Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Dứt Hết Tham Chấp Vướng Mắc - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM DỨT HẾT

THAM CHẤP VƯỚNG MẮC  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo bốn bộ chúng là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng với các vị Đại Bồ Tát và tám bộ chúng Thiên, Long, quỷ thần rằng: Như có các vị Đại Bồ Tát, muốn đạt được nhất thiết trí, muốn hoàn thành quả vị Bồ Tát.

Muốn có được pháp tam muội Kim Cang, muốn hàng phục được hết thảy các thứ ma, muốn đạt được hết thảy các pháp môn tổng trì, muốn lìa bỏ mọi nơi chốn bỉ thử, muốn được trang nghiêm cây Bồ Đề, thì các hàng thiện nam, thiện nữ ấy phải nên tu tập các hành dứt mọi tham đắm vướng chấp của Như Lai.

Lại nữa, này các vị thiện nam, thiện nữ! Muốn đạt được Cõi Phật thanh tịnh giáo hóa chúng sinh, đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác để phụng sự kính lễ cúng dường Chư Phật Thế Tôn thì cũng phải tu học các hành dứt hết tham vướng của Như Lai.

Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, muốn đạt được các pháp kỳ diệu đặc biệt hết sức tôn quý của Như Lai, hoặc có chúng sinh không muốn ở nơi ba cõi nhận lấy hình tướng sắc ấm, muốn xa lìa năm mối lo khổ, không muốn bị trôi nổi trong năm đường, thì hết thảy các hàng thiện nam, thiện nữ ấy phải luôn tu tập theo các hành dứt hết mọi tham vướng của Như Lai.

Đức Phật lại bảo các vị thiện nam, thiện nữ: Sau khi ta nhập Niết Bàn, chánh pháp dần suy, có nhiều chúng sinh chỉ dựa dẫm mượn lấy hình thức pháp phục, tham những lợi dưỡng nhỏ, giả dối phát đạo tâm, tâm ý không thanh tịnh làm tổn giảm uy tín của chánh pháp.

Những hạng người ấy rõ ràng là không tin Tam Bảo kể cả các hành của Hiền Thánh, tuy ở nơi chúng đệ tử của ta nhưng thật đã xa cách ta hết mực.

Lại như có các vị thiện nam, thiện nữ tu tập theo các hành dứt tham chấp của Như Lai, thì tuy còn ở hàng phàm phu, chưa đạt quả vị Bồ Tát, nhưng tâm đã được giữ gìn vững chắc không hề rời nẻo đạo. Những người đó cho dù sống ở những nơi chốn xa cách hàng trăm ngàn vạn ức do diên nhưng vẫn được xem là gần gũi với ta.

Vì sao?

Vì những hàng thiện nam, thiện nữ ấy đã tu tập theo hành dứt mọi tham vướng của Như Lai.

Bấy giờ, có một vị Bồ Tát tên là Minh Quán, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ ngang chân Phật và thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là các hành đã dứt hết mọi vướng chấp của Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Kính mong Đức Thế Tôn mỗi mỗi phân biệt rõ khiến cho các vị trong chúng hội thảy được thông tỏ.

Đức Phật bảo Bồ Tát Minh Quán: Ta nay sẽ hỏi Bồ Tát và Bồ Tát sẽ theo đấy trả lời.

Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát do đâu mà có được hiệu là Minh Quán?

Do sắc mà được chăng?

Do thống thọ, tưởng, hành, thức chăng?

Do từ thân hay do từ tên gọi?

Nói chung là do những gì mà có được hiệu là Minh Quán?

Bồ Tát Minh Quán thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Quán sắc chẳng phải sắc cũng chẳng phải có sắc. Tánh của sắc vốn là không cũng chẳng có sắc. Sắc của ta, sắc của kẻ khác gốc là không chốn có. Sắc không gốc không. Tánh của sắc cũng tự không.

Các pháp là như nhiên lại không như nhiên. Các pháp bùng phát gốc không tự nhiên. Quán sắc là vô sinh, cũng không thấy có sinh.

Sinh tự nó đã là vô sinh huống lại có Sắc?

Chỉ vì chúng sinh do tâm si mê trùm lấp không thể tự giác ngộ nên mới dẫn đến khổ não, rơi rớt sâu trong cõi sinh tử lưu chuyển khắp năm nẻo, thân chết gọi là diệt trở lại thọ thân khác.

Như Lai là Bậc Giác Ngộ lớn lao dứt sạch hết mọi thứ tham đắm cấu nhiễm, biết rõ nẻo khứ lai cùng lìa mọi trói buộc, cội nguồn các hành thảy quy về không. Thống thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Quán thức chẳng phải thức cũng chẳng phải có thức. Thức của ta và người khác gốc là không chốn có. Thức không gốc không, tánh của thức vốn không.

Các pháp tự nhiên lại không tự nhiên. Các pháp bùng phát gốc không tự nhiên. Quán thức là không sinh cũng không thấy sinh. Sinh tự nó đã là vô sinh huống lại có thức. Chỉ vì chúng sinh tâm si mê trùm lấp chẳng thể tự giác ngộ nên mới dẫn đến khổ não, rơi chìm trong sinh tử lưu chuyển ở năm đường, thân chết đi gọi là diệt, trở lại thọ nhận tướng khác.

Như Lai là Bậc Đại Thánh đã dứt hết mọi nẻo tham đắm cấu nhiễm, biết rõ nẻo khứ lai cùng mọi mối trói buộc, cội nguồn các hành thảy quy về không, các hành dứt sạch tham vướng cũng giống như vậy, tự đạt đến Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Huống nữa các hàng thiện nam, thiện nữ được nghe ắt tin tưởng lãnh hội đối với các pháp của Phật, do đấy mà gọi là hành dứt hết mọi tham chấp vướng mắc.

Bồ Tát Minh Quán lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như khiến cho các hàng thiện nam, thiện nữ được nghe về hành dứt mọi tham vướng của Đức Như Lai thì liền ở trong ấy phát tâm Bồ Tát. Tuy có niệm đó nhưng không cúng dường Chư Phật Thế Tôn, các hàng ấy rõ là đối với hành dứt mọi tham vướng của Như Lai chỉ làm hao giảm.

Lại như các hàng thiện nam, thiện nữ tâm ý biếng trễ, không tỏ ra ham thích tu tập các hành dứt tham vướng, nhưng rồi tự mình có thể khắc phục được tâm niệm cũ mà dốc tu tập hành dứt tham vướng. Chỉ trong một niệm không hề quên mất, liền được phát tâm hướng tới đạo quả vô thượng Bồ Đề, huống chi là dốc sức tin tưởng phụng hành.

Như các hàng thiện nam, thiện nữ, đạt được pháp tam muội Kim Cang của Đức Như Lai, phát tâm với thệ nguyện rộng lớn không gì có thể hủy hoại, thì những vị ấy đều nhờ ở hành dứt mọi tham vướng của Như Lai mà được thành tựu.

Lại như các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được pháp tam muội là Vua trong các pháp tam muội tên là Phấn tấn dũng, như các vị Đại Bồ Tát đạt pháp tam muội đó thì liền có thể hàng phục được các thứ ma.

Các hàng thiện nam, thiện nữ ấy đều do hành dứt mọi tham vướng của Đức Như Lai mà thành tựu đầy đủ.

Lại như các hàng thiện nam, thiện nữ, có được lòng tin về pháp không bao gồm vô lượng hành của Bậc Giác Ngộ, tu tập bốn ý chỉ, mỗi niệm đều thành tựu, nhận rõ trong ngoài đều vô hình tướng, không tịch, thì những vị ấy đều từ nơi pháp hành dứt sạch tham vướng của Như Lai, cũng là của các Bậc Thánh Hiền mà được thành tựu.

Như các hàng thiện nam, thiện nữ đạt được bốn thần túc tâm thức tự tại, mọi sinh hoạt ngồi nằm kinh hành đều không bị trở ngại, đi đến vô lượng Thế Giới trong mười phương kính lễ cúng dường Chư Phật Thế Tôn, thì những vị thiện nam, thiện nữ ấy cũng lại từ nơi hành dứt sạch tham vướng của Như Lai, Thánh Hiền mà được thành tựu trọn vẹn.

Như các vị thiện nam, thiện nữ cùng với các vị Đại Bồ Tát tu tập đạt bốn ý đoạn cho đến mười tám pháp, ba mươi bảy phẩm đạo, làm trang nghiêm Cõi Phật đủ các tướng tốt, tám thứ âm thanh vượt hơn cả Phạm Thiên, nếu có chúng sinh được nghe âm thanh của Phật liền được giải thoát, thì các vị đó cũng lại từ hành dứt sạch tham vướng của Như Lai và Thánh Hiền mà thành tựu được.

Lại như các hàng thiện nam, thiện nữ mỗi mỗi tư duy về các pháp không, vô tướng, vô nguyện, chẳng trở lại tham đắm dấy tưởng thị phi, duyên vào ba pháp quán ấy mà sẽ thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề, thì các vị thiện nam, thiện nữ đó cũng lại nhờ nơi hành dứt sạch tham vướng của Như Lai và Thánh Hiền nên thành tựu trọn vẹn.

Như có các hàng thiện nam, thiện nữ, từng theo vô số Chư Phật Thế Tôn được Phật thọ ký Bồ Tát sẽ thành Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, dốc chí kiên cố trọn không hề thoái chuyển giữa chừng, cũng không bị các thứ ma phá hoại ngăn trở, thì các vị thiện nam, thiện nữ đó cũng lại nhờ ở hành dứt sạch mọi tham vướng của Đức Như Lai và Thánh Hiền mà thành tựu được.

Bấy giờ, Bồ Tát Minh Quán thuyết giảng về pháp hành dứt sạch tham vướng của Như Lai và Thánh Hiền xong, thì có đến tám mươi bốn ức loại chúng sinh vui thích mong muốn được tu tập theo hành ấy. Lại có vô số người mong được gần gũi với Bồ Tát Minh Quán xem Bồ Tát là một bậc Thầy gương mẫu.

Lại có vô lượng chúng sinh đều sinh tâm niệm cho rằng: Hôm nay Đại Bồ Tát Minh Quán xem như đã từ lâu thành Bậc Vô Thượng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhận biết trong chúng hội có nhiều người dấy tâm niệm như trên, nên liền bảo Bồ Tát Minh Quán rằng: Bồ Tát hiện nay do có thể nêu giảng thông suốt về hành dứt sạch tham vướng của Như Lai, nói chung trí tuệ giác ngộ của Như Lai là vô cùng vô tận.

Về sau này, trải qua vô số A tăng kỳ kiếp, nơi phương trên, cách cõi này năm mươi hằng sa Quốc Độ Chư Phật, có Đức Phật hiệu là Vô Cấu Như Lai Chánh Đẳng, Chánh Giác, chỉ thuần có Nhất thừa để giáo hóa chúng sinh không hề nghe đến tên gọi hàng đệ tử Duyên Giác.

Bồ Tát sẽ thành Phật ở cõi ấy hiệu là Minh Quán Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, Bồ Tát sẽ thành Phật với danh hiệu như thế.

Bấy giờ hết thảy các vị trong chúng hội, thấy Đức Như Lai thọ ký cho Bồ Tát Minh Quán, thì hoặc có người biết rõ sự việc, có người chẳng biết rõ sự việc.

Đức Thế Tôn liền quan sát tâm niệm của nhiều người biết họ đều dấy lòng hồ nghi, liền bảo Bồ Tát Minh Quán rằng: Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác ở giữa đại chúng đã thọ ký cho Bồ Tát, có nhiều vị biết rõ sự việc, nhưng có nhiều vị không biết rõ sự việc. Có tám nhân duyên về sự việc ấy.

Những gì là tám?

Các hàng thiện nam, thiện nữ đã được Như Lai thọ ký sẽ thành Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hết thảy mọi người không thể biết được. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, chỉ bản thân người được thọ ký biết, những kẻ khác không được biết.

Lại nữa, này Bồ Tát Minh Quán! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ ở trong đại chúng được Như Lai nhận thấy và thọ ký, những người khác đều thấy nhưng bản thân người ấy thì không biết. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, những người khác thảy đều thấy nhưng bản thân người được thọ ký thì không biết.

Này Đại Bồ Tát Minh Quán! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ được Chư Phật Thế Tôn nhận thấy và thọ ký là vị ấy sẽ thành Phật hiệu là như thế, bản thân vị được thọ ký nhận biết và những người khác đều nhận thấy. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, bản thân người được thọ ký nhận biết, những người khác cũng đều nhận thấy.

Lại nữa, này Đại Bồ Tát Minh Quán! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ, ở nơi đại chúng được Đức Như Lai chọn thọ ký, bản thân người ấy không biết mà những người khác cũng không biết. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, bản thân người được chọn và những người khác đều không biết.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Minh Quán: Như có các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi đại chúng nhận sự thọ ký của Như Lai, nhưng người được nhận sự thọ ký ấy hãy còn chưa tới nên không gần được Như Lai, người gần gũi Như Lai tự nhận biết về sự thọ ký ấy. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh người xa nhận biết những người gần thì không nhận biết.

Này Đại Bồ Tát Minh Quán! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ ở nơi đại chúng được Như Lai chọn để thọ ký, người gần Như Lai đều tự nhận biết rằng: Hôm nay Như Lai đã vì mình mà thọ ký.

Những người xa Như Lai cũng lại nêu lên rằng Như Lai hôm nay đã thọ ký cho chúng ta, nhưng những người này thực sự chưa biết được việc thọ ký ấy. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, những người gần thì nhận biết, những người xa thì không biết.

Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Minh Quán: Như có các vị thiện nam, thiện nữ được Chư Phật Thế Tôn chọn để thọ ký sẽ thành Phật hiệu là như vậy, những người gần hay xa cũng đều không được biết. Đó gọi là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, mọi người xa gần đều không biết.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Minh Quán: Như có hàng thiện nam, thiện nữ ở nơi đại chúng được Như Lai nhận thấy và thọ ký, người gần hay xa đều biết nhưng người khác thì không thấy. Đó gọi là tám pháp nhân duyên của Như Lai về việc thọ ký, pháp này là Như Lai thọ ký cho chúng sinh, những người gần xa đều nhận biết những người khác thì không nhận thấy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng các vị Bồ Tát và tám bộ chúng Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân rằng: Các vị hầu như đã nhận thấy Bồ Tát Minh Quán được thọ ký rõ ràng chăng?

Tất cả đồng thanh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không thấy.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Nếu có vị Đại Bồ Tát được Như Lai thọ ký, lúc mới phát đạo tâm để nhận lấy sự thọ ký ấy là không đồng.

Nay các vị Bồ Tát Minh Quán này được Như Lai thọ ký, bản thân Bồ Tát nhận biết còn những người khác không biết, là vì những người ấy chưa đạt được bốn pháp Vô sở úy của Như Lai, phát tâm với thệ nguyện của mình chưa rộng khắp đến mọi chúng sinh, lại cũng chưa có được phương tiện quyền xảo, vì thế mà sự thọ ký chỉ bản thân người được thọ ký tự biết, những người khác không biết.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như có các vị thiện nam, thiện nữ nhận sự thọ ký của Như Lai, mọi người đều thấy nhưng bản thân người ấy thì không biết.

Những người như thế đã phát tâm rộng lớn đến khắp loại chúng sinh, đạt được bốn pháp vô sở úy và với sự phát tâm rộng lớn, có được phương tiện khéo léo để giáo hóa chúng sinh. Vì thế sự thọ ký ấy, những người khác nhận biết còn bản thân người được thọ ký thì không tự biết.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như có các vị thiện nam, thiện nữ được Như Lai thọ ký, bản thân người ấy tự biết và những người khác cũng đều nhận thấy.

Những người như thế là đang an trụ nơi Địa thứ bảy và nhận rõ về quán không, không còn chấp vào các tưởng tham đắm cấu nhiễm của chúng sinh, từ lúc mới phát đạo tâm đã không dấy niệm này: Ta sau khi thành Phật sẽ hóa độ từng ấy chúng sinh, chẳng độ từng ấy chúng sinh, mà tâm mở rộng như hư không chẳng có thể hủy hoại được, do đạt được bốn pháp vô sở úy của Như Lai.

Đạt pháp tam muội quán không với các phương tiện quyền xảo. Vì thế sự thọ ký ấy, bản thân người ấy được thọ ký tự biết và người ngoài cũng nhận thấy.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như có các hàng thiện nam, thiện nữ nhận sự thọ ký của Như Lai, bản thân người ấy không biết người khác cũng không biết, như thế là những người ấy chưa ở được nơi bảy trụ với Địa không thoái chuyển.

Tuy có được phương tiện quyền xảo, vui thích tin tưởng ba bậc tôn quý, cúng dường kính lễ phụng sự Chư Phật Thế Tôn, nhưng chưa đạt được hành dứt sạch tham vướng của Như Lai, chưa có thể làm thanh tịnh Cõi Phật để giáo hóa chúng sinh. Vì vậy sự thọ ký này bản thân người được thọ ký không biết và những người khác không nhận thấy.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ nhận sự thọ ký của Như Lai, những người ở xa được nhận biết còn những người ở gần thì không nhận biết. Những người như vậy như là trường hợp Bồ Tát Di Lặc đấy.

Vì sao?

Vì những thiện nam, thiện nữ các căn gồm đủ, không rời bỏ việc thực hiện hành dứt mọi tham vướng của Như Lai. Do vậy mà sự thọ ký này những người xa nhận biết còn chính mình và những người gần thì không nhận biết.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như các vị thiện nam, thiện nữ được Như Lai thọ ký, những người gần thì biết, còn những người xa thì không biết, cũng chẳng phải chúng hội có thể ước lượng để biết được. Những người như thế là đã đạt quả vị Bồ Tát nhưng chưa có thể diễn nói về các hành của Bậc Thánh Hiền, hiện nay như Bồ Tát Sư Tử Ủng vậy.

Các tướng đầy đủ, không lìa bỏ gốc của các pháp, ở trong pháp dứt sạch mọi tưởng không hề hủy hoại pháp tánh. Vì thế mà sự thọ ký này người gần nhận biết còn người xa thì không nhận thấy, cũng chẳng phải chúng hội có thể lường tính để biết được.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ được Như Lai thọ ký, cả người gần xa đều được biết, những người như vậy là các hành đều gồm đủ, đã thực hiện vô lượng các Phật Sự chẳng thể nghĩ bàn, vượt qua khỏi biển rộng sinh tử đạt đến bờ giải thoát.

Vì sao?

Vì những thiện nam, thiện nữ ấy các căn gồm đủ, không hề rời bỏ việc thực hiện hành dứt sạch tham vướng của Như Lai, đi đến khắp vô lượng Thế Giới trong mười phương, thể hiện rõ các thần đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật, hiện nay như Bồ Tát Nhu Thuận vậy. Vì thế sự thọ ký này là cả những người gần xa cũng đều nhận biết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần