Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Sáu - Phẩm Nhân Quả

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC BỔN NGHIỆP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần   

PHẨM SÁU 

PHẨM NHÂN QUẢ  

Bấy giờ, Bồ Tát Kính Thủ lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn!

Chánh pháp của bậc Hiền Thánh đã thuyết đủ rồi, còn hai tướng nhân quả như thế nào?

Đức Phật bảo: Này Phật Tử! Nhân tu hành của Chư Phật nơi ba đời là mười Ba la mật, đó chính là trăm vạn A tăng kỳ trí tuệ nơi gốc công đức. Phật và Bồ Tát đều gồm thâu vào trong đó. Thế nên, mười pháp là kho tàng của biển trí tuệ kim cang, phát xuất tất cả các hạnh công đức sáng rỡ vô cùng.

Này Phật Tử! Mười trí tuệ Ba la mật này, trước hết là thực hành thí.

Thí có ba duyên:

Một là tiền của.

Hai là giáo pháp.

Ba là ban cho chúng sanh điều không sợ hãi.

Giới có ba duyên:

Một là giới tự tánh.

Hai là giới thọ pháp thiện.

Ba là giới làm lợi ích cho chúng sanh.

Nhẫn có ba duyên:

Một là nhẫn những hạnh khổ.

Hai là nhẫn những điều ác bên ngoài.

Ba là nhẫn của đệ nhất nghĩa đế.

Tinh tấn có ba duyên:

Một là tâm khởi thệ nguyện rộng lớn.

Hai là phương tiện hướng đến bồ đề.

Ba là siêng năng giáo hóa chúng sanh.

Thiền có ba duyên:

Một là định tâm không cho tướng loạn khởi lên.

Hai là định sanh tất cả công đức.

Ba là định làm lợi ích cho chúng sanh.

Tuệ có ba duyên:

Một là soi chiếu về tục đế hữu đế.

Hai là soi chiếu về chân đế không đế.

Ba là soi chiếu về trung đạo nơi đệ nhất nghĩa đế.

Nguyện có ba duyên:

Một là nguyện tự tu hành.

Hai là nguyện do thần thông.

Ba là nguyện giáo hóa chúng sanh.

Phương tiện có ba duyên:

Một là tiến đến để đạt kết quả.

Hai là hiểu giỏi về hữu và vô.

Ba là các pháp đều không bỏ cũng không nhận.

Thông lực có ba duyên:

Một là thông lực của quả báo.

Hai là thông lực do tu định.

Ba là thông lực do biến hóa.

Tuệ vô cấu có ba duyên:

Một là trí vô tướng.

Hai là trí nhất thiết chủng trí.

Ba là trí biến hóa.

Này Phật Tử! Từ mười trí sanh ra tất cả hạnh công đức, như bảy Thánh tài là tín, thí, giới, văn, tuệ, tàm, quý.

Dùng những thứ này làm hành trang để thành Phật, nên gọi là tài. Bốn nhiếp pháp là lợi hành, ái ngữ, bố thí, đồng sự. Bốn vô ngại biện là pháp biện, nghĩa biện, từ biện, lạc biện. Đấy là bốn pháp biện luận không bị chướng ngại nên gọi là vô ngại biện.

Từ vô ngại trí sanh ra khả năng sáng suốt nên gọi là y dựa vào, gồm: Y Kinh liễu nghĩa, chẳng y Kinh không liễu nghĩa. Y theo pháp chẳng y theo người. Y theo ý nghĩa chẳng y theo lời. Y theo trí tuệ chẳng y theo vọng thức.

Từ trí sanh ra mười lực, bốn vô sở úy, sáu thần thông, ba minh, trăm vạn A tăng kỳ công đức, lần lượt sanh ra trí tuệ có khả năng duyên với tám sự thật ở đời như pháp bốn đế, hai đế, mười hai nhân duyên.

Tám sự thật là: Các pháp đều do duyên mà thành. Các pháp hư giả không có ngã. Các pháp hữu vi đối đãi lẫn nhau. Các pháp tướng đều hư vọng.

Tiếp nối liên tục nên gọi là một tướng. Rỗng lặng nên không thể nắm bắt. Nhân sanh tập khởi tức pháp chẳng phải là duyên. Tập nhân thật có là pháp sanh thành, pháp giả tạo nên pháp. Thọ là khởi, dụng là pháp tích tụ. Thế nên, tám pháp hữu vi và tất cả pháp là nơi được trí căn bản soi chiếu đến.

Lại nữa, từ nơi trí này có thể dứt trừ năm triền cái là tham dục, giận dữ, ngủ nghỉ, trạo cử, nghi hoặc. Bốn thứ thọ thực như xúc thực, thức thực, tư thực, đoạn thực. Bốn cách sanh như noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh.

Có thể trừ bỏ mười ác, năm tội nghịch, tám thứ điên đảo, mười ba phiền não, ba chướng nơi sáu đường, ba cõi, sáu mươi hai thứ kiến chấp, bốn lưu, bốn phược, bốn thủ, chín phiền não, bảy thức xứ, bốn kiếp… những pháp được trừ diệt đều gọi là pháp bất thiện.

Này Phật Tử! Những cảnh được trừ bỏ do mười trí và những công đức đều gọi là nhân của Phật, các vị nên chấp nhận mà tu trì.

Này Phật Tử!

Trước ông hỏi: Thế nào là quả?

Quả là thể của pháp giới tánh, là những công phu tu tập nơi đạo pháp của bậc Bồ Tát năm hiền. Thể này chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải lớn, chẳng phải nhỏ, chẳng phải thân, chẳng phải tâm, chẳng phải tướng, chẳng phải ba đời, chẳng phải Trời, chẳng phải người, chẳng phải tên gọi.

Chẳng phải thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng phải sáu đường, chẳng phải sáu thức, chẳng phải sáu nhập, chẳng phải số lượng, vượt khỏi hình tướng của các pháp, chẳng phải ruộng phước, chẳng phải quỷ thần.

Chẳng phải động, tịnh, chẳng phải sanh, diệt, chẳng phải thứ nhất, chẳng phải năm sắc, chẳng phải sáu đại, chẳng phải đất đai, chẳng phải pháp giới, chẳng phải ba cõi, chẳng phải trói, mở, chẳng phải sáng tối, chẳng phải pháp chứng đắc.

Thể này vắng lặng, vô vi vượt ngoài tất cả pháp, không thể đem tâm suy nghĩ, chỗ này rất khó thể lường, phải từ trong lý tương đối, trải qua vô lượng vô số kiếp tu hành mới có quả báo.

Này Phật Tử! Có hai pháp thân:

Một là pháp thân cực quả.

Hai là pháp thân ứng hóa.

Pháp thân ứng hóa như bóng theo hình. Do pháp thân cực quả là thường hằng nên ứng hóa thân cũng thường tồn tại.

Này Phật Tử! Thuở xưa, Chư Phật nêu đạo lý nơi hai pháp thân cũng như vậy. Hai pháp thân của tất cả Bồ Tát đều là thân không nhất định. Tất cả phàm, Thánh cũng đều có hai thân là báo thân và phương tiện thân. Báo thân thì không giống nhau, còn phương tiện thân thì cũng có cùng với chúng sanh.

Này Phật Tử! Tất cả Bồ Tát và chúng sanh đều có hai thân, chư Như Lai thường nói như vậy, nên gọi là liễu nghĩa quyết định.

Này Phật Tử! Về nghĩa công đức nơi thân thì thể của Chư Phật vẫn là đồng nhau, quả pháp không khác, tức có đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, vì đủ mười đức trên, nên được tất cả chúng sanh cúng dường cung kính.

Lại nữa, Chư Phật có mười tám pháp bất cộng, gồm: Thân không lầm lỗi, khẩu không lầm lỗi, niệm không lầm lỗi, không tưởng gì khác, chẳng có tâm bất định.

Biết hết tất cả nhưng tâm buông xả, niệm không giảm, dục không giảm, tinh tấn không giảm, trí tuệ không giảm, giải thoát không giảm, thân nghiệp theo trí tuệ hành động, ngữ nghiệp theo trí tuệ nói năng, ý nghĩa theo trí tuệ quán xét, trí tuệ biết việc quá khứ, trí tuệ biết việc hiện tại, trí tuệ biết việc vị lai không chướng ngại.

Lại có mười lực. Trí biết những gì đúng sai. Nghiệp lực biết rõ nghiệp của ba đời, định lực, căn lực, dục lực, tánh lực, quả lực, thiên nhãn lực, túc mạng lực, kiết tận lực.

Bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả nơi ta là bậc nhất thiết trí đã diệt hết hoàn toàn lậu, thoát khỏi phiền não và phiền não chướng, có đủ thiên thân, thiên nhãn, thiên nhĩ, lậu tận, túc mạng, tha tâm, đủ năm nhãn, năm phần pháp thân, ba nghiệp không lỗi lầm là Phật, Pháp, Tăng Bảo, Niết Bàn giải thoát, trí linh diệu đạt đến nhất thừa.

Tạng báu kim cang, tạng pháp thân, tạng diệu tự tánh thanh tịnh là bậc ba đạt, ba vô vi, ba minh, là nhất chân pháp giới, đạo độc nhất vô vi an lạc.

Này Phật Tử! Các quả của Thánh trí đều từ kho tàng vô lượng công đức không thể tính kể. Những quả ấy là nhất đạo. Thể của quả tròn đầy, công đức đầy đủ nghĩa lý cùng khắp, nhập vào trung đạo nơi đệ nhất nghĩa đế làm thanh tịnh cõi nước vô cùng, không tên không tướng, không thể thủ đắc các pháp, chẳng có thể, chẳng vô thể. Nó là một tướng chiếu diệu, tướng hợp nhất, tướng nhất thể, là tướng giác ngộ, trong suốt không hai.

Này Phật Tử! Chỉ riêng một pháp quả này là viên mãn thường trú. Thể và tướng của quả độc nhất có vô lượng nghĩa, nghĩa có vô lượng công đức. Công đức có vô lượng tên. Nghĩa của quả là Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh.

Mười tám pháp bất cộng và tất cả công đức đều gọi là nghĩa quả, nên gọi là quả của quả.

Này Phật Tử! Nghĩa lý, công đức, danh từ cả ba từ ngữ ấy đều do giáo hóa chúng sanh mà có nghĩa ba câu như vậy. Các Bậc Thánh và chúng sanh nếu ai hiểu rõ ba từ ngữ ấy thì được Chư Phật nơi ba đời thọ ký, sẽ được vào ngôi vị ấy.

Này Phật Tử! Quả này không thể nói hết, không thể biết được, mà phải dùng pháp có tên, có tướng để nói về danh, tướng của pháp. Cho nên mỗi một quả là tên gọi của thể, còn nghĩa là quả của quả. Nghĩa của quả là phát xuất từ quả tròn đầy, nên gọi là quả của quả.

Này Phật Tử! Nếu ta nói về nhân, quả thì dù trăm ngàn kiếp cũng không thể nói hết. Đại chúng các vị hãy tự thọ trì.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường