Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Thí Dụ Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁP CÚ THÍ DỤ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẨM MỘT
PHẨM VÔ THƯỜNG
THÍ DỤ HAI
Thuở xưa, Đức Phật trú tại Tinh Xá nước Xá Vệ thuyết pháp cho hàng Trời, Người, Rồng, Quỷ. Lúc ấy, mẹ Vua Ba Tư Nặc tuổi hơn chín mươi chợt lâm trọng bệnh, vì trị không đúng thầy đúng thuốc nên đã qua đời.
Vua và Quần Thần theo pháp làm lễ tang rồi đưa đi an táng. Tang sự xong, Vua và quần thần trở về, ghé ngang qua chỗ Phật. Lúc ấy Vua cởi mũ tháo giầy bước đến làm lễ bên chân Phật.
Đức Phật mời Vua ngồi xuống rồi hỏi: Vua từ đâu đến mà quần áo xốc xếch, vẻ mặt tiều tụy?
Sao lại ra nông nỗi này?
Nhà Vua cúi đầu đáp: Thái Hậu, mẹ con tuổi hơn chín mươi mắc phải trọng bệnh vừa mới qua đời. Con đưa linh cữu ra mộ rồi trở về ghé qua đây thăm Đức Thế Tôn.
Đức Phật bảo với Vua: Từ xưa đến nay có bốn việc đáng sợ nhất, đó là: Sinh ra rồi phải già yếu gầy guộc. Bệnh phải héo hon hình dung. Chết thần thức đi mất, xa lìa thân thuộc. Đó là bốn việc chẳng hẹn cùng người. Vạn vật vô thường, không kể dài lâu. Mỗi ngày trôi qua, mạng sống lần giảm.
Như nước năm sông ngày đêm chảy mãi không ngừng, mạng người mau qua cũng như vậy.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Như sông chảy mau
Theo dòng trôi mãi
Mạng người cũng thế
Qua không trở lại.
Rồi Đức Phật nói với Vua: Mọi vật trên đời đều như vậy, không có cái gì trường tồn. Mọi người đều phải chết, không ai tránh được lẽ này.
Các vị Phật, chân nhân, Tiên ngũ thông, Quốc Vương thuở xưa nay có còn đâu?
Vua không nên buồn thương vô ích có hại đến thân mình. Làm người con hiếu thương yêu cha mẹ quá vãng thì phải làm phước, tu tạo công đức hồi hướng cho cha mẹ, như là chuẩn bị lương thực gởi cho người thân lúc đi xa.
Nghe Đức Phật dạy xong, Vua và quần thần đều hoan hỷ, không còn lo buồn. Những người đến nghe pháp đều thấy được đạo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba