Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thọ Nhận

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM THỌ NHẬN  

Bấy giờ Bồ Tát Dũng Tấn cung kính thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con nay được nghe Đức Như Lai thuyết giảng về pháp hết sức thâm diệu là cánh cửa dẫn vào giới luật của các bậc Hiền Thánh.

Những người được nghe và lãnh hội thấu đạt pháp này thì cũng không còn thấy có buộc hay mở. Ở nơi không đã dứt các pháp mà không hề thấy có tổn giảm. Cũng không thấy các pháp từ chốn nào đến hoặc đi về đâu.

Nếu các hàng thiện nam, thiện nữ quán tưởng một cách sâu xa về pháp ấy, lãnh hội tính chất không nơi chốn không khứ lai của chúng, thì đấy mới là thấu đạt trọn vẹn gọi là giải thoát.

Hết thảy các pháp mỗi mỗi đều khác nhau nên ở chỗ nhận thức và nêu bày chúng thảy đếu ly tán không có sự trùng hợp, nên ở nơi các pháp không sinh tưởng niệm về sự thành tựu, lại không nhớ nghĩ về sự giải thoát. Chỗ quán các pháp cũng không có trong ngoài, xa, gần, như thế thì mới đạt được trí tuệ của Bồ Tát thấu tỏ sâu xa về gốc không.

Những người đã chứng đạt được thì luôn xua trừ tâm niệm cao ngạo không hề dấy kiêu mạn. Đó là những hàng thiện nam, thiện nữ ở nơi các pháp thiện đạt được giải thoát, an trụ nơi địa không sinh diệt.

Những vị đã an trụ như thế là không còn thấy có trụ nên đối với các pháp thì luôn an trụ nơi không có chốn trụ, luôn nhận thức nơi không có chốn nhận thức. Đó gọi là những hàng thiện nam, thiện nữ đã hành hóa đúng với bản tánh không niệm điều sai trái tà vạy.

Những vị đã đạt được chánh kiến như thế nên đối với tánh bên trong luôn quán một cách thông đạt các sắc tướng, không có sắc, cũng không thấy sắc như sắc đã có.

Vì sao?

Vì đã nhận biết hết thảy các pháp quán không là vô hình, đã biết rõ về gốc không, như sắc là không có sắc. Đối với tất cả các pháp cũng không có thọ, cũng không vô thọ. Đó gọi là các hàng thiện nam, thiện nữ, ở nơi tất cả các pháp đạt được giải thoát.

Lúc Bồ Tát Dũng Tấn thuyết giảng về phẩm có thọ nhận này xong thì có tới mười ba ức chúng sinh, do được nghe pháp ấy mà đều đạt được pháp nhẫn không dấy khởi, nhu hòa thuận hợp.

Do vậy, các vị ấy đã khác miệng cùng lời xưng tụng rằng: Hôm nay, Bồ Tát Dũng Tấn là bậc Đại Sĩ đã dứt lìa mọi vướng chấp và đã khiến cho chúng tôi cũng thành tựu đầy đủ được pháp ấy.

Chúng tôi xin noi theo bậc Đại Sĩ đem pháp ấy giảng giải trao truyền cho những người khác khiến họ cũng được lãnh hội như chúng tôi, thảy được giải thoát dứt sạch mọi nẻo vướng chấp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Dũng Tấn: Phàm là tâm của Niết Bàn cũng không ở bên trong hay bên ngoài, lại cũng không ở cả hai bên hay khoảng giữa. Bồ Tát chỉ có thể nhận được ở chốn không sinh diệt.

Đạo tâm của các vị Bồ Tát là như nhau không hai cũng không có nhiều mối. Đạo tâm ấy thích hợp với sự bình đẳng không rối rắm, ở nơi tất cả mọi người thảy đều thể hiện sự bình đẳng không có sự sai khác.

Lúc này, nơi tòa ngồi có năm trăm vị Thiên Tử được nghe Đức Như Lai nói về pháp bình đẳng hữu thọ, vô thọ, thì mọi phiền não bụi bặm cấu uế thảy được dứt trừ và đạt pháp nhãn thanh tịnh.

Lại có hơn năm trăm vị trong bốn chúng đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều đạt được quả Tu Đà Hoàn. Lại còn có vô số các vị Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân, chí dốc hướng về đại thừa, thảy đều phát tâm bình đẳng vô thượng bồ đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần