Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Mốt - Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Vấn Bát Pháp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI MỐT

PHÁP HỘI

DI LẶC BỒ TÁT VẤN BÁT PHÁP  

Như vậy tôi nghe một lúc Đức Bà Già Bà ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng Chúng Đại Tỳ Kheo ngàn hai trăm năm mươi người câu hội và mười ngàn Đại Bồ Tát.

Bấy giờ Di Lặc Bồ Tát đứng dậy trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi muốn đem ít pháp hỏi Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, chẳng hay Đức Thế Tôn có cho phép chăng?

Đức Phật dạy: Này Di Lặc! Tùy ý ông hỏi, Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri sẽ phân biệt giải nói cho ông vui mừng.

Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát cứu cánh thành tựu mấy pháp chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề, ở trong pháp thắng tiến chẳng thối chẳng chuyển, lúc hành Đạo Bồ Tát hàng phục tất cả ma oán địch, như thiệt biết tự thể tướng của tất cả pháp, ở các thế gian tâm chẳng mỏi mệt.

Do tâm chẳng mỏi mệt nên chẳng y nơi tha trí mau chóng thành tựu vô thượng bồ đề?

Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay, này Di Lặc! Nay ông có thể hỏi Đức Như Lai về thâm nghĩa như vậy. Ông nên nhất tâm lắng nghe, ta sẽ nói cho.

Bạch Đức Thế Tôn! Tôi xin vui thích muốn nghe.

Này Di Lặc! Chư Đại Bồ Tát cứu cánh thành tựu tám pháp thì chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề, ở nơi pháp thắng tiến chẳng thối chẳng chuyển, lúc hành Đạo Bồ Tát hàng phục tất cả các ma oán địch, như thiệt biết tự thể tướng của tất cả pháp, ở các thế gian tâm chẳng mỏi mệt, vì tâm chẳng mỏi mệt nên chẳng y nơi tha trí, mau chóng thành tựu vô thượng bồ đề.

Những gì là tám pháp?

Đó là Chư Đại Bồ Tát thành tựu thâm tâm, thành tựu hành tâm, thành tựu xả tâm, thành tựu thiện tri hồi hướng phương tiện tâm, thành tựu đại từ tâm, thành tựu đại bi tâm, thành tựu thiện tri phương tiện và thành tựu bát nhã Ba la mật.

Này Di Lặc! Thế nào là Đại Bồ Tát thành tựu thâm tâm?

Nếu Chư Đại Bồ Tát nghe khen ngợi Phật và chê bai Phật, tâm họ cứu cánh nơi vô thượng bồ đề vững chắc chẳng động, nếu nghe khen ngợi pháp và chê bai pháp, tâm họ cứu cánh nơi vô thượng bồ đề vững chắc chẳng động, nếu nghe khen ngợi Tăng và chê bai Tăng, tâm họ cứu cánh nơi vô thượng bồ đề vững chắc chẳng động. Đây là Chư Đại Bồ Tát thành tựu thâm tâm.

Này Di Lặc! Thế nào là Đại Bồ Tát thành tựu hành tâm?

Nếu Chư Đại Bồ Tát xa lìa sát sanh, xa lìa trộm cướp, xa lìa tà dâm, xa lìa vọng ngôn, xa lìa lưỡng thiệt, xa lìa ác khẩu, xa lìa ỷ ngữ, đây là cứu cánh thành tựu hành tâm.

Này Di Lặc! Thế nào là Đại Bồ Tát thành tựu xả tâm?

Nếu Chư Đại Bồ Tát là chủ hay xả hay bố thí cho các Sa Môn, Bà La Môn, kẻ nghèo cùng ăn xin ăn mày, những kẻ hà tiện các thứ vật đựng đồ uống ăn y phục đồ nằm thuốc men, đây là cứu cánh thành tựu xả tâm.

Này Di Lặc! Thế nào là Chư Đại Bồ Tát cứu cánh thành tựu tâm khéo biết hồi hướng phương tiện?

Nếu Chư Đại Bồ Tát có tu bao nhiêu thiện căn từ ba nghiệp thân khẩu ý đều hồi hướng vô thượng bồ đề, đây là cứu cánh thành tựu tâm khéo biết phương tiện hồi hướng.

Này Di Lặc! Thế nào là Chư Đại Bồ Tát thành tựu tâm đại từ?

Nếu chư Bồ Tát cứu cánh thành tựu thân nghiệp đại từ, cứu cánh thành tựu khẩu nghiệp đại từ, cứu cánh thành tựu ý nghiệp đại từ, đây là cứu cánh thành tựu đại từ tâm.

Này Di Lặc! Thế nào là Chư Đại Bồ Tát thành tựu đại bi tâm?

Nếu Chư Đại Bồ Tát thành tựu thân nghiệp chẳng thể chê trách, thành tựu khẩu nghiệp chẳng thể chê trách, thành tựu ý nghiệp chẳng thể chê trách, đây là cứu cánh thành tựu tâm đại bi.

Này Di Lặc! Thế nào là Chư Đại Bồ Tát thành tựu thiện tri phương tiện?

Nếu Chư Đại Bồ Tát khéo biết thế đế, khéo biết đệ nhất nghĩa đế, khéo biết cả hai đế.

Này Di Lặc! Thế nào là Chư Đại Bồ Tát thành tựu bát nhã Ba la mật?

Nếu Chư Đại Bồ Tát biết rõ như vậy: Y theo pháp này có pháp này, y theo pháp này sanh pháp này, đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não, như thế thì chỉ có những khổ lớn tụ họp thôi.

Do pháp này không có nên pháp này không có, do pháp này diệt nên pháp này diệt, đó là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt, như thề thì chỉ có khối khổ lớn diệt thôi. Đây là cứu cánh thành tựu bát nhã Ba la mật.

Này Di Lặc! Đây gọi là Chư Đại Bồ Tát cứu cánh thành tựu tám pháp chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề, ở trong pháp thắng tiến chẳng thối chẳng chuyển, lúc hành Đạo Bồ Tát hàng phục tất cả các ma oán địch, như thiệt biết tự thể tướng tất cả pháp, nơi các thế gian tâm chẳng mỏi mệt, vì tâm chẳng mỏi mệt nên chẳng y tha trí mau chóng thành tựu vô thượng bồ đề.

Đức Phật nói Kinh này rồi, Di Lặc Bồ Tát cùng Chư Đại Bồ Tát, Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần