Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, Bồ Tát Chỉ Cái và các Bồ Tát vâng lời Phật dạy, đảnh lễ sát chân Phật. Những vị này nơi bản xứ ấy muốn đến cõi Tác Ha, vì muốn cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, liền dùng các thứ thần thông biến hóa thị hiện ra những cây báu, cây hoa, cây quả, cây kiếp ba… đều bằng vàng ròng, lưu ly, pha lê để trang sức, cao rộng xinh đẹp, cành nhánh sum suê.

Lại hiện ra các loại y phục và những loại trang sức nơi thân: Hương thơm tuyệt diệt, lọng báu, âm nhạc Chư Thiên như mây hạ xuống. Các vị thị hiện biến hóa vô lượng thứ báu như vậy.

Bồ Tát Chỉ Cái nói với chúng Bồ Tát: Này các Nhân giả! Thế Giới Tác Ha kia nhiều thứ khổ não, các Nhân giả mỗi vị hiện thần thông biến hóa làm cho chúng hữu tình cõi ấy được niềm vui cùng tột.

Các Bồ Tát cùng thưa: Xin vâng.

Lập tức từ thân Bồ Tát Chỉ Cái và các Bồ Tát phát ra các loại ánh sáng thanh tịnh, ánh sáng ấy chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới.

Trong đó, những cõi địa ngục, bàng sinh, diêm ma quỷ nhờ ánh sáng ấy tỏa chiếu vào thân nên tất cả đều hết khổ liền được an lạc, đối đãi với nhau bằng lòng từ, xa lìa tham lam, sân hận, tưởng nghĩ như cha mẹ. Lại nữa, ở Thế Giới ấy trong những nơi tăm tối, ánh sáng mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến được, đều nhờ ánh sáng lớn này mà chúng sinh nơi ấy thấy với nhau.

Oai lực của ánh sáng ấy tỏa chiếu khắp Thế Giới, toàn bộ các núi: Núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Mục Chân Lân Đà, núi Đại Mục Chân Lân Đà và các núi đen khác. Trên đến Trời Phạm Thế, dưới thấu địa ngục A tỳ đều được sáng rực rỡ.

Oai thần của ánh sáng ấy chiếu đến đâu thì tất cả hữu tình cầu ăn được thức ăn, người cầu y phục được y phục, người cầu xe được xe, người cầu của cải được của cải, người mù được thấy, người điếc nghe được, người cuồng được chánh niệm, người khổ được vui, người mang thai được bình yên.

Bồ Tát Chỉ Cái và các Bồ Tát sang Thế Giới Tác Ha rồi đi đến núi Già Da. Nhờ sức oai thần của các Bồ Tát nên Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới hiện ra lưới báu trang nghiêm che khắp.

Ở giữa hư không, mây lớn phủ kín, Trời mưa hoa sen và các loại hoa trái tuyệt đẹp, hoặc Trời mưa vòng hoa, hương thơm, hương bột, ca sa, y phục, lọng báu, cờ phướn. Khi hiện ra đầy đủ các loại như vậy… tất cả hữu tình ở trong Thế Giới Tác Ha đều được vô lượng an vui tối thượng.

Khi ấy, trên đỉnh núi Già Da và các nơi trong cõi ấy, bao nhiêu gai gốc cây cối vườn rừng nhờ sức oai thần của Bồ Tát nên tất cả đều biến mất. Lại hiện ra những cây báu như cây hoa, cây quả, cây chiên đàn, trầm thủy, cây Kiếp ba…, cành lá hoa trái lần lượt trang nghiêm thật đáng ưa thích. Ở giữa hư không, nhạc Trời tấu lên cúng dường tán thán.

Bấy giờ, Bồ Tát Chỉ Cái từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính hướng đến Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Con có ít điều muốn thưa hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, cúi xin Thế Tôn chấp thuận cho!

Đức Phật bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Ông cứ hỏi, ta sẽ vì ông mà trả lời, tất cả Đức Như Lai đều cùng chấp thuận. Nay ông hãy nên khéo tự thâu giữ tâm.

Nghe Đức Phật chấp thuận rồi, Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ Tát được bố thí viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được tịnh giới viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được trụ nhẫn viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được tinh tấn viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được tĩnh lự viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được bát nhã viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được phương tiện thiện xảo viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được đại nguyện viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được thắng lực viên mãn?

Làm thế nào Bồ Tát được trí viên mãn?

Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát làm thế nào bình đẳng như đất?

Làm thế nào bình đẳng như nước?

Làm thế nào bình đẳng như lửa?

Làm thế nào bình đẳng như gió?

Làm thế nào bình đẳng như hư không?

Làm thế nào được như mặt trăng?

Làm thế nào được như mặt trời?

Làm thế nào được như Sư Tử?

Làm thế nào khéo được điều phục?

Làm thế nào được tánh tịch tĩnh?

Làm thế nào được như hoa sen?

Làm thế nào được tâm quảng đại?

Làm thế nào được tâm thanh tịnh?

Làm thế nào được tâm không do dự?

Làm thế nào được trí tuệ như biển?

Làm thế nào được diệu trí thiện xảo?

Làm thế nào được thành tựu ứng lý biện tài?

Làm thế nào được giải thoát biện tài?

Làm thế nào được thanh tịnh biện tài?

Làm thế nào khiến cho chúng sinh hoan hỷ đầy đủ?

Làm thế nào được lời nói khiến cho người khác tin nhận?

Làm thế nào được gọi là hay thuyết pháp?

Làm thế nào được tùy thuận pháp hành?

Làm thế nào được các pháp thiện xảo?

Làm thế nào được pháp giới thiện xảo?

Làm thế nào được hạnh như hư không?

Làm thế nào được hạnh vô tướng?

Làm thế nào được hạnh vô nguyện?

Làm thế nào được tự tánh từ?

Làm thế nào được tự tánh bi?

Làm thế nào được hạnh hỷ?

Làm thế nào được hạnh xả?

Làm thế nào có thể được thần thông diệu dụng?

Làm thế nào được lìa tám nạn?

Làm thế nào được trụ tâm bồ đề không thoái chuyển?

Làm thế nào được túc trụ trí thông?

Làm thế nào được gần gũi bậc Tri thức thiện?

Làm thế nào được xa lìa tri thức ác?

Làm thế nào chứng được pháp thân Như Lai?

Tu thế nào được thân kim cang?

Làm thế nào được làm đại thương chủ?

Làm thế nào đối với đạo được thiện xảo?

Làm thế nào được diễn thuyết không điên đảo?

Làm thế nào thường được Tam ma rị đa?

Sao gọi là Bồ Tát được nhận y phấn tảo?

Sao gọi là được thọ dụng ba y?

Sao gọi là không theo hạnh người khác?

Sao gọi là thường khất thực?

Sao gọi là ngồi một chỗ?

Sao gọi là ăn một lần?

Sao gọi là ở A Lan Nhã?

Sao gọi là ngồi dưới gốc cây?

Sao gọi là ngồi nơi đất trống?

Sao gọi là ở nghĩa địa?

Sao gọi là ngồi không nằm?

Sao gọi là tùy phu tọa?

Sao gọi là người tu Du Già?

Sao gọi là Bồ Tát hay trì tạng Tố Đát Lãm Kinh?

Sao gọi là Bồ Tát hay trì Tùy Nại Da?

Sao gọi là được oai nghi đầy đủ trong các cảnh giới hành theo phép tắc?

Sao gọi là lìa keo kiệt ganh tỵ?

Sao gọi là đối với tất cả hữu tình được tâm bình đẳng?

Sao gọi là Bồ Tát thiện xảo cúng dường Như Lai?

Sao gọi là chế phục ngã mạn?

Sao gọi là nhiều tịnh tín?

Sao gọi là đối với thế tục được thiện xảo?

Sao gọi là đối với thắng nghĩa được thiện xảo?

Sao gọi là thâm nhập duyên khởi thiện xảo?

Sao gọi là tự liễu tri?

Sao gọi là hay biết được thế gian?

Sao gọi là được sinh về Cõi Phật thanh tịnh?

Sao gọi là ở trong thai không bị nhiễm trần cấu?

Sao gọi là ưa xuất gia?

Sao gọi là được tịnh mạng?

Sao gọi là không mỏi mệt?

Sao gọi là vâng lời Như Lai dạy, luôn không trái phạm?

Sao gọi là dung nhan luôn tươi vui, không nhăn nhó?

Sao gọi là đầy đủ đa văn tổng trì?

Sao gọi là thâu nhận chánh pháp thiện xảo?

Sao gọi là con của pháp vương?

Làm thế nào được tùy tùng theo Thích, Phạm, Hộ thế?

Sao gọi là hiểu được ý thích phiền não của người khác?

Sao gọi là thành thục hữu tình thiện xảo?

Sao gọi là được trụ tùy thuận?

Sao gọi là sống trong chúng an ổn?

Sao gọi là thâu giữ sự thiện xảo?

Làm thế nào được thành thục tướng tốt đoan nghiêm?

Sao gọi là được làm chỗ nương tựa cho người khác?

Làm thế nào được như Dược Thọ Vương?

Sao gọi là tinh cần tu nghiệp phước đức?

Sao gọi là tu chứng biến hóa thiện xảo?

Các Bồ Tát làm thế nào để mau chứng vô thượng bồ đề?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Chỉ Cái: Này thiện nam! Lành thay! Lành thay! Ông vì lợi ích cho vô lượng hữu tình, vì an lạc cho vô lượng hữu tình, vì thương xót tất cả thế gian mới hỏi nghĩa như vậy.

Lắng nghe! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho ông rõ.

Nghe lời này rồi, Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con tha thiết được nghe.

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Có mười pháp, các Đại Bồ Tát nếu có thể thành tựu thì liền được bố thí Ba la mật đa.

Những gì là mười?

1. Thành tựu pháp thí.

2. Thành tựu vô úy thí.

3. Thành tựu tài thí.

4. Thành tựu thí không cầu mong.

5. Thành tựu từ bi thí.

6. Thành tựu không khinh mạn thí.

7. Thành tựu cung kính thí.

8. Thành tựu cúng dường thí.

9. Thành tựu vô sở y thí.

10. Thành tựu thanh tịnh thí.

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu pháp thí?

Nghĩa là Bồ Tát tiếp thu chánh pháp, thọ trì, đọc tụng, không còn mong cầu, không vì lợi dưỡng cung kính, không vì danh tiếng hơn người. Chỉ vì những hữu tình khổ não mà diễn thuyết diệu pháp cho họ, khiến cho tội chướng họ được tiêu diệt, chẳng còn mong cầu.

Như là diễn thuyết diệu pháp cho nhà Vua, Vương Tử và Chiên Đà La Tử, tâm còn không hai, huống là thuyết pháp cho tất cả đại chúng tâm không bình đẳng chăng! Tuy Bồ Tát hành bố thí nhưng không dựa vào đó sinh tâm ngã mạn.

Thiện Nam! Đó là Bồ Tát thành tựu pháp thí.

Này Thiện Nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu vô úy thí?

Bồ Tát tự xả bỏ hình phạt và tất cả khí trượng và cũng dạy người khác xả bỏ hình phạt và mọi khí trượng. Bồ Tát lại quan sát và nghĩ tưởng tất cả hữu tình như cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc của mình.

Vì sao Bồ Tát nghĩ như vậy?

Vì Đức Phật đã dạy tất cả chúng sinh đều đã từng làm cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc của ta. Đối với những loại côn trùng vi tế, ta còn cắt thịt để bố thí chúng, huống gì là loài hữu tình to lớn mà làm cho họ sợ hãi. Đó là Bồ Tát thành tựu vô úy thí.

Này Thiện Nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu tài thí?

Nghĩa là Bồ Tát quán thấy những hữu tình tạo nghiệp cực ác mà bố thí của cải và giúp đỡ khiến họ xa lìa những nghiệp ác đã làm, an trú nơi pháp thiện.

Bồ Tát lại khởi tư duy: Phật dạy: Bố thí là bồ đề của Bồ Tát, do bố thí nên đoạn được ba thứ pháp bất thiện: Đó là keo kiệt, ganh ghét và suy nghĩ ác. Vì vậy, ta nên vâng lời Đức Như Lai dạy, tùy vào tài sản của mình có mà thường hành bố thí. Tuy Bồ Tát thường hành bố thí nhưng chẳng khởi tâm kiêu mạn. Đó là Bồ Tát thành tựu tài thí.

Này Thiện Nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí không cầu mong?

Nghĩa là Bồ Tát bố thí hoàn toàn không vì bản thân mình, không vì của cải, không vì quyến thuộc, không vì lợi dưỡng. Khi hành bố thí tâm các Bồ Tát thanh tịnh, do nhân duyên đó xa lìa mọi cầu mong được đền ân mà hành bố thí. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí không hy vọng.

Này Thiện Nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí từ bi?

Nghĩa là Bồ Tát thấy những hữu tình chịu các khổ não: Đói khát, nghèo khổ, quần áo rách rưới nhơ bẩn, cô độc không có chỗ nhờ cậy, không nơi nương tựa, xa lìa nghiệp phước chẳng còn nơi nào để hướng đến.

Do đó, Bồ Tát khởi lòng từ bi suy nghĩ như vậy: Ta vì lợi ích cho các hữu tình kia mà phát tâm vô thượng Bồ Đề.

Các hữu tình ấy chịu những khổ não, không biết lối về, không ai nhờ cậy, không nơi nương tựa, xoay vần trong sinh tử, nên lúc nào ta cũng vì các hữu tình ấy chỉ lối về, làm người nhờ cậy, làm nơi nương tựa cho họ.

Vì Bồ Tát luôn giữ lòng từ bi nên tùy theo tài sản của mình mà bố thí cho hữu tình mọi nơi, mọi lúc. Tuy Bồ Tát làm cho chúng sinh được nhiều căn lành lợi ích, nhưng chẳng bao giờ ỷ vào đó mà khởi tâm cao mạn. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí từ bi.

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí không khinh mạn?

Là Bồ Tát khi bố thí không bao giờ đem cho đồ bằng cách vứt bỏ, khinh khi mà ý nghĩ luôn hết sức cẩn thận chưa từng hiềm giận, không ỷ mình phú quý mà nhởn nhơ ngạo mạn, chẳng cầu danh thơm tiếng tốt hay tự mãn.

Khi Bồ Tát bố thí, lòng hoan hỷ cung kính, tôn trọng, tán thán, tự tay trao cho người. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí không khinh mạn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần