Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Một - Phẩm Nêu Bày Khắp Chốn - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM NÊU BÀY KHẮP CHỐN
PHẦN MỘT
Nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ngự tại giảng đường Phổ Thắng thuộc địa phận nước Ma Kiệt Đà cùng với đông đủ chúng đại Tỳ Kheo gồm mười ngàn vị Tỳ Kheo và một vạn năm ngàn vị Bồ Tát. Tất cả các bậc Đại thánh thảy đều vân tập đến Đạo Tràng.
Đó là những bậc đức hạnh gồm đủ, không hề xa rời các pháp tổng trì, chí nguyện rộng lớn bao trùm khắp mọi nơi chốn, thông đạt mọi thứ biện tài, dứt trừ sạch hết bao lớp lưới nghi hoặc, thần thông tự tại, giảng giải nêu bày mọi nẻo diệu nghĩa.
Sử dụng các phương tiện quyền xảo để sự hành hóa luôn thích nghi, thuận hợp, thể hiện lòng từ bi đến mọi hàng chúng sinh thấp kém, dẫn dắt họ đạt đến bờ giác ngộ.
Các bậc ấy luôn thực hiện thông suốt các pháp tam muội chánh thọ của Đức Như Lai, được Chư Phật khen ngợi, được Chư Thiên cùng chúng nhân cung kính.
Do mọi sở nguyện đều tự tại nên các vị ấy không còn bị một chướng ngại nào, có thể du hóa đến khắp các xứ sở lãnh vực thù thắng đặc biệt với những thần túc biến hóa gồm đủ các hình tướng, đã hàng phục hết thảy các thứ ma, thông tỏ mọi nẻo ánh sáng của các pháp cũng như phân biệt các pháp.
Cùng thấu đạt ngọn nguồn mọi lối tu chứng, quan sát và nhận biết mọi cội rễ tạo tác từ xa xưa của chúng sinh, diễn giải tường tận, thích ứng các đạo phẩm không, vô tướng, vô nguyện. Các bậc ấy đối với tám sự việc ở đời không còn tham đắm, vướng mắc.
Lại luôn mở rộng lòng từ bi lớn lao hơn nữa để cứu độ chúng sinh. Thân, khẩu, ý luôn được giữ gìn để dứt mọi nẻo tà kiến. Chí luôn dốc tinh tấn, tâm bền chắc như kim cương. Tuy trải qua vô số kiếp phải chịu nhiều khó khăn, khổ nhọc, nhưng tâm họ luôn dũng mãnh, không hề biểu lộ sự mỏi mệt, chán nản.
Ở nơi đại chúng luôn hiện rõ oai nghi của bậc Sư Tử. Thuyết phục, chế ngự mọi luận thuyết ngoại đạo, khiến cho đại chúng không hề thoái chuyển đối với chánh pháp, dùng các nét đặc trưng của đạo giác ngộ để ấn chứng, trao truyền.
Mọi nơi chốn du hóa của Chư Phật thảy đều đi đến khắp, xem đấy đều là những chốn tu tập nhằm đạt tới nẻo Chánh Giác, đem lại vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh cho Đạo Tràng với vô lượng nét nguy nga cao tột.
Các bậc đó dù đang hành hóa hay tọa thiền đều luôn hội nhập vào cõi trí tuệ vô bờ, tâm luôn an vui, dứt sạch mọi nỗi khiếp nhược, các pháp được diễn giảng luôn bình đẳng, không phân biệt.
Đối với những người đã thành hay chưa thành đạo vô thượng đều luôn xem như đồng loại. Đối với những lời khen ngợi, ca tụng về tên tuổi, công lao luôn có được sự an nhiên, tự tại, dốc tu các pháp thâm diệu, theo đúng các đều cốt yếu để giảng dạy, làm sáng tỏ đạo pháp.
Ở nơi đạo chúng luôn thể hiện hình tướng uy nghiêm, tươi sáng, rạng rỡ. Mọi nẻo thông đạt của Thần Thông và trí tuệ thâm diệu, thật không thể nêu bày, lường tính. Chỉ trong chốc lát như búng ngón tay, có thể đi đến khắp vô lượng Quốc Độ của Chư Phật Để cúng dường các bậc Chánh Giác trong mười phương.
Tôn hiệu của các vị ấy là Bồ Tát Hoan Diệu, Bồ Tát Sơn Lôi, Bồ Tát Tuệ Mật, Bồ Tát Phổ Minh, Bồ Tát Tế Bỉ, Bồ Tát Tổng Trì, Bồ Tát Kim Cang, Bồ Tát Thạch Ma Vương, Bồ Tát Lôi Chấn, Bồ Tát Vũ Đế, Bồ Tát Thiện Toán, Bồ Tát Trí Tích, Bồ Tát Pháp Thượng, Bồ Tát Tức Ý, Bồ Tát Trừ Huyễn, Bồ Tát Thiện Xứng, Bồ Tát Hư Không Tạng.
Bồ Tát Uy Lực, Bồ Tát Diễm Quang, Bồ Tát Thức Cơ, Bồ Tát Tận Tuệ, Bồ Tát Vô Biên Tế, Bồ Tát Kiên Cố Chí, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Pháp Xí, Bồ Tát Vô Kiến, Bồ Tát Vô Đẳng, Bồ Tát Nhật Thạnh Minh…
Vô số các vị Bồ Tát như vậy khắp các Thế Giới Chư Phật trong mười phương thảy cùng vân tập đến Thế Giới Ta Bà để được nghe Đức Như Lai thuyết giảng về pháp Anh Lạc Đại Trí Căn Môn cội rễ của cửa ngõ dẫn tới trí tuệ lớn rộng trang nghiêm hướng đến Bồ Tát tạng, với sự thể hiện vô lượng các phương tiện chẳng thể nghĩ bàn.
Lại có các bậc Bồ Tát trong hiền kiếp như Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, mười sáu vị Đại Thánh trong nhóm Bồ Tát Bạt Đà Hòa, tám vị Đại Thần Sĩ, Đế Thích, Tứ Thiên Vương.
Cùng với Chư Thiên Nhân các Cõi Đao Lợi Thiên, Câu Diễm Thiên, Đâu Thuật Thiên, Bất Kiêu Lạc Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Ma Tử Đạo Sư, Phạm Thiên Vương, Phạm Tịnh Thiên Vương, Thiện Phạm Thiên Vương, Phạm Cụ Túc Thiên Vương, Đại Thần Diệu Thiên, Tịnh Cư Thiên, Ly Cấu Quang Thiên, cho đến tận Cõi Nhất Thiện Trú Thiên.
Các vị Thiện Thần ở Cõi Trời Yến cư các vị Thần núi non, Thần cây cối, Thần Kim Sí Điểu, cùng với hết thảy các vị Thần tôn quý khác, mỗi mỗi vị đều tự bày tỏ sự tôn kính hết mực.
Cùng với tám bộ chúng là Thiên, Long, Quỷ Thần, A Tu La, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân với Phi Nhân, mỗi vị đều cùng với đám quyến thuộc đi đến nơi chỗ Phật, cung kính đảnh lễ xong rồi đứng hầu bên cạnh. Các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, mỗi người đều biểu lộ sự cung kính, đến trước Đức Phật Đảnh lễ rồi lui ra an tọa một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn được hàng trăm hàng ngàn chúng đệ tử đông đảo như vậy vây kín xung quanh đã ung dung bước lên tòa Sư Tử cao rộng, uy nghiêm, thanh tịnh để vì đại chúng thuyết giảng về pháp Anh Lạc.
Đức Phật ở giữa đại chúng, giống như ngọn Tu Di sừng sững, ánh sáng như màu vàng ròng, oai thần rạng ngời, không gì trong đời có thể sánh được, uy nghi đạo đức lồng lộng, vô lượng, phóng ra ánh hào quang lớn, tỏa chiếu khắp mọi nơi, lại dùng diệu lực thần thông biến hóa, tạo sự cảm ứng cả mười phương.
Cùng lúc, giữa không trung bỗng hiện ra trăm ngàn lọng báu Anh Lạc cùng với đủ loại châu báu phủ giăng khắp hướng. Các thứ châu báu vô giá tỏa ra ánh sáng chói lòa cả hư không, lơ lửng bàng bạc khắp cả đều từ những loại châu báu ấy phát ra. Màu sắc, hình tượng không gì sánh bằng.
Cũng trên khoảng không đó lại hiện ra những đám mây mỏng, mưa xuống vô vàn hoa hương tung rải đầy khắp mặt đất. Lại phát ra những âm thanh lớn vang động cả mười phương Thế Giới.
Lúc này có một vị Bồ Tát tên là Phổ Chiếu, nương theo uy thần của Phật, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, quỳ gối, chắp tay cung kính, thưa: Kính bạch Thế Tôn! Hiện nay mọi chỗ Thần biến đã hiện ra và còn đang tiếp diễn, thật là điều chưa từng thấy nghe.
Như vậy là ứng hợp với điềm lành gì?
Kính mong Bậc Đại Thánh giảng giải ý nghĩa ấy, khiến cho các vị trong chúng hội dứt sạch hết mọi hồ nghi.
Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Chiếu: Bồ Tát hãy trở về an tọa nơi chỗ cũ của mình. Ta sẽ vì Bồ Tát mà nêu bày rõ ràng, đầy đủ về ý nghĩa của pháp Anh Lạc, chỉ rõ cội rễ các pháp môn tu tập để vượt qua mọi nẻo vọng tưởng, thông tỏ mọi hướng ánh sáng giác ngộ, tiếp cận với Nhất thiết trí.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại dùng thần thông để xem chỗ nhập Định ý của các vị Bồ Tát. Pháp ấy gọi là đạo thọ Anh Lạc, đem lại sự thanh tịnh cho các bậc Đại Sĩ, làm trang nghiêm Đạo Tràng, nhận rõ con đường của chánh pháp để dứt hết mọi thứ sợ hãi, hội nhập vào biển trí tuệ của các Bậc Giác Ngộ mà có được mọi tự tại, nẻo đi vào cửa đạo ấy không làm mất các thứ biện tài.
Đức Thế Tôn lại dùng Thần lực Anh Lạc, ở nơi tòa báu ấy diễn giảng thông suốt, rõ ràng về đại Bất thoái chuyển, giải bày về mọi pháp giới là không, là không thực có, quan sát về căn tánh lợi độn của chúng sinh, tâm ấy luôn kiên cố để quyết đoán tất cả các pháp, dứt trừ mọi phiền não cấu nhiễm, thuận theo những điểm chính yếu của giáo pháp.
Đó là sự tin tưởng hoạt dụng không còn chút tham đắm, vướng mắc, ứng đối luôn thông suốt, đi lại luôn ung dung, thuyết giảng về trí tuệ vô ngại, hoàn toàn dứt hết mọi thứ trói buộc, chấp trước. Tích chứa bao lớp công đức nhưng không ôm lòng mong cầu.
Các pháp được thuyết giảng chính là sự xét đoán kỹ lưỡng về sự thật, chân lý, biểu hiện của chân như, không vướng vào các pháp hữu vi với mọi nẻo phát triển, diễn biến. Xem mọi hình tướng đều là vô tướng, là do sự tương hợp mà hiện hữu, thông tỏ tính chất thâm diệu của mười hai duyên khởi, suy cứu đến mọi ngọn nguồn, vượt qua mọi giới hạn.
Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Chiếu lại từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước chỗ Đức Phật cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con muốn được nêu lên chỗ mình cần hỏi, mong Thế Tôn chấp nhận thì con mới dám bày tỏ.
Đức Phật nói: Lành thay! Bồ Tát cứ việc nêu ra những điều mình muốn hỏi, nếu có những chỗ còn nghi ngờ thì cũng nên trình bày đầy đủ, Như Lai sẽ vì Bồ Tát mà giảng giải tường tận.
Bấy giờ Bồ Tát Phổ Chiếu thấy Đức Phật chấp thuận nên hết sức vui mừng và thưa:
Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là pháp Anh Lạc nơi thân tướng của Bồ Tát?
Thế nào gọi là Bồ Tát dứt trừ các vọng kiến?
Thế nào gọi là Bồ Tát dấy khởi các pháp xuất thế gian?
Thế nào gọi là Bồ Tát du hóa đến các Thế Giới?
Thế nào gọi là Bồ Tát gần gũi với Như Lai?
Thế nào gọi là Bồ Tát không theo con đường sinh ra từ thai mẹ?
Thế nào gọi là Bồ Tát khi sinh ra đã thâu tóm được thần thức không còn bị tán loạn?
Thế nào gọi là Bồ Tát luôn dốc sức tin tưởng, tinh tấn?
Làm sao Bồ Tát dứt được nẻo vị kỷ đối với chính mình?
Thế nào gọi là Bồ Tát cứu độ mọi thứ hệ lụy, khổ não?
Thế nào gọi là Bồ Tát thực hiện sự bố thí về của cải và chánh pháp?
Thế nào gọi là Bồ Tát nhận rõ về diệu nghĩa không?
Thế nào gọi là Bồ Tát dứt bỏ hết mọi lớp ngăn che vây bủa?
Thế nào gọi là Bồ Tát làm rạng rỡ giới pháp?
Thế nào gọi là Bồ Tát nghe pháp không hề biết chán nản?
Thế nào gọi là Bồ Tát vui thích với các pháp chỉ quán?
Thế nào gọi là Bồ Tát dốc tu tập giới luật thanh tịnh?
Thế nào gọi là Bồ Tát phát nguyện lìa bỏ các pháp thế gian?
Thế nào gọi là Bồ Tát lìa bỏ gia nghiệp?
Thế nào gọi là Bồ Tát không còn tham đắm, vướng mắc?
Thế nào gọi là Bồ Tát luôn gồm đủ mọi oai nghi thích hợp?
Thế nào gọi là Bồ Tát luôn thận trọng về ngôn ngữ, tâm không hề sai trái?
Đó là những điều con xin hỏi và mong được lãnh hội diệu nghĩa cùng yếu chỉ của chúng.
Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Chiếu: Lành thay! Lành thay! Bồ Tát đã có thể hỏi Như Lai về những ý nghĩa như thế. Bồ Tát nên dốc tâm lắng nghe, khéo suy nghĩ và ghi nhớ, gạt bỏ khỏi tâm mình những vướng bận khó lìa bỏ đối với mọi tạo tác của hàng phàm phu.
Bồ Tát Phổ Chiếu thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con xin dốc lòng lãnh hội các pháp của Bậc Đại Thánh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Chiếu: Tu tập theo con đường Bồ Tát phải nên nhớ nghĩ về mười đức để đem lại sự trang nghiêm nơi thân tâm mình. Thân, khẩu, ý đối với các pháp không nên nói nhiều về chỗ yếu kém của người, với các bạn đồng học không được dấy tâm khinh mạn, tâm luôn bình đẳng, không tăng giảm như hư không, lìa bỏ mọi nẻo ác cùng các tâm niệm hại người.
Xem mọi chúng sinh không khác với bản thân mình, nhờ thân mà đạt được chí nguyện với mọi hiểu biết vô tận. Lại đem bốn chân lý đúng đắn về cuộc đời để giảng dạy trao truyền cho mọi chúng sinh, tâm luôn giữ được sự tịch tĩnh, an nhiên, nhờ đấy đạt được những thành tựu từ sự thức tỉnh giác ngộ.
Lại dùng các thứ trí tuệ làm trang nghiêm tươi đẹp cho các pháp môn thâm diệu, nhằm dẫn dắt hàng nhị thừa đạt đến chỗ diệu lý của đại thừa để dốc sức học hỏi, nhận thức thông đạt về các pháp, tu tập theo nẻo công đức, hạnh nguyện của Như Lai.
Giáo hóa dẫn dạy để lần lượt đạt đến kết quả, không đi theo nẻo bạo lực, phóng dật, tự tu tỉnh đối với những lỗi lầm của chính mình, không nên chú ý quá vào chỗ thua kém của kẻ khác, vượt qua mọi thứ khó khăn để luôn vui thích với đạo pháp.
Thực hiện các pháp định tịch tĩnh để dứt bỏ vọng loạn, xua trừ các mối nghi hoặc, cùng những tâm niệm mong cầu, ỷ lại. Đối với những kẻ còn do dự thì nên giúp họ có được hoàn cảnh để tỉnh ngộ, luôn giữ vững đạo tâm là nơi chốn đạo nên gốc của mọi đức hạnh.
Lại gắng giáo hóa mọi người khiến họ không hủy hoại giới cấm, thường đem lòng thương xót rộng lớn vì con người mà thuyết giảng Kinh Pháp, du hóa đến mọi Thế Giới không lúc nào xa lìa Chư Phật. Luôn nêu bày, chỉ rõ sự giữ gìn giới luật để đạt đến nhất thiết trí.
Lại đem các pháp Anh Lạc tỏa sáng làm tăng thêm sự trang nghiêm của Chư Phật, làm thanh tịnh chốn Đạo Tràng tôn quý.
Ánh sáng của các pháp Anh Lạc ấy không đâu là không tỏa chiếu khắp, cả đến Cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, ngăn che ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, khiến chúng như không còn phát ra ánh sáng nữa. Chính sự thần diệu của các pháp ấy đã khiến cho các bậc Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương với mọi uy quang vốn có của mình, như đều bị chìm mất đi, không còn xuất hiện.
Ánh hào quang của Như Lai là ánh sáng của Bậc Chánh Giác, thật khó tính lường được: Riêng tỏa sáng, riêng hiển lộ, không gì có thể sánh kịp. Đó gọi là sự tu tập theo con đường Bồ Tát tạo được sự tỏa chiếu khắp mọi nơi chốn, với mười đức Anh Lạc để tự tô điểm.
Luôn nhớ nghĩ về Chư Phật, cúng dường Chư Như Lai, tán dương giáo pháp của Bậc Giác Ngộ. Khuyến khích, hướng dẫn chúng sinh, đưa họ đến với cửa đạo.
Lại kêu gọi, thúc đẩy chúng sinh phát thệ nguyện lớn lao, với nẻo chốn hướng tới là được nghe danh hiệu của Chư Phật, sẽ dốc nuôi dưỡng những mầm chồi tốt đẹp, nguyện được sinh về Quốc Độ ấy. Chí nguyện lớn lao, rộng khắp, dứt sạch mọi khiếp nhược, hòa nhập vào cõi trí tuệ thâm diệu của Bậc Giác Ngộ, không hề hổ thẹn vì phải tham vấn những điều tầm thường, luôn an vui với các pháp vi diệu.
Đó chính là sự nhu hòa không tự tôn tự đại, vui thích với cuộc sống ẩn cư, dứt bỏ mọi tham lam ganh ghét. Thấy có kẻ tu tập hành hóa thì nên thay họ mà bày tỏ nỗi vui mừng, dùng diệu lực của các công đức để làm trang nghiêm cây Bồ Đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lê Tê đạt đa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Tán Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba - Phẩm Quán Chiếu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Mười Hai - Tâm Giải Thoát