Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Lãnh Hội Chánh Pháp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI BẢY

PHẨM LÃNH HỘI CHÁNH PHÁP  

Bấy giờ, có vị Bồ Tát tên là Văn Thù Sư Lợi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, thu giữ uy nghi, đi đến trước Đức Phật quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là nghe pháp liền thành tựu được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Nghe như không, thảy là không, không có chốn nghe, cũng không có hình tướng dung mạo của các pháp thiện ác, vì pháp là vô hình tướng.

Vậy sao Thế Tôn dạy rằng, phải thọ trì đọc tụng để đạt được toàn bộ gốc ngọn của tuệ không?

Lúc này Đức Thế Tôn im lặng không đáp.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Phàm là nghe pháp, thì là có ngôn giáo mới được nghe pháp hay không ngôn giáo mới được nghe pháp?

Đức Thế Tôn vẫn im lặng.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lần thứ ba thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Pháp có sinh diệt, pháp không sinh diệt.

Nẻo chuyển pháp luân của tất cả Chư Phật là hữu chuyển hay vô chuyển?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này vị Tộc Tánh Tử! Tất cả Chư Phật đều chuyển pháp luân, cũng là hữu chuyển, cũng là vô chuyển.

Bồ Tát nay hỏi là nhằm hỏi về hữu chuyển hay vô chuyển?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chỗ con muốn hỏi là gồm cả hữu chuyển và vô chuyển.

Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Chánh pháp của Chư Phật, cũng không hữu chuyển, cũng chẳng vô chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là cũng không hữu chuyển cũng chẳng vô chuyển?

Đức Phật nói: Các pháp như không, nên không có hữu chuyển, không có vô chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Kính bạch Thế Tôn! Vậy thì hôm nay Như Lai thuyết giảng, là hữu chuyển chăng?

Là vô chuyển chăng?

Các vị Bồ Tát cùng cả chúng hội ở đây là nghe pháp chăng?

Là không nghe pháp chăng?

Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Các pháp thanh tịnh, chư Bồ Tát nơi chúng hội cũng lại thanh tịnh, vì thế cho nên không có hữu chuyển cũng chẳng vô chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là hữu chuyển, thế nào là vô chuyển?

Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Chúng sinh là vô chuyển. Toàn bộ gốc ngọn của tuệ không đó là chuyển. Hết thảy các vị nơi chúng hội kể cả thân ta và Bồ Tát đều là vô chuyển. Toàn bộ gốc ngọn của tuệ không, nên gọi là chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào là hữu chuyển?

Thế nào là vô chuyển?

Đức Phật nói: Có sự đoạn trừ là vô chuyển, không có sự đoạn trừ là hữu chuyển. Sinh diệt là vô chuyển, không sinh diệt nên gọi là hữu chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào là hữu chuyển, vô chuyển?

Đức Phật nói: Có cõi chốn tận cùng về sự trói buộc vướng mắc nên gọi là vô chuyển. Không còn có cõi tận cùng về sự vướng mắc trói buộc ấy thì gọi là hữu chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào là hữu chuyển, vô chuyển?

Đức Phật nói: Tất cả chúng sinh nơi thế gian trông thấy pháp sáng tỏ rực rỡ, đó gọi là vô chuyển. Hết thảy chúng sinh nơi thế gian không còn trông thấy pháp sáng tỏ rực rỡ, đó gọi là hữu chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào là hữu chuyển, vô chuyển?

Đức Phật nói: Làm thanh tịnh vô lượng phước đức, phước để cứu giúp chúng sinh, đó gọi là vô chuyển. Nhận thấy sự thanh tịnh nơi vô lượng phước đức, phước để cứu giúp chúng sinh, đó gọi là hữu chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào là hữu chuyển, vô chuyển?

Đức Phật nói: Làm thanh tịnh căn bản của vô lượng chúng sinh, thành tựu nhất thiết trí, đó gọi là vô chuyển. Nhận thấy sự thanh tịnh nơi hết thảy vô lượng chúng sinh, đó gọi là hữu chuyển.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi lại hỏi: Thế nào là hữu chuyển, vô chuyển?

Đức Phật nói: Cũng không hữu chuyển, cũng chẳng vô chuyển, nên gọi là hữu chuyển vô chuyển.

Đức Thế Tôn cùng với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thuyết giảng về hữu chuyển, vô chuyển xong, bấy giờ có đến tám ngàn vị Tỳ Kheo, ba ngàn vị Tỳ Kheo Ni đều đạt được gốc ngọn của tuệ không, tâm chẳng thoái chuyển.

Lại có vô số chúng sinh, được nghe pháp chưa từng có ấy, thảy đều phát tâm cầu đạo vô thượng bồ đề, ở nơi đời vị lai thảy đều thành Phật cùng một danh hiệu, tinh tấn dũng mãnh cũng như Phật không khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần