Phật Thuyết Kinh đại Thừa Hiển Thức - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA HIỂN THỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường  

PHẦN BỐN  

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Thức này rỗng lặng, vi diệu, không hình chất, không tướng trạng, không thể giữ lấy, tìm kiếm, vì sao có thể nắm giữ được những chúng sinh thân lớn như voi v.v…, dù thân vững chắc như kim cương mà có thể xuyên suốt vào.

Hoặc như thân trượng phu tráng kiện, sức địch nổi chín voi vẫn có thể nắm giữ được?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Ví như gió thổi không chất, không hình, ở trong hang sâu, lỗ hổng, giữa vách đá, gió ấy thổi cực mạnh làm nghiêng đổ núi Tu Di, làm vỡ ra thành những hạt bụi.

Này Vương Tử Đại Dược! Gió cực mạnh thổi tan núi Tu Di có sắc tướng thế nào?

Vương Tử Đại Dược bạch: Bạch Thế Tôn! Gió ấy vi diệu, không thể chất, không hình tướng.

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Gió ấy vi diệu không chất, không hình. Thức cũng như vậy, vi diệu, không chất, không hình.

Đối với thân lớn, thân nhỏ đều có thể nắm giữ. Hoặc thọ thân muỗi, hoặc thọ thân voi. Ví như ngọn đèn sáng, ánh đèn vi diệu đặt trong căn nhà tối, tùy theo căn nhà lớn hay nhỏ mà các bóng tối liền được dứt trừ. Thức cũng như vậy, tùy theo nhân của các nghiệp mà sự nắm giữ ấy là lớn nhỏ.

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Các tướng tánh của nghiệp đó như thế nào, do nhân duyên gì mà có thể hiện rõ?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Được sinh trong các Cõi Trời, ăn các món ngon, hưởng sự vui vẻ, an lạc, đây đều là do nghiệp quả đưa đến. Như người khát nước đi qua đồng trống vắng mênh mông, một người được nước trong lành mát mẻ thì vui mừng, một người không được nước phải chịu mọi khổ về khát mệt.

Người được nước không có người để đem cho. Người phải chịu khát, khổ cũng không bị ai ngăn ngại, chẳng hứa cho nước. Cả hai đều do nghiệp nhân nên thọ nhận quả báo khổ, vui khác nhau.

Vương Tử Đại Dược nên biết! Thấy nghiệp thiện ác như ánh trăng giữa hư không gồm hai phần sáng, tối, như trái cây sống, do hỏa đại tăng làm quả chín chuyển sang màu sắc khác nhau. Cũng vậy, thân này do phước tăng nên sinh vào dòng họ giàu có, cao quý, tài sản, vàng bạc đầy khắp.

Hoặc sinh vào các Cõi Trời thọ báo sung sướng, tự tại. Đây đều là tướng phước của nghiệp thiện hiện rõ. Ví như hạt giống gieo nơi đất mà quả hiện ra trên cây. Nhưng hạt giống đó không từ nơi cành nhập vào cành để đến ngọn cây được.

Chat, tách thân cây ra cũng không thấy hạt. Không có người đem hạt đặt trên cành. Cây lớn dần, rễ chắc chắn, tìm cũng không thấy hạt giống. Như vậy các nghiệp thiện, ác đều nương nơi thân, nhưng tìm nơi thân cũng không thấy nghiệp.

Như nhờ nơi hạt giống mà có hoa, nhưng trong hạt giống không có hoa. Nhờ hoa có quả, nhưng trong hoa không có quả. Hoa quả tăng trưởng dần cũng không thấy. Nhân nơi thân có nghiệp, nhân nơi nghiệp có thân, trong than không có nghiệp, trong nghiệp không có thân cũng như vậy. Như hoa rụng hết thì quả mới hiện ra.

Thân đã hoại diệt, nghiệp quả mới xuất bày. Như có hạt giống, thì nhân của hoa quả mới có đủ.

Như vậy, có thân, thì nhân của nghiệp thiện ác mới gồm đủ. Nghiệp ấy không hình cũng không hiện rõ tướng. Như bóng của thân người không thể chất, không bị ngăn ngại, không thể nắm giữ, ràng buộc nơi người, tiến, dừng, qua, lại tùy thân vận động. Cũng không thấy bóng từ thân mà ra. Nghiệp nơi thân cũng vậy.

Có thân, có nghiệp nhưng không thấy nghiệp trói buộc nơi thân, cũng không lìa thân mà có thể có nghiệp. Như các thứ thuốc uống với các vị đắng, cay, mặn, nhạt khác nhau, có thể chữa trị tất cả bệnh, khiến thân được khỏe mạnh, dung mạo tươi tốt, người trông thấy biết ngay là đã uống loại thuốc hay.

Vị thuốc ấy có công hiệu, nhưng không có hình tướng nhìn không thể thấy, khong thể nắm bắt, nhưng nhờ đó mà người uống được khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Nghiệp không có hình tướng, thể chất nhưng có thể hỗ trợ cho thân cũng như vậy.

Người tích tập nghiệp thiện thì được phước hưởng các thứ thức an, y phục đầy đủ, tay chân hình dáng đẹp đẽ, nhà cửa sang trọng, của báu chất đầy, an vui, vừa ý. Nên biết, đây là tướng của nghiệp thiện. Trái lại, sinh ra ở nơi biên địa, hạ tiện, bần cùng, đồ dùng thiếu hụt, ăn uống sút kém, hoặc không được ăn, tướng mạo xấu xí, hèn hạ.

Nên biết đây là tướng của nghiệp ác. Giống như gương sáng, soi thấy vẻ mặt tốt xấu, hình bóng trong gương không thể chất, giữ lại không được. Thức tích tập nghiệp thiện hay bất thiện cũng như vậy, có thể sinh trong hàng Trời, người, hoặc sinh trong các cõi địa ngục, súc sinh.

Này Vương Tử Đại Dược! Nên nhận thấy nghiệp cùng thức hòa hợp, chuyển hóa như vậy.

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Làm sao thức vi tế có thể nắm giữ các căn, giữ lấy thân to lớn?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Ví như người thợ săn vào chốn núi rừng, cầm cung bắn mũi tên độc trúng con voi quý. Tên độc thấm vào máu, chất độc truyền khắp thân voi, các bộ phận trên thân voi đều bị tan hoại, chất độc lan nhanh làm cho thân chuyển thành các màu sắc xanh, đỏ giống như huyết đọng. Chất độc giết voi rồi liền chuyển hóa.

Ý ông nghĩ sao?

Chất độc cùng với thân voi nhiều ít lớn nhỏ có thể so sánh được chăng?

Vương Tử Đại Dược bạch: Bạch Thế Tôn! Chất độc cùng với thân voi, nhiều ít lớn nhỏ, lượng ấy rất khác xa, không thể đối chiếu. Như đem hạt cải so vơi núi Tu Di.

Này Vương Tử Đại Dược! Như vậy, thức bỏ thân này do giữ lấy các căn, bỏ các cảnh giới ấy tùy theo nghiệp chuyển hóa.

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Vì sao thức vi tế lại có thể nắm giữ thân to lớn mà không mệt mỏi?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Núi chúa Tu Di cao tám vạn bốn ngàn do tuần. Hai vị đại Long Vương là Nan Đà và Ô Ba Nan Đà nhiễu quanh núi ba vòng. Khi hai đại Long Vương này dừng lại, làm chấn động nui Tu Di, khiến nước trong biển biến thành độc. Hai đại Long Vương Hòa Tu Cát và Đức Xoa Ca cũng có sức mạnh như vậy.

Ý ông nghĩ sao?

Thức của bốn rồng chúa cùng với thức của con muỗi, con ve có khác nhau không?

Bạch Thế Tôn! Thức của bốn con rồng chúa và con muỗi, con ve đều không khác nhau.

Này Vương Tử Đại Dược! Như đưa một ít giọt chất độc Bạt thốna bà vào miệng bốn con rồng, bốn con rồng liền chết.

Ý ông nghĩ sao?

Giọt nhỏ thuốc độc Bạt thố na bà và chất độc trong miệng rồng kia, chất độc nào lớn?

Vương Tử Đại Dược bạch: Bạch Thế Tôn! Chất độc trong miệng rồng là lớn, còn chất độc nơi giọt thuốc độc kia thật là nhỏ.

Này Vương Tử Đại Dược! Chúng sinh với thân to lớn, sức mạnh địch cả chín voi. Còn thức thì vi diệu, không sắc, không hình, không phân biệt về lượng, tùy theo nghiệp lực mà nắm giữ cũng lại như vậy. Như hạt Ni cù đà là rất nhỏ, hạt giống sinh ra cây phát triển rộng lớn, cành nhánh có tới hàng trăm ngàn.

Ý ông nghĩ sao?

Hạt ấy cùng với cây lớn, nhỏ giống nhau chăng?

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Hạt đó cùng với cây hình tướng lớn nhỏ thật khác xa, như lỗ hổng nhỏ trong ngó sen so với cõi hư không.

Như vậy, này Vương Tử Đại Dược! Cây ở trong hạt tìm không thể được, nhưng nếu không do nơi hạt thì cây không thể sinh. Hạt Ni cù đà rất nhỏ, có thể sinh ra cây lớn. Thức vi tế có thể sinh ra thân to lớn. Trong thức cầu tìm thân, thân không thể có được, nhưng nếu bỏ thức đi thì thân không thể có.

Vương Tử Đại Dược lại bạch Phật: Vì sao chất kim cang kiên cố không thể hủy hoại thức, mà chỉ hoại những nơi nguy hại, chóng suy yếu trong thân?

Phật bảo: Này Vương Tử Đại Dược! Ví như người nghèo cùng được ngọc báu như ý, nhờ uy lực của ngọc báu nen có nhà cửa, cung điện cao rộng đẹp đẽ, vườn rừng cây cối tốt tươi, hoa quả sum suê, voi ngựa, người hầu, vật dụng tự nhiên đưa đến đầy đủ.

Người đó về sau mất ngọc báu như ý, thì các thứ vật dụng tạo của cải giàu có an lạc cũng không còn. Ngọc báu thần như ý bền chắc cho dù ngàn chất kim cương cũng không thể hủy hoại, nhưng chỗ sinh ra vật dụng của cải thì hư giả, vô thường, mau chóng tan diệt. Thức cũng như vậy, bền chắc không hoại, nhưng thân được thức sinh ra thì chóng hoại diệt.

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Thức mềm mại vi diệu làm sao xuyên vào các loại hình sắc thô cứng?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Như thể của nước hết sức mềm mại, nhưng chảy làm xói mòn, suối nước từ cao có thể chảy xuyên qua núi đá, ý ông nghĩ sao?

Tính chất của nước và đá cứng, mềm như thế nào?

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Chất đá rắn chắc giống như kim cương, chất nước mềm mại như các tiếp xúc êm mát.

Này Vương Tử Đại Dược! Thức cũng như vậy, hết sức vi diệu, rất là mềm, nhưng có thể xuyên qua hình sắc nơi thân tướng to lớn, cứng chắc như kim cang để chuyển nhận thọ quả báo.

Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh bỏ thân này làm sao sinh trong các Cõi Trời, cho đến sinh nơi địa ngục?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Chúng sinh khi sắp chết người tạo nghiệp nơi phước, bỏ sự thấy của mình đạt được sự thấy vi diệu của Chư Thiên, nhờ vậy mà thấy được sáu Cõi Trời nơi Dục Giới và sáu đường, thấy thân dao động, thấy cung điện nơi Cõi Trời, vườn hoan hỷ, các loại vườn hoa.

Lại thấy cung điện hoa sen của Chư Thiên có các kỹ nữ xinh đẹp hầu hạ vây quanh, cười nói đùa giỡn, tai đeo các hoa, mặc áo kiều xa da, cổ tay mang vòng xuyến, đủ các thứ trang sức. Hoa thường nở rộ, các thứ vật dụng được bày biện đầy đủ. Nhìn thấy các Thiên Nữ tâm liền tham đắm, hoan hỷ vừa ý, mặt mày vui vẻ, rạng rỡ như hoa sen, nhìn không lẫn lộn, mũi không cong gãy, hơi miệng không hôi, mắt trong sáng như cánh sen xanh.

Các phần trên thân không bị thống khổ. Mắt, tai, mũi, miệng không bị ra máu, không mất đại tiểu tiện, không kinh sợ khiến các lỗ chân lông hiện rõ, lòng bàn tay không chết, lớp da dày màu vàng không bị xanh đen. Tay chân không rối loạn cũng không bị co rút.

Các tướng tốt hiện rõ, thấy ở trong hư không có cung điện lớn, hàng trăm ngàn cột chạm trổ rất đẹp, các chuông treo, lưới rủ xuống hòa cùng tiếng gió thổi, âm thanh phát ra nghe vui thích, đủ thứ hương hoa để trang hoàng bảo điện, các đồng tử Cõi Trời, thân trang sức các thứ báu dạo chơi trong cung điện, nhìn thấy mỉm cười, răng lộ ra như hoa quân đồ, mắt không mở to, cũng chẳng nhắm lại, lời nói dịu dàng, thân không quá lạnh cũng không quá nóng, quyến thuộc vây quanh, không có sự buồn khổ.

Lúc Mặt Trời mới mọc sẽ bỏ thân mạng, được thấy rõ ràng không bị tối tăm, những mùi hương lạ thơm lừng từ bốn phương bay vào, thấy oai nghi của Phật thì hoan hỷ kính trọng.

Thấy rồi thì mọi sự ham thích đều từ bỏ, giống như đang đi bỗng dừng lại, nhận biết sự gần gũi an ổn, không bị chuyển theo, ưu sầu khổ não. Pháp như vậy sinh ắt sẽ chết, chớ vì phân biệt mà sinh khổ đau.

Này Vương Tử Đại Dược! Người tạo nghiệp thiện đến lúc sắp chết, thường thích bố thí, thích các thứ kệ tán, đủ thứ ánh sáng, tuyên dương chánh pháp, như ngủ hoặc không ngủ, xả bỏ thân mạng đều an ổn. Khi sắp lìa bỏ thân cũ, Thiên Phu Thiên Mẫu cùng ngồi một tòa, trong tay Thiên Mẫu tự nhiên hoa nở.

Thiên Mẫu thấy hoa bảo với Thiên phụ: Thật là phước lành, quả tốt hiếm có. Hôm nay, nên biết sự vui mừng của các con thời gian không còn lâu nữa.

Thiên Mẫu bèn dùng hai tay mân mê, lay động nơi hoa, lúc đang mân mê cánh hoa, mạng sống liền chấm dứt.

Thức vô tướng kia xả bỏ các căn, nắm giữ các nghiệp cảnh, xả bỏ các cõi, giữ lấy sự việc nơi cõi để dời chuyển thọ nhận quả báo khác. Giống như cỡi ngựa, bỏ một con cỡi một con. Như Mặt Trời thích phát ra ánh sáng, như cây sinh lửa, như ánh trăng hiện rõ mặt nước lắng trong. Thức tích tập nghiệp thiện chuyển đổi được hưởng quả báo nơi Cõi Trời.

Như luồng gió thổi nhanh gởi vào trong hoa. Thiên phụ và Thiên Mẫu cùng trên tòa ngồi nhìn rõ. Gió dục của cam lồ thổi vào trong hoa bảy ngày. Ngọc báu trang sức trên thân phát ra ánh sáng rực rỡ, thiên đồng trong lành hiện rõ nơi tay Thiên Mẫu.

Vương Tử Đại Dược thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Thức không có hình tướng làm sao nhờ vào năng lực của nhân duyên mà sinh ra hữu hình?

Làm sao vật hữu hình lại ở trong nhân duyên?

Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Như cây hòa hợp cùng chạm nhau sinh ra lửa, lửa ấy tìm kiến trong cây không thể có được. Nhưng nếu bỏ cây thì cũng không được lửa. Do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra lửa. Nhân duyên không đầy đủ tức lửa không sinh. Tìm sắc tướng của lửa trong cây thì hoàn toàn không thể thấy. Nhưng đều thấy lửa từ trong cây phát ra.

Như vậy, này Vương Tử Đại Dược! Thức nhờ nơi nhân duyên của cha mẹ hòa hợp sinh ra thân hữu hình. Trong thân hữu hình tìm cầu không thấy thức, nhưng lìa thân hữu hình thì cũng không có thức.

Này Vương Tử Đại Dược! Như lửa chưa phát ra thì tướng của lửa không hiện bày, cũng không xúc chạm hơi ấm, các tướng đều không.

Như vậy, này Vương Tử Đại Dược! Nếu chưa có thân thì thức, thọ, tưởng, hành thảy đều không hiện được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần