Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười - Phẩm Tín - Tập Ba
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI
PHẨM TÍN
TẬP BA
Trưởng giả Tối Thắng nghe Như Lai nói kệ, trong tâm sinh hổ thẹn, bèn dâng lên tấm dạ trắng quỳ nhận sự chú nguyện. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lần lượt nói pháp nhiệm mầu cho ông nghe, giảng luận về các việc tốt.
Sao gọi là luận?
Là luận về việc bố thí, giữ giới, sinh lên Cõi Trời. Những ham muốn, tư tưởng bất tịnh, phiền não là tai họa lớn.
Trưởng giả nghe xong, ngay chỗ ngồi, các trần cấu đều dứt hết, được mắt pháp thânh tịnh. Được pháp là đầy đủ tất cả pháp, phân biệt các pháp đối với pháp của Như Lai thì được vô sở úy không còn lo sợ.
Trưởng giả liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, trán lạy sát chân Đức Phật, bạch Phật: Con nguyện từ nay trở đi làm Ưu Bà Tắc, trọn đời không sát sinh.
Đức Như Lai im lặng chấp nhận trưởng giả quy mạng Phật, quy mạng Pháp, quy mạng Tỳ Kheo Tăng. Như Lai liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi.
Đức Phật đi không bao lâu thì ma Ba Tuần tệ ác hóa thành thân Phật, đến nhà ông trưởng giả, với thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, màu vàng tử ma, viên quang chiếu bảy thước.
Thấy vậy, trưởng giả thầm nghĩ: Như Lai vừa đi sao trở lại mau thế. Tâm tôn kính như thấy Phật nên trưởng giả đảnh lễ.
Không biết Như Lai đã dạy cho trưởng giả những gì, ông Phật giả bèn bảo: Ta thấy trưởng giả là bậc tài cao hiểu rộng, phân biệt được căn cơ thú hướng, nhưng xét kỹ trưởng giả là người ngu mê vô trí. Pháp Tứ Đế ta vừa nói thật chẳng phải là chân đế, mà đó là pháp điên đảo mà ngoại đạo tu tập.
Nghe qua, trưởng giả biết ngay đó là lời giả dối nên ông liền nói: Thôi đi, ông chớ nói lời ấy, ta đã được mắt tuệ, đứng vững trên mặt đất vững chắc, dù ông có biến hóa ra ức ngàn muôn thân đến đây làm cho tâm ta lui sụt thì cũng không bao giờ được.
Lửa sáng của con đom đóm đâu thể sánh nổi với ánh sáng mặt trời, gò nổng nhà nông sao sánh nổi với núi Tu Di?
Ó, quạ, le le, vịt nước, sao bay kịp chim đại bàng?
Cái thân hình giả tạo, ô uế của ông giả làm nhà ảo thuật không nên ở đây lâu. Nếu là ma Ba Tuần ông nên biến đi ngay.
Ma Ba Tuần nghe vậy hổ thẹn cả người, bèn biến trở lại thân của nó, theo đường cũ ra đi.
Vì thế, nếu có chúng sinh đầy đủ long tin và giới luật thì không bao giờ bị ma làm phá hại được, huống gì là bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm mà lại lui sụt hay sao?
Việc ấy không bao giờ có. Nếu còn là phàm phu, chưa có đạo lực, thấy huyễn thân này sẽ bị lui sụt, không thành tựu là vì phàm phu trước được sau đó lại đánh mất.
Thế nên lời kệ trước nói: Lòng tin khiến cho giới được thành tựu. Cũng là đời sống của trí tuệ, có khả năng bố thí rốt ráo, trong đó không hề có loạn tưởng.
Tu Đà Hoàn thấy đế được tám mươi tám kết sử, nhờ tâm bố thí nên dứt bỏ hẳn không còn sót, trừ bảy lần chết, bảy lần tái sinh cõi dục và một lần chết, một lần tái sinh cõi sắc, vô sắc, còn bao nhiêu lần tái sinh khác đều bị chấm dứt hẳn không còn sót.
Bậc Tư Đà Hàm nhờ tâm bố thí nên thấy đế, dứt trừ được tám mươi tám sử, dâm, nộ, si mỏng dần, trừ việc phải một lần sinh, một lần tử ở cõi dục thì dứt hẳn không còn sinh đến chỗ nào khác nữa. A Na Hàm là bậc ở trong ba cõi thấy đế dứt bỏ kết sử. Ở cõi dục tư duy dứt bỏ kết sử, nhờ tâm bố thí nên dứt hẳn kết sử không còn sót, không còn sinh cõi dục.
Chỉ còn một lần sinh, một lần chết ở cõi sắc, cõi vô sắc, không còn sinh ở bất cứ nơi đâu nữa. Không còn tâm bỏn sẻn, ganh tị, không còn nghĩ đến việc tham đắm sự vinh hoa thế gian.
Đầy đủ mọi trí tuệ, sống lâu không chết yểu.
Thế nên lời kệ trước, nói: Sống bền của tuệ.
Mãi mãi hành trì là sao?
Người có trí tuệ lấy việc giáo hóa chúng sinh làm gốc, muốn thích ứng khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, nhất định có lợi ích, dấy lên Phật sự.
Thế nên lời kệ nói: Mãi mãi hành trì.
Đâu cũng được cúng là sao?
Là đến cảnh giới ấy thì được chúng sinh cúng dường, bất cứ nơi nào cũng được giáo hóa.
Thế nên lời kệ nói:
Ở bất cứ nơi đâu
Cũng được cúng dường.
So với cõi khác,
Cõi đây lợi thế.
Tuệ, tín là trí
Tài sản quý nhất
Gia sản vô thường.
So cõi khác, cõi đây lợi thế: Lợi thế nghĩ là thân người ở Cõi Diêm Phù Lợi, vì sao?
Vì ở Cõi Diêm Phù Lợi này Chư Phật Thế Tôn ra đời, Bích Chi Phật, La Hán, Thần Tiên, người đắc đạo, hành đạo, hóa độ chúng sinh vô số. Người ở cõi này thân làm lành, miệng ý làm lành. Lại ở cõi này có đủ tín căn, biết có Phật, Pháp, Tăng, không còn ngu mê, đắm nhiễm trần lao cõi thế, sau khi chết không còn tai nạn gì.
Cho nên nói: So với cõi khác, cõi này lợi thế.
Tuệ, tín là trí: Có lòng tin, có trí tuệ thì sẽ có đủ tám mươi ngàn hạnh. Lòng tin là gốc để chế ngự tâm, còn trí là anh lạc của thân. Lòng tin sẽ giúp giàu có, còn trí thì thành tựu quả chứng. Cho nên nói tuệ, tín là trí.
Là tài sản quý nhất: Vật báu chân thật trong các vật báu, là vật báu của trí tuệ. Tốt đẹp nhất, cao quý nhất không gì vượt qua. Vi diệu tột cùng, không thể ví dụ so sánh.
Gia sản vô thường: Tài sản thế gian dù nhiều đến đâu đi nữa cũng có ngày tan biến. Ở trong thành Thạch Thất có ba vị cư sĩ, vị thứ nhất tên là Xà Lợi, là người tánh tình kỳ dị, vị thứ hai tên là Bô Đà Mãn và vị thứ ba tên là Bà Ba Na.
Ba vị này kết làm anh em. Họ có nhiều vật báu, tài sản vô số. Voi ngựa, bảy báu không hề thiếu thốn. Huyện quan, trộm cướp, lụt lội, hỏa hoạn, mọi tai biến không xâm hại được. Có một vị Bà La Môn trì trai như rồng Y La Bát, cầu mong giàu sang, có được nhiều tài sản của báu.
Rồng hiện thân bảo vị Bà La Môn ấy rằng: Nay ông siêng năng khổ hạnh, ăn gió uống sương, không ăn cơm gạo vị ngon mà ở nơi đây trì trai để cầu mong điều gì?
Bà La Môn đáp: Tôi ở tại suối thần này và giữ long trai là vì mong giàu to, được nhiều của báu.
Long Vương bảo: Ông không nghe sao?
Tôi có hai tên gọi: Một là Y La Bát, hai là Tài Vô Yểm.
Đã gọi là vô yểm không chán mà lại cầu điều gì nữa nơi tôi?
Bà La Môn đáp: Nếu Ngài không ban cho tôi món gì thì dù cho đến chết tôi cũng không về không.
Vua rồng liền lấy ra một khối vàng tử ma thật đẹp trao cho vị Bà La Môn và bảo: Trong thành Thạch Thất có vị Trưởng Lão giàu có, tên ấy họ ấy, từ Thiên Trúc đến. Ông nên đến nhà ông ta, đem món vàng này cùng ông ta cầu của cải.
Vị Bà La Môn được vàng liền ra đi, đến nhà ông trưởng giả kia, đưa món vàng ấy cho trưởng giả xem. Khi thấy món vàng nọ, vị trưởng giả bảo giấu kín chớ để người khác thấy.
Rồi ông vào nhà trong, mời các vị trong bà con họ hàng nói rằng: Món vàng này do người ở phương xa tặng cho tôi.
Những người bà con họ hàng bèn ăn uống vui chơi, cất vàng vào kho, nhưng các vật trong kho đều chìm hết xuống đất mà trở về trong kho của rồng kia.
Không những của cải của hai nhà tả hữu bên cạnh mà cho đến của cải của bảy nhà liền nhau cũng đều chìm hết xuống đất. Sự việc ấy đồn khắp bên ngoài, ba vị cư sĩ kia lại nghe nói vua rồng cho Phạm Chí vàng và đến thành Thạch Thất, khiến kho tàng của bảy nhà giàu có đều chìm hết xuống đất mà trở về cung rồng.
Lúc ấy ba vị cư sĩ nói với nhau rằng: Ba chúng ta, của cải vô số, kho tàng tràn đầy, chúng ta có được tài sản ấy là nhờ làm ăn chân chánh, không lừa gạt người khác, cho nên tài sản ấy không bao giờ bị nước lửa, trộm cướp, phép vua xâm đoạt được.
Người trong thành nghe nói vậy, cho họ là khoe khoang và làm trái luật pháp, nên họ cùng nhau kéo đến nhà ba vị này hỏi: Của cải của bảy nhà giàu kia đều chui xuống đất mà về cung rồng, nghe nói ba vị nói với nhau rằng: Của cải tài sản của mình có được là do làm ăn chân chánh chứ không phải bởi lừa dối ai.
Vậy có bằng chứng gì đáng tin hay không?
Lúc ấy ba vị cư sĩ mỗi vị đều lấy ra mười cân chia làm sáu phần, trao cho dân chúng và bảy chủ nhà bị mất của, rồi đem đến suối Rồng ném vàng xuống đó, thì nước bỗng sôi lên sùng sục như vạc nước sôi. Vua Rồng kinh sợ liền sai Long nữ đem số vàng ấy trả lại, xin lỗi và khiến những người này trở về. Tiền của do làm ăn chân chánh mới được tồn tại, không bao giờ bị xâm đoạt bởi nước lửa, trộm cướp.
Của phi nghĩa có được do lừa gạt người, đó là không đúng đạo lý, thì nó bị xâm đoạt bởi nước, lửa, trộm cướp, nhà vua. Bảy nhà kia nằm trong ý nghĩa đó.
Cho nên nói: Gia sản là không thường còn vô thường.
Muốn thấy chân thật
Ưa nghe nói pháp
Dứt bỏ bỏn sẻn
Ấy gọi lòng tin.
Muốn thấy chân thật: Nếu có lòng tin vững chắc, đến đảnh lễ Thánh Hiền, xây dựng Tinh Xá, Tháp, Chùa, lễ kính bậc Pháp Sư cao đức, thăm hỏi nghe lời chỉ dạy, ưa nghe nói pháp như trong Kinh nói. Nếu có người dính mắc vào thú vui thế tục không thiếu thứ gì thì đã tạo cho mình năm điều thiếu sót.
Năm điều đó là?
Người này thích bàn luận việc gia đình, nếu vào trong chúng liền nghe thầy dạy bảo: Hễ người giữ hạnh thì phải giống như Bậc Thánh Hiền, người này im lặng hối hận, thề không vào trong chúng, cho rằng những gì mà mình ưa thích thì bị mọi người quở trách, đối với mình không có ích gì, thì vào trong chúng làm chi.
Do không vào trong chúng nên không được thấy Hiền Thánh, do không thấy Hiền Thánh nên không được nghe pháp, do không được nghe pháp nên bị đọa làm phàm phu, rơi vào ba đường ác, đó gọi là điều thiếu sót thứ nhất đối với luật pháp Hiền Thánh.
Lại nữa, người này ý còn ham mê ái dục, vui chơi tự do, nếu vào trong chúng nghe các Pháp Sư nói pháp, đối với những cạn đục làm người này trong tâm hối hận, thề không vào trong chúng, cho rằng những gì mà mình ưa thích bị mọi người quở trách, đối với mình vô ích, thì vào trong chúng làm gì.
Do không vào trong chúng, nên không thấy Thánh Hiền, do không thấy Thánh Hiền, nên không được nghe pháp, do không được nghe pháp nên bị đọa làm phàm phu, rơi vào ba đường ác, đó gọi là điều thiếu sót thứ hai đối với luật pháp Hiền Thánh.
Lại nữa, người này biết người thân đi xa, tâm thường thương nhớ vào trong chúng, được nghe thầy dạy, đi xa có hại cho sự tu học, biết người thân mong chờ, xa thầy, xa chúng hội, không đến chỗ rốt ráo, người ấy tâm hối hận thề không vào trong chúng, cho rằng những gì mà mình ưa thích thì bị mọi người chê bai, đối với mình vô ích, thì vào trong chúng làm gì.
Do không vào trong chúng nên không thấy Thánh Hiền, do không thấy Thánh Hiền nên không được nghe pháp, do không được nghe pháp nên bị đọa làm phàm phu, rơi vào ba đường ác, đó gọi là điều thiếu xót thứ thứ ba đối với luật pháp Thánh Hiền.
Lại nữa, người này biết người thân của mình bị Chúng Tăng dẫn xuất vào trong chúng nghe thầy dạy bảo, bèn hối hận chê trách người thân của mình mình. Người này tâm hối hận, thề không vào trong chúng, cho rằng những gì mà mình ưa thích thì bị mọi người chê bai, đối với mình vô ích, thì vào trong chúng làm gì.
Do không vào trong chúng, nên không thấy Thánh Hiền, do không thấy Thánh Hiền nên không được nghe pháp, do không được nghe pháp nên bị đọa làm phàm phu, rơi vào ba đường ác, đó gọi là điều thiếu xót thứ tư đối với luật pháp Thánh Hiền.
Lại nữa, người này biết người thân mình sắp chết, cho nên buồn bã, thương yêu không dứt. Nếu vào trong chúng, nghe thầy dạy bảo là sau khi chết, thân thức lìa bỏ thì liền nhập thai. Người này không tin, cho là mất hẳn, sau đó sinh tâm hối hận, thề không vào trong chúng, cho rằng những gì mà mình ưa thích thì bị mọi người chê bai, đối với mình vô ích, thì vào trong chúng làm gì.
Do không vào trong chúng, nên không thấy Thánh Hiền, do không thấy Thánh Hiền nên không được nghe pháp, vì không được nghe pháp nên bị đọa làm phàm phu, rơi vào ba đường ác, đó là điều thiếu xót thứ năm đối với luật pháp Thánh Hiền.
Đó là năm điều thiếu sót do không vào trong đại chúng mà gây ra.
Thế cho nên nói: Muốn thấy các điều chân thật, phải ưa nghe nói pháp.
Dứt bỏ bỏn sẻn: Trong các thứ dơ bẩn thì tâm bỏn sẻn là dơ bẩn nhất. Người có tâm ô nhiễm thì không thể đến với đạo. Bỏn sẻn, ganh tị ngăn trở tâm bố thí của người, cắt đứt cội gốc các công đức. Nếu người tu hành, tâm nguội lạnh như tro thân, giữ lòng bền chặt như đất, dù gặp tài sản vật báu, vẫn không bao giờ ham muốn, coi tài sản vật báu kia như gạch ngói không khác. Chỉ tin vào đạo, không theo thói điên đảo.
Cho nên nói: Dứt bỏ bỏn sẻn, ấy gọi long tin.
Tin qua được sông
Phước ấy khó đoạt
Cấm ngăn được trộm
Sa Môn vui đồng.
Tin qua được sông: Tâm dốc lòng tin thì không có gì cản trở nổi.
Như người ta thường nói là: Đi gần, nếu đi xa thì thường bị người ta gạt gẫm. Tiến tới trước thì thật là gian nan, nhưng không sợ gì lời dối gạt. Người đã có lòng tin rồi thì cứ thế mà bước, dù có gặp gian nan vẫn lướt qua dễ dàng.
Một người nọ có lòng tin thẳng thắn định qua bên kia sông, bèn hỏi người đi đường rằng: Sông này sâu hay cạn?
Đáp rằng: Chỉ tới mắt cá chân thôi.
Người này vững niềm tin, liền lội qua sông, thật y như lời người kia nói. Nhờ người này có lòng tin nên sau khi chết, sinh vào nơi nào cũng không trái lời. Người có lòng tin được mọi người tôn kính, cho là người phước đức.
Cho nên nói: Lòng tin có khả năng đưa người ta qua bên kia sông.
Phước ấy khó đoạt: Xưa, có một người phạm nào luật pháp vua, gia sản tài vật đều bị sung vào của quan. Vua ra lệnh cho y phải giao nộp cho quan hết sổ bộ về tài sản. Người ấy lại đem nộp cho quan sổ bộ về phước đức.
Vua hỏi anh ta: Ta ra lệnh cho ngươi nộp sổ bộ về gia sản!
Sao ngươi lại nộp sổ bộ về phước đức làm gì?
Người kia thưa: Sổ bộ về gia sản đời sau của tôi, chính là sổ này. Còn sổ bộ gia sản đời này của tôi thì tùy bệ hạ ghi chép.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười - Phẩm Tỏ Bày Công đức
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Một - Phẩm Một Pháp - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Bảy - Kinh Giả Tiếng Uyên ương
Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Năm - Phẩm Phân Thân