Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Hai - Phẩm Tên Gọi Của Các Bậc Hiền Thánh

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC BỔN NGHIỆP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI

PHẨM TÊN GỌI CỦA

CÁC BẬC HIỀN THÁNH  

Bấy giờ, Bồ Tát Kính Thủ từ phương khác đến, do thần lực của Phật, thấy đại chúng đều là những bậc long tượng Sư Tử và hàng Chư Thiên nơi hai mươi tám Cõi Trời đều là những vị có căn hạnh lớn, tiếp nhận thần lực của Đức Như Lai nên Bồ Tát thưa hỏi Đức Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Xưa kia Ngài tu hạnh gì mà thành Phật đạo?

Thân, miệng, ý đều được thanh tịnh, vững chắc như kim cang không có lỗi lầm với chúng sanh, thể tánh bên trong sáng suốt, soi khắp, thường trụ chẳng diệt, đứng đầu các Bồ Tát, phát ra sắc tướng đoan nghiêm không gì bằng, pháp thân, hóa thân vô vi thanh tịnh, tự nhiên đầy đủ độ thoát vô lượng chúng sanh.

Đức Phật hiện thân trong sáu đường thường được Đế Thích và Phạm Vương cung kính, như ngọn đuốc sáng trừ diệt tối tăm, như vầng nhật nguyệt soi sáng Trời đất, như người thuyền trưởng đưa người qua biển, vượt khỏi ba cõi thành bậc Diệu Giác tối tôn.

Muốn thành đạo này cần phải tu hạnh gì?

Những quả vị Hiền thánh tên gọi là gì?

Khi ấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng miệng kim cang bảo Bồ Tát Kính Thủ: Này Phật Tử! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, như pháp mà tu hành.

Trước đây, trên các Cõi Trời và ở nhân gian, ta đã khai mở vô lượng hạnh nguyện của tất cả ngôi vị Bồ Tát. Đây là pháp mà tất cả Chư Phật suốt trong ba đời đều sẽ nói. Ấy là Kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp.

Kinh này là pháp liễu nghĩa quyết định, là chỗ tu hành của Chư Phật. Hôm nay, ta sẽ vì căn cơ của đại chúng mười bốn ức người mà khai mở Kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp, ngươi hãy khéo ghi nhớ, dùng chí nguyện cao xa, lòng từ bi rộng lớn giáo hóa chúng sanh khắp mười phương.

Này Phật Tử! Nếu muốn thành tựu được đạo này trước hết làm sạch ba nghiệp, tu tập giáo pháp ba ngôi báu, tin theo nhân quả.

Nhưng điều ông hỏi là làm thế nào để thể nhập vào tất cả pháp Phật, làm vị Bồ Tát và chẳng bao lâu trở thành vị Phật. Vậy, ông phải học kỹ bốn mươi hai danh tự Hiền Thánh và hiểu rõ nghĩa chắc chắn của pháp môn mà ta nói. Chư Phật ở mười phương ba đời đều cùng nói như nhau.

Này Phật Tử! Danh hiệu Hiền Thánh được gọi như vậy: Mười trụ gồm: Trụ phát tâm, trụ trị địa, trụ tu hành, trụ sanh quý, trụ phương tiện cụ túc, trụ chánh tâm, trụ bất thối, trụ đồng chân, trụ Pháp Vương Tử, trụ quán đảnh.

Mười hạnh gồm: Hạnh hoan hỷ, hạnh nhiêu ích, hạnh vô sân hận, hạnh vô tận, hạnh lìa si loạn, hạnh thiện hiện, hạnh vô trước, hạnh tôn trọng, hạnh thiện pháp, hạnh chân thật.

Mười hồi hướng: Hồi hướng cứu hộ nhất thiết chúng sanh, hồi hướng bất hoại, hồi hướng đẳng nhất thiết phật, hồi hướng chí nhất thiết xứ, hồi hướng vô tận công đức tạng, hồi hướng tùy thuận bình đẳng thiện căn, hồi hướng tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh, hồi hướng chân như tướng, hồi hướng vô phược giải thoát, hồi hướng pháp giới vô lượng.

Mười địa gồm: Địa nghịch lưu hoan hỷ, địa đạo lưu ly cấu, địa lưu chiếu minh, địa quán Kinh diệm tuệ, địa độ chướng nan thắng, địa bạc lưu hiện tiền, địa quá tam hữu viễn hành, địa hóa sanh bất động, địa tuệ quang diệu thiện, địa minh hạnh túc pháp vân.

Địa vô tướng, vô cấu địa Đẳng Giác và địa Diệu Giác Vô Thượng.

Này Phật Tử! Những danh hiệu và pháp môn Hiền Thánh trên đã thu giữ tất cả hạnh công đức. Chư Phật và Bồ Tát đều trải qua những danh hiệu pháp môn này.

Tất cả thần thông, tất cả nhân quả, tất cả cảnh giới cũng đều thâu tóm vào những danh hiệu pháp môn ấy. Danh từ hạnh môn đó, Chư Phật nơi mười phương đều nói về đạo quả như nhau không thêm không bớt, lời nói chắc chắn như tiếng gầm Sư Tử.

Các ông nên dùng thệ nguyện của mình mà thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết ý vị, nghĩa lý, nguyện cho chúng sanh thể nhập vào pháp Phật, thành Phật như ta không khác. Các ông hãy nên tu học như thế.

Đức Phật bảo Bồ Tát Kính Thủ: Này Phật Tử! Hôm nay, ta nói tóm lược về trụ phát tâm thứ nhất, một trong mười trụ của bậc Hiền. Khi Bồ Tát chưa lên bậc trụ tứ nhất có mười danh tự để gọi mười tâm. Bồ Tát thường thực hành mười tâm này.

Đó là: Tâm tín, tâm niệm, tâm tinh tấn, tâm tuệ, tâm định, tâm bất thối, tâm hồi hướng, tâm hộ pháp, tâm giới, tâm nguyện.

Này Phật Tử! Tu mười tâm này trải qua một, hai, ba kiếp cho đến khi nhập vào quả vị trụ thứ nhất. Ở trụ thứ nhất tu thêm trăm pháp minh môn, tức là tu mười tâm tín, mỗi một tâm tín lại có mười tâm. Do tu tập trăm pháp minh môn nên phát vô lượng nguyện lớn tu tập hữu hạnh và vô hạnh.

Tu hành như vậy được nhập vào tập chủng tánh, thực hành rộng khắp các hạnh nguyện.

Bậc hiền sơ trụ

Phát nguyện rộng lớn

Nay sanh đến Phật

Vào tất cả nguyện.

Ở trong nguyện, ta

Thành tựu tất cả

Chứng được quả Phật

Do nguyện làm gốc.

Nay ta hành thí

Nguyện cho chúng sanh

Bỏ tâm tham dục

Nhập vào đạo không.

Thường quán pháp giới

Nguyện cho chúng sanh

Giữ tâm tu hành

Chứng đắc giải thoát.

Thường tu sáu nhẫn

Nguyện cho chúng sanh

Được tâm không tranh

Sống trong nhẫn lặng.

Lực tinh tấn lớn

Nguyện cho chúng sanh

Thường hành không nghỉ

Vào quả tự giác.

Tâm trú thiền định

Nguyện cho chúng sanh

Đầy đủ thần thông

Vô vi tự tại.

Tu trí đúng pháp

Nguyện cho chúng sanh

Vào biển trí tuệ

Nối ngôi Bồ Tát.

Hành nguyện vô tướng

Nguyện cho chúng sanh

Đủ tất cả nguyện

Nhập vào biển Phật.

Phương tiện đại trí

Nguyện cho chúng sanh

Sông pháp vô ngại

Đến bờ nhị đế.

Sức thần thông lớn

Nguyện cho chúng sanh

Biến hóa do mình

Đạt vô sở úy.

Biên vực trí đủ

Nguyện cho chúng sanh

Thành trí kim cang

Đạo Tràng chứng quả.

Vào địa vô cấu

Nguyện cho chúng sanh

Ngồi gốc bồ đề

Giáo hóa tất cả.

Ta đã giác ngộ

Nguyện cho chúng sanh

Hiểu tương tục giả

Trừ tâm chấp đoạn.

Soi pháp giáo hóa

Nguyện cho chúng sanh

Hiểu pháp duyên thành

Bỏ tâm chấp thường.

Thể ta được đầy

Nguyện cho chúng sanh

Hiểu pháp đối đãi

Diệt tâm chấp ngã.

Đại bi không duyên

Nguyện cho chúng sanh

Rõ nhờ nhân sanh

Bỏ tâm trộm kiến.

Niết Bàn đệ nhất

Nguyện cho chúng sanh

Hiểu pháp do duyên

Diệt tâm trộm giới.

Chứng đắc mười lực

Nguyện cho chúng sanh

Thông tỏ hai đế

Đoạn tâm tà kiến.

Dùng lực kim cang

Nguyện cho chúng sanh

Rõ mười hai duyên

Diệt tâm si kiến.

Chiếu sáng cùng khắp

Nguyện cho chúng sanh

Biết pháp vô thường

Trừ tâm tham, xan.

Năm nhãn, ba minh

Nguyện cho chúng sanh

Tu đạt ba minh

Diệt tâm si mê.

Hòa hợp không ngại

Nguyện cho chúng sanh

Tiếp nối Tam Bảo

Bỏ tâm tranh cãi.

Chứng trí tuệ lớn

Nguyện cho chúng sanh

Vào tất cả không

Diệt kho vô minh.

Ba mươi hai tướng

Nguyện cho chúng sanh

Các tướng tốt đẹp

Diệt y báo xấu.

Được dụng ứng thân

Nguyện cho chúng sanh

Nương thuyền pháp lớn

Vào biển pháp Phật.

Ta nhân quả nguyện

Đều đã đầy đủ

Tất cả hạnh nguyện

Thâu tóm trong đó.

Hai mươi bốn nguyện

Tóm vô lượng hành

Mới phát tín, nguyện

Trọn gốc tuệ lớn.

Nay nơi Chư Phật

Trước thọ nguyện lớn

Nguyện nay đã đủ

Tiến tu hạnh khác.

Công đức trong đó

Tu trăm ngàn kiếp

Nguyện ta mới bỏ

Vào vô lượng cõi.

Tất cả Bồ Tát

Nếu vào nguyện này

Thể nhập hoàn toàn

Biển Nhất thiết trí.

Này Phật Tử! Bồ Tát trụ ở bậc đó, đã phát nguyện lớn rồi là người vượt qua tất cả phàm phu thành mười tín.

Nay lại tu tập vô lượng công đức, đó là mười Ba La Mật, ba môn giải thoát: Không, vô tướng, vô tác.

Hữu, vô đều không, thành tựu được quán không, trừ được bốn tướng: Ngã, nhân, chủ, chúng sanh, lần lần dứt bỏ các nhận thức sai lầm, được thường, lạc, ngã, tịnh, phá diệt vô minh, trói buộc trong ba cõi, đoạn trừ tất cả tập khí của nghiệp, tích chứa sâu dày tất cả pháp lành, thành tựu tám vạn bốn ngàn trí tuệ Ba la mật. Những hạnh môn đều gồm thâu vào tâm mình, niệm niệm không rời tự tâm.

Này Phật Tử! Có mười giới trọng khi đã vi phạm không thể sám hối, nên thọ nhận và giữ gìn.

Một, không được giết mạng sống loài người cho đến Chư Thiên nơi hai mươi tám Cõi Trời, Chư Phật và Bồ Tát.

Hai, không được trộm cắp cho đến trộm lấy cộng cỏ, lá cây.

Ba, không được dâm dục cho đến dâm dục với hàng phi nhân.

Bốn, không được nói dối cho đến nói dối đối với hàng phi nhân.

Năm, không được nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia hay tại gia.

Sáu, không được bán rượu.

Bảy, không được tự khen ngợi mình, chê bai người khác.

Tám, không được keo kiệt, bỏn sẻn.

Chín, không được sân giận cho đến sân giận đối với hàng phi nhân.

Mười, không được hủy báng Tam Bảo.

Nếu phạm giới này là phạm Ba La Di khí tội không thể sám hối, phải bị đọa trong mười kiếp, một ngày chịu tội chết đi sống lại tám vạn bốn ngàn lần, do đó không nên phá giới.

Này Phật Tử! Nếu mất trụ phát tâm thứ nhất thì nhị trụ, tam trụ cho đến mười địa tất cả đều bị mất. Vì Thế Giới pháp là hạnh căn bản của tất cả Chư Phật và Bồ Tát. Nếu hết thảy Chư Phật, Bồ Tát không do pháp môn mười giới này mà chứng được quả vị Hiền Thánh, thì đó là điều không thể có.

Tướng trụ thứ nhất này là hạng đầu tiên trong tập chủng tánh, cứ như vậy pháp hạnh của chín bậc trụ sau dần dần càng rộng lớn hơn, cho đến pháp hạnh của Chín Trụ, Mười Hạnh, Mười Hồi Hướng, Mười Địa, Địa Vô Cấu, cũng dần dần tăng trưởng rộng lớn, không thể nghĩ bàn.

Này Phật Tử! Nay ta nói tóm lược chỉ như một giọt nước trong biển cả.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường