Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Mặc Thường Phục được Vợ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

 PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM MẶC THƯỜNG PHỤC ĐƯỢC VỢ  

Thuở ấy, tất cả các Đồng Tử trong dòng họ Thích hình dung tuấn tú đoan trang, đẹp đẽ lạ thường rất dễ yêu mến, thế gian ít ai sánh bằng, mọi người nhìn không biết chán.

Tất cả đều tinh thông kỹ thuật không ai sánh lại. Những môn đó là kinh thư, hội họa, kế toán, điêu khắc, nghe tiếng, các môn bắn giỏi tất cả đều hiểu biết rành rẽ, trí tuệ xảo thuật, thông minh sáng suốt.

Trong số các Đồng Tử này, Thái Tử Tất Đạt Đa là người đứng nhất. Đồng Tử Nan Đà là người thứ hai và thứ ba là Đề Bà Đạt Đa. Chỉ có ba người này, ngoài ra không ai hơn được.

Khi ấy trong thành Ca Tỳ La, có một đại thần họ Đàn Đồ tên là Ba Ni, vị đại thần này hết sức giàu có, rất nhiều bảy báu, ngũ cốc, tiền bạc lụa là, tài sản đầy dẫy chất đầy như núi, đúng như pháp mà được, không do sự mưu cầu phi nghĩa.

Người vật, tôi trai tớ gái, sứ giả lo việc ngoại giao, kẻ nội gia lo quản thủ, nào trâu ngựa voi dê, tất cả mọi thứ đều dư dật, lại có vô lượng vô biên vàng bạc, lưu ly, ma ni, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách.

Tất cả những vật như vậy đều theo ý muốn, không thiếu một thứ gì. Khung cảnh trang trí trong nhà giống như Cung Điện Tỳ Sa Môn không khác.

Thuở ấy đại thần có một tiểu thư tên là Cù Đà Di, dung nhan đoan chánh khả ái, dáng người không cao không thấp, không mập không gầy, làn da không đen không trắng, không thô kệch, không mảnh khảnh, tuổi đang độ thanh xuân, được xem như Quốc Bảo.

Đại Vương Tịnh Phạn biết đại thần Đàn Đồ Ba Ni thuộc dòng họ Thích ở trong nước của mình, có một tiểu thư Quốc sắc như vậy.

Nhà Vua biết rồi, chọn ngày lành tháng tốt ra lệnh các Quốc Sư Bà La Môn làm sứ giả đến nhà đại thần Ba Ni nói như thế này: Trẫm nghe đại thần có một tiểu thơ, tên là Cù Đà Di, ngày nay tiểu thơ có thể cùng Thái Tử trẫm kết nghĩa phu thê. Lúc ấy phụ thân của Nan Đà cũng nghe đại thần Đàn Đồ Ba Ni có người con gái rất đẹp, mà Đại Vương muốn hỏi làm vợ cho Thái Tử Tất Đạt Đa.

Ông nghe như vậy, nhưng cũng cho người đến nói với đại thần Đàn Đồ Ba Ni: Cù Đà Di con gái của đại thần, có thể cùng Nan Đà con trai của ta kết nghĩa trăm năm. Nếu đại thần không đồng ý, ta quyết sẽ làm cho ông bị tổn hại. Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa cũng nghe đại thần Đàn Đồ Ba Ni có người con gái sắp làm vợ Thái Tử Tất Đạt Đa.

Tuy biết vậy vẫn cho sứ giả đến nhà đại thần Đàn Đồ nói: Nàng Cù Đà Di con gái của đại thần, nay có thể kết hôn với ta, nếu đại thần không gả, ta sẽ gây đại họa cho người.

Khi ấy đại thần Đàn Đồ Ba Ni suy nghĩ: Ba Đồng Tử họ Thích đều khôi ngô tuấn tú đẹp đẽ khá ái vô song, văn võ song toàn, đối với các kỹ năng đều tinh xảo, mà Thái Tử Tất Đạt Đa là người đứng thứ nhất, kế đến là Nan Đà và thứ ba là Đề Bà Đạt Đa.

Ta chỉ có một đứa con gái, nay nếu gả cho Thái Tử, thì ta sẽ bị hai Đồng Tử kia oán thù. Nếu gả cho Nan Đà thì ta sẽ bị Thái Tử và Đề Bà Đạt Đa hiềm khích.

Còn nếu gả cho Đề Bà Đạt Đa, thì ta sẽ bị Thái Tử và Nan Đà gây điều oan nghiệt! Đại thần ôm lòng ưu sầu áo não, sắc mặt chẳng vui, ngồi yên tư duy tự nghĩ, ta phải giải quyết bằng cách nào đây!

Nàng Cù Đà Di thấy cha mình ngồi lặng thinh trông vẻ thiểu não, nàng bước đến gần bên đại thần thưa: Ôi! Vì cớ gì hôm nay trông cha không được vui, ngồi có vẻ ưu sầu?

Đại thần đáp: Cù Đà Di con gái yêu quý của cha, con không nên hỏi việc này, vì chẳng phải việc con cần biết. Nàng lại hỏi lần thứ hai.

Đại thần cũng trả lời: Chẳng phải việc con cần biết.

Nàng lại hỏi lần thứ ba, cho đến lặp lại lời hỏi đến lần thứ tư, rồi nàng tiếp tục thưa: Cha ơi! Xin cha nói cho con biết, chẳng nên giấu con.

Lúc ấy đại thần Đàn Đồ Ba Ni vì sự ân cần nài nỉ, hỏi đến lần thứ tư của con gái mình, nên ông ta nói: Này Cù Đà Di, con đã hỏi cha ba lần, nay đến lần thứ tư, con phải lắng nghe, ta sẽ nói cho con biết:

Ngày nay Đại Vương Tịnh Phạn sai sứ đến nói: Trẫm nghe đại thần có một tiểu thơ, có thể cùng Thái Tử trẫm kết nghĩa phu thê.

Rồi sau đó Đồng Tử Nan Đà cũng sai sứ đến nói: Cù Đà Di con gái của đại thần, có thể cùng ta kết nghĩa trăm năm, nếu đại thần không đồng ý, ta sẽ làm cho người tổn hại.

Cuối cùng đến Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa cũng cho sứ đến nói: Nàng Cù Đà Di con gái của đại thần, nay có thể kết hôn với ta, nếu đại thần không gả, ta sẽ gây đại họa cho người.

Ba sứ giả đều yêu cầu con làm vợ cho chủ họ, cha nghe qua hết sức buồn rầu và suy nghĩ: Nếu gả con cho Thái Tử, thì hai Đồng Tử kia oán thù cho nên cha ngồi yên buồn rầu suy nghĩ.

Nàng Cù Đà Di thưa với cha: Thôi, không có gì cha phải sầu não, con sẽ dùng trí tuệ xử lý việc này, sẽ chắc chắn chọn một người làm chồng con. Tuy nhiên cha phải dễ dãi cho con được tự do trong việc chọn lựa người bạn đường trăm năm của con.

Đại thần Đàn Đồ Ba Ni nghe con mình nói như vậy, nên trước tiên tâu lên cho Nhà Vua biết, rồi sau đó mới ở nơi đầu đường ngã tư trong thành Ca Tỳ La, Đai Thần tay rung chuông, miệng cáo bạch:

Kể từ nay cho đến ngày thứ bảy, có người con gái tên là Cù Đà Di thuộc dòng họ Thích, muốn tìm người bạn đời, vậy xin loan báo cho tất cả thanh niên khắp nội thành, ai muốn cưới nàng làm vợ, mãn ngày thứ sáu bước sang ngày thứ bảy, hãy tề tựu về trước cửa cung.

Được tin này qua ngày thứ bảy, năm trăm Đồng Tử Thích chủng, mà Thái Tử Tất Đạt Đa là người đứng đầu, đều vân tập nơi cửa cung.

Lúc này Đại Vương Tịnh Phạn cùng các vị đại thần kỳ cựu trong Hoàng Gia cùng với vô số dân chúng, nam nữ lão ấu, đều tề tựu trước Cung Điện Nhà Vua.

Khi ấy những kẻ hầu hạ Thái Tử cùng với những người hầu hạ các Đồng Tử khác, cùng ngắm sắc đẹp nàng Cù Đà Di, họ thảo luận với nhau, không biết nàng sẽ chọn Đồng Tử nào làm chồng.

Ngày thứ sáu đã qua, bước sang rạng ngày thứ bảy, tiểu thư Cù Đà Di tờ mờ sáng dùng nước trong sạch tắm gội, rồi dùng các thứ hương vi diệu thoa lên thân với y phục nhiều màu sắc tuyệt đẹp, với các chuỗi anh lạc và các tràng hoa thơm trang điểm trên thân.

Nàng đem theo nhiều tỳ nữ hầu hạ hai bên, lại có nhũ mẫu và các vị cung giám có trách nhiệm hướng dẫn, theo thứ lớp trước sau chậm rãi tiến vào cửa cung.

Còn Đồng Tử Nan Đà và Đề Bà Đạt Đa, đều là bậc đứng đầu trong năm trăm Đồng Tử Hoàng Gia, cả hai sáng sớm ngày thứ bảy dùng nước nóng hương thơm tắm rửa, thoa vào mình bằng các loại dầu thơm, cũng như nàng Cù Đà Di nói ở trên.

Chỉ có một mình Thái Tử Tất Đạt Đa không trang sức, ăn mặc bình thường, chỉ đeo vòng tai và ba tràng hoa bằng vàng trang điểm trên đầu.

Lúc ấy nhũ mẫu hỏi nàng Cù Đà Di: Con muốn chọn Đồng Tử nào làm chồng?

Cù Đà Di tuần tự đưa mắt quán sát một lượt năm trăm Đồng Tử, rồi trả lời: Thưa mẹ, mẹ phải biết các Đồng Tử này có rất nhiều chuỗi anh lạc trang điểm trên thân, giống như phụ nữ. Theo ý nữ nhân của con thì người thanh niên trang điểm như vậy là tướng khiếp nhược, không phải tướng đại trượng phu của nam nhi. Đây là kiểu phục sức lộng lẫy của phụ nữ để mê hoặc đàn ông.

Bậc nam nhi không cần trang điểm trên thân như vậy, tướng đại trượng phu có đồ phục sức của nó. Thân Thái Tử Tất Đạt Đa tự có oai quang không cần dùng chuỗi anh lạc tô điểm, chẳng cần dùng vật bên ngoài trang điểm dung nhan, nội thân tự nhiên đầy đủ vẻ tướng đại trượng phu, ý con muốn chọn Thái Tử Tất Đạt Đa làm chồng.

Lúc ấy tay mặt của nàng Cù Đà Di cầm tràng hoa Tu Ma Na đi qua một vòng trước mặt đại chúng, rồi cuối cùng nàng hướng về Thái Tử Tất Đạt Đa, đến nơi nàng đứng nghiêm chỉnh, hai tay kính cẩn nâng tràng hoa từ từ đeo vào cổ Thái Tử, rồi đưa tay choàng lấy cổ mà nói: Này Thái Tử Tất Đạt Đa, ngày nay thiếp cầu Thái Tử làm người bạn trăm năm.

Thái Tử đáp: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời nàng vừa nói!

Rồi Thái Tử lấy một tràng hoa Tu Ma Na đeo vào cổ Cù Đà Di và nói: Ta nay nhận nàng làm vợ, nàng nay nên làm vợ ta. Khi ấy Đại Vương Tịnh Phạn thấy việc hy hữu như vậy, rồi vui mừng hớn hở tràn ngập tâm can, không thể chế ngự được.

Bấy giờ vô số người yêu mến Thái Tử ở trong đại chúng, hoặc nhảy tung lên cao, hoặc đứng co một chân xoay tròn, hoặc tung chuỗi ngọc hay áo mão, ca múa vui vẻ, đều cao giọng xướng lớn tiếng: Hoan hô! Hoan hô! Còn năm trăm Đồng Tử kia cùng quyến thuộc hầu hạ của họ, xúm xít cùng nhau với vẻ mặt thiểu não âu sầu, không một ai có vẻ mặt tươi vui, họ cúi đầu hổ thẹn, ôm lấy tâm tư chán nản giải tán ra về.

Lúc ấy Thái Tử Tất Đạt Đa hết sức toại ý, có bao nhiêu của cải ngọc ngà quý báu, cùng bao nhiêu mỹ phẩm khác, đều sắp đặt đầy đủ để làm sính lễ.

Lại dùng rất nhiều chuỗi anh lạc tuyệt vời trang điểm cho Cù Đà Di, rồi cho năm trăm thể nữ hầu hạ chung quanh để rước nàng vào nội cung, cùng nhau mặc tình thọ hưởng thú vui.

Sau khi Phật thành đạo, Tôn Giả Ưu Đà Di bạch Phật: Con chưa rõ, cúi xin Thế Tôn chỉ dạy, thuở trước khi Ngài còn tại gia, Ngài có nhân duyên gì với nàng con gái dòng họ Thích Cù Đà Di, khiến nàng ta bỏ năm trăm Đồng Tử khác chỉ chọn lấy một mình Ngài làm chồng với nỗi lòng hân hoan như vậy?

Đức Phật bảo Ưu Đà Di: Này Tôn Giả Ưu Đà Di, ông phải lắng nghe, chẳng phải một đời này nàng Cù Đà Di không ưa thích các Đồng Tử mà chỉ ưa thích ta, cho đến trong đời quá khứ cũng vậy.

Tôn Giả Ưu Đà Di liền bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn vì con nói việc này, con rất muốn nghe.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Ưu Đà Di: Ta nhớ thuở quá khứ dưới chân núi Tuyết Sơn, có vô lượng vô biên các đàn thú, cùng nhau quây quần đi kiếm mồi, trong bầy thú này có một con cọp cái, thân hình cân đối ít có con nào khác sánh bằng, khoác lên mình một bộ lông óng ánh tuyệt đẹp, trong bầy thú không có con nào sánh lại. Hổ cái ở trong vô số loài thú muôn tìm một con đực kết nghĩa bạn đời.

Các thú đực biết vậy đều nói: Người gọi thì ta đến, người gọi thì ta đến.

Lại có các con thú khác cùng nhau thảo luận: Các người phải chờ đợi không được tranh giành, để xem thử con hổ cái này chọn ai làm chồng, người đó sẽ là Vua của chúng ta.

Lúc bấy giờ trong bầy thú có một con trâu chúa, hướng đến trước mặt hổ cái nói kệ cầu hôn:

Người đời đều lấy phẩn của ta,

Trát tô lên đất cho sạch sẽ.

Hiền thục đoan trang vì cớ ấy,

Cần phải lấy ta làm phu quân.

Hổ cái nói kệ trả lời:

Vai cổ của người thật cao lớn

Chỉ giỏi kéo xe và cày ruộng.

Thân hình xấu xí không biết phận.

Bỗng dưng lại muốn làm chồng ta.

Tiếp theo lại có một đại bạch tượng đến trước hổ cái nói kệ cầu hôn:

Bậc Đại Tượng Vương nơi núi Tuyết

Sức ta chiến đấu thắng mọi loài.

Thế lực oai hùng to như vậy,

Nay nàng nào ngại kết hôn nhân.

Hổ cái nói kệ đáp:

Ngươi nếu thấy nghe sư tử chúa

Kinh hồn rớt mật bôn ba chạy,

Tung phân vãi tiểu cút một hơi

Tư cách nào đâu tác phu chủ.

Lúc ấy, trong đàn thú có một con sư tử chúa, hướng đến trước mặt hổ cái nói kệ cầu hôn:

Người nay quán sát dáng mạo ta,

Phần trước nở nang thân sau thon,

Sống đời ngang dọc tại sơn lâm,

Lại hay bảo vệ nòi giống khác.

Chúa tể các loài chính là ta,

Không có một ai dám địch lại,

Hễ ai thấy mặt và nghe tiếng,

Thảy đều bỏ chạy chẳng dám nhìn.

Ta nay dũng mãnh sức như thế,

Oai thần vĩ đại khó nghĩ bàn,

Như vậy thục nữ nên phải biết,

Nàng nay có thể làm vợ ta.

Hổ cái đối trước sư tử chúa nói kệ trả lời:

Hết sức dũng mãnh thật oai thần,

Thân thể hình hài đều đoan chánh,

Như vậy ta nay chọn được chồng,

Hết lòng tôn thờ và quý trọng.

Con sư tử chúa trong các loài thú thuở ấy, là thân ta ngày hôm nay. Hổ cái lúc ấy, nay là nàng Cù Đà Di. Còn bầy thú kia nay là năm trăm Đồng Tử. Lúc ấy hổ cái ghét các thú khác không ưa thích, nghe Sư Tử nói kệ liền xin làm vợ.

Đến ngày nay cũng vậy, nàng Cù Đà Di bỏ năm trăm Đồng Tử dòng họ Thích vì không ưa thích họ, chỉ nhận lấy ta làm chồng.

Bấy giờ Đại Vương Tịnh Phạn vì Thái Tử chia thể nữ làm ba hạng để hầu hạ trong khi Thái Tử an nghỉ:

Hàng cung nữ thứ nhất, gồm các thể nữ hầu hạ Thái Tử lúc đầu hôm.

Hàng cung nữ thứ hai, gồm các thể nữ cung phụng Thái Tử lúc nửa đêm.

Hàng cung nữ thứ ba, gồm các thể nữ hầu hạ Thái Tử lúc cuối đêm.

Hàng cung nữ thứ nhất, có tất cả hai vạn thể nữ đứng hầu hạ chung quanh, mà nàng Da Du là người đứng đầu.

Hàng cung nữ thứ hai, người đứng đầu là Ma Nô Đà La nhà Tùy dịch là Ỷ Trì, các Sư khác lại nói.

Phi Ý Trì này chỉ nghe tên, trong hiện tại cũng như quá khứ không thấy các sự tích. Hàng cung nữ thứ ba, nàng Cù Đà Di là người đứng đầu. Tổng cộng số thể nữ hầu hạ Thái Tử là sáu vạn người.

Có Sư khác lại nói, tất cả số thể nữ hầu hạ Thái Tử gồm có mười vạn người, chia làm ba cung. Trong đó hai vạn thể nữ thuộc giai cấp Sát Đế Lợi dòng họ Thích, tám vạn còn lại đều gồm con gái các dòng họ khác.

Đại Vương Tịnh Phạn nhớ lại lời tiên đoán của Tiên Nhân A Tư Đà, nên ở nội cung lại lập thêm một Cung Điện đặc biệt hết sức nguy nga, cao vút vượt lên trên các cung khác, tựa hồ như đám mây lơ lửng trong đêm trăng thu, được cấu trúc bằng các loại đá quý quá sức tưởng tượng. Lan can, lối đi đều hết sức bằng phẳng ngay ngắn không nghiêng lệch.

Vì sao?

Vì Nhà Vua sợ Thái Tử dạo chơi mọi nơi, thấy điều bất như ý xảy ra Cung Điện thích hợp mọi thời tiết, để Thái Tử ở trong đó vui chơi thọ hưởng khoái lạc. Đại Vương lại ra lệnh các thể nữ trong cung phải tạo đủ âm thanh xuất sắc, mỗi loại nhạc cụ phải đến hàng ngàn cái.

Số nhạc cụ trong cung gồm có: Một ngàn đàn không hầu, một ngàn đàn tranh, một ngàn đàn cầm năm dây, một ngàn tiểu cổ, một ngàn đàn trúc, một ngàn trương cầm, một ngàn đàn Tỳ Bà, một ngàn trống cơm, một ngàn trống lớn, một ngàn ống địch, một ngàn ống sênh, một ngàn chụp chõa, một ngàn ống tiêu, một ngàn kèn loa, một ngàn ống sáo, một ngàn tù và.

Tất cả nhạc khí như vậy, mỗi loại phát ra một ngàn âm thanh khác nhau, hòa hợp với một ngàn giọng hát cùng với một ngàn điệu múa khác nhau. Ngày đêm trong Cung Điện, tiếng ca hát hòa lẫn âm nhạc cùng điệu múa luôn luôn tiếp tục không bao giờ dứt, giống như từ đám mây lớn phát ra âm điệu trầm bổng du dương.

Như vậy, Thái Tử ở giữa trăm ngàn thế nữ tuyệt thế giai nhân luôn luôn hầu hạ kề bên, với sự hầu hạ cung phụng, cung cấp đủ mọi thứ, mặc tình thọ hưởng khoái lạc.

Tất cả thế nữ dùng đủ thứ chuỗi anh lạc trang sức trên thân, lại dùng các vòng xuyến bằng vàng bạc bảy báu, đeo nơi cổ tay để tạo ra những âm thanh vi diệu, giống như vua Trời Đế Thích vui chơi với Ngọc nữ Chư Thiên.

Cùng nhau ca múa vui đùa, duyên dáng thùy mị, giọng nói ngọt ngào, cùng nói cùng cười, choàng nhau ca hát, đưa mắt tỏ tình, hoặc nghiêng mình liếc nhìn bốn phía, hoặc ngoảnh cổ nhìn lại sau lưng, khéo tô son kẻ mặt, uyển chuyển trông thật kiều diễm, phục sức toàn hàng the lụa đủ năm màu sặc sỡ.

Bốn bên Thái Tử đều là tuyệt thế giai nhân, có sức hấp dẫn quyến rũ vô cùng, làm cho Thái Tử thích thú vui chơi, chẳng cần phải viễn du thưởng ngoạn cảnh vật bên ngoài, giống như Trời Đế Thích vui đùa với ngọc nữ Chư Thiên.

Đúng như vậy! Như vậy! Thái Tử ở trong lòng mỹ nữ thọ hưởng ngũ dục, thậm chí trong số thế nữ có những nàng rất rành tâm lý trong thú vui ngũ dục, đã làm cho Thái Tử mải mê vui đùa, không còn thì giờ nghĩ đến việc du ngoạn ngoài thành.

Đại Vương muốn tăng thêm phước đức cho Thái Tử, thành lập pháp tu khổ hạnh, bài trừ tất cả ác pháp tà kiến, làm tất cả việc lành, như bố thí của cải, tu các pháp khổ hạnh, tạo đủ các phước nghiệp, để đem các thiện căn này hồi hướng cho Thái Tử được tăng trưởng công đức, nguyện Thái Tử đừng xuất gia.

Do vậy có kệ nói:

Đại Vương tăng phước cho Thái Tử,

Bởi lời tiên đoán A Tư Đà.

Điều phục khổ hạnh bỏ điều tà,

Thường cùng trí nhân ngồi suy nghĩ.

Như vậy, Thái Tử ở trong cung Phụ vương mặc tình vui chơi thọ hưởng khoái lạc. Chỉ riêng một mình Thái Tử hưởng đủ năm thứ dục lạc, thời gian dần dà trôi qua đã mười năm chưa từng ra khỏi thành.

Thuở ấy về phương Nam có một quốc gia tên là Ma Già Đà, Đại Vương cai trị nước này thuộc họ Thiên Liên Ni tên Tần Bà Sa La, trong tâm luôn luôn lo sợ giặc thù xâm chiếm, nên thường nhóm họp quần thần cùng nhau thảo luận, Đại Vương tuyên bố: Này chư quần thần, khi các khanh ra vào đi về, nên thường quan sát trong ngoài cảnh giới quốc gia, chớ để một kẻ nào đến chiến thắng ta, nếu họ chiến thắng, e họ đoạt mất vương vị. Liền khi đó quần thần phái hai người đi tuần canh biên phòng quốc gia.

Khi hai người này nhận sắc lệnh Nhà Vua, liền đi quan sát trải qua từ trong nước cho đến địa đầu biên giới các lân bang, sự tuần hành đã gần giáp vòng, lúc ấy hai quan tuần biên giới nghe có người nói:

Từ đây hướng về phương Bắc có một dãy núi hùng vĩ, thế núi cao vút tên là Tuyết Sơn, dưới chân núi có một dòng họ Thích Ca là một chủng tộc hùng mạnh, rất nhiều quyến thuộc giàu có cao sang đầy đủ oai thế, cao quý nhất trong thiên hạ, vừa sinh được một Đồng Tử, khi sinh ra xuất hiện nhiều điềm lành, hình dung tuấn tú khôi ngô, đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu và tám mươi vẻ đẹp.

Ngày sinh ra Đồng Tử có nhiều Quốc Sư Bà La Môn đến xem tướng, họ tiên đoán: Đồng Tử này có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp phân minh rõ ràng, ngày nay nếu Đồng Tử ở tại gia sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, thống trị bốn châu thiên hạ, đem mười pháp lành giáo hóa dân chúng, vô số bảy báu, không dùng thế lực quân sự mà các nước quy phục.

Còn nếu xuất gia sẽ thành Phật đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác Rồi Ngài sẽ thuyết diệu pháp phạm hạnh thanh tịnh cứu độ chúng sinh. Sau khi hai quan tuần hành đi giáp vòng rồi trở về triều, đến trước Đại Vương Tần Bà Sa La tâu đầy đủ mọi việc từ đầu đến thuyết Diệu Pháp phạm hạnh thanh tịnh cứu độ chúng sinh, như đã nói ở trên.

Do vậy hai vị ấy xin Đại Vương, trên từ vua quan, dưới cho đến ấu niên phải mau mau khởi binh tiêu diệt Đồng Tử, để dứt hậu hoạn đến chiếm vương vị của Đại Vương.

Vua Tần Bà Sa La nước Ma Già Đà nghe lời tâu như vậy rồi, liền bảo hai sứ giả: Hai khanh chớ nói lời như vậy, vì sao?

Nếu đúng như lời hai khanh nói, dầu cho Đồng Tử kia nhất định làm Chuyển Luân Thánh Vương, đem chánh pháp cai trị giáo hóa dân chúng, ta chừng ấy tùy tùng tuân phục kính thờ, nương oai thần của Ngài ta hưởng cảnh an vui, an ổn cai trị dạy dân.

Nếu Đồng Tử xuất gia sẽ thành Phật, Ngài đem lòng từ bi thương xót cứu độ chúng sinh, chừng ấy chúng ta thọ giáo pháp làm đệ tử Thanh Văn, nay ta xét hai nhân duyên quả báo phước đức, không nên khởi tâm hưng binh sát hại Đồng Tử.

Bấy giờ, Đại Vương Tịnh Phạn, đối với cung điện của Thái Tử, cho xây dựng thêm thành lũy chung quanh chỉ chừa một cửa, mang tên là thành Dã Thú, cánh cửa thành được đặt một chốt máy, khi mở hay đóng cửa, phải dùng đến năm trăm người cùng nhau hợp lực mới mở hay đóng cửa được, tiếng động đóng mở cửa vang dội nửa Do Tuần.

Lớp thứ hai của cung điện cũng chỉ có một cửa và cũng có chốt máy để mở hay đóng, khi mở đóng phải cần đến ba trăm người, tiếng mở đóng cửa vang dội một Câu Lô Xá.

Cho đến tọa điện của Thái Tử ở trong cùng của cung điện cũng chỉ có một cửa và cũng đặt chốt máy, khi mở đóng cần đến hai trăm người, ở thế gian không có cửa nào sánh bằng, tiếng đóng mở cửa vang dội đến nửa Câu Lô Xá.

Bên trong, bên ngoài ba cửa đều có rất nhiều tráng sĩ, thân mặc áo giáp dũng mãnh tinh nhuệ, tay cầm nhiều loại binh khí khác nhau, như: Cung tên, búa, mác, trường kiếm, chĩa ba, côn sắt, thiết luân, đấu luân, giáo, xà mâu đứng phòng vệ cẩn mật, trông thật oai hùng. Vì Nhà Vua sợ Thái Tử xa lìa thê thiếp, vượt thành xuất gia, trốn vào trong rừng núi tu hành.

*** 

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần