Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Hai Mươi Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN HAI MƯƠI TÁM  

Lại có vô lượng trăm ngàn các rồng, thể nữ ở trước Đức Thế Tôn trổi lên những loại âm nhạc khen ngợi, cúng dường.

Lại có vô lượng trăm ngàn Kiền Đạt Phược, Khẩn Nại Lạc nhiễu bên phải tam thiên đại thiên Thế Giới và núi Già Da, phát ra âm thanh hay tuyệt khen ngợi, cúng dường.

Lại có vô lượng trăm ngàn câu chi Dược xoa mưa xuống những loại hoa sen để cúng dường.

Lại có vô lượng trăm ngàn các Bà La Môn và Sát Đế Lợi dùng các tràng hoa, hương đốt, hương trộn, hương thoa, hương bột, y phục, lọng hoa và các loại cờ phướn để cúng dường Phật.

Lại có các Đức Phật ở trong vô lượng Thế Giới vì cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cúng dường pháp nên giữa chặng mày đều phóng ra ánh sáng, trong ánh sáng ấy hiện ra những loại màu sắc, những loại hình tướng, những loại ánh sáng như xanh, vàng, đỏ, trắng và hồng pha lê.

Những ánh sáng phóng ra, ánh sáng đó nhiễu quanh cõi đại thiên này, có thể phá trừ tất cả ám chướng kia, ánh sáng ấy lại nhiễu quanh bên phải đỉnh núi Già Da và thân Đức Như Lai rồi nhập vào từ trên đảnh Đức Thế Tôn. Lại có gió tốt lành thổi đến nơi ấy, người được chạm vàp liền cảm thấy an lạc.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp môn này ở trong chúng hội có bảy mươi hai na do tha Bồ Tát được pháp Nhẫn vô sinh. Vô lượng trăm ngàn câu chi do đa hữu tình xa lìa bụi trần được Pháp nhãn thanh tịnh. Vô lượng trăm ngàn câu chi hữu tình chưa phát tâm thì phát tâm bồ đề.

Lúc ấy, núi Già Da có một Thiên Nữ tên là Trường Thọ ở lâu nơi núi này, dẫn binh chúng và các quyến thuộc của mình đi đến chỗ Phật.

Ở trong chúng hội từ chỗ ngồi đứng dậy, về cung điện của mình lấy đồ cúng dường rồi trở lại chỗ Phật cung kính cúng dường và bạch Đức Phật: Con biết Đức Thế Tôn ở đời quá khứ trong vô lượng kiếp thường trú nơi núi Già Da này, từng có bảy mươi hai ngàn Đức Phật đều vì Thế Tôn nói văn cú, nghĩa lý pháp môn này. Nay Đức Thế Tôn trở lại nơi núi này vì chúng con mà nói đầy đủ văn cú, nghĩa lý pháp môn này.

Phật dạy: Này Thiên Nữ! Nay ngươi được nghe pháp bảo như vậy là lợi ích lớn.

Lúc ấy, có các chúng Thiên Tử suy nghĩ thế này: Thiên Nữ Trường Thọ này thờ kính, hầu hạ chư Như Lai, nghe pháp môn này trải qua thời gian như vậy, vì sao không thể chuyển được thân nữ này?

Bấy giờ, Bồ Tát Chỉ Cái biết được tâm suy nghĩ của các Thiên Tử, nên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Thiên Nữ Trường Thọ này trải qua thời gian như vậy cúng dường Như Lai, lại nghe pháp môn oai thần lực này, đến nay vẫn không thể chuyển được thân nữ?

Phật dạy: Này thiện nam! Thiên Nữ Trường Thọ này trụ vào pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn, vì nhân duyên lợi ích lớn cho tất cả hữu tình.

Này thiện nam! Ta biết Thiên Nữ này về thuở xưa, vì hay khuyến thỉnh Chư Phật Như Lai phát tâm Bồ Đề cho đến nhập Niết Bàn vượt qua sự tính toán. Thiên Nữ này có oai đức lớn, ở trong Hiền kiếp cúng dường các Đức Phật, nơi Cõi Phật này sẽ hiện Đẳng Giác, hiệu là Trường Thọ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác.

Lúc ấy, Đức Bạc già phạm bảo Thiên Nữ: Này Thiên Nữ! Ngươi nên thị hiện Cõi Phật của mình!

Bấy giờ, Thiên Nữ liền thị hiện nhập vào nhất thiết sắc thân Tam Ma Địa. Khi nhập định này rồi, tam thiên đại thiên Thế Giới này bằng phẳng như bàn tay, cõi này tạo thành bằng phệ lưu ly, không có những thứ núi đá, cỏ cây xấu xí, khắp nơi thị hiện các cây kiếpba, suối nước chảy bao bọc mặt đất.

Trong ao nước tám công đức tràn đầy, trên mặt nước nhiều hoa che phủ, có thể chuyển diệt những hữu tình thấp kém, thậm chí không nghe tên người nữ, nơi nơi thị hiện những loại hoa sen lớn như bánh xe. Ở trong hoa sen có các Bồ Tát ngồi kiết già.

Lại thị hiện thân Bạc già phạm là Trường Thọ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác vì các Bồ Tát diễn thuyết diệu pháp, có vô lượng trăm ngàn câu chi na do tha Thích, Phạm, Hộ thế, các đại bồ Tát vây quanh trước sau nghe nói pháp môn này.

Bấy giờ, Thiên Nữ Trường Thọ xuất định, ở trước Thế Tôn nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi ẩn mất ngay trong đại chúng.

Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như có thiện nam, thiện nữ nào nghe pháp môn này, hoặc có thể thọ trì, hoặc đọc tụng, hoặc tư duy, hoặc rộng nói cho người khác, những người như vậy bao nhiêu đời thì được sinh đến chỗ phước?

Phật nói: Này thiện nam! Như có người có thể bố thí cho tất cả hữu tình khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, bố thí như vậy liên tục không gián đoạn, trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp. Nếu có người nam, người nữ nào có thể biên chép pháp môn này, khéo quán xét rõ ràng rồi có thể bố thí cho người khác sinh lòng tịnh tín thì công đức người này hơn phước đức của người trước.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì tài thí kia là pháp thấp kém, bị hoại diệt còn pháp thí thù thắng có oai lực lớn.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì các hữu tình đắm nhiễm tài sản, trải qua vô lượng kiếp xoay vần trong sinh tử, ưa pháp thế gian hoàn toàn không thể thọ nhận pháp vị rộng lớn.

Này thiện nam! Hoặc có thiện nam, thiện nữ nào có thể đem tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều an trí vào con đường mười thiện. Nếu có người đối với pháp môn thù thắng này mà lắng nghe, đọc tụng, tư duy, tu tập thì công đức của người này hơn phước đức của người trên.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì mười đạo nghiệp thiện do từ pháp môn này mà sinh ra.

Này thiện nam! Lại có người giáo hóa tất cả hữu tình khắp tam thiên đại thiên Thế Giới đều được quả Thanh Văn, Bích Chi Phật. Nếu có người nghe pháp môn này mà thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ, tu tập, nói rộng cho người khác thì công đức của người này hơn phước đức của người trước.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì nương vào pháp môn này mà được quả Thanh Văn, Bích Chi Phật, nương vào pháp môn này mà được quả Bồ Tát và Chư Phật xuất thế gian.

Này thiện nam! Nếu người nào có thể thọ trì, đọc tụng pháp môn này thì người này tức là đã thọ trì, đọc tụng trong tất cả Kinh.

Vì sao?

Vì Kinh này là mẹ của các pháp.

Này thiện nam! Không những được pháp tánh này mà còn có thể chứng được pháp tánh rộng lớn.

Lúc ấy, các Thanh Văn lớn nhờ oai thần của Phật từ chỗ ngồi đứng dậy bày áo vai phải, gối phải chấm đất, cung kính chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con nghe pháp môn này chắc chắn có khả năng ra khỏi sinh tử mênh mông.

Phật bảo: Này các Bí Sô! Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời các ông nói.

Bấy giờ, đức Bạc già phạm bảo đại chúng: Này các thiện nam! Nếu như các địa phương nào nói pháp môn này thì nên biết nơi ấy là Đạo Tràng Bồ Đề, là nơi Chuyển Pháp Luân. Lại nên tư duy về nơi ấy tức là nơi tháp Phật lớn, cũng là nơi tất cả Đạo sư của chúng ta an trú.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì pháp tánh tức là đại Bồ Đề, cũng là Chuyển Pháp Luân, lại là pháp thân tức là các Đức Như Lai.

Nếu cúng dường pháp tức là cúng dường tất cả Như Lai. Nếu Pháp Sư thuyết pháp ở địa phương nào thì nên đối với nơi ấy khởi tưởng như tháp Phật, nơi Pháp Sư ở khởi tưởng về tôn trọng, khởi tưởng về tri thức thiện, diễn thuyết về con đường chánh đạo. Như gặp Pháp Sư nên hoan hỷ tịnh tín vui mừng mời thỉnh lên tòa cung kính cúng dường, khen ngợi lành thay!

Này thiện nam! Nếu ta khen ngợi công đức của Pháp Sư thuyết pháp cho đến kiếp tận cũng không thể nói một phần nhỏ công đức ấy.

Vì sao?

Nếu có thiện nam, thiện nữ nào ưa thích pháp ấy, đối với nơi thầy thuyết pháp đi đến, dùng máu thân mình rưới lên đường đi ấy, cũng không thể báo đền được một phần nhỏ công đức của Pháp Sư.

Vì sao?

Vì Thầy thuyết pháp tức là có khả năng nắm giữ pháp nhãn Như Lai rất hy hữu.

Này thiện nam! Các vị Pháp Sư thuyết pháp, lúc muốn nói pháp môn này, hoặc đang nói, hoặc đã nói thì nên hiện sự không sợ sệt, không nên chìm đắm, không tỏ vẻ buồn bực, tâm không tổn hại, mặc áo sạch mới nên sinh tịnh tín, khi người khác khen ngợi không nên tự cao, không khởi ngã mạn, không khen mình chê người, không có sự mong cầu, nên thường cung kính diễn thuyết pháp này.

Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các địa phương, nơi nào có thể nói pháp môn này, con sẽ dẫn các binh chúng và quyến thuộc đến nơi ấy vì muốn lắng nghe pháp môn này và để bảo vệ thầy thuyết pháp.

Phật bảo: Này Kiều thi ca! Hay thay! Hay thay! Nay ông nên làm việc chánh đáng như vậy, ông nên bảo vệ pháp tánh Như Lai.

Lúc ấy, Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp môn này nên đặt tên gì?

Chúng con thọ trì như thế nào?

Phật bảo: Này thiện nam! pháp môn này gọi là Bảo Vũ, cũng gọi là Bảo Tích Công Đức, gọi là Trí Đăng, còn gọi là Pháp Môn Sở Vấn Của Bồ Tát Chỉ Nhất Thiết Cái, ông nên thọ trì.

Khi Đức Bạc già phạm nói Kinh này rồi, Bồ Tát Chỉ Nhất Thiết.

Cái và các Bồ Tát, tất cả Thanh Văn, Thích, Phạm, Hộ Thế và Đại Tự Tại Tịnh Cư, Chư Thiên, vô lượng trăm ngàn Thiên Tử, các Thiên, Long, Dược Xoa, Kiền Đạt Phược, A Tố Lạc, Khẩn Nại Lạc, Mạc Hô Lạc Già nghe Phật nói đều hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần