Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Hai Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN HAI MƯƠI    

Này thiện nam! Bồ Tát dùng bát nhã chân chánh lựa chọn các pháp tương ưng với thân, giỏi xả bỏ những pháp ác, quan sát thân này từ đầu đến chân vô ngã, ngã sở, tánh không tồn tại lâu, cuối cùng sẽ hoại diệt, gân mạch máu chằng chịt, hôi thối bất tịnh.

Khi Bồ Tát quan sát như vậy thì đối với thân không còn ưa muốn tham đắm, với nghĩa này thì trong thân toàn là những pháp khả ố, duy chỉ có Bồ Tát tự tại mới có thể xả bỏ, chẳng phải các hữu tình mà thực hành được.

Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về thân.

Thế nào là Bồ Tát thực hành thọ niệm xứ?

Này thiện nam! Bồ Tát suy nghĩ thế này: Tất cả các thọ đều là khổ, người ngu điên đảo cho là vui.

Tất cả người trí biết vui tức là khổ, cho nên dũng mãnh tu hành để đoạn khổ, khiến cho hữu tình khác cũng học như vậy. Khi Bồ Tát quan sát thọ hoàn toàn không nhiễm đắm cũng không nóng giận. Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành thọ niệm xứ.

Thế nào là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về tâm?

Này thiện nam! Bồ Tát suy nghĩ: Tâm thật vô thường chấp trước là thường, thật là khổ mà chấp cho là vui, vốn không có ngã chấp cho là có ngã, xưa nay bất tịnh chấp cho là tịnh, tâm ấy dao động không lúc nào tạm dừng.

Vì không dừng cho nên thường làm căn bản cho các pháp tạp nhiễm, hoại diệt đường thiện, mở cửa nẻo ác, sinh trưởng ba độc cùng với tùy phiền não… gây ra nhân duyên ấy, làm chủ dẫn dắt.

Lại nữa, tâm ấy hay tích tập nghiệp thiện, bất thiện lưu chuyển nhanh chóng như vòng lửa xoay tròn, như ngựa chạy nhanh, như ngọn lửa thiêu đốt, như nước lụt, biết mọi cảnh giới như bức tranh. Khi Bồ Tát quan sát tâm như vậy liền được tự tại, được tự tại rồi đối với các pháp không còn vướng mắc. Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về tâm.

Thế nào là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về pháp?

Này thiện nam! Bồ Tát biết rõ như thật đây là các pháp bất thiện tham, sân, si… và đây là nơi nương tựa khởi lên những pháp khác, có thể tu tập để đối trị phiền não, khiến cho các pháp ác tất cả đều dứt hẳn.

Bồ Tát đã biết rõ tất cả pháp lành, phát nguyện mong mỏi an trú trong đó, lại hay an lập cho tất cả hữu tình tu học như vậy. Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về pháp.

Thế nào là Bồ Tát khéo hành niệm xứ về cảnh giới?

Này thiện nam! Bồ Tát đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vừa ý hay không vừa ý đều không đắm nhiễm, cũng không phát khởi tâm nóng giận.

Bồ Tát suy nghĩ như vậy: Ta không nên đối với pháp không này mà sinh tham đắm, nếu ta tham đắm tức là kẻ ngu, tánh ngu si là không hiểu biết, là tánh bất thiện.

Theo lời Đức Thế Tôn dạy: Nếu đắm nhiễm tham ái thì lập tức trở nên si mê không thể hiểu rõ pháp thiện và bất thiện, do nhân duyên này đọa vào đường ác.

Bồ Tát suy nghĩ như vậy: Ta không nên đối với pháp không này mà nổi lên nóng giận, nếu nổi giận tức là không thể nhẫn, bị trói buộc, bị các Bậc Thánh Nhân quở trách và những vị phạm hạnh không hài lòng.

Khi Bồ Tát quan sát cảnh giới không bị cảnh giới trói buộc, cũng không chấp trước, lại còn giáo hóa mọi người tu học như vậy. Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về cảnh giới.

Thế nào là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về A Lan Nhã?

Này thiện nam! Bồ Tát suy nghĩ thế này: Khi ta trụ vào hạnh vô tranh và hạnh tịch tĩnh, nếu Trời, Rồng, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược… có tha tâm thần thông thì có thể biết được tâm và tâm sở hữu pháp của ta. Vì thế, ta nên tác ý như lý, xa lìa tác ý bất như lý, ở trong pháp như lý mà tăng trưởng tu tập rộng lớn. Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về A Lan Nhã.

Thế nào là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về thôn ấp, xóm làng, quốc độ, thủ đô?

Này thiện nam! Bồ Tát cần phải xa lìa những nơi phi pháp như: Nơi tửu tứ, phòng dâm, vương gia, bọn đam mê cờ bạc và chỗ tụ tập ca múa cười giỡn, vì những nơi đó chẳng phải chỗ lui tới của người xuất gia nên phải xa lìa. Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về nhân gian.

Thế nào là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về lợi dưỡng, tôn trọng, khen ngợi?

Này thiện nam! Bồ Tát luôn đối với lợi dưỡng… phát tâm như vậy: Ta vì những người cúng dường mà làm ruộng phước rồi san sẻ vật thí ấy chẳng bao giờ tham đắm để khỏi ái nhiễm.

Ta cũng chẳng vì mình mà chấp ngã, ngã sở, vật được thọ nhận đem ban bố cho tất cả hữu tình cùng có, trở lại bố thí cho mọi người khổ não. Do nhân duyên này Bồ Tát được sự lợi dưỡng… nhưng hoàn toàn chẳng ỷ thị mà sinh tâm ngã mạn, cao ngạo.

Bồ Tát suy nghĩ: Thể tánh của việc được danh thơm, tiếng tốt, lợi dưỡng… vốn vắng lặng đều không thể thủ đắc, cuối cùng cũng sẽ là pháp mai một bại hoại, không thể tin chắc.

Người có trí nào đối với pháp vô thường mà còn sinh ưa đắm, lại khởi lên kiêu căng, buông lung, ngã mạn, cao ngạo?

Đó gọi là Bồ Tát khéo thực hành niệm xứ về lợi dưỡng, tôn trọng, khen ngợi.

Thế nào là Bồ Tát khéo hành niệm xứ về học xứ Như Lai chế định?

Này thiện nam! Bồ Tát suy nghĩ: Chư Phật thời quá khứ đã thường tu tập học xứ này và đã hiện chứng Đẳng Giác, nhập Bát Niết Bàn, Chư Phật vị lai tu tập cũng vậy và sẽ chứng Đẳng Giác nhập BátNiết Bàn.

Chư Phật hiện tại đang tu tập học xứ này và hiện đang chứng Đẳng Giác. Đại bồ Tát đối với học xứ như thế luôn phát khởi lòng tin tôn trọng dũng mãnh nương theo đó mà tu tập. Đó gọi là Bồ Tát khéo hành niệm xứ về học xứ Như Lai chế định.

Thế nào là Bồ Tát khéo hành niệm xứ về phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm?

Này thiện nam! Bồ Tát ở trong pháp phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm luôn khéo nghĩ về chúng.

Chúng từ nhân gì khởi: Từ duyên nào sinh?

Duyên sinh khởi như vậy. Duyên sinh như vậy, tất cả đều xả bỏ. Đó gọi là Bồ Tát khéo hành niệm xứ về phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này nên luôn chứng được tâm Tam Ma Rị Đa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là thọ y phấn tảo.

Những gì là mười?

1. Thệ nguyện kiên cố.

2. Khiêm tốn.

3. Không chán bỏ.

4. Không tham đắm.

5. Lìa lỗi lầm.

6. Được thấy công đức.

7. Không tự khen mình.

8. Không hủy báng người khác.

9. Giới đầy đủ.

10. Gần gũi chỗ của Chư Thiên.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thệ nguyện kiên cố cho đến gần gũi chỗ của Chư Thiên?

Này thiện nam! Bồ Tát được lòng tin và ý vui đầy đủ, đối với Chư Phật khởi lòng tin tuyệt đối, thiết lập nhân hộ mạng, không hủy bỏ lời thề nguyện cũng không lay động.

Do thệ nguyện vững chắc nên được tâm khiêm tốn, do tâm khiêm tốn nên không còn ngã mạn. Bồ Tát mặc đồ phấn tảo là đồ mà người ta vứt bỏ nhặt hết đem về, giặt tẩy may vá rồi dùng, nhưng không mệt mỏi, cũng chẳng vứt bỏ. Do nghĩa đó nên không còn chấp trước.

Tuy rằng y này thô xấu, hư nát, lại còn sinh nhiều loại rận, bọ chét nhơ bẩn mà không lấy làm lo lắng, chỉ thấy đó là y phấn tảo công đức tiên nhân dùng để mặc, được Như Lai khen ngợi, Đức Phật nói là cát tường, xa lìa tham lam keo kiệt, tùy thuận Thánh chủng. Vì nhân duyên đó nên thường tự khen ngợi, cũng không hủy báng người khác, được giới đầy đủ.

Do giới đầy đủ nên Chư Thiên giáng đến gần gũi, thường được Chư Phật khen ngợi, chư đại bồ Tát dạy dỗ, lại được người, chẳng phải người… ủng hộ. Như ở nơi thành ấp, xóm làng, lại được những vị Bà La Môn, Sát Đế Lợi… luôn nghĩ tôn trọng, còn những vị đồng phạm hạnh thì thường thăm hỏi.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này nên gọi là thọ y phấn tảo.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chư Bồ Tát có tâm lượng rộng lớn nhưng vì duyên cớ gì mà hành hạnh thấp kém?

Phật bảo: Này thiện nam! Chư Bồ Tát có năng lực lớn nên mới có thể hành hạnh thấp kém này. Người không có năng lực thì không thể thực hành được.

Vì sao?

Vì Bồ Tát có đại lực cứu giúp thế gian, có khả năng đối trị mà không khởi phiền não. Ngoài ra người không có thế lực thì đó là hạnh thấp kém.

Này thiện nam! Ý ông thế nào?

Hạnh giải của Như Lai là rộng lớn chăng?

Là thấp kém chăng?

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Với nghĩa này, con nay không thể hiểu được.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai vô sở chứng, vô hạnh giải, vì không thấy pháp nên không thể đo lường. Con nay sao có thể hiểu được sở hành thù thắng của Như Lai.

Phật nói: Này thiện nam! Ý ông thế nào?

Như Lai vì sao đối với tất cả hữu tình, Trời, Rồng, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược… trong bốn châu mà thị hiện hạnh thấp kém như vậy, lại vì những chúng sinh như vậy khen ngợi công đức hạnh Đầu đà?

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai vì điều phục cho người mới phát tâm hướng đến Đại Thừa để đối trị tất cả hữu tình khỏi khởi lên phiền não mà thị hiện khổ hạnh thấp kém.

Phật nói: Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Chư Bồ Tát có thế lực lớn vì muốn điều phục cho các hữu tình nên mặc y phấn tảo mà không thấp kém cũng lại như vậy.

Thiện Nam! Đó gọi là Bồ Tát thọ y phấn tảo.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là thọ dụng ba y.

Những gì là mười?

1. Biết đủ.

2. Ít muốn.

3. Xa lìa sự mong cầu.

4. Không chứa nhóm.

5. Lìa tổn thất.

6. Lìa sự khổ não tích chứa tổn thất.

7. Lìa buồn phiền.

8. Lìa sầu than.

9. Không còn nắm giữ.

10. Chuyên cần tu tập nên chấm dứt các hữu lậu.

Này thiện nam! Bồ Tát đối với y thấp kém mà được tri túc, vì tri túc nên thường ít muốn, vì ít muốn nên không còn mong cầu, vì không mong cầu nên chưa từng gom chứa.

Vì không gom chứa nên không có tổn thất, vì không tổn thất nên không có khổ não, vì không khổ não nên không có sầu than, vì không sầu than nên không còn cái để thọ, vì không còn cái để thọ nên chuyên cần tu tập chấm dứt các hữu lậu.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này được gọi là thọ dụng ba y.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì không tùy thuận theo hạnh khác.

Những gì là mười?

1. Không theo hạnh tham ái.

2. Không theo hạnh sân giận.

3. Không theo hạnh ngu si.

4. Không theo hạnh tổn hại.

5. Không theo hạnh keo kiệt ganh ghét.

6. Không theo hạnh ngã mạn.

7. Không theo hạnh khiến cho người khác biết tiếng tốt.

8. Không theo hạnh tôn trọng lợi dưỡng.

9. Không theo hạnh cung kính thiên ma.

10. Không theo hạnh cao ngạo.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này nên gọi là không tùy thuận theo hạnh người khác.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là khất thực.

Những gì là mười?

1. Vì thâu nhận các hữu tình mà hành hạnh khất thực.

2. Vì thứ lớp mà hành hạnh khất thực.

3. Vì không mỏi mệt, nhàm chán mà hành hạnh khất thực.

4. Vì tri túc mà hành hạnh khất thực.

5. Vì sự phân rải mà hành hạnh khất thực.

6. Vì không mê đắm mà hành hạnh khất thực.

7. Vì vô lượng mà hành hạnh khất thực.

8. Vì phẩm chất tốt đẹp ngay hiện tiền mà hành hạnh khất thực.

9. Vì căn lành viên mãn mà hành hạnh khất thực.

10. Vì lìa tưởng về chấp ngã mà hành hạnh khất thực.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần