Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Một - Phẩm đại Chúng Vân Tập
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC BỔN NGHIỆP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM ĐẠI CHÚNG VÂN TẬP
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật du hóa trở lại nước của Vua Bình Sa Tần Bà Sa La, đến ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng nơi Ngài đã tu hành thành tựu bậc Chánh Giác.
Lúc mới thành đạo, ánh sáng của Phật chiếu soi rực rỡ, nay lại phóng ra bốn mươi hai vầng ánh sáng.
Mỗi vầng ánh sáng đều có tia sáng công đức trong một trăm vạn A tăng kỳ kiếp làm thành chuỗi ngọc, trang nghiêm thân tướng của Phật đầy khắp pháp giới, trong sáng lắng đọng chiếu suốt như hư không, giác tánh thường trụ, bản thể nhiệm mầu ứng hóa cùng khắp, diệu dụng vĩ đại không gì ngăn trở, là Vua là chúa trong tất cả pháp, là cha mẹ của tất cả chúng sanh.
Đức Phật tự nhiên ngồi trên tòa hoa sen Sư Tử báu có trăm ngàn cánh. Chỗ ngồi của Chư Phật trước kia cũng như vậy, đạo đức, oai nghi, tướng tốt đều giống nhau, thân, khẩu, ý thanh tịnh, phước hạnh đầy đủ.
Ánh sáng của Ngài chiếu tận đến tạng báu kim cang, hiện ra vô cùng vô cực chiếu soi các cõi nước. Quá khứ, hiện tại, vị lai không bị chướng ngại, giáo hóa tất cả, vượt khỏi pháp và ngã, bình đẳng cả ba đời, trí giác tròn sáng, đạt đến sự bình đẳng với tất cả Chư Phật.
Bấy giờ, đại chúng Bồ Tát đều là bậc Nhất sanh bổ xứ, thần thông vi diệu, biến hóa khắp mười phương, pháp thân vô cực, hướng dẫn làm lợi ích cho chúng sanh, khai mở tạng pháp Phật, hiển bày diệu quả Phật tánh, Niết Bàn vô vi.
Chư vị đều thể nhập vào chân như, hiểu rõ những căn bản bên trong, ngoài, trước, sau, vô cùng vô cực, bình đẳng với Cõi Phật không còn phân biệt. Dùng miệng đại bi tán thán danh hiệu Đức Phật không thể tính kể. Các sự việc trong sáu đường đều thấu suốt tất cả.
Những nơi đến giáo hóa, chư vị đều khen: Phật nhớ đến chúng ta, xây dựng chí nguyện rộng lớn cho ta nên Ngài thị hiện thân ở các Thế Giới Chư Phật. Đối với cõi nước hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc rất trang nghiêm nơi Phật du hóa hay dừng ở, Ngài đều xiển dương, giáo hóa muôn loài.
Phật dùng ánh sáng thần thông hóa độ, khai mở tâm ý cho chúng ta để hiểu rõ bổn nghiệp Anh Lạc trang nghiêm của Chư Phật.
Đó là: Mười Trụ, Mười Hạnh, Mười Hồi Hướng, Mười Địa, Địa Vô Cấu và Địa Diệu Giác. Đức Phật vì ta nói pháp căn bản để đoạn trừ những lỗi lầm và nghi ngờ.
Đức Phật cũng vì ta hiện ra Cõi Phật, thân Phật, thần thông sức mạnh, trí tuệ của Phật, vô lượng biến hóa, bốn tâm vô lượng, bốn vô sở úy, ba nghiệp không lỗi lầm, mười tám pháp Bất cộng và tất cả công đức của đạo vô thượng. Đức Phật chỉ dạy, mở bày các việc cho chúng ta, thể nhập các quốc độ khắp mười phương.
Như về phương Đông, cách xa vô cực, có cõi Hương Lâm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Nhập Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Kính Thủ.
Về phương Nam, cách xa vô cực, có cõi Nhạc Lâm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Bất Xả Lạc, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Giác Thủ.
Về phương Tây, cách xa vô cực, có cõi Hoa Lâm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Tập Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Bảo Thủ.
Về phương Bắc, cách xa vô cực, có cõi Đạo Lâm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Hạnh Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Tuệ Thủ.
Về phương Đông Bắc, cách xa vô cực, có cõi Thanh Liên, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Bi Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Đức Thủ.
Về phương Đông Nam, cách xa vô cực, có cõi Kim Lâm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Tận Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Mục Thủ.
Về phương Tây Nam, cách xa vô cực, có cõi Bảo Lâm, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu Thượng Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Danh Thủ.
Về phương Tây Bắc, cách xa vô cực, có cõi Kim Cương, Đức Phật cõi ấy hiệu Nhất Thừa Độ, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Pháp Thủ.
Về phương dưới, cách xa vô cực, có cõi Thủy Tinh, Đức Phật cõi ấy hiệu Đại Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Trí Thủ.
Về phương trên, cách xa vô cực, có Cõi Dục Lâm, Đức Phật cõi ấy hiệu Chí Tinh Tấn, Bồ Tát đứng đầu hiệu là Hiền Thủ.
Như vậy, tất cả các quốc độ đều có ánh sáng nơi Pháp Thân Phật chiếu đến. Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi các đại Bồ Tát thượng thủ ở khắp mười phương. Mỗi vị Bồ Tát đều cùng vô số bậc thượng nhân đi đến đại hội, đảnh lễ ngang chân Phật rồi ngồi vào tòa hoa sen báu ngàn cánh.
Khi ấy, Bồ Tát Kính Thủ là vị đứng đầu trong đại chúng, nhờ thần lực của Phật khen: Sự tập hợp của Thánh Chúng và Ngài quán xét nơi an trú, thanh tịnh Cõi Phật cho đến pháp phục, uy đức của Phật.
Sự tu hành vi diệu và đức độ của Như Lai, sự tu tập hoàn hảo về bốn mươi hai nhân địa của bậc Hiền Thánh, sự giảng thuyết Kinh pháp chứng đắc thần thông, tùy cõi trong sạch hay nhiễm ô mà cứu độ hết thảy, phân thân giáo hóa khắp nơi.
Lúc đó, Cõi Phật nơi phương khác cũng nói về Kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp không hai, không khác, khai mở đạo pháp cũng như sự giảng thuyết của Đức Phật Thích Ca. Khi ấy, Bồ Tát Kính Thủ liền nhập chánh định Chư Phật thần lực đại Sư Tử hống liền thưa hỏi pháp môn vô lượng đại bảo tạng hải kim cang anh lạc của tất cả Chư Phật và Bồ Tát.
Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới đến nơi cội cây Bồ Đề quán xét nhân duyên, căn cơ của chúng sanh khắp mười phương pháp giới, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp Cõi Phật, từ bốn Thiên Vương, sáu Cõi Trời thuộc Dục Giới, mười tám cõi của Phạm Thiên trở lên, cho đến bốn Cõi Vô Sắc, tất cả đều cùng đến một lúc trong pháp hội.
Có vô lượng cõi nước, cứ mỗi cõi nước phạm vi gồm có một núi Tu Di, một Mặt Trời, mặt trăng xoay quanh, chiếu soi bốn cõi thiên hạ. Về phương Đông là Phất Vu Đãi. Phương Nam là Diêm Phù Đề. Phương Tây là Cù Đà Ni. Phương Bắc là Uất Đơn Việt.
Biển cả rộng lớn vây quanh cõi nước, ở trên có hai mươi tám Cõi Trời, như vậy gọi là một tiểu Thế Giới, bao quanh mười phương gồm một tỷ cõi nước. Lúc ấy, ánh sáng của Phật đều hiện trong đó.
Cõi Dục gồm: Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Tu Diệm Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại.
Các Trời nơi Cõi Sắc gồm: Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang, Trời Quang Âm, Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Phước Sanh, Trời Phước Ái, Trời Quảng Quả, Trời Vô Tưởng, Trời Vô Phiền, Trời Vô Nhiệt, Trời thiện Kiến, Trời thiện Hiện, Trời Sắc Cứu Cánh.
Bốn Cõi Vô Sắc gồm: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Các Cõi Trời thuộc về Sắc Giới đều có hồ nước rộng lớn, hoa sen mọc lên, cho nên gọi là nước Trời, còn những chúng sanh ở Cõi Vô Sắc đều do hóa sanh, phía dưới Cõi Dục thì có năm luân.
Phạm vi một Cõi Phật bao gồm như vậy, gọi là đại nhẫn. Đức Phật Thích Ca phân ra trăm ức hóa thân, hiện khắp trong đó. Vì chúng sanh trong Thế Giới này, nên Ngài nói về công hạnh của chư vị Bồ Tát tu hành Bổn Nghiệp Anh Lạc.
Khi đó, đại chúng, hàng Trời, người nhìn Cõi Phật và Bồ Tát, thấy như gần nhau, các vị đều vân tập đến tòa kim cang nơi chúng hội ở đạo tràng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một