Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Song Yếu - Tập Hai
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI CHÍN
PHẨM SONG YẾU
TẬP HAI
Cho nên nói:
Tham ăn không điều độ,
Ba lần chuyển mình mới đi,
Như heo nuôi trong chuồng,
Thường phải chịu bào thai.
Người chuyên nhất ý mình
Uống ăn biết vừa đủ
Cốt để giữ thân này
Nuôi mạng để chứng đạo.
Bài kệ trên đây do Đức Phật nói cho Vua Ba Tư Nặc nghe vào thuở xưa. Bởi nhiều đời tu phước nên Vua Ba Tư Nặc được báo ứng là ở phía sau vườn nhà vua bỗng nhiên mọc lên một cây mía, lúc nào nó cũng tươm chất ngọt.
Ở trong vườn, tự nhiên mọc lên một loại lúa nếp, có cả trăm bông, hái hoài vẫn mọc lại. Nhà vua hưởng phước, ăn thứ lúa ấy mãi vẫn không biết chán, nên thân thể phì nộn ra, thở hổn hển, không thể xoay chuyển cơ thể được. Khi ấy vua đến chỗ Phật cúi người vái chào rồi ngồi qua một bên.
Lúc đó, Đức Thế Tôn bèn nói bài kệ:
Người chuyên nhất ý mình
Uống ăn biết vừa đủ
Cốt để giữ thân này
Nuôi mạng để chứng đạo.
Nghe vậy, vua vui mừng hớn hở, không kiềm chế được liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi từ biệt Đức Phật rồi trở về cung.
Vua bảo người đầu bếp: Nếu dọn cơm lên trước mặt ta, nhà ngươi phải đọc bài kệ trên, ta mới ăn. Từ nay trở đi, việc ấy là một phép tắc thường ngày của ta.
Từ đó vua ăn ít lại nên thân thể nhẹ nhàng, không còn thấy khổ sở khi lui tới như xưa.
Quán tịnh để tự tu
Các căn không đầy đủ
Uống ăn không thỏa mãn
Ấy phẩm hạnh phàm phu
Ý tham dục dần tăng
Như nhà lủng nước dột.
Quán tịnh để tự tu, các căn không đầy đủ: Người tu hành, từ đầu, ý đã không bền chắc. Khi nghĩ đến tóc, lông, răng, móng của mình thì ưa thích cho là trong sạch, nổi lên ý niệm ham muốn. Từ đó càng thêm giận dữ, ngu si càng sâu hơn, không gom giữ các căn, các căn bất định. Buông lung, tự do, đánh mất đạo sáng như lửa phừng đổ thêm dầu. Xét cho kỹ thì đó đâu phải là cách dập tắt lửa.
Muốn dập tắt hẳn lửa dâm, nộ, si, không còn cháy trở lại nữa thì phải quán tưởng nước bất tịnh chảy ra từ thây ma kia.
Cho nên nói: Quán tịnh để tự tu, các căn không đầy đủ.
Uống ăn không thỏa mãn, ấy phẩm hạnh phàm phu: Người tu hành xin xỏ không biết chán, được bao nhiêu đem cất giấu, tâm bỏn sẻn không dứt bỏ nên sau khi chết rơi vào hàng phàm phu tầm thường.
Cho nên nói: Uống ăn không thỏa mãn, ấy phẩm hạnh phàm phu.
Ý tham dục dần tăng, như nhà lủng nước dột: Người tu giữ chặt kiến chấp ngu si của mình, không biết tạo căn lành, ý tham dục lẫy lừng không tự sửa đổi, nên lại phải trải qua tai nạn sinh tử.
Như mái nhà lợp không kỹ nên khi trời đổ mưa, nước tuôn xuống làm dơ bẩn cả áo quần. Tính người cũng vậy, ý không vững chắc, thấm rịn chất dâm, nộ, si.
Cho nên nói:
Ý tham dục dần tăng,
Như nhà lủng nước dột.
Nên quán hạnh bất tịnh
Các căn không thiếu sót
Ăn uống biết vừa đủ
Có tin, giữ tinh tấn
Không buông lung ý dục
Như gió thổi núi Thái.
Nên quán hạnh bất tịnh, các căn không thiếu sót: Người tu hành chế ngự tâm ý, không ăn không ngồi rồi, mà phải quán xét thân này rịn chảy ra chất bất tịnh, phân biệt từng thứ, nói gọn là ba mươi sáu thứ trong thân đều nhơ bẩn, bất tịnh.
Từ đầu đến chân, không có thứ nào đáng tham cả, gom giữ các giác quan, không cho phạm lỗi lầm.
Cho nên nói: Nên quán hạnh bất tịnh, các căn không thiếu sót.
Ăn uống biết vừa đủ, có tin, giữ tinh tấn: Người tu hành giữ gìn tâm ý, được niềm tin vô lậu. Ai ăn nhiều thì hai mắt lừ đừ không nhập định được. Tâm tin mạnh mẽ mới tinh tấn vượt hơn mọi người, liền được chứng quả.
Cho nên nói: Ăn uống biết vừa đủ, có tin, giữ tinh tấn.
Không buông lung ý dục, như gió thổi núi Thái: Người tu hành giữ ý, không sinh khởi các loạn tưởng. Tham dục là gốc tai họa, chủ sinh ra mọi tại họa. Thân tâm rối loạn thì trí không được sáng. Sau khi chết bị khổ đốt cháy thân.
Biết rõ mọi nạn khổ ấy thì nên giữ gìn tâm ý, chớ cho nó chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp. Ngoài chế ngự sáu trần, trong gom nhiếp sáu căn, trong ngoài thanh tịnh, không ý dục lâu an trụ vững chắc, không hề bị lay động dù cuồng phong thổi tới, tâm như kim cương không thể phá vỡ.
Cho nên nói:
Không buông lung ý dục,
Như gió thổi núi Thái.
Vắng lặng là nơi vui
Nhưng người lại không thích
Người vô dục ở đó
Người còn dục không ở.
Vắng lặng là nơi vui: Sở dĩ Thánh Nhân nói lời này là vì muốn người tu mau đạt đạo. Ở nơi thanh vắng, ý được chuyên nhất, không bị chi phối bởi giờ giấc nào nên suy tư dễ đạt kết quả.
Nghe được tiếng vang của từng ý niệm, như người cất tiếng gọi.
Cho nên nói: Vắng lặng là nơi vui.
Nhưng người lại không thích: Hạng người như thế đều là phàm phu, tâm họ đắm nhiễm ái dục, không thể lìa bỏ, họ ham mê nữ sắc cho là có hưởng dụng thật sự, đến khi sắp chết mới biết không phải thật.
Cho nên nói: Nhưng người lại không thích.
Người vô dục ở đó: Sở dĩ gọi Bậc Thánh là vì các vị ấy không còn những sự trói buộc của các kết sử, dâm, nộ, si đã được dứt bỏ rỗng rang, sạch như vàng Cõi Trời, cũng không bị vật gì ngăn che.
Nếu ở trong xóm làng nào thì giáo hóa giáp khắp hết. Đến giờ thì ôm bát khất thực gieo phước để hóa độ chúng sinh. Thí chủ cúng dường ít nhiều đều chú nguyện cho họ. Đàn việt thí chủ nghe tiếng vị ấy là nghe đạo giáo, tâm được sáng tỏ. Nếu gặp Bích Chi Phật vị y tung bình bát lên hư không, hóa hiện mười tám thứ thần biến. Chân tuy ở giữa mọi người nhưng tâm vị ấy ở chốn vắng lặng.
Cho nên nói: Người vô dục ở đó.
Người còn dục không ở: Người ham mê ái dục thì tâm ý họ luôn có nỗi ham mê.
Như kẻ mắc tội bị giam trong ngục, quan chưa xét xử, qua nhiều năm tháng, ý muốn ra khỏi ngục, thì rất khó được?
Kẻ ham hố dâm dật cũng như vậy, bị tâm si mê trói nhốt trong ngục ái dục, không gặp được thứ thuốc của Bậc Thánh vô lậu. Muốn được cứu giúp cũng rất khó được.
Cho nên nói:
Người còn dục không ở.
Nơi rừng vắng lặng
Bờ cao đất bằng
Ứng chân đi qua
Ai cũng được ân.
Nơi nào bậc chân nhân ở thì chắc chắn nơi ấy có sự ứng hiện điềm lành. Bốn vị vua thần đất thường đến ủng hộ. Nơi có các vị yên ở không bị tai họa. Phước đức có thể dứt trừ mọi điều ác, những điều tai hại không phát sinh, đó là nhờ nơi ấy có Bậc Thánh ở, oai thần các Ngài khiến như vậy.
Cho nên nói:
Nơi rừng vắng lặng,
Bờ ao đất bằng,
Ứng chân đi qua,
Ai cũng được ân.
Khó dời, khó lay động
Như núi Tuyết nặng kia
Chẳng hiền thì không hiện
Như bắn tên nhà tối.
Bậc Thánh Hiền tâm không lay động: Ý muốn làm việc gì thì chắc chắn được, không khó. Giống như trên các núi thuốc quý tranh nhau mọc, tùy ý hái về, biết thứ nào độc hại. Thế nên người trí nói các công đức đầy đủ.
Cho nên nói: Khó dời, khó lay động, như núi Tuyết nặng kia.
Chẳng hiền thì không hiện, như bắn tên nhà tối: Bởi không có thiện tri thức, không gần gũi thiện tri thức nên nghe điều ác thì không nói ra nguồn gốc của nó, còn nghe điều lành thì không khen gợi công đức của nó, giống như ở trong nhà tối bắn tên.
Cho nên nói:
Chẳng hiền thì không hiện,
Như bắn tên nhà tối.
Bậc hiền có ngàn vị
Người trí ở tòng tâm
Nghĩa lý rất sâu xa
Người trí phân biệt được.
Bậc hiền có ngàn vị, người trí ở tòng tâm: Bậc hiền là người biết phân biệt, nghe nghĩa một câu thì giảng nói vô số pháp biện tài, suy nghĩ phân biệt đều nhờ quán xét, luyện tập.
Cho nên nói: Bậc hiền có ngàn vị, người trí ở tòng tâm.
Nghĩa lý rất sâu xa, người trí phân biệt được: Phân biệt các pháp không mất thứ lớp, tìm hiểu suy xét các pháp nghĩa lý sâu xa. Biết các pháp sinh ra từ đâu và diệt đi về đâu. Phân biệt nghĩa lý từng pháp không sai sót.
Cho nên nói:
Nghĩa lý rất sâu xa,
Người trí phân biệt được.
Có nhiều loài chúng sinh
Không bắn và không gặp
Nay quán nghĩa lý này
Kẻ phạm giới hổ thẹn.
Có nhiều loài chúng sinh, không bắn và không gặp: Gặp là hỷ người tu hành hỷ pháp.
Cho nên nói: Có nhiều loài chúng sinh, không bắn và không gặp.
Nay quán nghĩa lý này, kẻ phạm giới hổ thẹn: Người căn tánh lanh lợi bén nhạy quán xét biết là thường, vô thường, tịnh hay không tịnh. Cho nên người giới đức đầy đủ thì được khen ngợi là tịnh. Kẻ phạm giới khi nghe người trí dạy bảo thì cho là mình bị chế nhạo, lời kia không phải là lời dạy chân thành.
Rồi chính mình không dám xưng tên họ gốc gác, cũng không dám tự hạ mình để hen ngợi người trí. Như người ắn giỏi biết phân biệt người bắn tên giỏi hơn mình mà học theo.
Vì sao?
Vì khi muốn giúp kẻ ác sửa đổi hành vi thì người tu thiện phải tôn sùng chánh pháp.
Cho nên nói:
Nay quán nghĩa lý này,
Kẻ phạm giới hổ thẹn.
Quán hữu biết lo sợ
Biến đổi biết hữu vô
Cho nên không ưa hữu
Phải nghĩ xa lìa hữu.
Quán hữu biết lo sợ, biến đổi biết hữu vô: Hữu là lo sợ không thể nương cậy, cái như thật thì không bao giờ rời bỏ.
Cho nên nói: Quán hữu biết lo sợ, biến đổi biết hữu vô.
Cho nên không ưa hữu, phải nghĩ xa lìa hữu: Người ta không ai ưa cội gốc của khổ. Nhưng cũng không nghĩ những điều do nghiệp gốc gây ra.
Cho nên nói:
Cho nên không ưa hữu,
Phải nghĩ xa lìa hữu.
Không tin, không thay đổi
Khoét tường mà ăn trộm
Dứt ý trông chờ kia
Nên gọi người mạnh mẽ.
Không tin, không thay đổi: Như có các đệ tử Phật, không có ý chí tin sâu, vì sao?
Vì người ấy không tin Phật, Pháp, Tỳ Kheo Tăng, cũng không tin khổ, tập, diệt, đạo. Diệt là Niết Bàn dứt hết phiền não. Kẻ kia không tin, cũng không kính thờ.
Cho nên nói: Không tin, không thay đổi.
Khoét tường mà ăn trộm: Người tu hành khoét vách tường ba cõi hữu lậu vượt ra, vì trong ba cõi trao đổi phước đức vui mừng.
Cho nên nói: Khoét tường mà ăn trộm.
Dứt ý trông chờ kia, nên gọi người mạnh mẽ: Dứt bỏ ý tưởng lợi dưỡng, không còn mong mỏi. Đây là bậc sĩ trong loài người, không ai hơn được.
Cho nên nói:
Dứt ý trông chờ kia,
Nên gọi người mạnh mẽ.
Dứt bỏ duyên cha mẹ
Nhà vua và hai thứ
Diệt hết cả cảnh giới
Vô cấu là phạm hạnh.
Dứt bỏ duyên cha mẹ: Như Lai nói điều này là muốn chỉ rõ tâm ái dục đã dứt hẳn không còn sót, không còn phát sinh lại nữa.
Cho nên nói: Dứt bỏ duyên cha mẹ.
Nhà vua và hai thứ: Nói đến vua là muốn nói đến sự kiêu mạn. Hai thứ chỉ cho giới luật và tà kiến. Phải dứt bỏ tâm kiêu mạn này, chớ để nó phát sinh.
Cho nên nói: Nhà vua và hai thứ.
Diệt hết cả cảnh giới, vô cấu là phạm hạnh: Như Lai nói điều này là muốn nói tâm kiêu mạn của mình đã dứt hẳn không còn sót, tu hành phạm hạnh.
Cho nên nói:
Diệt hết cả cảnh giới,
Vô cấu là phạm hạnh.
Nếu người không chỗ nương
Biết kẻ ấy chuộng ăn
Không, vô tướng, vô nguyện
Suy nghĩ lấy làm hạnh.
Nếu người không chỗ nương: Người tu hành không còn các kết sử, cũng không cất giấu chúng.
Cho nên nói: Nếu người không chỗ nương.
Biết kẻ ấy chuộng ăn: Người đời dựa vào ăn để sống, biết nắm cơm bỏ vô miệng, biết rõ gốc ngọn xuất phát của nó. Lại người ham ăn sinh ý tưởng mê đắm, như tấm da trâu sống kia. Ý tưởng ham ăn giống như đống lửa. Còn ý thức nghĩ đến ăn thì như dao kiếm.
Người tu hành cầm nắm cơm phải quán xét ngọn nguồn nó, hoặc tự tay cầm hoặc ở trong bát. Suy nghĩ kỹ lưỡng miếng ăn từ đâu sinh ra, từ đâu mà diệt. Nếu quán sát những chất nhơ bẩn rõ do vật thực tiêu hóa ra thì không còn tham ưa.
Cho nên nói: Biết kẻ ấy chuộng ăn.
Không, vô tướng, vô nguyện, suy nghĩ lấy làm hạnh: Như chúng sinh kia nhập vào ba cửa giải thoát không, vô tướng, vô nguyện suy nghĩ đạo pháp không lìa tâm ý.
Cho nên nói:
Không, vô tướng, vô nguyện,
Suy nghĩ lấy làm hạnh.
Chim bay trong không
Không để dấu vết
Như người tu hành
Không cầu nơi đến.
Chim bay trong không, không để dấu vết: Chim bay trong không đều gọi là phượng hoàng, không hề thấy dấu vết trong hư không, tới lui qua lại đều không nơi chốn.
Cho nên nói: Chim bay trong không, không để dấu vết.
Như người tu hành, không cầu nơi đến: Người tu hành quán sát nghĩa lý này, đều không phân biết phương hướng để đi đến như Đông, Tây, Nam, Bắc.
Cho nên nói:
Như người tu hành,
Không cầu nơi đến.
Ai dứt được gốc hữu
Không nương việc chưa đến
Không, vô tướng, vô nguyện
Suy nghĩ lấy làm hạnh.
Người tu hành trong các cõi cắt đứt cội gốc hữu, nói về hữu thì có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, đều dứt hẳn phiền não không còn sót và không còn sinh khởi nữa.
Cho nên nói: Ai dứt được gốc hữu.
Không nương việc chưa đến: Không biết việc chưa xảy ra và sự thay đổi hưng, suy.
Cho nên nói: Không nương việc chưa đến.
Không, vô tướng, vô nguyện, suy nghĩ lấy làm hạnh: Mặc ba áo giải thoát, bước vào cửa dứt hết phiền não, lấy đó làm vui không bao giờ lìa bỏ.
Cho nên nói:
Không, vô tướng, vô nguyện,
Suy nghĩ lấy làm hạnh.
Ít có chúng sinh
Không theo đường tắt
Có vượt, không vượt
Chết rất khó thoát.
Ít có chúng sinh, không theo đường tắt: Ít có chúng sinh, sinh vào nơi Kinh đô, cũng lại ít có chúng sinh gặp được Hiền Thánh.
Cho nên nói: Ít có chúng sinh, không theo đường tắt.
Có vượt, không vượt: Có nhiều chúng sinh muốn vượt khỏi thế gian, nhưng ít ai vượt khỏi, không biết cội gốc sinh tử, có, không, phải, quấy. Ấy là do thấp hèn cặn đục nên không đạt được tanh hạnh.
Cho nên nói: Có vượt, không vượt.
Chết rất khó thoát: Người ta ham sống, chỉ thấy trước mắt, không biết con đường đưa đến cái chết đầy dẫy nạn khổ, cũng không suy nghĩ hạnh nghiệp thoát khỏi thế gian.
Cho nên nói:
Chết rất khó thoát.
Các hữu bình đẳng nói
Cùng quán sát các pháp
Dứt hết các kết sử
Không còn có nóng bức.
Các hữu bình đẳng nói, cùng quán sát các pháp: Người ta sống ở đời quán xét phải trái, đầy đủ các pháp, không có cao thấp.
Cho nên nói: Các hữu bình đẳng nói, cùng quán sát các pháp.
Dứt hết các kết sử, không còn có nóng bức: Như người tu hành suy nghĩ đo lường để dứt bỏ các kết sử và ý tưởng tham đắm thì không còn tai họa nóng bức nữa.
Cho nên nói: Dứt hết các kết sử, không còn có nóng bức.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai - Phẩm Giáo Học - Thí Dụ Chín
Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Bốn - Phẩm Nguồn Gốc Các Bồ Tát được Thọ Ký - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Chín - Trưởng Lão Ni Kệ - Phẩm Hai - Tập Hai Kệ