Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trưởng Giả
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TRƯỞNG GIẢ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở trong rừng sâu Lộc Dã, tại núi Thiết Thủ Bà La, thuộc nước Bà Kỳ.
Bấy giờ có Trưởng Giả Na Câu La đã một trăm hai mươi tuổi, già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh khổ mà vẫn muốn diện kiến Đức Thế Tôn, cùng các Tỳ Kheo thân quen đáng kính trước đây.
Ông đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi sang một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con đã già nua, yếu đuối, bệnh khổ, tự gắng sức đến yết kiến Đức Thế Tôn cùng các vị Tỳ Kheo thân quen đáng kính trước đây.
Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con luôn luôn được an lạc.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo gia chủ Na Câu La: Lành thay! Gia chủ, thật sự ông đã già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh hoạn, mà có thể tự mình đến diện kiến Như Lai cùng các Tỳ Kheo thân quen đáng kính khác. Gia chủ nên biết, ở nơi cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì gia chủ Na Câu La, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi ngồi im lặng. Sau khi gia chủ Na Câu La nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ vui mừng, lễ Phật mà lui.
Lúc ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất đang ngồi dưới một bóng cây cách Phật không xa. Gia chủ Na Câu La đến chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, đảnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi sang một bên.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi gia chủ: Hiện tại các căn của gia chủ vui vẻ, nhan sắc sáng tươi, có phải đã nghe pháp sâu xa từ nơi Thế Tôn rồi chăng?
Gia chủ Na Câu La bạch Ngài Xá Lợi Phất: Hôm nay Đức Thế Tôn vì tôi nói pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Vì nước pháp Cam Lộ rưới vào thân tâm tôi, cho nên nay các căn của tôi vui vẻ, nhan sắc sáng tươi.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi gia chủ: Đức Thế Tôn đã vì ông nói những pháp gì, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nhuần thấm nước Cam Lộ?
Gia chủ Na Câu La bạch Ngài Xá Lợi Phất: Con đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn rằng con đã già nua, yếu đuối, khổ hoạn, tự con đến diện kiến Đức Thế Tôn cùng các Tỳ Kheo thân quen đáng kính.
Đức Phật bảo con: Lành thay! Gia chủ, ông thực sự đã già nua, yếu đuối, khổ hoạn, mà có thể tự nỗ lực đến gặp ta cùng các Tỳ Kheo thân quen đáng kính trước đây.
Bây giờ đối với thân khổ hoạn này, ông thường nên ở nơi cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn. Đức Thế Tôn đã vì con nói pháp như vậy, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nước cam lộ nhuần thấm.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi gia chủ: Vừa rồi sao ông không hỏi lại Đức Thế Tôn, thế nào là thân bị bệnh khổ, là tâm bị bệnh khổ?
Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ?
Gia chủ đáp: Vì lý do này nên con đến gặp Tôn Giả, xin vì con nói tóm lược pháp yếu.
Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo gia chủ: Lành thay! Gia chủ, nay ông hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông mà nói. Kẻ phàm phu ngu si không học, đối với sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, vị ngọt của sắc, sự xuất ly sắc không biết như thật.
Vì không biết như thật nên ái lạc sắc, nói rằng sắc là ngã, là ngã sở, rồi chấp thủ, nhiếp thủ. Khi sắc này hoặc bị hư hoại, hoặc bị biến đổi. Tâm thức cũng tùy theo mà biến chuyển, khổ não liền sanh.
Khi khổ não đã sanh thì phát sinh sự sợ hãi, sự chướng ngại, sự hoài vọng, sự lo nghĩ buồn khổ tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là bệnh khổ của thân tâm.
Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ?
Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về xuất ly của sắc.
Khi đã biết như thật rồi thì không sanh ra ái lạc, thấy sắc là ngã, hay ngã sở. Sắc này nếu biến dịch hay đổi khác đi nữa, thì tâm cũng không thay đổi theo mà sanh ra khổ não.
Khi tâm đã không biến chuyển theo mà sanh ra khổ não rồi, thì được sự không sợ hãi, chướng ngại, tiếc nuối, lo nghĩ, buồn khổ, tham luyến.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ. Khi Tôn Giả Xá Lợi Phất nói pháp này, gia chủ na câu la đạt được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, gia chủ Na Câu La thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua được mọi sự hồ nghi mà không do ai khác, ở trong chánh pháp tâm đạt được vô sở úy, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chắp tay bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất: Con đã vượt qua, đã được độ thoát.
Nay con xin nương về Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, làm người Ưu Bà Tắc. Xin Ngài chứng biết cho con. Nay con xin nguyện suốt đời nương về Tam Bảo.
Sau khi gia chủ Na Câu La đã nghe những gì Tôn Giả Xá Lợi Phất nói rồi, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra đi.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Thân Vô Vi
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám Mươi Bảy - Phẩm Như Hóa
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Sáu - Phẩm Sát Na Phẩm
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Malunkyaputta
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Bốn - Phẩm Thiên đế - Phần Ba