như Lai là Thiên Trung Tôn Tự Tại Pháp Vương hay sao?

Phật đáp: Này thiện nam! Chúng sinh không thể biết hết.

Vì sao?

Vì hàng chúng sinh thấp kém, hạnh nghiệp sâu dày, ít trí, ít tín tâm, thường bị các ác bất thiện kéo giữ nên không biết Như Lai có đại oai đức. Vì những việc như vậy cho nên Như Lai tự xưng về đức thật khiến chúng sinh kia tín thọ, tu hành.

Này thiện nam! Ví như vị lương y hiểu thông y pháp, nơi lương y ở có nhiều người bệnh hoạn, không bệnh nào mà lương y không trị lành, nhưng mọi người ở đấy đều không biết lương y này có oai đức lớn.

Khi ấy, lương y thấy các người bệnh không biết phương dược, cũng lại không biết ngừa những thứ không nên ăn, lúc đó lương y khởi tâm đại từ bi: Ta nên chữa trị, trừ hết thảy các bệnh khổ ấy.

Đối trước mọi người, lương y tự khen về tài năng đức hạnh của mình: Tôi thông hiểu những bệnh ấy, biết rõ nguyên nhân của chúng, cũng hiểu rành về thuốc chữa sẽ tùy theo bệnh mà cho thuốc.

Bấy giờ chúng sinh đối với lương y sinh tâm kính tin. Do tín tâm nên chúng sinh tin vào những lời chỉ dạy của lương y. Lúc này lương y dùng đủ loại dược phẩm, tùy theo mỗi bệnh mà cho thuốc, bệnh tật được trừ khỏi, mọi người đều bình phục.

Này thiện nam! Như vậy lương y có tự khen mình chăng?

Bồ Tát Trừ Cái Chướng bạch Phật: Không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo: Này thiện nam! Như Lai Thế Tôn như Đại Y Vương, hay trị các bệnh phiền não của chúng sinh, cũng biết rõ nguyên nhân phát sinh phiền não, dùng đại pháp dược ban bố cho tất cả. Chúng sinh ngu si bị phiền não che lấp, không biết Như Lai là Đại Y Vương.

Bất cứ nơi đâu, ở trước chúng sinh, Như Lai cũng thường tự khen mình. Khi đó chúng sinh liền sinh tâm kính tín, quy y Như Lai. Thánh chủ Thế Tôn giống như Y Vương, dùng đại pháp dược trừ diệt bệnh phiền não của chúng sinh.

Thế nào gọi là đại pháp dược?

Người tham dục dùng pháp bất tịnh để trị. Người sân hận dùng pháp từ tâm để trị. Người ngu si dùng pháp nhân duyên để trị. Pháp dược như vậy có đến vô lượng, đều có khả năng đối trị các bệnh phiền não.

Thiện nam! Vì Như Lai thấy có vô lượng lợi ích như vậy nên mới tự khen.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát trụ nơi vô tướng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là vô nguyện.

Đó là:

1. Tuy hành bố thí nhưng không dựa vào đó mà cầu xin một điều.

2. Tuy giữ giới cấm nhưng không dựa vào đó mà cầu xin được một điều gì.

3. Hành nhẫn nhục.

4. Hành tinh tấn.

5. Hành thiền định.

6. Hành trí tuệ.

7. Tuy nương vào ba cõi nhưng không cầu được tướng của ba cõi.

8. Tuy cầu Bồ Đề nhưng không chấp giữ tướng Bồ Đề.

9. Tuy hành chánh đạo nhưng không chấp thủ tướng chánh đạo.

10. Tuy cầu Niết Bàn nhưng không thủ tướng Niết Bàn.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã lìa hết thảy tướng cầu xin.

Tuy hành tất cả pháp Phật nhưng tâm thường không vì cầu được một điều gì.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát trụ nơi vô nguyện.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tu tâm từ vô lượng.

Đó là:

1. Không tạo tâm từ trong một phương.

2. Tâm từ không chỉ tùy thuận nơi thân thích.

3. Thường hành pháp tâm từ.

4. Nương định tu tâm từ.

5. Tu tâm từ không vì lìa sân.

6. Thường vì lợi ích của tất cả chúng sinh mà khởi tâm từ.

7. Thường vì chúng sinh mà tu tâm từ bình đẳng.

8. Tu tâm từ không vì lìa não hại.

9. Tu tâm từ hiện bày cả mười phương.

10. Tu tâm từ xuất thế gian.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát tu tâm từ vô lượng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tu tâm bi vô lượng.

Đó là:

1. Thấy các chúng sinh bị khổ não không nơi nương tựa, không ai cứu giúp, không chỗ cậy nhờ, Bồ Tát liền phát tâm bồ đề, tu hành như pháp.

2. Sau khi đắc được pháp rồi thì tạo lợi ích cho chúng sinh.

3. Đối với chúng sinh tham, Bồ Tát dạy khiến cho bố thí.

4. Chúng sinh phá giới, Bồ Tát dạy tu trì giới.

5. Chúng sinh não hại, Bồ Tát dạy tu nhẫn nhục.

6. Chúng sinh biếng trễ, Bồ Tát dạy tu tinh tấn.

7. Chúng sinh tâm loạn, Bồ Tát dạy thiền định.

8. Chúng sinh ngu si, Bồ Tát dạy tu trí tuệ.

9. Nếu thấy các chúng sinh ác, bướng bỉnh không nghe lời dạy, tâm Bồ Tát cũng không thoái chuyển.

10. Tuy vì chúng sinh đang thọ các khổ lâu dài nhưng Bồ Tát quyết chí cứu chúng sinh đó không hề chán nản, mệt mỏi.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát tu tâm bi vô lượng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tu tâm hỷ vô lượng.

Đó là:

1. Khi thấy các chúng sinh nơi cảnh giới sinh tử bức bách khổ não mà được thoát khỏi những thứ ấy trong ba cõi hư giả, Bồ Tát liền sinh tâm hoan hỷ.

2. Thấy chúng sinh đoạn tuyệt sinh tử, qua lại tạo chấn động, kết nghiệp không còn, Bồ Tát sinh tâm hoan hỷ.

3. Trong biển sinh tử, thấy chúng sinh bị nạn La Sát nơi nước sâu ác giác ma kiệt, nay được lìa xa các nạn sinh tử trong biển lớn như vậy, Bồ Tát sinh tâm hoan hỷ.

4. Bồ Tát sinh tâm hoan hỷ khi cờ ma gãy đổ.

5. Bồ Tát dùng trí kim cương phá tan núi kết sử, khiến không còn mảy bụi, liền sinh tâm hoan hỷ.

6. Ta nay tự đạt được sự dứt bỏ, cũng khiến cho kẻ khác được sự dứt bỏ nên sinh tâm hoan hỷ.

7. Ta nay đối với cảnh giới sinh tử triền miên, tự tâm được giác ngộ. Đối với các chúng sinh bị ái trói buộc, bị vô minh bao phủ, ta cũng làm cho họ đều được giác ngộ, nên sinh tâm hoan hỷ.

8. Ta nay tự được giải thoát, lìa các nơi đường ác hiểm nạn. Ta cũng sẽ độ thoát những chúng sinh nào rơi vào đường ác hiểm nạn đó, nên sinh tâm hoan hỷ.

9. Trong đồng hoang sinh tử, sáu đường hiểm nạn, kẻ độc hành không bè bạn, cứ mãi qua lại không biết đường ra, không biết nơi chốn hướng đến. Ta sẽ khiến họ biết được đường chánh, biết rõ nơi chốn nên sinh tâm hoan hỷ.

10. Nay ta được gần thành trì nhất thiết trí, gần nơi Phật ngồi nên sinh tâm hoan hỷ.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát tu tâm hỷ vô lượng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là tu tâm xả vô lượng.

Đó là:

1. Mắt thấy sắc đẹp mà không đắm nhiễm, nhập vào tâm xả.

2. Tai nghe tiếng.

3. Mũi ngửi mùi.

4. Lưỡi nếm vị.

5. Thân chạm vật trơn mịn.

6. Ý biết các pháp… như vậy mà tâm không chấp giữ lấy tướng nơi năm trần, cũng không bức não, thường hành tâm xả.

7. Khổ khổ.

8. Hành khổ.

9. Hoại khổ, đối với ba loại thọ này tâm không tăng giảm, cũng không bức não, thường hành tâm xả.

10. Chuyển hóa tận cùng các hữu kết, thường hành tâm xả.

Bồ Tát suy nghĩ: Ta muốn độ người, phải tự độ mình, thường hành tâm xả.

Thiện nam! Đủ mười việc này gọi là Bồ Tát hành tâm xả vô lượng.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có mười pháp gọi là hiện bày thần thông diệu dụng.

Đó là:

1. Thị hiện xả thọ mạng.

2. Thị hiện sinh ở thế gian.

3. Thị hiện làm đồng tử vui chơi, học tập.

4. Thị hiện xuất gia.

5. Thị hiện hành khổ hạnh.

6. Thị hiện ở nơi cây Bồ Đề.

7. Thị hiện hàng phục ma oán.

8. Thị hiện ưa tịch tĩnh.

9. Thị hiện chuyển pháp luân.

10. Thị hiện nhập Niết Bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần