Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Ba - Phẩm Ba Thân Phân Biệt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT KINH

KIM QUANG MINH HỢP BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chân Đế, Đời Trần  

PHẨM BA

PHẨM BA THÂN PHÂN BIỆT  

Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Hư Không Tạng, ở tại trong đại chúng, đứng dậy, trật áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, dùng hoa Kim Bảo thượng diệu, tràng phan, bảo cái để cúng dường mà bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Đối với các Đức Như Lai, Đại Bồ Tát làm sao theo đúng như chánh pháp tu hành?

Đức Phật dạy rằng: Này thiện nam tử! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Suy nghĩ kỹ càng! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Này thiện nam tử! Tất cả Như Lai có ba thứ thân mà Đại Bồ Tát đều nên phải biết.

Cái gì là ba?

Một là hóa thân, hai là ứng thân, ba là pháp thân. Như vậy ba thân nhiếp thọ Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Làm sao Bồ Tát liễu biệt hóa thân?

Này thiện nam tử! Như Lai xưa ở trong vùng đất tu hành, vì tất cả chúng sinh tu đủ thứ pháp. Từ những pháp tu này đến tu hành mãn. Nhờ tu hành lực mà được tự tại.

Nhờ lực tự tại nên theo chúng sinh tâm, theo chúng sinh hạnh, theo chúng sinh giới, hiểu rõ phân biệt nhiều thứ, chẳng đời thời, chẳng quá thời mà xứ sở tương ứng, thời gian tương ứng, hành động tương ứng, nói pháp tương ứng hiện đủ thứ thân. Đó gọi là hóa thân.

Này thiện nam tử! Các Đức Phật Như Lai này vì các Bồ Tát được thông đạt nên nói chân đế. Vì thông đạt sinh tử Niết Bàn một vị, bản thân thấy nỗi kinh sợ niềm mừng vui của chúng sinh. Vì Phật Pháp vô biên mà tạo tác căn bản, Như Lai tướng ứng như như, nguyện lực trí như như. Thân này được hiện đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vầng sáng tròn sau cổ. Đó gọi là ứng thân.

Này thiện nam tử! Làm sao Đại Bồ Tát liễu biệt pháp thân?

Vì muốn diệt trừ tất cả những chướng phiền não v.v..., vì muốn đầy đủ tất cả những thiện pháp thì chỉ có như như, trí như như. Đó gọi là pháp thân.

Hai thứ thân trước là giả danh có, thân thứ ba này gọi là chân hữu có chân thật. Thân này vì hai thân trước tạo tác căn bản.

Vì sao vậy?

Vì lìa khỏi pháp như như, lìa khỏi trí không phân biệt thì tất cả Chư Phật không có trí nào khác.

Vì sao vậy?

Vì tất cả Chư Phật trí tuệ đầy đủ, tất cả phiền não diệt tận rốt ráo, được Phật địa thanh tịnh. Vậy nên pháp như như trí như như nhiếp lấy tất cả Phật Pháp.

Lại nữa, này thiện nam tử! Tất cả Chư Phật lợi ích cho mình, cho người đã đến chỗ rốt ráo. Lợi ích của mình tức là pháp như như. Lợi ích người khác tức là trí như như. Ở chỗ lợi ích mình và người mà được tự tại đủ thứ, vô biên công dụng. Vậy nên phân biệt Phật Pháp vô lượng vô biên đủ thứ vậy.

Này thiện nam tử! Ví như nương vào suy nghĩ vọng tưởng nói đủ thứ phiền não, nói đủ thứ nghiệp, nói đủ thứ quả báo. Nương như vậy vào pháp như như, trí như như nói đủ thứ Phật Pháp, nói đủ thứ Duyên Giác pháp, nói đủ thứ Thanh Văn pháp.

Nương vào pháp như như, nương vào như như trí tất cả Phật Pháp được tự tại thành tựu. Đó là điều chẳng thể nghĩ bàn thứ nhất. Ví như vẽ vào chỗ trống không làm đồ trang nghiêm cũng khó nghĩ bàn. Như vậy đối với pháp như như và như như trí nhiếp lấy, thành tựu Phật Pháp cũng khó nghĩ bàn.

Này thiện nam tử! Thế nào là pháp như như?

Như như trí?

Hai thứ không phân biệt mà được sự tự tại?

Này thiện nam tử! Ví như Đức Như Lai đã Bát Niết Bàn mà nguyện tự tại nên đủ thứ việc chưa hết nên pháp như như như vậy nhờ như như trí mà được việc tự tại.

Lại nữa, Đại Bồ Tát vào vô tâm định nương vào nguyện lực trước, từ thiền định khởi sự. Như vậy hai pháp không có phân biệt, được việc tự tại vậy.

Này thiện nam tử! Ví như mặt trời, mặt trăng không có phân biệt, cũng như gương nước không có phân biệt, ánh sáng cũng không phân biệt, ba thứ hòa hợp nên được có bóng.

Như vậy pháp như như, như như trí cũng không phân biệt, do nguyện tự tại nên chúng sinh có cảm mà ứng hóa hai thân như bóng của mặt trời mặt trăng do hòa hợp mà sinh ra.

Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vô lượng vô biên gương nước nương vào ánh sáng nên bóng rỗng không, được hiện đủ thứ dị tướng. Rỗng không tức là vô tướng.

Này thiện nam tử! Như vậy mọi người chịu sự giáo hóa, các đệ tử v.v... chính là hình bóng của pháp thân. Do nguyện lực nên ứng vào hai thân, hiện đủ thứ tướng mạo. Ở pháp thân địa không có dị tướng.

Này thiện nam tử! Nương vào hai thân này tất cả Chư Phật nói Hữu dư Niết Bàn. Nương vào pháp thân Chư Phật nói Vô dư Niết Bàn.

Vì sao vậy?

Vì tất cả cái còn rốt ráo hết vậy. Nương vào ba thân này, tất cả Chư Phật nói Vô trụ xứ Niết Bàn.

Vì sao vậy?

Vì hai thân nên chẳng trụ Niết Bàn. Lìa khỏi pháp thân không có Phật khác.

Vì sao hai thân chẳng trụ Niết Bàn?

Vì hai thân là giả danh chẳng thật, từng niệm từng niệm diệt chẳng trụ, một đôi lúc xuất hiện do bất định vậy, còn pháp thân thì chẳng vậy. Vậy nên hai thân chẳng trụ Niết Bàn. Pháp thân thì chẳng hai nên chẳng trụ ở Bát Niết Bàn. Vậy nên nói nương vào ba thân là Vô trụ xứ Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu vì ba tướng nên có trói buộc, có chướng ngại, xa lìa ba thân, chẳng đi đến với ba thân.

Cái gì là ba?

Một là tướng tư duy phân biệt, hai là tướng y tha khởi, ba là tướng thành tựu. Như vậy các tướng chẳng thể hiểu, chẳng thể diệt, chẳng thể tịnh nên chẳng được đến với ba thân. Với ba tướng này có thể hiểu, có thể diệt, có thể tịnh nên các Đức Phật đầy đủ ba thân.

Này thiện nam tử! Những người phàm phu chưa thể bạt trừ được ba tâm nên xa lìa ba thân, chẳng đến với ba thân.

Cái gì là ba tâm?

Một là khởi sự tâm, hai là y căn bản tâm, ba là căn bản tâm. Nương theo các đạo điều phục thì tâm khởi sự hết, nương theo pháp đoạn đạo thì tâm y căn bản hết, nương theo thắng bạt đạo thì tâm căn bản hết. Tâm khởi sự diệt nên được thân hiển hóa, tâm y căn bản diệt nên được thân hiển ứng, tâm căn bản diệt nên được đến pháp thân. Vậy nên tất cả Như Lai đầy đủ ba thân.

Này thiện nam tử! Tất cả Chư Phật đối với thân thứ nhất cùng Chư Phật đồng sự, đối với thân thứ hai cùng Chư Phật đồng ý, đối với thân thứ ba cùng Chư Phật đồng thể.

Này thiện nam tử! Thân Phật đầu tiên này, theo ý chúng sinh có nhiều thứ nên hiện đủ thứ tướng. Vậy nên nói là nhiều. Thân Phật thứ hai này, theo đệ tử một ý nên hiện một tướng. Vậy nên nói là một. Thân Phật thứ ba này qua khỏi tất cả các thứ tướng, chẳng phải cảnh giới chấp tướng. Vậy nên nói là chẳng một, chẳng hai.

Này thiện nam tử! Thân thứ nhất này nương vào Ứng Thân nên được hiển hiện. Những ứng thân này nương vào pháp thân nên được hiển hiện. Pháp thân này là chân thật hữu, không chỗ nương.

Này thiện nam tử! Ba thân như vậy do có nghĩa mà nói đến thường, do có nghĩa nên nói đến vô thường. Hóa thân thì hằng chuyển pháp luân, nơi nơi như như phương tiện nối tiếp nhau chẳng đoạn dứt. Vậy nên nói là thường, chẳng phải là căn bản. Tất cả các dụng chẳng hiện đầy đủ nên nói là vô thường.

Ứng thân thì từ vô thỉ sinh tử nối tiếp nhau chẳng dứt đoạn, pháp bất cộng của tất cả Chư Phật có thể nhiếp trì, chúng sinh chưa hết thì công dụng cũng chẳng tận. Vậy nên nói là thường, chẳng phải là căn bản. Do dụng đầy đủ chẳng hiển hiện nên nói là vô thường.

Pháp thân thì chẳng phải là hành pháp, không có khác và khác, là từ căn bản nên giống như hư không. Vậy nên nói là thường.

Này thiện nam tử! Lìa vô phân biệt trí lại vô thắng trí, lìa pháp như như, cảnh giới vô thắng là pháp như như, là như như trí. Hai thứ như như này như như chẳng một, chẳng khác. Vậy nên pháp thân là tuệ thanh tịnh, là diệt thanh tịnh. Do hai thanh tịnh này nên pháp thân đầy đủ thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam tử! Phân biệt có bốn thứ thân: Có hóa thân chẳng phải ứng thân, có ứng thân chẳng phải hóa thân, có hóa thân cũng là ứng thân, có chẳng phải hóa thân cũng chẳng phải ứng thân.

Hóa thân nào chẳng phải ứng thân?

Như Lai đã Bát Niết Bàn nhưng do nguyện tự tại nên để lại thân này. Thân như vậy tức là hóa thân.

Ứng thân chẳng phải hóa thân là thân gì?

Là thân trước của đất này.

Hóa thân cũng là ứng thân là thân gì?

Là thân Như Lai trụ ở Hữu dư Niết Bàn.

Chẳng phải hóa thân chẳng phải ứng thân là thân gì?

Là pháp thân của Như Lai.

Này thiện nam tử! Pháp thân này là hai vô sở hữu hiển hiện.

Những gì gọi là hai vô sở hữu?

Đối với pháp thân này thì tướng và tướng xứ cả hai đều không, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải một chẳng phải hai, chẳng phải số chẳng phải phi số, chẳng phải sáng chẳng phải tối.

Như vậy trí như như chẳng thấy tướng và tướng xứ, chẳng thấy chẳng phải có chẳng phải không, chẳng thấy chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng thấy chẳng phải số chẳng phải phi số, chẳng thấy chẳng phải sáng chẳng phải tối.

Vậy nên cảnh giới thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh, chẳng thể phân biệt không, có và trung gian, chính là căn bản của diệt đạo. Ở pháp thân này hiển hiện Như Lai.

Này thiện nam tử! Quả báo, xứ sở, cảnh giới, nhân duyên của thân này mà nương vào gốc căn bản thì khó suy nghĩ đo lường. Nếu đứng về liễu nghĩa mà nói thì thân này tức là đại thừa, là Như Lai tính, là Như Lai tạng.

Nương vào thân này được phát tâm ban đầu, tu hành trung tâm mà được hiển hiện, tâm bất thoái địa cũng đều được hiện, tâm nhất sinh bổ xứ, tâm Kim Cương, tâm Như Lai cũng đều hiển hiện, vô lượng vô biên diệu pháp của Như Lai đều hiển hiện.

Nương vào pháp thân này thì chẳng thể nghĩ bàn đại tam muội được hiển hiện. Nương vào pháp thân này được hiện tất cả đại trí. Vậy nên hai thân nương vào tam muội, nương vào trí tuệ mà được hiển hiện.

Như pháp thân này nương vào tự thể nói thường, nói thật, nương vào đại tam muội nên nói đến lạc, nương vào đại trí nên nói thanh tịnh. Vậy nên Như Lai thường trụ, tự tại, an lạc, thanh tịnh.

Nương vào đại tam muội, tất cả thiền định, Thủ Lăng Nghiêm v.v... tất cả niệm xứ, đại pháp niệm v.v... đại từ đại bi, tất cả Đà La Ni, tất cả sáu thần thông, tất cả tự tại, tất cả pháp bình đẳng v.v... nhiếp thọ thì như vậy Phật Pháp đều xuất hiện.

Nương vào đại trí này thì mười lực lớn của Phật, bốn vô sở úy, bốn vô ngại biện, một trăm tám mươi pháp bất cộng, tất cả pháp hy hữu chẳng thể nghĩ bàn đều hiển hiện.

Ví như nương vào ngọc báu như ý phát ra thì vô lượng vô biên đủ thứ những báu đều được hiện. Như vậy nương vào báu đại tam muội, nương vào báu đại trí tuệ thì phát ra đủ thứ vô lượng vô biên những báu diệu pháp của Phật.

Này thiện nam tử! Như vậy trí tuệ tam muội của pháp thân qua khỏi tất cả tướng, chẳng chấp trước ở tướng, chẳng thể phân biệt, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Đó gọi là trung đạo.

Tuy có phân biệt những không có phân biệt thể, tuy có ba số mà không có ba thể, chẳng tăng, chẳng giảm giống như mộng huyễn, cũng không sở chấp, cũng không năng chấp, pháp thể như như chính là chỗ giải thoát, qua khỏi cảnh giới tử Vương Vua chết, vượt khỏi tối tăm sinh tử, chỗ chẳng thể đến của tất cả chúng sinh chẳng thể tu hành, nơi trú xứ của tất cả các Đức Phật Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Ví như có người nguyện muốn được vàng, tìm kiếm khắp nơi nơi, liền thấy quặng vàng. Đã thấy quặng rồi liền phá vỡ quặng, tuyển chọn lấy vàng cho vào bên trong lò luyện, rồi nấu chảy, gạn lọc thì được vàng ròng. Rồi tùy ý trở lại làm thành những vòng, xuyến... đủ thứ đồ trang sức. Tuy nhiều những công dụng nhưng tính vàng chẳng đổi.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu thắng giải thoát, tu hành việc thiện ở đời thì được thấy Như Lai và chúng đệ tử, được gần gũi rồi mà bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn!

Cái gì là thiện?

Cái gì là bất thiện?

Cái gì là chính tu hành?

Mà được thanh tịnh, lìa khỏi bất tịnh?

Chư Phật Như Lai và chúng đệ tử suy nghĩ như vậy: Thiện nam tử, thiện nữ nhân này muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe chánh pháp. Biết như vậy rồi, Chư Phật liền nói chánh pháp.

Thiện nam tử, thiện nữ nhân đó nghe chánh pháp rồi thì chính niệm ghi nhớ, giữ gìn, phát tâm tu hành, được tinh tấn lực, phá trừ chướng ngại lười biếng. Phá chướng lười biếng rồi thì diệt trừ tất cả tội chướng. Phá tội chướng rồi thì ở chỗ Bồ Tát học phá chướng không tôn trọng. Phá chướng không tôn trọng rồi thì phá tâm trạo hối. Phá tâm trạo hối rồi thì vào được sơ địa.

Nương vào sơ địa bứng bỏ chướng lợi ích. Bứng bỏ chướng lợi ích rồi thì được vào nhị địa.

Nương vào nhị địa phá chướng chẳng bức bách phiền não khốn khổ. Phá chướng này rồi thì vào đến tam địa.

Nương vào tam địa này phá chướng nhuyến tịnh của tâm. Phá chướng nhuyến tịnh của tâm rồi thì vào đến tứ địa.

Nương vào tứ địa này phá chướng thiện phương tiện. Phá chướng thiện phương tiện rồi thì vào với ngũ địa.

Nương vào ngũ địa này phá chướng thấy chân tục. Phá chướng thấy chân tục rồi thì vào với lục địa.

Nương vào lục địa này phá chướng thấy hành tướng. Phá chướng thấy hành tướng rồi thì vào với thất địa. Nương vào thất địa này phá chướng chẳng thấy diệt tướng. Phá chướng chẳng thấy diệt tướng rồi thì vào với bát địa.

Nương vào bát địa này phá chướng chẳng thấy sinh tướng. Phá chướng chẳng thấy sinh tướng rồi thì vào với cửu địa. Nương vào cửu địa này phá chướng lục thông.

Phá chướng lục thông rồi thì vào với thập địa. Nương vào thập địa này phá chướng nhất thiết sở tri. Phá nhất thiết sở tri chướng rồi thì bạt trừ bản tâm, vào Như Lai địa. Như Lai địa tức là ba thứ thanh tịnh nên được cực thanh tịnh.

Những gì là ba?

Một là phiền não tịnh, hai là khổ tịnh, ba là tướng tịnh. Ví như có người luyện trị nước vàng nấu chảy, đã đốt, đã đập rồi thì không còn bụi bẩn làm hiển hiện thể của vàng vốn thanh tịnh.

Vàng này thanh tịnh chẳng là không có vàng?

Ví như thủy giới lắng đọng thanh tịnh không đục bẩn nữa vì hiển bày tính nước thanh tịnh chẳng là không nước?

Như vậy pháp thân mà phiền não vốn khởi lên đều thanh tịnh.

Phá thân này thanh tịnh chẳng là không thể?

Ví như trong không khói, mây, bụi, mù đều đã sạch.

Hư Không thanh tịnh này chẳng là không hư không?

Như vậy tất cả các khổ của pháp thân đều diệt hết nên nói thanh tịnh chẳng là vô thể. Ví như có người trong khi nằm ngủ mơ thấy nước lớn chảy lênh láng thân mình, vận tay động chân, ngược dòng nước mà lên. Do tâm lực chẳng lười biếng thoái lui ấy nên từ bờ này đến được bờ kia. Mơ đã tỉnh rồi chẳng thấy có nước và bờ kia, bờ này.

Sinh tử vọng tướng đã diệt hết rồi thì giác ngộ thanh tịnh chẳng là vô giác?

Như vậy tất cả vọng tưởng của pháp giới thanh tịnh chẳng lại sinh ra nên nói là thanh tịnh thì chẳng là vô thể mà nói là thanh tịnh?

Lại nữa, này thiện nam tử! Pháp thân này thì, phiền não chướng thanh tịnh nên có thể hiện ứng thân, nghiệp chướng thanh tịnh nên có thể hiện hóa thân, trí chướng thanh tịnh nên có thể hiện pháp thân.

Ví như nương vào hư không sinh ra chớp, nương vào chớp phát ra ánh sáng. Như vậy nương vào pháp thân nên sinh ra ứng thân, nương vào ứng thân nên sinh ra hóa thân.

Vậy nên tính cực thanh tịnh nhiếp thọ pháp thân, trí tuệ thanh tịnh nhiếp thọ ứng thân, tam muội thanh tịnh nhiêp thọ hóa thân. Ba thanh tịnh này là pháp như như, là chẳng khác như như, là nhất vị như như, là giải thoát như như, là cứu cánh như như. Vậy nên thể của Chư Phật là một chẳng khác.

Này thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nói với Như Lai là Đại Sư của ta thì phải biết thiện nam tử, thiện nữ nhân đó đều biết, đều thấy thân Như Lai không có thân khác.

Này thiện nam tử! Vậy nên đối với tất cả cảnh giới chẳng chánh tư duy đều đoạn trừ mà đối với pháp này không có hai tướng không có phân biệt. Việc tu hành của bậc Thánh đối với như như không có hai tướng trong pháp tu hành vậy.

Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả mọi thứ chướng đều trừ diệt.

Như như tất cả chướng diệt! Đúng vậy! Đúng vậy! Pháp như như, như như trí rất được thanh tịnh. Như như pháp giới trí tuệ thanh tịnh.

Đúng vậy! Đúng vậy! Tất cả tự tại nhiếp thọ đầy đủ, được tất cả tự tại thì tất cả các chướng đều diệt trừ, tất cả mọi thứ thanh tịnh. Tướng trí như như này nếu thấy như vậy thì đó gọi là Thánh kiến, đó gọi là chân thật thấy Phật.

Vì sao vậy?

Vì như như được thấy như như vậy! Vậy nên Như Lai thấy tất cả Như Lai!

Vì sao vậy?

Vì Thanh Văn, Duyên Giác đã ra khỏi ba cõi, tìm kiếm cảnh giới chân thật nên chẳng thể thấy biết. Sự chẳng thấy biết của Thánh Nhân như vậy, tất cả phàm phu đều sinh nghi hoặc, phân biệt điên đảo, chẳng thể được độ, ví như con thỏ muốn bơi qua biển cả.

Vì sao vậy?

Vì chẳng thể thông đạt pháp như như vậy.

Lại nữa, này thiện nam tử! Tất cả Như Lai không phân biệt tâm. Đối với tất cả pháp được sự thấy đại tự tại vô ngại thanh tịnh trí tuệ, chính là cảnh giới của mình chẳng chung với người khác.

Vậy nên ở vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp chẳng tiếc thân mạng có thể làm việc khó làm vì được thân này. Như thân này tối thượng vô tỷ, là chỗ tối thắng, chẳng thể nghĩ bàn, quá giới hạn của lời nói, là nơi tịch tịnh vượt qua tất cả sợ hãi.

Này thiện nam tử! Như vậy thấy biết như như chẳng sinh, chẳng già, chẳng chết, thọ mạng vô hạn, không có nằm ngủ, không có ăn uống, thân tâm luôn tại định, không có dao động tán loạn. Nếu đối với Như Lai mà khởi lòng tranh tụng thì chẳng thể được thấy Như Lai.

Lời nói của Như Lai đều có thể lợi ích, có người lắng nghe đều được ân giải thoát. Nếu có người ác, voi ác, cầm thú ác v.v... thì chẳng gặp gỡ nhau. Đối với Như Lai mà khởi nghiệp thì quả báo vô biên.

Tất cả Như Lai không việc gì không ghi. Tất cả cảnh giới lòng không muốn biết. Sinh tử Niết Bàn không có dị tâm. Lời ký của Như Lai không gì chẳng quyết định.

Các Đức Phật Như Lai, trong bốn uy nghi không gì chẳng phải trí nhiếp trì!

Tất cả các pháp không có gì chẳng làm! Việc nhiếp lấy bằng từ bi không gì chẳng làm! Lợi ích cho tất cả chúng sinh!

Này thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với Kinh Kim Quang Minh này mà lắng nghe, tín giải thì chẳng đọa vào đường địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, A tu la, thường sinh lên cõi người Trời chẳng làm hạng hạ liệt, hàng thân cận các Đức Phật Như Lai, thính thọ chánh pháp, thường sinh ra ở các đất nước Phật thanh tịnh.

Vì sao vậy?

Vì pháp thậm thâm này được vào tai. 

Thiện nam tử này Như Lai đã thấy, đã thọ ký sẽ được chẳng thoái chuyển Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Thiện nam tử này được pháp thậm thâm như vậy Kinh qua tai thì phải biết người đó chẳng bài báng Như Lai, chẳng bài báng chánh pháp, chẳng bài báng Thánh Tăng, tất cả chúng sinh chưa gieo trồng căn lành khiến cho họ gieo trồng, kẻ đã gieo trồng căn lành thì khiến cho Tăng trưởng thành tựu, chúng sinh sở hữu của tất cả Thế Giới đều có thể tu hành sáu Ba la mật.

Lúc đó Bồ Tát hư không Tạng, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, các Thiên Chúng v.v... liền đứng dậy, trật áo vai phải, chắp tay cung kính, đảnh lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nếu có đất nước mà nơi nơi giảng nói Kinh Điển vi diệu Kim Quang Minh này thì ở đất nước ấy có bốn thứ lợi ích.

Những gì là bốn?

Một là quân chúng của quốc vương cường thịnh, không có các oán địch, lìa khỏi dịch bệnh, thọ mệnh lâu dài, cát tường an lạc, chánh pháp hưng long.

Hai là phụ tướng, đại thần không tranh sự ái kính của Vua.

Ba là Sa Môn, Bà La Môn và nhân dân trong thôn ấp của đất nước tu hành chánh pháp, nhiều sự lợi ích, tuổi thọ dài lâu, giàu có an vui, đối với những ruộng phước được sửa lập.

Bốn là trong ba mùa, bốn đại điều hòa thích hợp, được Chư Thiên Tăng gia thủ hộ, lòng từ bi bình đẳng không gây hại làm tổn thương, khiến cho tất cả chúng sinh thành tâm quy ngưỡng đều tu hành hạnh bồ đề.

Bốn thứ công đức lợi ích như vậy, chúng con đều sẽ vì chúng sinh làm lợi ích khắp nơi nơi.

Đức Phật dạy rằng: Hay thay! Hay thay!

Này thiện nam tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Các ông cần phải như vậy mà tu hành đúng như Kinh Điển này thì pháp trụ thế lâu dài.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần