Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Một - Phẩm Apayimha - Chuyện Kẻ Lừa ðảo Tiền Thân Kuhaka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MỘT  

PHẨM APAYIMHA  

CHUYỆN KẺ LỪA ÐẢO

TIỀN THÂN KUHAKA  

Nghe lời của người nói. Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Bậc Ðạo Sư đã kể về một kẻ lừa đảo. Các chi tiết của câu chuyện sẽ được kể trong tiền thân.

Thuở xưa, khi Vua Barhmadatta trị vì ở Bà La Môn, gần một ngôi làng nhỏ, có một người tu khổ hạnh lừa đảo, thuộc ngoại đạo bện tóc. Một người điền chủ làm cho người ấy một cái chòi lá trong rừng để ở và nuôi sống kẻ ấy trong chòi với đồ ăn ngon lành.

Người điền chủ tin người ngoại đạo bện tóc lừa đảo ấy là người có giới đức. Vì sợ ăn trộm, một hôm, người điền chủ đem đến chòi lá của người ngoại đạo ấy năm trăm đồng tiền vàng, chôn dưới đất và yêu cầu người ấy coi ngó dùm.

Vị tu khổ hạnh nói:Thưa Hiền Giả, đối với những người xuất gia, không nên nói lời như vậy. Chúng tôi không có lòng tham với gia sản của người khác.

Lành thay, Tôn Giả. Người điền chủ, tin lời của kẻ ấy và ra đi.

Kẻ ác khổ hạnh suy nghĩ: Chừng ấy tiền đủ sống trọn đời người. Sau một vài ngày, kẻ ấy lấy số tiền, chôn tại một chỗ bên vệ đường, rồi trở về sống tại chòi lá.

Ngày kế tiếp, kẻ ấy đi đến nhà người điền chủ sau khi ăn cơm và nói: Thưa Hiền Giả, nhờ Ngài, tôi đã sống đây một thời gian dài. Sống tại một chỗ quá lâu cũng như người sống chung đụng với loài người. Sống chung đụng là một cấu uế đối với những người xuất gia. Do vậy tôi sẽ ra đi. Nói vậy xong, dầu được yêu cầu nhiều lần, kẻ ấy cũng không muốn trở lại.

Người điền chủ nói: Sự việc là như vậy, thưa Tôn Giả, Tôn Giả hãy đi. Người điền chủ tiễn kẻ ấy ra tận cửa làng rồi mới trở về.

Người tu khổ hạnh, đi một lát, rồi suy nghĩ: Ta nên lừa dối người điền chủ này. Nghĩ vậy, kẻ ấy cầm một ngọn cỏ giữa búi tóc và đi trở về.

Người điền chủ hỏi: Sao Tôn Giả trở về?

Thưa Hiền Giả, một ngọn cỏ từ mái nhà của Hiền Giả đã mắc vào bện tóc của tôi. Người xuất gia không được lấy sự vật không cho. Vậy tôi trở về đem trả ngọn cỏ ấy.

Người điền chủ nói: Tôn Giả hãy vứt ngọn cỏ rồi đi.

Và nghĩ: Vị này không lấy gia sản của người khác dù chỉ một ngọn cỏ. Ôi, Tôn Giả này thật tế nhị đối với ta. Người chủ điền sanh tịnh tín, đảnh lễ kẻ ấy, rồi từ biệt. Lúc bấy giờ, vì mục đích buôn bán, Bồ Tát đi đến Biên Địa, và ở tại trú xứ ấy. Nghe lời người tu khổ hạnh nói.

Bồ Tát suy nghĩ:  Chắc hẳn kẻ ác khổ hạnh này có lấy tiền bạc gì của người điền chủ này.

Bồ Tát hỏi người điền chủ: Này bạn, bạn có giao cái gì cho người tu khổ hạnh này giữ không?

Thưa bạn, tôi có giao cho vị ấy giữ năm trăm đồng tiền vàng. Vậy hãy tìm kiếm số tiền ấy. Người điền chủ đi đến chòi lá, tìm không thấy số tiền, liền trở về hết sức nhanh báo cho Bồ Tát là tiền không còn nữa.

Bồ Tát nói: Không có ai khác lấy tiền vàng của bạn ngoài tên khổ hạnh bện tóc lừa đảo. Chúng ta hãy đuổi theo bắt lấy nó. Họ chạy đuổi theo, bắt được tên tu khổ hạnh lừa đảo, đánh nó và bảo nó đem trả tiền vàng.

Thấy số tiền vàng đã được trả lại, Bồ Tát khinh bỉ nói với tên tu khổ hạnh: Ngươi thật không dính một ngọn cỏ, mà lại dính đến năm trăm đồng tiền vàng!

Rồi Bồ Tát đọc bài kệ này:

Nghe lời của ngươi nói,

Lời nhẹ nhàng êm dịu,

Không dính đến ngọn cỏ,

Mà dính năm trăm vàng.

Rồi Bồ Tát nói thêm: Này kẻ bện tóc gian dối kia, chớ làm như vậy nữa. Khuyên giáo, và khiển trách kẻ ấy xong, Bồ Tát sống làm các công đức đến lúc mạng chung, Bồ Tát đi theo nghiệp của mình.

Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư nói: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ nay Tỳ Kheo này mới lừa đảo mà trong quá khứ cũng đã lừa đảo rồi.

Rồi Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Lúc ấy, người tu khổ hạnh lừa đảo là Tỳ Kheo lừa đảo này, còn người hiền trí là ta vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần