Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN MƯỜI BA
Này thiện nam! Như mặt trăng mọc hay làm cho nhân gian nơi thành ấp, xóm làng những Sát Đế Lợi, Bà La Môn… người nam, người nữ thảy đều khen ngợi. Bồ Tát cũng vậy, như mặt trăng mọc làm cho tất cả thế gian Trời, Người, A Tố Lạc, Kiền Đạt Phược… thảy đều khen ngợi.
Thế nào là Bồ Tát thân được thanh tịnh?
Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên Tử nghiệp quả thành tựu được thân thanh tịnh, sắc quang sáng tỏa. Bồ Tát cũng vậy, xuất hiện ở đời chứng được pháp tánh, từ pháp hóa sinh, không sinh từ bào thai bất tịnh của cha mẹ, thân được thanh tịnh sắc quang sáng sủa.
Thế nào là Bồ Tát được thừa tối thượng?
Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên Tử cỡi xe tối thượng sáng rực cả bốn châu. Bồ Tát cũng vậy, cỡi xe trí tuệ tối thượng sáng rực vô lượng, vô biên tất cả Thế Giới.
Thế nào là Bồ Tát thường được trang nghiêm?
Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên Tử oai đức trang nghiêm, những vật trang sức đầy đủ không bị suy thoái. Bồ Tát cũng vậy, dùng pháp công đức thường tự trang nghiêm.
Thế nào là Bồ Tát được pháp ưa thích?
Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên Tử lúc nào cũng ưa thích dục lạc. Như mặt trăng, Bồ Tát lúc nào cũng ưa thích pháp lạc, không ưa dục lạc.
Thế nào là Bồ Tát được oai thần lớn và oai đức lớn?
Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên Tử có thần thông lớn và oai đức lớn. Bồ Tát cũng vậy, có thần thông lớn và oai đức lớn, đó là tánh phước lớn và tánh trí lớn.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với mặt trăng.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với mặt trời.
Những gì là mười?
1. Hay phá trừ tất cả vô minh đen tối.
2. Hay điều phục hữu tình làm cho giác ngộ.
3. Hay tỏa sáng cả mười phương.
4. Hay hiện ra pháp lành.
5. Diệt sạch các lậu.
6. Hay phát ra ánh sáng.
7. Hay che lấp ánh sáng của tất cả ngoại đạo tà luận.
8. Hay hiện rõ chỗ cao thấp.
9. Khởi lên những nghiệp đã tạo, đó là tất cả pháp thiện bạch tịnh.
10. Được người thiện ưa thích.
Thế nào là Bồ Tát hay phá trừ tất cả vô minh đen tối?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc phá trừ mọi đen tối. Bồ Tát cũng vậy, xuất hiện hay phá trừ tất cả vô minh đen tối.
Thế nào là Bồ Tát hay điều phục hữu tình làm cho giác ngộ?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc hay làm cho tất cả hoa sen nở ra. Cũng vậy, mặt trời Bồ Tát xuất hiện hay điều phục hữu tình làm cho được giác ngộ.
Thế nào là Bồ Tát hay tỏa sáng cả mười phương?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc sáng rực cả mười phương. Bồ Tát cũng vậy, dùng oai lực của Bát Nhã ánh sáng rực rỡ tỏa khắp các cõi trong mười phương mà chẳng nhiễu loạn các hữu tình.
Thế nào là Bồ Tát hay hiện ra pháp lành?
Này thiện nam! Như Nhật Thiên Tử khi xuất hiện ở Thiệm Bộ Châu có ánh sáng tỏa khắp. Bồ Tát cũng vậy, thành tựu dùng trí quang minh hiện ra các pháp lành.
Thế nào là Bồ Tát diệt sạch các lậu?
Như khi mặt trời lặn, thì nơi Thiệm Bộ Châu gọi là ánh sáng mặt trời ẩn mất. Bồ Tát cũng vậy, khi phiền não của Bồ Tát diệt hết thì gọi là dứt hẳn tất cả các lậu.
Thế nào là Bồ Tát hay phát ra ánh sáng?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc vì tất cả hữu tình nơi Thiệm Bộ Châu mà phát ra những loại ánh sáng. Bồ Tát cũng vậy, xuất hiện ở đời, vì tất cả hữu tình mà phóng ánh sáng trí tuệ phá trừ tất cả ngu si ám chướng cho họ.
Thế nào là Bồ Tát hay che khuất ánh sáng của tất cả ngoại đạo tà luận?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc làm khuất hết mọi ánh sáng.
Mặt trời kia không nghĩ rằng: Ta hay chiếu sáng tất cả nơi tăm tối, nhưng pháp tánh là như vậy. mặt trời Bồ Tát hay hiện ra ánh sáng oai thần chiếu phủ các tà luận ngoại đạo.
Bồ Tát không nghĩ thế này: Ta có thể chiếu phủ các tà luận ngoại đạo. Nhưng pháp tánh là như vậy.
Thế nào là Bồ Tát hay hiện rõ chỗ cao thấp?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc nơi Thiệm Bộ Châu hữu tình cao thấp đều hiện ra rõ ràng. Bồ Tát cũng vậy, mặt trời Bồ Tát xuất hiện ánh sáng trí tuệ đối với hữu tình bằng, không bằng đều biết rõ. Đó là hữu tình nào nhập vào các Thánh Đạo thì gọi là bằng, ở nơi chẳng phải Thánh Đạo thì gọi là không bằng.
Thế nào là Bồ Tát khởi lên sở hành?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc khiến cho tất cả nông dân bắt đầu làm lụng. Bồ Tát cũng vậy, khi mặt trời Bồ Tát xuất hiện phát khởi tất cả sở hành pháp thiện.
Thế nào là Bồ Tát được người thiện ưa thích?
Này thiện nam! Như mặt trời mọc được các người thiện ưa thích, những loại người ác cùng nhau ganh ghét. Bồ Tát cũng vậy, mặt trời Bồ Tát xuất hiện được người thiện thông tuệ yêu thích, những bọn người ác vô trí hướng theo các tà đạo quay lưng với Niết Bàn, ưa nơi sinh tử thì cùng nhau ganh ghét.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với mặt trời.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì giống như Sư Tử.
Những gì là mười?
1. Không hoảng sợ.
2. Không sợ sệt.
3. Không thoái đạo.
4. Như tiếng rống Sư Tử.
5. Được vô sở úy.
6. Dạo chơi nơi vườn rừng.
7. Thường ở nơi hang núi.
8. Không còn dính mắc.
9. Thế lực dũng mãnh có thể phá trừ quân của kẻ khác.
10. Gìn giữ tất cả mầm mống pháp lành.
Thế nào là Bồ Tát không hoảng sợ?
Này thiện nam! Giống như Sư Tử đi đến đâu cũng không bao giờ hoảng sợ, tự thấy không có ai bằng mình. Bồ Tát cũng vậy, đi đến đâu cũng không hoảng sợ, tự thấy không có ai bằng mình.
Thế nào là Bồ Tát không sợ sệt?
Này thiện nam! Giống như Sư Tử nghe tiếng của những loài thú dữ, dã can thì không bao giờ sợ sệt. Bồ Tát cũng vậy, khi tranh luận với tất cả mọi người không bao giờ sợ sệt, không khuất phục cũng không kiêu ngạo.
Thế nào là Bồ Tát không thoái đạo?
Này thiện nam! Ví như Sư Tử, được kêu gọi đến trước tâm Sư Tử không bao giờ lui tránh nơi khác. Bồ Tát cũng vậy, ở nơi nào tranh luận mà mời Bồ Tát đến, tâm Bồ Tát không tránh né.
Thế nào là Bồ Tát như tiếng rống Sư Tử?
Này thiện nam! Ví như Sư Tử rống, những loài thú dữ, dã can ở mọi nơi đều hoảng sợ bỏ chạy. Bồ Tát cũng vậy, nói pháp vô thượng thừa như tiếng rống Sư Tử làm cho tất cả ngoại đạo, dã can, các thú ác chấp ngã, ngã sở ở mọi nơi đều bỏ chạy.
Tuy Bồ Tát rống tiếng Sư Tử như vậy, nhưng chẳng bao giờ não loạn tất cả hữu tình mà chỉ muốn cho họ được điều phục, lìa bỏ hẳn chấp ngã, ngã sở.
Thế nào là Bồ Tát được vô sở úy?
Này thiện nam! Ví như Sư Tử nhìn khắp nơi đều không sợ sệt.
Bồ Tát cũng vậy, quan sát khắp các cõi hữu tình, oai nghi thanh tịnh đắc vô sở úy.
Thế nào là Bồ Tát dạo chơi nơi vườn rừng?
Ví như Sư Tử bản tánh không sợ hay hiện oai thế dạo bước các nơi vườn rừng. Bồ Tát cũng vậy, tự tánh vắng lặng thường hay dạo chơi trong rừng pháp vô ngại.
Thế nào là Bồ Tát ở nơi hang đá?
Này thiện nam! Ví như Sư Tử y cứ nơi hang núi. Bồ Tát cũng vậy, thường luôn an trú nơi hang đá trí tuệ.
Thế nào là Bồ Tát không còn dính mắc?
Này thiện nam! Ví như Sư Tử vứt bỏ, không nắm giữ cất chứa. Bồ Tát cũng vậy, vứt bỏ tất cả gánh nặng phiền não không còn bám víu.
Thế nào là Bồ Tát như Sư Tử, tánh dũng mãnh có thế lực lớn độc nhất vô nhị, có thể đánh phá quân của kẻ khác?
Này thiện nam! Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề sức độc nhất vô nhị, có thể phá tan các chúng quân ma.
Thế nào là Bồ Tát gìn giữ tất cả mầm mống pháp lành?
Này thiện nam! Ví như Sư Tử dạo bước gần nơi thôn xóm, tất cả loài thú ác không thể gây tổn hại hoa màu gần nơi ấy. Bồ Tát cũng vậy, du hành gần nơi nhân gian, tất cả ngoại đạo, các cầm thú dữ không thể gây tổn hại những mầm mống pháp lành.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì như Sư Tử.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì giỏi điều phục.
Những gì là mười?
1. Tâm Bồ Đề vững chắc.
2. Làm cho tâm Bồ Đề thanh tịnh.
3. Giữ kín các căn.
4. Hướng đến chánh đạo.
5. Gánh vác trọng trách.
6. Không bao giờ nhàm chán, mỏi mệt.
7. Được chánh mạng lợi ích hữu tình.
8. Lìa bỏ tất cả lời nói dối trá, hý luận.
9. Lìa hẳn dua nịnh.
10. Tự tại chất trực.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì giỏi điều phục.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì tự tánh được vắng lặng.
Những gì là mười?
1. Gặp được Thầy Du Già.
2. Tu tập nhiều tánh không.
3. Khai mở Thánh Đạo lìa mọi trói buộc không bị chướng ngại.
4. Thuận theo lời dạy bảo của Như Lai mà tu hành không trái nghịch.
5. Tùy thuận nghĩa lý bình đẳng, thông đạt thật tướng của các pháp, an trú nơi thế gian, tâm thường khiêm tốn như Chiên Trà La.
6. Lúc nào cũng khởi tưởng như người ăn xin, xa lìa ngã mạn, phóng túng buông lung.
7. Đối với pháp Phật không còn nghi ngờ, với chánh trí của Phật có thể chứng đắc hiện tiền.
8. Đối với các pháp không còn do dự, dùng nội chứng của mình mà biết được pháp tánh.
9. Giác ngộ không do người khác mà tự chính mình thấy đạo.
10. Hướng đến Bồ Đề vì làm ruộng phước cho thế gian.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì tánh được vắng lặng.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì như hoa sen.
Những gì là mười?
1. Không bị ô nhiễm.
2. Không bị dính một chút tội lỗi nhơ bẩn nào.
3. Được giới hương vi diệu.
4. Luôn được thanh tịnh.
5. Miệng mỉm cười.
6. Không thô bạo.
7. Hiện tốt lành.
8. Khai mở giác ngộ.
9. Giác ngộ thành thục.
10. Giúp đỡ người khác.
Thế nào là Bồ Tát không bị ô nhiễm?
Này thiện nam! Ví như hoa sen mọc lên từ nước mà không bị dính nước.
Vì sao?
Vì tánh hoa sen thanh tịnh. Bồ Tát cũng vậy, tuy sinh ra từ trong nước sinh tử, nhưng sinh ra rồi lại không bị dính nhiễm.
Vì sao?
Vì Bồ Tát có thể chứng tự tánh pháp bát nhã phương tiện. Do Bồ Tát thiện xảo ở trong sinh tử không bị lỗi lầm sinh tử nhiễm đắm, có thể dùng bát nhã phương tiện để thâu giữ sinh tử.
Thế nào là Bồ Tát không bị dính một chút tội lỗi nhơ bẩn nào?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Sáu - Tu Tập Nghiệp Ba Mươi Hai Tướng
Phật Thuyết Kinh Quang Minh đồng Tử Nhân Duyên - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi - Pháp Hội Nhật Mật Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Ba
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Một