Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN BỐN  

Thế nào là Bồ Tát không phân hạn nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát chẳng có nhẫn ban ngày mà ban đêm không nhẫn. Chẳng có nhẫn ban đêm mà ban ngày không nhẫn. Chẳng có nhẫn ở nước mình mà ở nước khác không nhẫn. Chẳng có nhẫn ở nước khác mà ở nước mình không nhẫn. Chẳng có nhẫn với người có danh tiếng còn người không danh tiếng chẳng nhẫn.

Chẳng có nhẫn với người không danh tiếng còn người có danh tiếng chẳng nhẫn. Bồ Tát đối với mọi lúc, tất cả quốc độ, người có danh tiếng hay không có danh tiếng cũng đều luôn nhẫn hết thảy. Đó gọi là Bồ Tát chẳng phân hạn nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát không phân biệt nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát không chỉ nhẫn đối với cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc ở chỗ này nhẫn, chỗ khác không nhẫn, mà thậm chí như Chiên Trà La… Bồ Tát cũng hay hành nhẫn. Đó gọi là Bồ Tát không phân biệt nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát không việc đối đãi nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát khi tu nhẫn nhục không vì của cải vật chất, không vì hoảng sợ, không vì làm ân, không vì thuận theo đời và không vì sự xấu hổ mà tự tánh của Bồ Tát luôn nhẫn như vậy. Đó gọi là Bồ Tát không việc đối đãi nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát không sân giận nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát nếu như chưa gặp nhân duyên sân giận và chưa bị người khác gây sân giận thì lòng Bồ Tát thường an nhẫn. Nếu gặp nhân duyên sân và bị người khác sân, nói những lời khinh khi, trách mắng, hoặc dùng tay đánh đập, hoặc dùng dao gậy làm tổn hại.

Bồ Tát bị như vậy liền nghĩ thế này: Ta bị nghiệp khinh khi hủy báng là do ta đã gây ra, nay ta nên chấp nhận. Việc này chẳng phải cha mẹ, bà con ta tạo ra, cho nên nay ta hoan hỷ nhẫn chịu, cũng chẳng phải nội ngoại địa giới chịu.

Thủy, hỏa, phong giới cũng lại như vậy. Do đó Bồ Tát quan sát không điên đảo nên khi gặp nhân duyên sân hay không sân, cả hai đều nhẫn. Đó gọi là Bồ Tát không sân giận nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát bi nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát được làm quân chủ hoặc làm Vua nước nhỏ có nhiều vật báu và nhiều thứ của cải.

Bồ Tát đối với các hữu tình nghèo khổ, nếu bị họ mắng chửi trách móc não loạn thì hoàn toàn chẳng khởi tâm sân giận gây tổn hại họ, cũng chẳng tự cao ra vẻ oai quyền thế lực nhà Vua mà chỉ tư duy: Các hữu tình này do ta thống lãnh, ta nên nuôi dưỡng và bảo vệ họ. Do vậy, Bồ Tát không gây tổn hại. Từ nhân duyên ấy, Bồ Tát khởi tâm đại bi nhẫn chịu an trụ. Đó gọi là Bồ Tát bi nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát được thệ nguyện nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát tư duy như vậy: Ta từng ở chỗ tất cả Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác rống tiếng Sư Tử, thề tu giác ngộ thành Chánh Giác rồi vào biển sinh tử trong bùn phiền não cứu vớt tất cả hữu tình…

Vì thế, không nên sinh sân não mà ta phải chuyên ròng siêng năng tu tập, vì cứu vớt, vì làm thành thục, vì muốn điều phục an lạc cho các hữu tình. Nếu ta khởi lên sân giận gây tổn hại cho họ thì không thể bao dung, làm sao có thể sinh bi nhẫn để cứu vớt hữu tình!

Này thiện nam! Như có vị thầy thuốc giỏi hay dùng kim chữa bệnh, thấy có chúng sinh mắt bị màng che, suy nghĩ thế này: Ta thương họ nên lột màng mắt cho họ để khỏi bị che tối. Lúc ấy vị lương y lại suy nghĩ như vậy, nhưng chính mình lại lo mắt mù tối.

Này thiện nam! Ý ông thế nào?

Vị lương y ấy có thể chữa trị lột màng che mắt cho các hữu tình kia được sáng mắt chăng?

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể được!

Phật bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Cũng vậy, Bồ Tát suy nghĩ thế này: Nay ta không nên dùng kim Bát Nhã để lột màng mắt cho thế gian, do tự tâm ta còn vô minh che lấp, như vậy làm sao có thể diệt trừ được vô minh hoặc cho họ.

Do nhân duyên này, Bồ Tát không bao giờ gây tổn hại mà luôn an trụ tu nhẫn. Đó gọi là Bồ Tát được thệ nguyện nhẫn viên mãn.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp ấy thì được nhẫn viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tinh tấn viên mãn.

Những gì là mười?

1. Tinh tấn như kim cang.

2. Tinh tấn chẳng ai theo kịp.

3. Tinh tấn lìa nhị biên.

4. Tinh tấn rộng lớn.

5. Tinh tấn dồi dào.

6. Tánh thường tinh tấn.

7. Tinh tấn thanh tịnh.

8. Bất cộng tinh tấn.

9. Tinh tấn không khinh tiện.

10. Tinh tấn không kiêu ngạo.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tinh tấn như kim cang?

Là các Bồ Tát phát khởi tinh tấn chuyên cần tu tập ở nơi các hữu tình: Ai chưa chứng Niết Bàn làm cho chứng Niết Bàn, ai chưa được độ làm cho được độ, ai chưa giải thoát làm cho giải thoát, ai chưa yên ổn làm cho yên ổn, ai chưa chứng Đẳng Giác làm cho chứng Đẳng Giác. Bồ Tát siêng năng tu tập như vậy.

Lúc đó, thiên ma tìm tòi những chỗ thiếu sót của Bồ Tát để phá hoại, đến chỗ Bồ Tát nói thế này: thiện nam! Ông chớ tinh tấn làm những việc cần khổ này.

Vì sao?

Vì ta đã từng phát khởi tinh tấn chuyên cần tu tập, ở nơi các hữu tình: Ai chưa chứng Niết Bàn làm cho chứng Niết Bàn, ai chưa được độ làm cho được độ, ai chưa giải thoát làm cho giải thoát, ai chưa yên ổn làm cho yên ổn, ai chưa chứng Đẳng Giác làm cho chứng Đẳng Giác.

Tinh tấn như vậy là người ngu cuồng mê lầm. Tất cả đều là pháp hư vọng chẳng chân thật.

Thiện Nam! Ai khởi tinh tấn chuyên cần tu tập như vậy, ta chưa thấy có một hữu tình nào có thể đối với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề mà chứng Đẳng Giác.

Thiện nam! Ta biết vô lượng, vô số hữu tình đều có thể chứng nhập Niết Bàn nhị thừa.

Này thiện nam! Các ông tinh tấn cầu pháp hư vọng, mau bỏ tâm này để lìa các khổ não.

Lúc ấy, Bồ Tát suy nghĩ: Đây chắc chắn là ma não hại ta.

Bồ Tát hiểu rõ biết đây là ma thuyết liền nói với ma: Này Ma Ba Tuần! Suy nghĩ xấu của ngươi muốn phá hoại ta, ngươi hãy lo cho ngươi chớ lo việc của ta.

Đức Thế Tôn đã dạy: Này Ma Ba Tuần! Tất cả thế gian đều tùy theo tự nghiệp hay cộng nghiệp đã gây ra mà đưa đến cảnh giới tái sinh.

Này Ma Ba Tuần! Nay ngươi cũng tùy theo tự nghiệp hay cộng nghiệp đã gây ra mà đưa đến cảnh giới tái sinh. Như vậy, ngươi hãy nên tùy nghiệp mà đi, chớ não loạn ta chẳng lợi ích chi và mãi mãi tự chịu khổ não!

Khi đó, tâm ý của Ma la rút lui và tự sinh hổ thẹn, bỏ ý nghĩ xấu rồi ẩn mất. Do vậy, nếu khi Ma Vương và các chúng ma đến não loạn muốn tìm những sơ hở của Bồ Tát để phá hoại thì tâm Bồ Tát hoàn toàn không lay động, dũng mãnh giữ gìn vững chắc chẳng thoái chuyển. Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn như kim cang.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát được tinh tấn chẳng ai theo kịp?

Là các Bồ Tát phát khởi những loại tinh tấn như vậy. Các Bồ Tát khác tuy từ lâu đã tích tập tịnh nghiệp an trụ nơi chân tánh nhưng hoàn toàn chẳng thể bì kịp Bồ Tát phát khởi những loại tinh tấn này, dù chỉ một phần nhỏ, ma ma đẳng phần, cho đến tính toán thí dụ Ô Ba Ni Sát Đàm phần cũng không thể sánh kịp, huống gì là tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.

Trong đó, sức tinh tấn phát tâm của Bồ Tát có thể thâu giữ tất cả Phật Pháp, lại có thể lìa bỏ những nghiệp tội, các pháp bất thiện. Đó gọi là Bồ Tát được sức tinh tấn chẳng ai theo kịp.

Thế nào là Bồ Tát tinh tấn lìa nhị biên?

Là các Bồ Tát thường khởi tinh tấn không tăng không giảm.

Vì sao?

Vì tăng lên cùng tột thì sinh ra kiêu ngạo, còn hạ thấp xuống thì sinh biếng trễ. Cho nên Bồ Tát luôn luôn tinh tấn không tăng không giảm. Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn lìa nhị biên.

Thế nào là Bồ Tát tinh tấn rộng lớn?

Là các Bồ Tát phát khởi tinh tấn như vậy: Ta nguyện sẽ được sắc đẹp đoan nghiêm của Như Lai, được Vô kiến đảnh tướng, được đầy đủ ánh sáng, được sắc đẹp tùy thân của Chư Phật.

Lại còn khởi tinh tấn như vậy: Ta nguyện sẽ được vô lượng đại trí vô ngại của Chư Phật và được đại oai đức thắng nghĩa tánh… đó gọi là Bồ Tát tinh tấn rộng lớn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tinh tấn mãnh liệt?

Là các Bồ Tát phát khởi tinh tấn lìa hẳn mọi trần cấu lỗi lầm. Như ngọc mani và vàng ròng… không còn tạp chất, tỳ vết, ánh sáng rực rỡ của nó tỏa xung quanh tuyệt đẹp, lẫy lừng. Bồ Tát tinh tấn mãnh liệt cũng như vậy, lìa hẳn tất cả trần cấu lỗi lầm.

Vì sao gọi là tinh tấn trần cấu?

Vì sao gọi là tinh tấn lỗi lầm?

Nghĩa là buông lung lười biếng, không tiết chế ăn uống, không biết tự lượng, tác ý chẳng như lý khởi tư duy ác. Đó gọi là tinh tấn trần cấu, cũng gọi là tinh tấn lỗi lầm. Thế nên, Bồ Tát lìa hẳn những tinh tấn ấy mà luôn luôn năng nổ tinh tấn, thanh tịnh vô cấu tươi sáng, không còn lỗi lầm. Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn mãnh liệt.

Thế nào là Bồ Tát tánh thường tinh tấn?

Là các Bồ Tát đối với những oai nghi luôn luôn phát khởi mọi tinh tấn, tánh thường chuyên cần dũng mãnh không khi nào dừng bỏ. Thân tâm chưa từng mỏi mệt biếng trễ. Đó gọi là Bồ Tát tánh thường tinh tấn.

Thế nào là Bồ Tát tinh tấn thanh tịnh?

Là các Bồ Tát luôn luôn phát khởi tinh tấn như vậy: Tất cả tội lỗi, những pháp bất thiện, việc không lợi ích làm chướng ngại đạo, thậm chí những điều bất thiện cực nhỏ, một tâm niệm ác cũng không phát khởi, huống nữa là các pháp bất thiện rộng lớn.

Vì thế Bồ Tát đều đoạn trừ tất cả thuận lý Niết Bàn tư lương Thánh Đạo hướng đến bồ đề phần. Pháp thiện như vậy, Bồ Tát tu tập làm cho bồ đề tăng trưởng rộng lớn viên mãn. Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn thanh tịnh.

Thế nào là Bồ Tát bất cộng tinh tấn?

Là các Bồ Tát suy nghĩ như vậy: Giả sử mười phương hằng hà sa có lửa bốc cháy tràn khắp như ngục A tỳ, sang Thế Giới bên kia có một chúng sinh chịu các khổ não: Không có chỗ về, không nơi nương tựa, không người nhờ cậy.

Bồ Tát thương xót hữu tình ấy mà vượt qua biển lửa bùng cháy kia để đến nơi ấy mà giáo hóa còn không kể khó nhọc, huống nữa là nhiều hữu tình mà không cứu giúp chăng! Lòng đại bi tinh tấn của Bồ Tát như vậy thì ngoại đạo và hàng nhị thừa không thể bì kịp. Đó gọi là Bồ Tát bất cộng tinh tấn.

Thế nào là Bồ Tát tinh tấn không khinh tiện?

Là các Bồ Tát chẳng bao giờ khởi tâm: Vì ta tinh tấn yếu ớt thấp kém và lười biếng nên tu tập bồ đề tất nhiên là khó được.

Lại chẳng suy nghĩ như vậy: Ta không thể gánh vác, tích tập khổ hạnh như vậy trong vô lượng kiếp, ngàn vạn kiếp, như chữa lửa cháy đầu mới chứng bồ đề.

Bồ Tát không có tâm thoái lui như vậy, mà lại phát tâm thế này: Tất cả Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ, Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác trong hiện tại và Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đời vị lai, các Đức Như Lai ấy trong vô lượng kiếp tinh tấn tu hành đều chứng Đẳng Giác.

Do các Đức Phật này tinh tấn tu hành nhiều đời mới được chứng Chánh Đẳng Giác như vậy, nên ta cũng như thế, phải trải qua nhiều kiếp tu các hạnh mới được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Vì ba đời các Đức Như Lai hành tinh tấn mới thành Phật. Lại nữa, ta thà vì tất cả hữu tình tinh cần tu tập mà chịu ở địa ngục, trọn chẳng vì mình mà tinh tấn tu tập để chứng Niết Bàn. Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn không khinh tiện.

Thế nào là Bồ Tát tinh tấn không ngạo mạn?

Là khi Bồ Tát phát khởi tinh tấn hoàn toàn không tham đắm, tự cao, ngạo mạn, khinh người khác.

Kẻ trí nào nghĩ đến ân người khác mà không hành tinh tấn sao! Đó gọi là Bồ Tát tinh tấn không ngạo mạn.

Này thiện nam! đại bồ Tát nào thành tựu mười pháp này thì được tinh tấn viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tĩnh lự viên mãn.

Những gì là mười?

1. Chứa nhóm phước đức.

2. Luôn luôn chán lìa.

3. Chuyên cần tinh tấn tu tập.

4. Đa văn đầy đủ.

5. Lãnh thọ sự chuyên cần tu tập không điên đảo.

6. Như pháp tu hành.

7. Được căn tánh nhạy bén.

8. Được tâm thiện xảo.

9. Được Xa ma tha thiền chỉ, Tỳ bát xá na thiền quán thiện xảo.

10. Không chấp trước.

Thế nào là Bồ Tát chứa nhóm phước đức?

Là các Bồ Tát ưa thích đại thừa, lại thường tích tập những căn lành, sinh ở đâu cũng gặp được tri thức thiện, rồi hay tu tập các diệu hạnh, thường nguyện sinh vào nhà đại Bà La Môn, Sát Đế Lợi, đại Cư Sĩ, sinh đến những nơi ấy luôn được chánh tín.

Do nhân duyên đó căn lành tăng trưởng rộng lớn vô thượng, là vì luôn luôn không lìa tri thức thiện. Tri thức thiện là Chư Phật và tất cả Bồ Tát. Do Bồ Tát này quán tập căn lành tăng trưởng dồi dào, quan sát thế gian khổ não bức bách là nơi tập hợp các bệnh tật, ngu ám ngăn che, không nơi an trú.

Vì sao?

Vì nhân duyên tham dục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần