Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Chín - Phẩm âm Hưởng - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM CHÍN

PHẨM ÂM HƯỞNG  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nhắc lại vô lượng diệu nghĩa nơi các pháp thần túc của Như Lai, liền đọc một bài kệ khiến âm thanh được nghe vang khắp vô lượng Thế Giới trong mười phương.

Lúc này, Đức Như Lai bèn nói bài kệ:

Hữu vô từ không sinh

Thanh ấy chẳng nơi ta

Thanh thanh mỗi mỗi khác

Nên thuyết giáo pháp quý.

Hạnh Phật chẳng thể lường

Chẳng có cũng chẳng không

Một âm diễn các pháp

Do đó nên thành Phật.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ ấy liền trông thấy Chư Phật Thế Tôn trong mười phương mỗi vị đều tán dương: Lành thay! Lành thay! Các hành thanh tịnh của Chư Phật Đều như nhau.

Vô số, vô lượng Đức Thế Hùng tối thắng khắp mười phương đều cùng một âm vang trong khi diễn thuyết các pháp như: Sáu pháp Ba la mật và trong mỗi mỗi pháp Ba la mật đó đều có vô lượng chủng tánh của Chư Phật với vô tận các pháp chẳng thể nghĩ bàn.

Thế nào gọi là chủng tánh không thể nghĩ bàn?

Như Chư Phật trong mười phương thảy cùng một âm hưởng, nên dùng diệu nghĩa một bài kệ là có thể khiến cho khắp vô lượng chúng sinh ở mười phương đều hội nhập trọn vẹn vào Pháp Môn vô lượng, đều cùng một chí hướng, trong một ngày một lúc thảy đều thành tựu đạo quả.

Lại dùng một âm thanh làm cho lan tỏa đầy khắp vô lượng hằng sa Quốc Độ, khiến cho chúng sinh ở các cõi ấy đều được nghe âm thanh kia, tự nhiên thức tỉnh, cởi bỏ mọi trói buộc, vĩnh viễn đạt được giải thoát.

Lúc này có một vị Bồ Tát tên là Giải Thích, là bậc luôn giữ gìn đủ mọi oai nghi, đã lìa bỏ mọi vọng cầu, thấu đạt các pháp, các trí tự tại, đạt pháp nhẫn bất khởi. Bấy giờ Bồ Tát Giải Thích liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật quỳ mọp.

Chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thật là vô cùng đặc biệt và kỳ diệu! Nay con được nghe Đức Như Lai nơi một âm một tiếng vang, ở trong một pháp đã thuyết giảng trọn vẹn các pháp điển đầy đủ với các hành, chẳng phải là chốn mà hàng A La Hán, Bích Chi Phật có thể đạt được.

Nay con muốn được thưa hỏi: Làm thế nào để trong âm thanh này, tiếng vang ấy có được các pháp của Như Lai với đầy đủ các hành?

Khiến cho các chúng sinh kia trước đã đạt được các pháp, sau nghe âm vang đó mới được giác ngộ chăng?

Từ trong âm thanh ấy phát ra các pháp có thể gọi tên được chăng?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe Bồ Tát Giải Thích hỏi vậy, bèn nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát nay đã hỏi Như Lai về các pháp, không, vô hình, chẳng phải là chỗ đạt được của hàng A La Hán, Bích Chi Phật.

Nay ta sẽ vì Bồ Tát mà mỗi mỗi phân biệt rõ. Bồ Tát hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ghi nhớ. Do âm thanh và tiếng vang của Như Lai như hư không, vô hình nên phát ra các pháp chẳng thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Giải Thích thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là âm hưởng của Như Lai như hư không, vô hình, làm sao lại ngôn thuyết và phát ra các pháp?

Đức Phật hỏi Bồ Tát Giải Thích: Âm hưởng của Như Lai là hữu hình chăng?

Thưa: Là vô hình.

Phật hỏi: Âm hưởng là vô hình, vậy thì tiếng vang ấy do từ đâu phát ra?

Thưa: Do bốn đại cùng nhân duyên hợp nên, có thức nhận biết.

Đức Phật lại bảo vị Tộc Tánh Tử: Như chỗ Bồ Tát hỏi, âm hưởng của Như Lai như hư không, vô hình, làm sao dùng pháp vô hình để làm phát ra các pháp.

Tiếng vang từ bốn đại mà có, chẳng phải là cõi pháp không chăng?

Thưa: Chẳng phải.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Giải Thích: Này vị Tộc Tánh Tử! Làm sao âm hưởng của Như Lai là gốc phát ra bốn đại, thế khi tiếng vang mất đi thì lại trở về chốn nào?

Thưa: Âm vang không có chỗ trở về.

Đức Phật lại hỏi: Như thế thì có một cõi không nào khác làm phát ra âm hưởng ấy chăng?

Thưa: Chẳng phải! Chẳng từ một cõi không nào khác để phát ra âm hưởng.

Đức Phật nói: Cũng chẳng phải một cõi không nào khác, cũng chẳng phải cõi không ấy, hay chẳng phải Như Lai đã bảo Bồ Tát?

Bồ Tát Giải Thích thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói: Âm hưởng của Như Lai như hư không, vô hình liền có thể phát ra các pháp. Đã biết rõ pháp ấy là từ âm hưởng của Như Lai nên mới phát ra các pháp.

Vậy làm sao lại cho rằng ở nơi cõi hư không lại phát ra các pháp?

Như người ở nơi u tối mong có được ánh sáng là điều khó đạt, nên nay con lại càng thêm hoài nghi về điều ấy.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Giải thích: Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?

Như hiện nay đối với các pháp này gọi là sinh.

Thế thì các pháp hữu vi từ không chăng?

Chẳng từ không chăng?

Bồ Tát Giải Thích thưa: Pháp tánh của các pháp là từ gốc không. Tánh không cũng không.

Cái Không không ấy là từ không thì há có các pháp sao?

Đức Phật nói: Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như Bồ Tát vừa nói, các pháp của Như Lai như hư không, vô hình, âm hưởng của bốn đại là phát ra từ bốn đại.

Âm hưởng của Như Lai cùng với cõi hư không lẽ nào chẳng khác nhau chăng?

Thưa: Chẳng phải, như chỗ con hỏi là âm hưởng của Như Lai phát ra từ gốc là bốn đại, bèn làm phát sinh ra tất cả các pháp, điều ấy thì không còn nghi ngờ gì.

Nhưng vì sao lại cho rằng hư không phát sinh các pháp?

Đức Phật nói: Thôi, thôi! Này vị Tộc Tánh Tử! Hãy nên thận trọng! Nay Bồ Tát nêu lên câu hỏi ấy đều thuộc về lãnh vực uy thần của Như Lai.

Này vị Tộc Tánh Tử! Thế thì âm hưởng của Như Lai là có chăng?

Thưa: Không có.

Lại hỏi: Thế thì âm hưởng của Như Lai là không chăng?

Thưa: Âm hưởng ấy là Như như.

Đức Phật lại hỏi: Âm hưởng của Như Lai chẳng phải có, chẳng phải không.

Vậy sẽ gọi pháp ấy có tên gì?

Thưa: Pháp ấy được gọi là Không.

Đức Phật lại nói: Không vốn là vô hình, chẳng phải đây cũng chẳng phải kia, cũng không có khoảng giữa.

Vậy làm sao được gọi là không?

Bồ Tát Giải thích thưa: Như Lai với tướng lưỡi dài rộng đã thuyết giảng về tánh không, chẳng phải có, chẳng phải không, cũng không có từng ấy.

Theo chỗ hiểu biết của con thì cái không ấy gốc là không, huống chi con sẽ lại đứng ở chỗ không đó mà nêu danh hiệu sao?

Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Không là chẳng có, chẳng không, cũng không có khoảng giữa, như ta hôm nay được gọi là Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, cũng là chẳng phải có, chẳng phải không, cũng không có trung gian. Chỗ các pháp được thuyết giảng cũng lại như thế.

Vì sao lại gán cho Như Lai nói rằng cái không với danh hiệu ấy là phát ra nơi Như Lai?

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn cởi bỏ mối hồ nghi nơi tâm của các vị trong chúng hội, nên nói với bốn bộ chúng: Như Lai với một âm thanh liền có thể làm phát sinh tất cả các pháp. Thuyết giảng pháp ấy chẳng phải là hư dối, cũng chẳng phải là có thật.

Chỉ vì chúng sinh do tính toán dấy tưởng chấp bám, ở chốn mê lầm, mãi bị chìm nổi nơi bốn dòng. Thần trí của Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn.

Như Phật nhận biết các nẻo suy niệm, dùng vô lượng hành từ gốc nên thảy đều nhận biết rõ mọi nẻo ứng hợp về quả báo của tất cả chúng sinh. Đó chẳng phải là cảnh giới của hàng A La Hán và Bích Chi Phật. Vì vậy mà Như Lai với một âm thanh là có thể làm phát ra trọn vẹn tất cả các pháp.

Bồ Tát Giải Thích lại thưa với Đức Thế Tôn: Kính bạch Thế Tôn! Thật là hết sức đặc biệt và kỳ diệu về cảnh giới của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn! Hoặc có chúng sinh phát thệ nguyện lớn hướng tới pháp Đại Thừa. Hoặc phát tâm tu tập theo hàng A La Hán, Bích Chi Phật, hoặc an vui với pháp Định không, vô tướng, vô nguyện.

Lại có chúng sinh an vui với sự thọ nhận phước báo ở Cõi Trời, Người. Nhiều loại, nhiều nẻo như vậy, thật là chẳng thể nghĩ bàn. Có bao nhiêu chúng sinh thì có bấy nhiêu tâm thức với những nẻo suy niệm không đồng, nẻo hành cũng chẳng phải một.

Vậy thì làm sao dùng một âm thanh để làm phát sinh các pháp và có thể làm biến khắp đến tận cùng hết thảy chúng sinh?

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Giải Thích: Thần trí của Như Lai là vô hình, không thể nhìn thấy, có trí tuệ tên là Tốc tật tự tại, có thể nhận biết tận cùng mọi nẻo tâm thức của hết thảy chúng sinh, hoặc sâu xa, hoặc cạn cợt. Nói chung là đều phân biệt rõ.

Bồ Tát Giải Thích lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! thần thức của chúng sinh là chẳng phải có, chẳng phải không, hoặc chấp nẻo hữu thường, hoặc chấp nẻo vô thường.

Làm sao dùng trí tuệ mau chóng, nhanh nhạy, tự tại để có thể làm phát sinh tận cùng hết thảy mọi trí?

Đức Phật bảo Bồ Tát Giải Thích: Nay ta sẽ cùng với Bồ Tát nêu dẫn ví dụ. Đối với người trí thì từ ví dụ là có thể lãnh hội.

Thế thì, này vị Tộc Tánh Tử! Như Thiên Tử Mặt Trời nhận lấy thân bốn đại với mười hai do diên do tuần, tường vách nội cung cách tường vách ngoài là bảy do diên, trong khoảng ánh sáng chiếu tỏa càng sáng hơn không thể lượng tính được. Tường của cung thứ nhì cách tường của cung thứ ba, lại cách xa đến bảy do diên ánh sáng chuyển giảm.

Cho tới cung thứ bảy, mỗi cung đều cùng cách xa nhau bảy do diên, chỗ ánh sáng tỏa chiếu mỗi mỗi nơi không như nhau. Cùng tột bên ngoài tường thứ bảy lại có tường giữ gìn bảo vệ, cách nhau hai do diên ánh sáng chuyển giảm lại không như nhau.

Tại bên trong cung thứ nhất, tường có tên là Như Ý tùy châu sở tác, trong khoảng ấy tuy có sức nóng nhưng không thấy lửa nung đốt.

Tường thứ nhì tên là Tùy Diễm Châu sở tạo, sức nóng ở đấy như lửa đốt ở cõi địa ngục Hắc Thằng.

Tường thứ ba tên là Diễm Quang Ảnh, sức nóng ở đó như ánh lửa cháy rực.

Tường thứ tư tên là Dũng Diễm Châu, sức nóng ở đấy như lửa phun tro nóng.

Tường thứ năm có tên là Cực Diễm Âm, sức nóng ở đó như lửa nung thép đồng.

Tường thứ sáu tên Lưu Ly, sức nóng ở đấy như lửa nung đốt hoa sen hồng.

Tường thứ bảy tên là Thủy Tinh, sức nóng nơi đó như lửa nung hoa sen xanh.

Này vị Tộc Tánh Tử! Như thế thì Thiên Tử Mặt Trời ấy trong một ngày một đêm đã tỏa chiếu đủ khắp bốn khu vực hết sức mau chóng, ánh sáng đó đã chiếu xuống bốn cõi thiên hạ. Các màu xanh, vàng, đỏ, trắng hay những chỗ cao thấp, thành quách, gò đống, xóm làng, họ tên danh hiệu đều có thể tự trông thấy và mỗi mỗi phân biệt rõ.

Này vị Tộc Tánh Tử! Chúng sinh với vô lượng hình tướng, phẩm loại không đống, thế thì làm sao ánh sáng của Thiên Tử Mặt Trời thảy có thể chiếu tận cùng các thứ ấy với cùng một màu sắc?

Là vì từ trong ánh sáng mặt Trời đã phát ra vô lượng tia sáng chiếu soi vô lượng hình sắc, vì từ một tia sáng đã tỏa chiếu đến vô lượng hình tướng.

Bấy giờ Bồ Tát Giải Thích liền đến trước Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như chỗ con thưa hỏi, là một âm thanh của Như Lai phát ra vô lượng các pháp thì âm thanh ấy đã phát ra từ bốn đại. Đối với quá khứ, hiện tại và vị lai, mọi ngôn thuyết giáo hóa được nêu ra không khiến con phải nghi ngờ.

Nhưng hôm nay nói về ánh sáng, tánh phận là như thế, làm thế nào dùng ngôn thuyết giáo hóa cùng như một?

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Bốn đại của Như Lai chỗ phát ra âm hưởng tất đều có sự giáo hóa, có thể phát ra tất cả các pháp. Lúc Chư Phật Thế Tôn sắp sửa thuyết pháp cũng không suy niệm là ngôn thuyết như thế, đặt để như thế.

Tâm luôn tịch tĩnh, an nhiên nên không hề suy niệm như vậy. Cũng như Thiên Tử Mặt Trời, với một luồng ánh sáng có thể chiếu tỏa đến khắp các khu vực cũng không hề suy niệm là ta có chỗ chiếu đến. Những đối tượng được ánh sáng chiếu tới ấy đều tự biết nẻo hướng tới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần