Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Ba - Phẩm Thành Tựu đạo Quả

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần PHẨM MƯỜI BA

PHẨM THÀNH TỰU ĐẠO QUẢ  

Bấy giờ, có vị Bồ Tát tên là Vô Úy, từng cúng dường vô số Chư Phật thời quá khứ, đã đạt được các pháp tổng trì, nhận rõ về ba đời với mọi nẻo thành bại, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai bên phải, đến trước Đức Phật.

Quỳ mọp, chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con nay được nghe Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác nói về bốn pháp Thánh Đế, là pháp khó có được, chưa từng được nghe thấy. Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng tên của bốn pháp Thánh Đế ấy thì liền có thể làm cõi phước điền quý giá cho con người.

Vì sao?

Kính bạch Thế Tôn! Là vì các bậc thiện nam, thiện nữ ấy đã dốc sức tạo lập thệ nguyện lớn lao chẳng hề vì thân mình, đã muốn ở nơi cõi không vô tận để tế độ chúng sinh thảy đều đạt đến cảnh giới Niết Bàn vô dư mà nhập Bát Nê Hoàn.

Đại Bồ Tát đạt được bốn pháp Thánh Đế ấy thì sẽ quan sát và thấu tỏ mọi chúng sinh thảy là không chốn có. Bồ Tát quán không chẳng còn thấy có thân mình, cũng không có chúng sinh giữ lấy tâm với thệ nguyện lớn lao, dùng không để nêu cao không, ở nơi vô số kiếp đã tích lũy công đức, quan sát và nhận thấy Chư Phật xuất hiện ở đời.

Phân biệt các pháp là không có hình tướng, không tham vướng lợi lạc thế gian, với các nẻo lợi suy, chê bai, khen ngợi, nêu bày than thở khổ vui. Cũng biết được về tâm thức của chúng sinh thời quá khứ, hiện tại, vị lai với các nẻo chấp ngã, nhân, thọ mạng, mỗi mỗi đều phân biệt để có thể đạt được mọi thành tựu.

Bồ Tát Vô Úy lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì sao mà các loài chúng sinh chẳng có thể nêu bày ghi nhớ. Cũng chẳng phải là hàng A La Hán, Bích Chi Phật có thể đạt được.

Vô số hằng sa Chư Phật thời quá khứ vẫn có nhiều bậc đã phát tâm cầu đạo Bồ Tát, cho rằng: Ta dù trải qua thời gian rất lâu cũng sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Ta có thể dốc hết cõi Hư Không để nhận biết về cội nguồn của chúng sinh trong khắp cõi hư không, đã có thể phân biệt chúng sinh nơi hư không, lại có thể nhận rõ về các nẻo hướng tới hay không hướng tới của thức.

Những chúng sinh như thế thảy khiến trong một ngày đều có thể thành tựu đạo quả được chăng?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vô Úy: Về thức của quá khứ, hiện tại và vị lai chẳng phải là cảnh giới của Bồ Tát có thể phân biệt. Những điều mà Bồ Tát vừa nêu hỏi đều thuộc lĩnh vực uy thần của Phật.

Vì sao?

Vì Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nên mới có thể mỗi mỗi tuyên giảng thông suốt về các pháp thâm diệu.

Đức Phật nói tiếp: Này các vị Tộc Tánh Tử! Thức quá khứ như chỗ Bồ Tát vừa hỏi là thức có thể nhận biết tường tận về sự lưu chuyển nơi các Cõi Trời, Người trong bốn đường, cho đến tám bộ chúng với mọi nẻo từng trải qua và hướng tới, thức đều có thể phân biệt đầy đủ.

Bồ Tát Vô Úy thưa với Đức Phật: Như Lai là Bậc Vô Thượng, Chánh Giác, đã phát tâm với thệ nguyện rộng lớn nhằm có thể cứu vớt, hóa độ mọi chúng sinh nơi quá khứ, hiện tại và vị lai. Làm sao chỉ trong một ngày đều được thành Phật hết cả?

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Vô Úy! Chỗ hỏi của Bồ Tát là hết sức lớn, ta nay sẽ vì Bồ Tát mà mỗi mỗi phân biệt để nhận biết rõ mọi ý nghĩa của vấn đề được nêu hỏi.

Thức quá khứ chẳng ở trong quá khứ thúc đẩy sự nhận biết về quá khứ khiến được thành Phật. Chẳng ở trong hiện tại thúc đẩy sự nhận biết về hiện tại khiến được thành Phật. Cũng chẳng ở trong vị lai thúc đẩy sự nhận biết về tương lai khiến được thành Phật.

Vì sao?

Vì thức quá khứ chẳng phải là gốc của sự nhận biết về quá khứ. Thức vị lai chẳng phải là sự nhận biết về vị lai. Thức hiện tại chẳng phải là sự nhận biết về hiện tại.

Bồ Tát Vô Úy nên biết! Thành tựu đạo quả Phật quá khứ có ba việc thực hiện. Đó gọi là có tâm ban đầu, có tâm phát sinh và có tâm đối với chúng sinh.

Thế nào là tâm ban đầu?

Bồ Tát Vô Úy nên biết! Bản vô của Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác liền ở nơi ấy mà giáo hóa chúng sinh, cùng ngày, cùng lúc hết thảy đều thành tựu Phật Đạo. Đó gọi là tâm ban đầu.

Thế nào gọi là tâm phát sinh?

Đấy là tâm đã bị cấu nhiễm vừa được diệt trừ khiến tâm không còn bị ô nhiễm nữa.

Thế nào là tâm đối với chúng sinh?

Như có chúng sinh từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến cả trăm ngàn kiếp luôn bị chìm đắm trong phiền não sinh tử, nhưng bậc Đại Bồ Tát ấy đã dốc trừ hết thảy mọi phiền não cấu nhiễm trói buộc đối với chúng sinh cùng tế độ giáo hóa họ.

Này Bồ Tát Vô Úy! Đó gọi là ở trong quá khứ thành tựu ba việc. Bồ Tát Vô Úy nên rõ, Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác đối với đời vị lai cũng sẽ gồm đủ ba pháp.

Những gì là ba pháp?

Như tâm Như Lai chưa thọ nhận sự việc hiện tại thì điều ấy cũng sẽ tiến tới.

Lại nữa, này Bồ Tát Vô Úy! Tâm vị lai đã trải qua một ngày liền bị cấu nhiễm, Đại Bồ Tát cần nên dứt trừ mọi trần cấu nơi ngày ấy.

Này vị Tộc Tánh Tử! Nên biết, thời vị lai di chuyển từ một kiếp đến trăm kiếp, cho đến cả vô số A tăng kỳ kiếp thì Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác thảy nhận biết về thân ấy cùng với mọi phiền não cấu uế. Đó gọi là ở trong vị lai luôn gồm đủ ba pháp.

Đức Phật bảo vị Tộc Tánh Tử: Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác, ở trong hiện tại cũng sẽ gồm đủ ba pháp ấy.

Những gì là ba pháp?

Trong hiện tại, thức ban đầu chưa bị phiền não cấu nhiễm, liền khiến thức ấy trong một ngày đạt được giải thoát. Nếu trong một ngày, hai ngày liền sinh phiền não cấu nhiễm thì có thể diệt trừ hết mọi cấu nhiễm trong một ngày, hai ngày đó. Như thế thì các vị Đại Bồ Tát ấy mới thành tựu Phật Đạo.

Đức Phật bảo các vị Tộc Tánh Tử: Nếu đối với hiện tại, từ một thân đến trăm ngàn thân dấy sinh các thứ phiền não cấu nhiễm thì Bồ Tát cũng đều nhận biết và dứt trừ.

Đó gọi là Đại Bồ Tát ở trong hiện tại gồm đủ ba pháp.

Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Úy: Về quá khứ, với tâm ban đầu, chỉ trong một ngày hóa độ hết, tức là Đức Phổ Thí Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thời quá khứ. Về quá khứ, với tâm phát sinh, khiến mọi chúng sinh đều được đội ơn hóa độ ấy, tức là Đức Vô Đẳng Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Về quá khứ với tâm vì chúng sinh, khiến mọi người đều được đội ơn tế độ ấy, tức là Đức Nguyên Bản Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Về vị lai, với tâm ban đầu, khiến mọi người đều được đội ơn tế độ ấy, tức là Đức Không Sắc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Về vị lai, trong một hai ngày, đều được đội ơn hóa độ ấy, tức là Đức Không Môn Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Về vị lai, với vô số thân được đội ơn hóa độ ấy tức là Đức định Ý Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Về hiện tại, với tâm ban đầu thảy đều được hóa độ ấy, tức là Đức Vô Thân Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Về hiện tại, với một hai thân đều được hóa độ ấy, tức là Đức Thiện Tinh Tú Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Về hiện tại, với vô số thân đều được hóa độ ấy tức là Đức Nguyệt Quang Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này vị Tộc Tánh Tử! Đối với chín loại ấy, chí hướng của Bồ Tát sẽ chọn nẻo nào?

Là muốn theo tâm ban đầu, thời quá khứ chăng?

Hay là tâm phát sinh, thời quá khứ chăng?

Hoặc tâm vì chúng sinh, thời quá khứ chăng?

Là muốn theo tâm ban đầu, tâm một hai ngày, tâm vô số kiếp thời vị lai chăng?

Hoặc là muốn theo tâm ban đầu, tâm một hai ngày hay tâm vô số thời hiện tại chăng?

Bấy giờ Bồ Tát Vô Úy liền đến trước Đức Phật thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như con lúc mới phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, chưa có thể tự nhận biết là mong cầu con đường nào. Nay được nghe Đức Như Lai nói về chín nẻo hành hóa thì hiện tại con xin bắt đầu phát tâm với thệ nguyện hết sức lớn lao nhằm đạt được tâm ban đầu, chưa thọ nhận trần cấu ấy của thời quá khứ.

Đức Phật nói: Thôi, thôi! Bồ Tát hãy nên thận trọng! Bồ Tát như thế là đã rơi vào sự tham chấp đối với tâm ban đầu.

Là vì, làm sao mà chỉ có được tâm ban đầu lại có thể thành tựu Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Điều ấy là không thể được.

Bồ Tát Vô Úy thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nay đối với tâm ban đầu của quá khứ đã không thể đứng vững, con nguyện mong được tâm phát sinh của quá khứ để hóa độ chúng sinh thảy cùng đạt được trí tuệ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đức Phật nói: Bồ Tát nay đã vượt qua được cõi bị rơi rớt xuống hàng thấp kém, nhưng chưa có thể đạt được đủ những thành tựu để tế độ chúng sinh, đưa họ tới đạo quả vô thượng bồ đề.

Bồ Tát Vô Úy lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Làm thế nào đối với chúng sinh bị phiền não cấu nhiễm ở quá khứ, phát tâm với thệ nguyện rộng lớn thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác để hóa độ họ, được chăng?

Đức Phật nói: Không được!

Vì sao?

Vì vô số chúng sinh quá khứ đã bị diệt mất, đã không còn, chẳng phải là những thân mạng đang có nơi hiện tại để dứt sạch hết mọi phiền não cấu nhiễm. Do vậy, nên chẳng thành tựu được đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác.

Bồ Tát Vô Úy thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con nay đối với quá khứ ba phần đều vĩnh viễn không đạt được chăng?

Đức Phật nói: Đối với cả trên dưới đều không thích hợp nên không thành tựu được đạo quả tối thượng.

Vì sao?

Vì gốc phát tâm với thệ nguyện rộng lớn của Bồ Tát chẳng phải đối tượng này, cũng chẳng phải đối tượng kia, nên không thành tựu được.

Bồ Tát Vô Úy thưa: Kính bạch Thế Tôn! Vậy thì nay con muốn lìa bỏ vị lai một hai tâm, lìa bỏ mọi phiền não cấu nhiễm ở vị lai, lại có thể theo tâm ban đầu của hiện tại để thành tựu được đạo quả Vô thượng chăng?

Đức Phật nói: Chẳng được! Về gốc phát ý của Bồ Tát, tâm bị ràng buộc vào cái đang có. Như Lai Vô Thượng, Chánh Giác, theo sự hóa độ kia để quan sát nhận thấy các Quốc Độ, luôn thích hợp để có sự gắn bó với cái đang có, chẳng phải như bản nguyện của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Úy thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Ở trong vị lai lìa bỏ một tâm hai tâm, lại ở trong vị lai lìa bỏ mọi phiền não cấu nhiễm của chúng sinh. Lại ở nơi hiện tại lìa bỏ chúng sinh hiện tại.

Phải chăng đối với hiện tại, một tâm hai tâm đối với chúng sinh, có thể khiến thành tựu được đạo quả Vô thượng chăng?

Đức Phật nói: Không được.

Vì sao?

Vì nơi gốc phát ý của Bồ Tát, tâm đã buộc chặt với cái hiện có, chẳng phải là bản nguyện của mình.

Bồ Tát Vô Úy thưa: Kính bạch Thế Tôn! Ví như lìa bỏ một tâm, hai tâm. Lại lìa bỏ những phiền não cấu nhiễm của chúng sinh vị lai. Lại lìa bỏ tâm ban đầu của hiện tại. Lại lìa bỏ một tâm hai tâm của hiện tại.

Nay muốn phát nguyện đối với những phiền não cấu nhiễm nơi hiện tại của chúng sinh, thì có thể đạt được chăng?

Đức Phật nói: Không được.

Vì sao?

Vì đã vượt quá cảnh giới ấy.

Bồ Tát Vô Úy thưa: Hiện nay, Đức Như Lai ở trong chín pháp ấy là nhằm vào cõi nào?

Đức Phật nói: Ta đã lìa bỏ ba pháp quá khứ, ba pháp vị lai và ba pháp hiện tại.

Bồ Tát Vô Úy thưa: Lại có thể ở nơi tâm ban đầu của vị lai thành tựu Bậc Chánh Giác, khiến cho chúng sinh vị lai với tâm ban đầu thành tựu được đạo quả vô thượng chăng?

Đức Phật nói: Không được.

Vì sao?

Vì thân của Bồ Tát chẳng phải là vị lai, làm thế nào để đạt được Bậc Vô Thượng, Chánh Giác hóa độ chúng sinh vị lai?

Điều ấy là không thể được.

Bồ Tát Vô Úy thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con nay đã làm rơi rụng mất tâm ban đầu của vị lai, lại muốn phát thệ nguyện lớn, đối với vị lai một hai tâm thành tựu được đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác chăng?

Đức Phật nói: Được vậy! Đúng với sở nguyện của Bồ Tát.

Vì sao?

Vì gốc của Bồ Tát từ vô số A tăng kỳ luôn phát tâm rộng lớn với thệ nguyện sâu xa. Liền ở nơi thân này sẽ thăng lên Thế Giới thanh tịnh thuộc phương trên và ở cõi ấy thành Phật, hiệu là Vô Úy Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Vô Úy đã được Đức Phật thọ ký nên hết sức hoan hỷ, tức thì trông thấy Thế Giới Thanh tịnh với mọi chốn giáo hóa chúng sinh như mình không khác.

Vì sao?

Vì đều do uy thần của Phật đã khiến cho Bồ Tát thảy đều trông thấy đầy đủ.

Bấy giờ Bồ Tát Vô Úy thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Con nay lại xin phát tâm với thệ nguyện lớn, cúng dường vô số hằng sa Chư Phật, nguyện hóa độ cho chúng sinh bị phiền não cấu nhiễm ở vị lai, ngay trong cõi ấy thành tựu được đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác, có thể đạt được chăng?

Đức Phật nói: Chưa được! Bồ Tát từ lúc cầu đạo đến nay, tâm chẳng giữ được nẻo giữa để dứt trừ hai phía phiền não cấu nhiễm trong chúng sinh. Có được như vậy thì mới thành Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần