Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI NĂM
PHÁP HỘI HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT
PHẦN BẢY
Này Phạm Thiên! Đó là một câu tổng nhiếp tất cả Phật Pháp. Bồ Tát nhập vào những môn nhất nhất trí như vậy đều thấy tất cả Phật Pháp nhập vào một câu.
Này Phạm Thiên! Ví dụ như đại hải có thể nuốt hết tất cả các dòng nước. Trong mỗi mỗi câu tổng nhiếp tất cả Phật Pháp cũng như vậy...
Ví như hư không đều có thể bao dung tất cả sắc tướng. Trong mỗi mỗi câu tổng nhiếp tất cả Phật Pháp cũng như vậy.
Tất cả Phật Pháp như vậy hoặc nhiếp hoặc chẳng nhiếp, hoặc nói hoặc chẳng nói đều bất tăng bất giảm, vì cứu cánh ly tướng vậy.
Này Phạm Thiên! Ví dụ như toán sư luôn luôn lấy thẻ toán bày bố trên bàn toán, nhưng trong bàn không có thẻ, trong thẻ không có bàn, tại sao, vì cứu cánh chẳng tương ưng vậy, vì cứu cánh ly vậy.
Ở trong mỗi mỗi câu trên như vậy, vì giả danh số mà nói tất cả Phật Pháp đều nhiếp vào một câu, mà các Phật Pháp chẳng thể danh số toán đếm được, tại sao, vì cứu cánh chẳng tương ưng vậy, vì cứu cánh ly vậy.
Này Phạm Thiên! Như Phật Pháp danh số tức là tất cả pháp danh số, tại sao, vì tất cả các pháp tức là Phật Pháp, tại sao, vì những pháp phi pháp và phi phi pháp ấy tự tánh rỗng không vậy, tự tánh ly vậy, tự tánh cứu cánh vô tánh vậy.
Vô tánh tức là hư không, tánh hư không đồng tánh tất cả pháp. Pháp tánh ấy chẳng phải tướng sanh, chẳng phải tướng diệt, chẳng phải tướng hữu xứ, chẳng phải tướng vô xứ. Vì vậy nên tất cả pháp gọi là không có tướng không chẳng tướng.
Lúc Hư Không Tạng Đại Bồ Tát nói Pháp ấy, trong hàng Phạm chúng có một vạn hai ngàn Phạm Thiên đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Còn có năm trăm Phạm Thiên từ xưa đã trồng gốc lành, được vô sanh pháp nhẫn.
Lúc bấy giờ trong đại chúng có một Bồ Tát tên là Bảo Thủ hỏi Hư Không Tạng Bồ Tát rằng: Bạch Đại Sĩ! Thật là hi hửu, tất cả các pháp và Phật Pháp thậm thâm khó lường chẳng thể nghĩ bàn.
Thưa Đại Sĩ! Sao gọi là đặt căn bổn tất cả Phật Pháp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Bảo Thủ! Bồ đề tâm là đặt căn bổn tất cả Phật Pháp. Tất cả pháp do an trụ tâm bồ đề thì được tăng trưởng.
Bảo Thủ Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Tâm bồ đề ấy được pháp nào nhiếp chẳng quên mất có thể mau đến bậc bất thối chuyển?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Bảo Thủ! Tâm bồ đề ấy được hai pháp nhiếp thủ được chẳng quên mất mau đến bậc bất thối chyển. Đó là thuần chí và cứu cánh vậy.
Bảo Thủ Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Hai pháp ấy được bao nhiêu pháp nhiếp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Hai pháp ấy được bốn pháp nhiếp lấy. Đó là thuần chí thì được chẳng hư trá và chẳng siểm khúc nhiếp. Cứu cánh thì được vô ngã và thượng tiến nhiếp. Đây gọi là hai pháp được nhiếp bởi bốn pháp vậy.
Bảo Thủ Bồ Tát lại hỏi: Thưa Đại Sĩ! Bốn pháp ấy được mấy pháp nhiếp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Bốn pháp ấy được tám pháp nhiếp lấy. Đó là chẳng hư trá thì được chẳng do dự và thể chân tịnh nhiếp. Chẳng siểm khúc thì được chánh trực và chánh trụ nhiếp.
Vô ngã thì được chẳng lui mất và tinh tiến nhiếp. Thượng tiến thì được công đức tư lương và trí tư lương nhiếp. Đây là bốn pháp được nhiếp bởi tám pháp vậy.
Bảo Thủ Bồ Tát lại hỏi: Thưa Đại Sĩ! Tám pháp ấy được nhiếp bởi mấy pháp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Tám pháp ấy được mười sáu pháp nhiếp lấy. Đó là chẳng do dự thì được đại từ và đại bi nhiếp. Thể chân tịnh thì được thân điều và tâm điều nhiếp.
Chánh trực thì được nhẫn nhục và nhu hòa nhiếp. Chánh trụ thì được chẳng kiêu mạn và không trệ ngại nhiếp.
Chẳng lui mất thì được kiên cố và sức lực nhiếp. Thượng tiến thì được như sở tác và chánh hạnh nhiếp.
Công đức tư lương thì được thỉ phát và cứu cánh chẳng bỏ nhiếp. Trí tư lương thì được cầu đa văn và tư duy pháp được nghe nhiếp. Đây là tám pháp được mười sáu pháp nhiếp.
Bảo Thủ Bồ Tát lại hỏi: Thưa Đại Sĩ! Mười sáu pháp ấy lại được mấy pháp nhiếp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Mười sáu pháp ấy được nhiếp bởi ba mươi hai pháp. Đó là đại từ thì được vô ngại tâm và tâm bình đẳng nơi tất cả chúng sanh nhiếp.
Đại bi thì được không nhàm mỏi và siêng cung cấp đầy đủ tất cả chúng sanh nhiếp. Thân điều thì được không xúc nhiễu và không gia hại nhiếp.
Tâm điều thì được chánh định và tịch tĩnh nhiếp. Nhẫn nhục thì được chánh thọ giáo và thuận hành nhiếp. Nhu hòa thì được tàm và quí nhiếp. Không kiêu mạn thì được khiêm ti và kính lễ nhiếp. Không trệ ngại thì được không nhơ uế và chẳng hung dữ nhiếp.
Kiên cố thì được chẳng sai phạm sở hành và thành tựu bổn nguyện nhiếp. Lực thì được trụ chánh ý và chẳng điệu động nhiếp. Như sở tác thì được như thuyết và năng hành nhiếp. Chánh hạnh thì được chánh pháp và chánh tiến nhiếp.
Thỉ pháp thì được tất thắng và bất thối nhiếp. Bất xả bỏ thì được thích hơn và thượng cầu nhiếp. Cầu đa văn thì được thân cận thiện tri thức và vui đẹp thiện tri thức nhiếp.
Tư duy pháp được nghe thì được trí huệ và khéo quán nhiếp. Đây là mười sáu pháp được nhiếp bởi ba mươi hai pháp.
Bảo Thủ Bồ Tát lại hỏi: Thưa Đại Sĩ! Ba mươi hai pháp ấy lại được bao nhiêu pháp nhiếp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Ba mươi hai pháp ấy được nhiếp bởi sáu mươi bốn pháp. Đó là vô ngại tâm thì được hộ ngã và hộ bỉ nhiếp. Tâm bình đẳng nơi tất cả chúng sanh thì được vô biệt dị và nhất vị nhiếp.
Không mỏi mệt thì được quán như mộng và biết sanh tử như ảo huyễn nhiếp. Siêng cung cấp đầy đủ tất cả chúng sanh thì được thần thông và phương tiện nhiếp.
Chẳng xúc nhiễu thì được hổ thẹn và tin có nghiệp báo nhiếp. Chẳng gia hại thì đưọc thiểu dục và tri túc nhiếp. Chánh định thì được không phát não nhiệt và không tán thất nhiếp.
Tịch tỉnh thì được xả bỏ ngô ngã và lìa ngã sở nhiếp. Thọ chánh giáo thì được cầu pháp và thích muốn pháp nhiếp. Thuận hành thì được kính trọng và bình đẳngkhông mõi mệt nhiếp.
Tàm thì được nội tâm dứt trừ và ngoài chẳng hành nhiếp. Quí thì được tin ưa Phật trí và ở chổ khuất chẳng làm ác nhiếp. Khiêm ti thì được chẳng ngạo mạn và biết tự hạ mình nhiếp. Lễ kính thì được thân đoan và tâm trực nhiếp.
Không nhơ uế thì được đủ có định tĩnh và tu tập huệ nhiếp. Chẳng hung dữ thì được chẳng thô bạo và chẳng lưỡng thiệt nhiếp.
Chẳng sai phạm sở hành thì được chẳng xả bỏ bồ đề tâm và niệm Đạo Tràng nhiếp. Thành tựu bổn nguyện thì được xả bỏ ma nghiệp và Phật lực hộ trì nhiếp. Chánh trụ ý thì được chẳng khinh tháo và chẳng điệu loạn nhiếp.
Chẳng diệu động thì được như thạch sơn và chẳng di chuyển được nhiếp. Như thuyết thì được sở tác thiện nghiệp và không nhiệt não nhiếp.
Năng hành thì được không hư dối và chẳng bỏ chỗ hướng về nhiếp. Chánh phát thì được lìa biên kiến và thuận quán thậm thâm nhân duyên nhiếp.
Chánh tiến thì được thiện xảo và phương tiện nhiếp. Tất thắng thì được chẳng giải đãi và dũng mãnh nhiếp. Bất thối thì được đại dục và tăng tiến nhiếp.
Thích hơn thì được thấy Phật và nghe pháp nhiếp. Thượng cầu thì được bỏ lỗi hoạn của các bậc địa và được công đức của các địa nhiếp. Thân cận thiện tri thức ức thì được không ghét ganh và tin ưa nhiếp.
Vui đẹp Thiện Tri Thức thì được kính thuận và chẳng trái nghịch lời dạy bảo nhiếp. Trí huệ thì được vô thường quán và vô ngã quán nhiếp.
Thiện quán thì được tu vô tướng và chẳng dựa Niết Bàn nhiếp. Đây là ba mươi hai pháp được nhiếp bởi sáu mươi bốn pháp.
Bảo Thủ Bồ Tát lại hỏi: Thưa Đại Sĩ! Sáu mươi bốn pháp ấy còn được mấy pháp nhiếp?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Sáu mươi bốn pháp ấy được một trăm hai mươi tám pháp nhiếp.
Hộ ngã thì được dứt tất cả ác và thành tựu tất cả thiện căn nhiếp. Hộ bỉ thì được nhẫn nhục và nhu hòa nhiếp. Vô biệt dị thì được tâm như nước và tâm như gió nhiếp.
Nhất vị thì được pháp giới quán và như như quán nhiếp. Như mộng quán thì được vô di chuyển quán và vô chân thiệt quán nhiếp. Như ảo huyễn thì được vừa theo tánh và vô tự tánh quán nhiếp.
Các thần thông thì được liễu nghĩa và liễu trí nhiếp. Phương tiện thì được đại bi và bát nhã Ba la mật nhiếp. Hổ thẹn thì được chẳng che giấu lỗi phạm và hối quá nhiếp. Tin có nghiệp báo thì được bất phóng dật và sợ ác đạo nhiếp.
Thiểu dục thì được ở trong sách có chừng hạn và lìa ô uế trước nhiếp. Tri túc thì được dễ vừa và dễ nuôi nhiếp. Không phát não thì được cứu cánh và cứu cánh biên tế nhiếp.
Không tán thất thì được đắc nhẫn và bất thối chuyển địa nhiếp. Xả ngô ngã thì được chẳng chấp ngã thân và chẳng chấp thọ mạng nhiếp. Lìa ngã sở thì được vô tham và vô si nhiếp.
Cầu pháp thì được trí và đoạn nhiếp. Thích muốn pháp thì được chẳng ham ngũ dục và lìa phiền não nhiếp. Kính trọng thì được sanh ý tưởng là Phật và tưởng cứu lành nhiếp.
Không mỏi mệt thì được thân nhẹ và siêng năng ít ngủ nhiếp. Nội tâm đoạn trừ thì được thân niệm xứ và thọ niệm xứ nhiếp. Ngoài chẳng hành thì được tâm niệm xứ và pháp niệm xứ nhiếp.
Tin ưa Phật trí thì được thâm kính trọng và tịnh tín nhiếp. Ở chỗ khuất chẳng làm ác thì được tự chứng biết và Chư Thiên Thần chứng biết nhiếp. Chẳng ngạo mạn thì được chẳng tự khen và chẳng chê người nhiếp.
Biết tự hạ mình thì được chẳng hư xưng và chẳng hiển bày đức tốt của mình nhiếp. Thân đoan thì được chẳng hành ba nghiệp bất thiện và chẳng phạm cấm giới nhiếp.
Tâm trực thì được thường xét lỗi mình và chẳng nói chỗ dở của gnười nhiếp. Đủ có định tĩnh thì được tâm tịch tĩnh và dứt phiền não nhiếp. Tu trí huệ thì được tuyển chọn các pháp và biết vô ngã nhiếp.
Chẳng thô bạo thì được thường làm việc lợi ích và thuận nhẫn nhiếp. Chẳng lưỡng thiệt thì được tự đủ quyến thuộc và hòa hiệp biệt ly nhiếp.
Chẳng bỏ tâm bồ đề thì được chúng sanh và Phật trí nhiếp. Niệm Đạo Tràng thì được muốn phá ma chúng và thành chánh giác nhiếp. Bỏ ma sự thì được chánh giác và chẳng bỏ chí bồ đề nhiếp. Phật thần lực gia trì thì được kiên cố hành và thiện thuần chí nhiếp.
Chẳng khinh tháo thì được giữ vững các căn và chẳng bỏ cảnh giới nhiếp. Chẳng điệu loạn thì được quán khổ và quán không nhiếp. Như thạch sơn thì được chẳng cao và chẳng hạ nhiếp.
Chẳng di chuyển được thì được dứt ái và trừ sân nhiếp. Sở tác thiện nghiệp thì được trí sở tác nghiệp và bỏ ma sự nhiếp. Không nhiệt não thì được tịnh giới và tịnh định nhiếp. Không hư cuống thì được thành thiệt ngữ và chẳng mong quả báo nhiếp.
Chẳng bỏ chỗ hướng về thì được thành tựu nghiệp Bậc Hiền và chẳng hành khiếp nhược nhiếp. Lìa biên kiến thì được quán vô sanh và quán chẳng bại hoại nhiếp.
Thuận quán thậm thâm nhân duyên thì được quán nhân và quán duyên nhiếp. Thiện xảo thì được đệ nhất không tranh cạnh và chẳng ngạo mạn nhiếp. Phương tiện thì được ly phương tiện và vô sanh phương tiện nhiếp.
Chẳng giải đãi thì được thân lực và tâm lực nhiếp. Dũng mãnh thì được tâm thắng tiến và hại oán địch nhiếp. Đại dục thì được chẳng cầu lợi dưỡng và chẳng tiếc thân mạng nhiếp.
Tăng tiến thì được không ngu tối và chẳng thối hườn nhiếp. Thấy Phật thì được tu niệm Phật và tịnh tiến nhiếp. Nghe pháp thì được thích đến chỗ giảng dạy và thích thưa hỏi nhiếp.
Bỏ lỗi hoạn các địa thì được chẳng tán loạn hành và bỏ lìa ác tri thức nhiếp. Được công đức của các địa thì được phương tiện hồi hướng và chẳng bỏ bổn hành nhiếp. Không ghét ganh thì được có thể thí cho tất cả và vật vừa ý mà xả bỏ nhiếp.
Tin ưa thì được vô cấu hành và tâm chẳng trược nhiếp. Kính thuận thì được biết thời biết chỗ hạp nên của thế gian và tùy thuận hành nhiếp.
Chẳng trái nghịch lời dạy bảo thì được bỏ trừ bất tịnh và tịnh chánh hạnh nhiếp. Vô thường quán thì được quán động chuyển và quán bại hoại nhiếp. Vô ngã quán thì được chẳng có tác giả và chẳng có thọ giả nhiếp.
Tu vô tướng thì được chẳng duyên cảnh giới và trừ giác quán nhiếp. Chẳng dựa Niết Bàn thì được trừ bỏ vô minh và dứt ái trước nhiếp. Đây là sáu mươi bốn pháp được một trăm hai mươi tám pháp nhiếp.
Bảo Thủ Bồ Tát nghe Hư Không Tạng Bồ Tát phân biệt những pháp môn như vậy rồi, vui mừng hớn hở được chưa từng có, liền bạch Hư Không Tạng Bồ Tát: Bạch Đại Sĩ! Thật là hi hữu, Đại Sĩ có thể thành tựu biện tài nhanh lẹ như vậy và phân biệt biện thuyết rất giỏi. Các sự được hỏi đều hay giải bày được hết.
Như nay tôi hiểu ý nghĩa và văn tự của Đại Sĩ nói, dùng phương tiện như vậy hoặc một kiếp hoặc giảm một kiếp nói chẳng hết được và biện luận cũng chẳng dứt.
Đức Phật bảo Bảo Thủ Bồ Tát: Đúng vậy đúng vậy, này Bảo Thủ! Đúng như lời ông nói. Bồ Tát Hư Không Tạng ấy nếu diễn nói nghĩa một câu, hoặc một kiếp hay giảm một kiếp nói chẳng hết được, biện cũng chẳng dứt. Hư Không Tạng Bồ Tát có vô lượng vô biên bất khả tư nghị biện tài như vậy.
Bấy giờ Bảo Thủ Bồ Tát dùng bàn tay che trùm khắp nhà Diệu Bảo Trang Nghiêm đường, trong bàn tay ấy xuất hiện vô lượng hoa hương anh lạc y phục những món trang sức và những tràng phan lọng đẹp, tuôn ra những món cúng dường thượng diệu như vậy để cúng dường Đức Như Lai và Hư Không Tạng Bồ Tát, trên không có trăm ngàn âm nhạc chẳng trỗi mà tự kêu.
Trong tiếng âm nhạc ấy phát ra những bài kệ vi diệu ca ngợi Đức Như Lai:
Gìn đức dạy đức đủ trăm phước
Tâm ý điều phục niệm chẳng động
Sa Môn Đại Sĩ xuống Trời Người
Mười phương Bồ Tát đều hiện đến
Danh xưng oai đức Đấng Tự Tại
Điều phục chúng sanh trừ si tối
Hay độ Trời người đang nổi trôi
Đóng cửa ác đạo khiến thanh tịnh
Đại Thánh khéo nói âm vi diệu
Không sai không lầm âm thanh tịnh
Ba cõi không sánh không ba độc
Thế Tôn nói pháp cho chúng vui
Ý niệm kiên cố ưa tịch tĩnh
Tối thắng thập lực ai cũng phục
Đã bỏ siểm khúc được Cam Lộ
Không có trần lụy chúng quy ngưỡng
Thế Tôn ở chúng chẳng động chuyển
Mà độ vô lượng chúng mười phương
Tùy chúng sanh hành hay tùy thuận
Phật Tử cũng thích tu hạnh ấy
Mặt nhật không che hay chiếu khắp
Hay khiến các hoa được đua nở
Phật trí huệ quang soi tối tăm
Phật Tử được tỏ cũng như vậy
Như gió vô ngại núi chẳng động
Sạch như hư không sáng như nhật
Phật Tử phóng quang mưa Cam Lộ
Vì vậy tôi lạy Phật Bồ Tát.
Đại Thiên nước biển còn lường được
Mười phương hư không còn bước dược
Tâm các chúng sanh còn đồng được
Công đức của Phật chẳng cùng tận.
Trên không âm nhạc vang ra những bài kệ vi diệu ấy rồi, Ma Vương Ba Tuần nghiêm bị bốn binh chủng đến chỗ Đức Phật, hóa thân Trưởng Giả lễ chân Đức Phật đứng ở một phía mà bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hi hữu, các bậc Đại Sĩ ấy có thể thành tựu các thứ thần biến bất khả tư nghị còn có thể thị hiện những sự trang nghiêm bất khả tư nghị như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Đời vị lai có bao nhiêu chúng sanh nghe thần biến bất khả tư nghị này mà được khai ngộ quyết định chẳng nghi?
Đức Phật nói: Này Ba Tuần! Trong đời vị lai ít có chúng sanh hoặc một người hoặc hai người nghe Kinh Điển thần biến bất tư nghị này mà được tin hiểu thì ít có lắm.
Này Ba Tuần! Như một sợi lông chia làm trăm phần, lấy một phần lông chấm lấy một giọt nước biền trong đại hải.
Ý của ông nghĩ thế nào, giọt nước được chấm lấy ấy so với nước cả đại hải ít nhiều thế nào?
Ba Tuần bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Được lấy rất ít, số còn lại rất nhiều.
Đức Phật nói: Này Ba Tuần! Như nước được lấy rất ít, chúng sanh nghe Kinh Điển thần biến bất tư nghị này mà có thể tin hiểu được thì rất ít cũng như vậy. Như trong đại hải nước còn lại rất nhiều, chúng sanh chẳng tin hiểu được Kinh Điển thần biến bất tư nghị này rất đông nhiều cũng như vậy.
Này Ba Tuần! Nếu có một người trong thời gian số kiếp bằng số cát Sông Hằng, mỗi ngày đem trân bảo đầy cả đại thiên Thế Giới dùng để bố thí, người này được phước chẳng bằng thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe Kinh Điển thần biến bất tư nghị này mà có thể tin hiểu được phước này rất là nhiều.
Tại sao, nếu là người tin hiểu Kinh Điển này, thì biết người ấy thân từ Thích Ca Mâu Ni Phật nghe Kinh Điển này tin hiểu không nghi.
Tại sao, vì nếu là chúng sanh chưa vun trồng thiện căn nghe Kinh Điển khó được thế gian tin này mà có thể tin được thì không có lẽ ấy.
Này Ba Tuần sau khi Phật Bát Niết Bàn lúc pháp sắp diệt có đông chúng sanh kiêu mạn.
Những chúng sanh ấy chấp văn tự của Phật nói vì chẳng biết phương tiện nên họ riêng sanh tranh cạnh, bỏ pháp tư duy, bỏ chánh hạnh của mình, vì lợi dưỡng danh dự y phục uống ăn mà tự ràng buộc, thích luận bàn các sự việc thế tục và sách luận văn từ thế tục mà chẳng luận bàn đệ nhất nghĩa đế.
Chẳng thích suy gẫm Phật Vô Thượng Đạo, họ lại còn hướng đến người khác mà luận chê Kinh Điển chân thiệt thâm diệu này, đây là phỉ báng Chư Phật. Họ chứa họp khối vô lượng khổ não lớn.
Các hạng ma thần Ma Thiên tá trợ người ấy, vì lợi dưỡng cung kính và danh dự nên họ lại thêm phóng dật ngạo mạn. Do ngạo mạn mà các người ấy thấy có ai trì giới hiền thiện thọ trì đọc tụng Kinh Điển này, họ bèn khi dễ ghét ganh hủy báng.
Các người ngu si này hiện đời phá phạm cấm giới. Trong bọn ấy hoặc vì sợ khó sanh sống, hoặc vì hổ thẹn nơi người nên có kẻ giả mặc Ca Sa, hoặc xả giới hoàn tục. Những kẻ này thân hư mạng chết đọa địa ngục A tỳ thọ khổ báo.
Này Ba Tuần! Trong đời vị lai có chúng sanh cầu Bồ Tát thừa mới phát đạo tâm căn lành cạn ít nắm lấy nhân duyên chỉ chấp văn tự chẳng rõ được nghĩa, thọ trì đọc tụng Kinh Điển thậm thâm như vậy và lúc vì người diễn nói, thì bị người khác khinh khi chê trách.
Vì bị người khinh chê nên bèn bỏ các Kinh Điển thậm thâm như vậy mà đọc tụng các Kinh tương ưng với Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa.
Vì bị ràng buộc bởi lợi dưỡng danh dự các vật cần dùng nên họ trở lại hủy báng các Kinh Điển thậm thâm chân thiệt như vậy. Họ cũng khinh miệt người thọ trì đọc tụng các Kinh Điển ấy, cho đến chẳng muốn đưa mắt nhìn ngó.
Họ thường thích hạnh thấp kém mà thối thất pháp đại thừa Bồ Tát. Đó là thối thất tâm thuần chí và thâm tâm.
Ma thần ma thiên được những người này bèn cố gắng làm nhiều cách hoại loạn tâm họ cho đến khiến chẳng nghe các Kinh ấy, dầu cho có nghe thì khiến sanh lòng hủy báng không tin.
Các người này cũng còn chứa họp vô lượng tội thành tựu nghiệp phá pháp, lìa hẳn Tam Bảo chẳng được thấy Phật nghe pháp cúng dường tăng. Tại sao, vì ở trong pháp luật được Phật nói mà sanh nghi do dự vậy.
Bấy giờ Ma Vương Ba Tuần tự thấy mình có lỗi nên lo rầu sợ sệt đến lạy chân Phật rồi đứng qua một phía.
Hư Không Tạng Bồ Tát hỏi: Này Ba Tuần! Có chi mà ngươi lo rầu tiều tụy run sợ như người thất chí mà đứng qua một phía vậy?
Ma Vương Ba Tuần nói: Thưa Đại Sĩ! Tôi từ nơi Phật nghe nói những sự đáng sợ như vậy nên tôi lo rầu sợ sẽ bị đọa ác đạo, ai sẽ cứu tôi. Ở trong pháp luật của Phật dạy tôi luôn luôn làm vô lượng sự trở ngại. Vì vậy mà tôi lo sợ lắm.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Ba Tuần! Trong Phật Pháp có pháp xuất tội. Ông nên đến chỗ Thế Tôn thành tâm sám hối các tội ác đã làm chớ có làm lại nữa. Nếu ông có thể như vậy thì sẽ được lợi ích tốt chẳng luống uổng.
Nghe lời khuyên ấy, Thiên Ma Ba Tuần liền đến chỗ Đức Phật năm vóc gieo xuống lạy chân Đức Phật ngước nhìn Phật rơi nước mắt mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi thành tâm sám hối từ xưa đến nay ở trong pháp luật của Đức Phật dạy thường làm vô lượng sự trở ngại. Ngưỡng mong Đức Như Lai vì lòng từ bi thương xót thọ tôi sám hối.
Đức Phật nói: Lành thay, lành thay, này Ba Tuần! Ông có thể tự thấy các việc ác đã làm, là thượng thiện thay người có thể ăn năn tội lỗi như vậy ở trong Phật Pháp thì làm rộng lớn Pháp Tạng Như Lai. Chư Phật cũng thọ người ấy sám hối. Vì vậy nên từ nay ông chớ nên phạm nữa.
Đức Thế Tôn bảo Đại Thừa: Các Đại Sĩ! Nay các người đều riêng nói pháp quá ma giới hành để tỏ lòng thương Thiên Ma Ba Tuần vậy.
Trong đại chúng có Bồ Tát tên Kim Sơn Vương bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người phòng hộ nội giới thì chưa quá ma giới. Nếu thấy tất cả các giới đồng Phật Giới, biết Phật Giới ấy tức là phi giới, Bồ Tát này có thể quá ma giới.
Bảo Đức Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Còn có chỗ dựa cậy nương nhờ là chưa khỏi ma giới. Nếu chẳng dựa cậy nương nhờ biết tất cả pháp vô sở đắc có thể vì chúng sanh nói pháp không sở y, Bồ Tát này có thể quá ma giới.
Bảo Thủ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thủ lấy ngã và ngã sở đây là ma giới. Nếu không có thủ ngã và ngã sở thì không có tranh cạnh. Vì không có tranh cạnh thì không có tâm hành. Tâm hành còn không có huống là có ma giới ư! Đây là Bồ Tát có thể quá các ma giới vậy.
Vô Tranh Dũng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có xúc có ly thì có tranh tụng, có tranh tụng thì ma được tiện lợi. Nếu không xúc không ly thì tự mình không có tranh tụng, cũng chẳng làm cho người tranh tụng, vì được vô ngã vậy. Người không não hành có thể quá ma giới.
Bảo Tư Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vọng tưởng phân biệt thì là phiền não và có phiền não xứ thì là ma giới. Nếu có Bồ Tát biết tất cả pháp không có tướng mạo, nơi các phiền não thì không vọng tưởng.
Hoặc nội hoặc ngoại cũng chẳng biết khác. Vì bỏ lìa tất cả vọng tưởng phân biệt đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Lạc Hành Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chỗ thích chỗ chẳng thích thì có yêu có ghét. Nếu có yêu có ghét thì có ma giới. Nếu có Bồ Tát bỏ lìa yêu ghét bình đẳng hành ở trong các pháp không có hai tưởng, được nhập bất khả tư nghị giới. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Ly Tranh Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ma giới do ngã mà phát khởi. Nếu Bồ Tát có thể biết được ngã được vô ngã nhẫn thì biết ngã tịnh, vì biết ngã tịnh nên biết tất cả pháp tịnh, vì biết tất cả pháp tịnh nên biết tất cả pháp tánh tịnh như hư không. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Pháp Tự Tại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thuận phiền não pháp thì bị ái sai sử mà ma được tiện lợi. Nếu có Bồ Tát ở trong các pháp rất được tự tại tự nhiên khai ngộ, vì được Chư Phật thọ ký, nơi Bồ Tát pháp trọn chẳng thối chuyển. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Sơn Tướng Kích Vương Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tâm có khuyết lậu thì là ma giới. Nếu Bồ Tát giới không khuyết lậu tâm không khuyết lậu thành tựu tất cả pháp không hành, đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Hỉ Kiến Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người chẳng thấy Phật chẳng nghe pháp thì ma được tiện lợi. Nếu Bồ Tát thường thấy Chư Phật mà chẳng thủ trước sắc tượng, thường nghe pháp mà chẳng trụ trước văn tự do vì thấy pháp thì là thấy Phật. Vì không ngôn thuyết nên có thể nghe pháp. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Đế Võng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có cậy có động thì là ma giới. Nếu Bồ Tát khéo thuận tinh tiến biết tất cả pháp cứu cánh không có tướng thành tựu mà không cậy không động. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Đức Minh Vương Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu hành hai pháp thì ma được tiện lợi. Nếu Bồ Tát biết tất cả các pháp đồng với pháp tánh thì chẳng thấy ma giới cùng pháp tánh có khác, biết Pháp Giới cùng ma giới bình đẳng vì chẳng hai tướng vậy. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Hương Tượng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ Tát khiếp nhược sợ pháp thậm thâm thì ma được tiện lợi. Nếu dũng kiện Bồ Tát khéo có thể không đạt ba môn giải thoát, ở trong các pháp thậm thâm chẳng kinh chẳng sợ, vì có thể hiện tiền chứng biết các pháp thiệt tánh. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như nước trong biển đồng một vị mặn. Trong biển Phật Pháp cũng đồng một pháp vị, đó là giải thoát vị, ly dục vị. Nếu Bồ Tát khéo hiểu pháp một vị, đây là Bồ Tát có thể quá ma nghiệp.
Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như hư không cứu cánh vô cấu, cứu cánh sáng sạch, cứu cánh chẳng bị tất cả khói bụi mây mù làm rối nhiễu. Cũng vậy tâm Bồ Tát như hư không, biết rõ tất cả các pháp tánh thường thanh tịnh, cũng chẳng bị tất cả khách trần phiền não làm rối nhiễu được đến bỉ ngạn bát nhã Ba la mật lìa các tối tăm, nơi các pháp dược huệ quang minh. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới.
Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có ngôn ngữ thì có trệ ngại, nếu có trệ ngại thì có ma giới. Nếu pháp chẳng bị tất cả ngôn thuyết biểu thị bèn không trệ ngại.
Sao gọi là pháp chẳng ngôn thuyết được?
Đó là đệ nhất nghĩa. Trong đệ nhất nghĩa cũng không có văn tự và nghĩa.
Nếu Bồ Tát có thể hành đệ nhất nghĩa đế, nơi tất cả pháp đều không có sở hành. Đây là Bồ Tát có thể quá ma giới, vì không có sở quá vậy.
Đức Phật nói với Ma Vương rằng: Này Ba Tuần! Ông có nghe nói pháp quá ma giới chăng?
Ma Vương bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi đã có nghe.
Đức Phật nói: Này Ba Tuần! Nếu có người hành những pháp ấy thì tất cả các ma không làm gì được. Nếu có ma muốn ở nơi hành nhân ấy mà phát khởi các ma sự thì trọn chẳng thể làm được mà còn gây nên vô lượng tội lỗi.
Vì vậy nên, Ba Tuần này, ông phải phát tâm vô thượng bồ đề, ở nơi pháp quá ma giới ấy phải kiên trì phụng hành. Nếu ông có thể hành như vậy thì có thể quá tất cả quốc giới ma.
Này Ba Tuần! Dụ như bợn dơ đóng từ cả trăm năm, có thể trong một ngày giặt rửa sạch sẽ. Cũng vậy, trong trăm ngàn kiếp chứa họp các nghiệp bất thiện, vì Phật Pháp mà khéo thuận tư duy trong một ngày một giờ đều có thể tiêu diệt.
Này Ba Tuần! Như cỏ khô chứa họp đống lớn như núi Tu Di, lấy chút lửa ném vào thì mau cháy hết. Cũng vậy dùng ít sức huệ có thể trừ diệt vô lượng khối tối tăm.
Tại sao?
Vì sáng trí huệ dũng mãnh mà vô minh thì kém yếu vậy.
Lúc ấy Ma Vương Ba Tuần nghĩ rằng: Đức Thế Tôn đại từ vì thương xót tôi mà nói cho tôi về pháp bồ đề tâm. Nay tôi nên ở chỗ Đức Như Lai vun trồng chút ít căn lành.
Nghĩ xong, Ma Vương Ba Tuần hóa ra tám vạn bốn ngàn lọng báu rất đẹp lạ với vô lượng hoa hương anh lạc hương bột hương xoa, rồi bảo quyến thuộc mình rằng: Chư Phật Thế Tôn xuất thế rất khó, các người nên đồng đến chỗ Đức Thế Tôn để cúng dường.
Trong Thiên Ma quyến thuộc có tám vạn bốn ngàn chúng cùng Ma Vương Ba Tuần đem đồ cúng như lọng báu hoa hương dâng lên Đức Phật và đồng phát tâm vô thượng bồ đề.
Ngoài ra cón có các Thiên Ma quyến thuộc chẳng có tín tâm chẳng phát tâm bồ đề, họ hiện hình tướng cười chê luận bàn về Ma Vương Ba Tuần rằng: Thật là hi hữu cho Ba Tuần có thể ở trước Sa Môn Cù Đàm trá hiện tướng đốc tín như vậy, coi Cù Đàm như người chí thân.
Hoặc là Ba Tuần muốn ở nơi Sa Môn Cù Đàm học chú thuật nên nay ở trước mặt Cù Đàm ca ngợi chăng?
Trong chúng ấy có ma tử Xử Diện và các ma tử đều không có tín tâm đều nói rằng: Giả sử Sa Môn Cù Đàm dùng các phương thuật hồi chuyển Ma Vương, chúng ta sẽ lập các phương tiện làm cho Kinh Điển như vậy chẳng lưu bố được, dầu có lưu bố cũng làm cho ít người hộ trợ, cũng làm cho ít người tín thọ phụng hành bị nhiều người khinh tiện.
Thường lạc ở địa phương biên địa chẳng cho tuyên truyền tại trung tâm các nước, chúng ta sẽ khiến các chúng sanh bần cùng không oai đức được nghe và thường bị người có oai đức hào phú chẳng tin chê trách.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Hư Không Tạng Bồ Tát: Này Đại Sĩ! Ông có nghe các ma tử nói lời ác ấy chăng?
Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi có nghe.
Đức Phật nói: Này Hư Không Tạng! Vì vậy mà ông nên hộ trợ an ủi Kinh Điển thậm thâm vi diệu như vậy vì để hàng phục các ma thần.
Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Mười phương Chư Phật đều đã hộ trì Kinh Điển như vậy. Chúng tôi cũng nên an ủi thọ trì.
A bạt đê, bạt đê, tỳ bạt đê, bà hê đa nâu tán đề, đầu lâu Đà La Ni, niết già đa niết già đa ni, xa mế bát già đa ni, mê la dục đê, già lâu na niết nựu đề, tát giá bạt đê, phù đa lặc sai, đạt ma niết chiết đê, đạt ma lặc sai, úc cưu ly, thi cưu ly, hưu lâu hưu lâu hưu lâu đức ca ly, đa bà bà đế đê, Thi La nâu bà đế đê, a xoa dạ niết thế trì, chỉ xa bà ca lợi thí, phật đà yết đề mị đê, đạt ma huất kỳ la nê, tăng già nâu kìm mế, a nâu đầu lệ.
Chẳng thể tế độ được
Quyến thuộc ma hư hoại
Nếu ai phạm Kinh này
Không có các đao trượng
Thuận chỗ lành mình làm
Là chỗ làm Chư Thánh
Những câu lành và tốt
Thuận với dòng giải thoát
Phá các luận ngoại đạo
Hàng phục các chúng ma
Tứ Thiên Vương thường hộ
Và cùng Thiên Đế Thích
Phạm Thiên Vương thế chủ
Hàng Chư Thiên phụng Phật
Người hộ trì bồ đề
Chư Thiên Thần như vậy
Thường phải nên ủng hộ
Hàng phục các chúng ma
Vì lợi ích chúng sanh
Mà thọ trì chánh pháp
Hộ trì thuyết Pháp Sư
Đều phải nên ủng hộ.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói chú ấy rồi, tức thì nhà Diệu Bảo Trang Nghiêm đường và cả đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách.
Lúc các ma tử thấy trên không có năm trăm Mật Tích Lực Sĩ cầm chày kim cương chói sáng như lửa rất đáng sợ.
Chư Mật Tích xướng lên rằng: Nếu có ma tử và ma thần nào nghe chú ấy mà không phát tâm vô thượng bồ đề, chúng ta sẽ đập bể đầu họ thành bảy phần.
Chư ma tử và các quyến thuộc kinh sợ run rẩy lông trên thân đều dựng đứng, liền chắp tay lễ Đức Phật mà bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi nay phát tâm vô thượng bồ đề.
Lành thay Thế Tôn! Mong cứu chúng tôi khỏi sự kinh hoàng này để được an vui vô úy.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan rằng:
Trước đây các ma tử này có nói rằng: Chúng ta ở đời sau nơi Kinh Điển này sẽ làm trở ngại. Ắt sẽ xứng với bổn thệ ấy mà làm trở ngại.
Kinh Điển như đây chỉ sẽ do Phật thần lực và Đại Thừa thọ trì mà sẽ được lưu bố trong đời, nhưng không có được nhiều người thọ trì phân biệt giải thuyết.
Này A Nan! Ông có thấy các ma tử vì muốn thoát khỏi sự kinh sợ mà phát tâm vô thượng bồ đề chăng?
Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi đã thấy.
Đức Phật nói: Này A Nan! Lời nói phát tâm ấy sẽ làm nhân rời lìa ma sự cho các ma tử, vì họ chẳng thâm tâm phát tâm vô thượng bồ đề vậy.
Này A Nan! Đời vị lai sẽ có Phật xuất thế hiệu là Vô Cấu Tướng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Ma Vương Ba Tuần này ở chỗ Đức Phật ấy sẽ bất thối chuyển phát tâm vô thượng bồ đề.
Đức Phật Vô Cấu Tướng biết Ba Tuần thâm tâm thành tựu nên sẽ thọ ký vô thượng bồ đề cho. Lúc vị lai ấy, vẫn làm Ma Vương thâm tâm kính tin nơi Chánh Pháp Như Lai.
Như lúc Phật Di Lặc xuất thế, có Ma Vương tên là Đạo Sư thâm tâm kính tin Phật, pháp và Thánh Chúng.
Năm trăm ma tử này cũng sẽ ở lúc đó sanh trong hàng ma, họ sẽ ở chỗ Phật Di Lặc, vì bồ đề mà vun trồng các căn lành, cho đến lúc Ba Tuần thành Phật sẽ thọ ký vô thượng bồ đề cho họ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Bảy - Kinh Kẻ Cướp Chia Của
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Hai - Trụ Ly Cấu
Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Như Pháp Trụ Sanh Bồ đề địa - Phần Hai